The End of Fear

The End of Fear

Lần trước, trong bài viết về trường phái Siêu thực, nó có bật mí với mọi người rằng khoảng đầu năm nay nó đã vẽ một serie tranh để lưu lại những kỉ niệm mà nó sợ đến một ngày bản thân sẽ quên mất. Mọi người còn nhớ không?

Cũng kì cục nhỉ? Nó đã từng rất sợ quên và tin rằng thời gian thực sự cũng có sức mạnh kinh khủng lắm. Nhưng rồi dần dần nó nhận ra rằng cũng không hẳn vậy. Có lẽ trong vô thức não chúng ta bằng cách nào đó đã chọn lọc những kí ức thực sự quan trọng và cất chúng lại thật cẩn thận. Vì vậy nên có những loại kí ức mà cứ mỗi lần đứng trước nguy cơ bị quên lãng là chúng lại kéo ta về lần mò lật dở nhấn nhá thêm vài đường cho chừa cấm được quên. Chung quy lại vẫn là do chúng ta lựa chọn nhớ hay quên mà thôi. Tuy nhiên cái sự lựa chọn này thường nằm ngoài phần ý thức mà chúng ta có thể nắm bắt được.

“Fear of missing memories” là một cách để đưa hành trình “lần mò, lặt dở” những kí ức đã qua của nó ra khỏi sự mờ ảo của vô thức, và đồng thời cũng để nó tìm hiểu về cảm xúc của chính mình lúc nhìn lại chúng. Một kỉ niệm khi là hiện tại và khi đã trở thành quá khứ thực sự khác nhau rất nhiều. Nó tin là vậy.

Hành trình của nó như đã nói ở bài trước: Đầu tiên nó quay trở lại những nơi diễn ra những kỉ niệm ấy và chụp lại những chi tiết khiến nó liên tưởng đến chúng; xong xuôi thì nó chia chúng thành từng sự kiện rồi sắp xếp lại trên photoshop theo một thứ tự ngẫu nhiên mà nó cảm thấy hợp lí với cái logic của nó; cuối cùng tất nhiên là vẽ lại chúng một cách hoàn chỉnh.

IMG_0777

Không biết mọi người có giống nó không, khi nó nhớ về một kí ức thì trong đầu nó thường là sự lóe lên lần lượt của từng chi tiết thay vì là một bức tranh toàn cảnh. Vì thế nên bức tranh của nó cũng lộn xộn như cách nó nhớ về chúng vậy. Những chi tiết nào càng có ấn tượng mạnh, càng làm sống dậy những cảm xúc trong nó thì sẽ càng rõ nét và nổi bật hơn.

Thế rồi nó cho rằng những kí ức ấy theo thời gian sẽ dần biến dạng và chẳng còn hiện lên một cách nguyên vẹn như khi nó vẽ bức tranh ấy. Chúng sẽ phân tách thành từng mảnh. Có những chi tiết mờ dần rồi biến mất, cũng có những chi tiết cứ đi theo ta mãi. Vậy tại sao nó lại chọn cắt chúng thành hình chữ nhật? Có lẽ trông chúng giống những tầng kí ức ngổn ngang trong nó. Tuy nhiên, cũng phải thú thực là cách xử lí này không được hiệu quả cho lắm.

IMG_1027.jpg

Lúc ấy giáo viên đã gợi ý rằng sao nó không phá bức tranh này theo một cách khác, thật thoải mái theo đúng cảm xúc của mình?

Nhưng vì nộp bài xong rồi nên nó cứ thế bỏ qua cho đến tận bây giờ. Đúng lúc nó có bài tập trên lớp với chủ đề là “ça déchire!”. Tức là phải chọn một vật gì đó và xé ra để tạo thành một tác phẩm. Thế là nó quyết định xé tác phẩm nó ưng nhất trong serie đó, sau đấy dán lên một bức tranh nó đã bỏ dở từ 1 năm trước.

IMG_2190

Nó vẫn còn nhớ y nguyên cái cảm giác lúc xé bức tranh này. Đầu óc nó trống rỗng, có lẽ nó đã cố để không nghĩ gì, để không thấy tiếc nhưng ruột gan thì cứ lộn nhào, khó chịu. Nó phải mất đến 1 ngày sau đó mới cảm thấy thực sự hài lòng với bức tranh mới, thay vì bị ám ảnh bởi cảm giác tiếc nuối một tác phẩm ưng ý.

Điểm đặc biệt của bức tranh này là do được thực hiện vào 3 thời điểm khác nhau (khi kí ức là hiện tại, khi chúng vừa qua đi và khi ngoái đầu nhìn lại lần nữa). Vì vậy, toàn bộ diễn biến tâm lí và những thay đổi của nó trong 1 năm được gói gọn trong đó. Mỗi tầng của tác phẩm đến cuối cùng chỉ được nhìn thấy một phần. Nhưng không nhìn thấy không có nghĩa là không tồn tại. Bức tranh này với nó giống như một cách để biến những kí ức đã qua thành một hình hài khác, một sự kết thúc của nỗi sợ khi những kí ức biến thành vô hình.

We are the sum of all the moments in our lives – all that is ours is in them: we cannot escape it or conceal it.

Thomas Wolfe

Vẽ xong nó đã khoe với đồng chí cùng nhà. Và hắn thật sự đã khiến nó khá bất ngờ khi chỉ nhìn có vài giây mà hắn đã phán rằng:

“Tớ thấy loáng thoáng trong này có hình người.”

Không chỉ vậy, còn rất hào hứng nghiên cứu bức tranh, xoay tất cả các chiều để nhìn ra nhiều thứ mà đến nó cũng chẳng tưởng tượng nổi. Hắn thấy hình con chim, hình một bà lão đang đội mũ, hình mái nhà, tán cây rồi đường phố,v,v,…

Quả thật, người xem cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo nên nét đẹp của tác phẩm. Mỗi người sẽ có một cách hiểu khác nhau, phụ thuộc vào trải nghiệm, hiểu biết, ý kiến chủ quan của bản thân từ đó tạo nên sự phong phú trong ý nghĩa của tác phẩm. Hôm đó nó thực sự đã rất vui vì được nghe kể về những chi tiết “từ trên trời rơi xuống” ẩn sau bức tranh của chính mình. Cảm ơn anh em rất nhiều nhé!

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com