Art Therapy – Trị liệu và sự sáng tạo?

Art Therapy – Trị liệu và sự sáng tạo?

Bây giờ là 1 giờ đêm, cũng là khoảng thời gian ưa thích thường được nó dành ra để viết mầm. Một không gian yên tĩnh vừa đủ. Thỉnh thoảng có tiếng xe cộ phóng qua, vọng lên tầng 6 của tòa nhà, tan vào đôi ba câu chuyện người ta hàn huyên trong chiếc điện thoại của cô bạn phòng bên. Thêm một chút cà phê và một chút nhạc thế là đúng chuẩn.

Thú thực thì hôm nay là một ngày khá mệt với nó. Bình thường người ta mệt thì chỉ muốn ngủ còn nó thì lại thích bôi việc ra. Nửa đêm nửa hôm đi viết mầm. Ừ thì… công nhận là cũng có chút dở hơi nhưng nó chỉ muốn viết ra những điều xinh đẹp còn sót lại trong ngày và lấy lại tinh thần trước khi đi ngủ thôi mà. Giấc ngủ phải thoải mái thì hôm sau mới không héo queo, sống sượng. Đúng không nào?

Chuyện là sáng nay có chút thời gian rảnh rang, tâm tình vui vẻ, nó bèn ngồi check lại list những việc mà nó muốn làm trong 2 tháng hè sắp tới. Nó tính học kĩ năng mới, nuôi dưỡng sở thích mới. Chứ cứ ôm ukulele mãi, kể cũng chán. Mỗi gạch đầu dòng là một hạt mầm nuôi dưỡng bao mong chờ, háo hức trong nó. Nhưng mà dù cho kế hoạch đã lên khá chi tiết và kĩ lưỡng thì nó vẫn có cảm giác thiếu.

Tại sao lại thiếu? – Nó tự hỏi.

Có lẽ nó dự tính trang bị cho mình quá nhiều thứ mà quên không sử dụng chúng để trả lại cho cuộc đời một điều gì đó ý nghĩa. Nó chợt nhận ra điều này khi vô tình đọc được một bài viết trên Facebook chia sẻ bởi một người bạn của bố mẹ nó. Bài viết nói về lớp học vẽ miễn phí dành cho các em nhỏ bị bỏ rơi vì mang trong mình virus HIV.

47233949_757246517948673_848939155508428800_o
Lớp “Vẽ từ trái tim” dành cho trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt

Nó muốn đến đó hướng dẫn các em vẽ nên những khát khao và cả những tổn thương trong chính mình. Vì nghệ thuật đâu phải chỉ để trưng bày. Nghệ thuật vốn dĩ sinh ra là để kiếm tìm sự gắn kết và xoa dịu tâm hồn.

Nghĩ đến đây nó hí hửng lắm. Nó thậm chí đã vui mừng đến độ ngồi nghĩ ra một loạt ý tưởng tổ chức trò chơi để các em có thể cùng nhau sáng tạo nên những bức tranh ý nghĩa. Vậy nên, ngay sau khi đi làm thêm về nó đã liên lạc với người tổ chức lớp học và giờ thì đang mòn mõi chờ câu trả lời từ chị. Mong là mọi thứ suôn sẻ!

Thực ra trước khi liên lạc với lớp học nó cũng đắn đo ghê lắm…

… Nó không biết nếu chỉ có thể tranh thủ đến tham gia được 1-2 buổi thì liệu người ta có đồng ý không?

… Rồi thì bản thân nó có thể giúp được gì cho các em ấy?

Nhưng không thử sao biết.

Với câu hỏi đầu tiên thì nó chỉ có thể đợi.

Nhưng ít nhất ý định này đã thúc đẩy nó phải tự mình nhìn lại xem bản thân còn thiếu những kiến thức và kĩ năng gì cần phải trau dồi, để từ đó có thể giúp đỡ mọi người xung quanh nhiều nhất có thể.

Nó nghĩ lớp học vẽ này thực ra không chỉ là một không gian nghệ thuật, mà còn là nơi để các em có thể giải tỏa cảm xúc từ sâu bên trong và chữa lành những tổn thương mà các em không may phải gánh chịu.

Vậy nên trong lúc chờ đợi, nó sẽ tự mình giải quyết câu hỏi thứ hai bằng cách nghiên cứu về một phương pháp vô cùng đặc biệt, đó là sử dụng nghệ thuật và sự sáng tạo như một liệu pháp để trị liệu tâm lí.

Và phương pháp mà nó muốn nói đến ở đây chính là Art Therapy.

1. Vậy Art Therapy là gì?

Như nó đã chia sẻ trong một bài viết ngắn về Kim Noble, một nghệ sĩ mắc chứng rối loạn đa nhân cách (D.I.D – Dissociative Identity Disorder), Art Therapy là một cách điều trị tâm lí sử dụng phương pháp sáng tạo để giải mã các thông điệp, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về cảm xúc và hành vi của chính mình.

Trên lí thuyết thì là vậy.

Còn theo thực tế thì sao?

Qua những trải nghiệm mà nó có được trong quá trình học tập thì nó cảm thấy rằng bản thân khái niệm nghệ thuật đã là một sự tổng hòa đầy thú vị của thế giới khách quan bên ngoài, thế giới nội tâm bên trong và sự liên kết vô hình giữa chúng.

Sáng tạo nghệ thuật cũng giống như viết nhật kí vậy. Thông qua nghệ thuật, nó có thể tạo lập một phiên bản riêng tư của thế giới bên ngoài bằng cách hòa quyện những dòng nhận thức từ cảm tính đến lý tính. Quá trình sáng tạo thúc đẩy nó phải tự mình nhìn nhận và lắng nghe bản thân nhiều hơn. Khi nó hiểu bản thân vừa đủ và hiểu cách nó nhìn nhận những gì diễn ra xung quanh mình thì những ý tưởng mới sẽ tự tìm đến với nó. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm được tạo ra sẽ đều mang tính cá nhân và nói lên một phần con người nó. Tóm lại, nghệ thuật là một quá trình đòi hỏi con người phải tự giao tiếp với chính mình rồi từ đó thể hiện chúng ra bên ngoài bằng vô vàn những cách thức khác nhau.

Và có lẽ Art therapy cũng được bắt nguồn từ hai yếu tố “thấu hiểu” và “thể hiện” này.

2. Các nguyên tắc chính:

Có một điều mà chúng ta không nên lầm tưởng. Đó là khi nói đến Art Therapy có nghĩa là nghệ thuật chỉ đóng vai trò là phương tiện chứ không phải mục đích cuối cùng. Vì vậy các tác phẩm được hoàn thành không cần phải đẹp hay đạt được bất kì một tiêu chuẩn nghệ thuật nào. Điều duy nhất mà chúng ta cần quan tâm chính là những điều ẩn chứa bên trong. Mỗi tác phẩm sẽ đưa ta đến gần hơn với những trải nghiệm diễn ra trong quá khứ, những suy nghĩ giấu kín trong tiềm thức hay những ước mơ, khát vọng. Art Therapy giúp mở ra những cảm xúc mà con người muốn trốn tránh, không dám đối diện và buộc họ phải cố gắng suy nghĩ về chúng.

Ngoài ra, có một điều nó cảm thấy đặc biệt thú vị về Art Therapy, thuộc về quá trình trị liệu chứ không phải kết quả mà nó mang lại . Ví dụ như khi một người được yêu cầu vẽ ra những tổn thương của chính họ, nhưng dần dần trong quá trình trị liệu, người này lại vẽ ra một bức tranh khác hoàn toàn so với tưởng tượng ban đầu và cuối cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề của chính mình. Nó nghĩ quá trình sáng tạo chính là một cách để con người định hướng dòng chảy suy tư trong chính mình. Đồng thời cũng có thể hiểu rằng vai trò của một nhà trị liệu nghệ thuật nhiều khi không phải là cố gắng diễn giải tác phẩm sáng tạo, mà là hỗ trợ người tham gia trong quá trình biến đổi đó, và đồng hành cùng họ cho đến khi đạt được sự thông suốt nhất định.

3. 5 Hình thức trị liệu áp dụng nghệ thuật:

Tô màu

Tô màu là một hoạt động thúc đẩy sự tập trung, cho phép con người buông bỏ và không suy nghĩ về bất cứ điều gì. Chính vì vậy nó có tác dụng giảm thiểu căng thẳng, lo âu. Một số chuyên gia thậm chí tin rằng hiệu ứng của màu sắc có thể tương tự như thiền định. Nhiều manh mối về thế giới nội tâm của cá nhân có thể xuất hiện qua màu sắc được sử dụng hay đặc điểm nét bút,v,v,…

Đây cũng là hình thức trị liệu phổ biết nhất. Mọi người có thể dễ dàng tìm thấy vô số những quyển tập tô màu bán ở hiệu sách dành cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Mấy năm trước, có lẽ cũng vì sợ nó xa nhà tâm tình bất ổn, nên người chị họ lớn nhất nhà đã tặng cho nó quyển “Khu vườn bí mật”, khi ấy được coi là xu hướng thịnh hành. Người người nhà nhà tô màu. Giờ thì mọi người hiểu tại sao rồi nhé!

Kịch

Sân khấu kịch cũng có thể được sử dụng như một liệu pháp tâm lí. Hình thức này có nhiều bài tập khá là thú vị. Ví dụ như việc sử dụng con rối giúp cho người tham gia gặp gỡ phiên bản ẩn sâu bên trong của chính mình. Ngoài ra họ cũng có thể kể về một câu chuyện của chính mình, hay dựng một vở kịch dựa trên một kỉ niệm nào đó.

Nói đến đây nó chợt nhớ ra một tác phẩm của Jérôme Bel có tên là “Véronique Doisneau” mà nó được học trên lớp Danse Contemporaine. Tác phẩm này là chân dung về một nghệ sĩ múa ballet của l’Opéra de Paris. Tại đây, cô một mình đứng trên sân khấu, thực hiện buổi diễn cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Vở diễn này là sự kết hợp giữa những bước nhảy dung dị, mộc mạc với những hồi tưởng, góc nhìn cá nhân của người nghệ sĩ về những gì cô đã trải qua.

Nghỉ hưu là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một con người. Nó đem đến nhiều sự thay đổi trong đời sống nội tâm. Vở diễn cuối cùng này theo nó là một lần quay đầu nhìn lại, một sự tự ghi nhận cần có đối với Veronique để cô chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho một bước chuyển trong sự nghiệp của mình, rời xa ánh đèn sân khấu.

Âm nhạc

Tất nhiên rồi! Làm sao có thể thiếu âm nhạc được chứ. Âm nhạc là hoạt động giải trí không thể thiếu trong cuộc sống này. Âm nhạc tốt cho mọi người, cả về thể chất và tinh thần.

Cũng giống như những hình thức trị liệu khác, âm nhạc được sử dụng trong trị liệu theo 2 hướng tiếp thu (lắng nghe), và tích cực (sáng tác). Tức là tìm kiếm sự đồng cảm và giải tỏa cảm xúc dồn nén. Nhờ vậy có thể cải thiện nhịp tim, giảm lo lắng, kích thích não bộ và cải thiện năng lực học tập.

Nhảy

Nhảy/múa cho phép chúng ta giải phóng cảm xúc và thể hiện bản thân bằng cơ thể. Cũng theo nguyên tắc trị liệu nó đề cập ở phía trên, liệu pháp này tất nhiên không tập trung vào kĩ thuật hay bước nhảy, mà chỉ thuần túy là một sự biểu hiện cảm xúc, giải phóng cơ thể.

Nhiều người bạn từng hỏi nó:

“Ủa thế học danse contemporaine là học cái gì mà không thấy học động tác kĩ thuật gì  hết vậy?”

Còn nó thì cứ đùa rằng “học kiểu mì ăn liền”.

Bởi lẽ với mỗi bài biểu diễn, chúng nó không hề diễn tập trước. Những gì chúng nó được học là làm sao để từ một ý tưởng có thể ngay lập tức biến thành một màn trình diễn độc đáo chỉ bằng những chuyển động thông thường mà ai cũng có thể làm được.

Nó còn nhớ có lần thầy hướng dẫn giao cho chúng nó một bài tập khá là dễ thương. Mỗi người sẽ chọn cho mình một vị trí cố định trên sân khấu và một hoạt động thường ngày. Khi tiếng nhạc phát lên, tất cả sẽ thực hiện động tác mình đã chọn sau đó chạy tứ tung, rồi về lại vị trí tiếp tục hành động đó, cứ như thế lặp đi lặp lại. Mỗi người với một nhịp điệu khác nhau, kết hợp lại tạo nên một sự nhộn nhịp đa dạng của bài biểu diễn. Với bài tập này thì nó chọn ngồi gấp quần áo rồi phá tung ra rồi lại gấp lại. Còn các thanh niên khác, đứa thì đứng đóng mở chiếc cửa sổ ở góc phòng, đứa thì tập gym, đứa thì chải tóc,v,v,… (nó không nhớ hết được).

Mà có lẽ mọi người sẽ thắc mắc “như thế sao có thể gọi là nhảy?”.

Nhưng thực ra đơn giản như bước đi trong Danse contemporaine cũng đã rất khác với bước đi hàng ngày. Khác biệt ấy nằm ở chính sự kiểm soát mà chúng ta đặt lên chuyển động đó, cách mà chúng ta cảm nhận về chính mình, về chuyển động của cơ thể và dòng suy nghĩ chạy bên trong, về môi trường xung quanh (không gian, thời gian) và sự liên kết giữa chúng.

Có một nghịch lí là những người giỏi kĩ thuật thì chưa chắc đã giỏi nhảy kiểu “mì ăn liền” và ngược lại. Tất nhiên người siêu đỉnh sẽ là người biết cách kết hợp giữa bước nhảy điêu luyện và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề mà nó muốn nói đến ở đây. Điều nó muốn nói đến là mối liên hệ giữa nhảy và thế giới nội tâm con người.

Với bài tập trên kia, thầy giáo chia lớp nó thành hai nhóm, vậy nên nó không những đóng vai trò là người tham gia mà còn được làm một kẻ đứng ngoài quan sát. Điều thú vị mà nó thấy được qua trải nghiệm này, đó là cảm xúc mà mỗi người đặt vào chuyển động không hề giống nhau, cũng không đơn thuần chỉ là sự hào hứng khi tham gia một trò chơi. Mà dường như những buồn vui, cáu giận, nhàm chán, nổi loạn, tất cả đều được thể hiện một cách vô thức qua cường độ, nhịp điệu hay cách thức mà mỗi người thực hiện hành động đã lựa chọn. Với nó thì đây cũng là một cách để giải tỏa và khám phá những ẩn chứa bên trong nội tâm của chính mình.

Nghệ thuật thị giác

Vẽ, cắt dán, điêu khắc, nhiếp ảnh,v,v,… Có vô số công cụ để thực hiện một quá trình sáng tạo cho mục đích trị liệu. Bằng cách quan sát cấu trúc của tác phẩm, màu sắc, cách liên kết các ý tưởng, người tham gia có thể tìm ra ý nghĩa cho tác phẩm của chính mình, từ đó truyền cảm hứng thực hiện những thay đổi để cải thiện cuộc sống.

Và đây cũng là hình thức thân thuộc nhất với nó. Nhiều lúc nó thấy, bộ não giống như chiếc hộp. Còn nó thì hay đi nhặt nhạnh những khoảnh khắc mang về giấu. Tích trữ lâu ngày tự khắc sẽ đầy. Quá trình tạo ra các tác phẩm chính là cơ hội để nó đổ bớt những gì chất chứa trong chiếc hộp ra ngoài, mân mê, liên kết chúng tạo thành một hình hài mới để rồi sau đó có thể vô tư tiếp nhận những mới mẻ xinh đẹp của cuộc sống.

Mỗi lần tìm ý tưởng là một lần nó tự hỏi:

“Bản thân mình đang nghĩ gì? Cảm thấy như thế nào?”

Khi nó trả lời được những câu hỏi này, cũng là lúc nó phát hiện ra một điều gì đó về chính mình mà nó chưa từng thấy trước đây và từ đó nó biết bản thân mình cần phải làm gì. Ví dụ như bức tranh dấu ba chấm thực ra cũng là một cách để nó tự gỡ rối cho chính mình.

Chính vì vậy nghệ thuật với nó không chỉ đơn thuần là quá trình sáng tạo mà còn là những ẩn dụ phi ngôn từ có tác dụng chữa lành kì diệu. Mỗi tác phẩm được tạo ra đều có ý nghĩa đặc biệt đối với nó.

D30764C1-1B6E-4795-80BC-1BE4E8C35580
Như bức tranh này, nó mất 1 tháng để hoàn thành. Mỗi ngày nó thêm vào và chỉnh sửa một vài chi tiết. Mỗi chi tiết tương ứng với một cảm xúc, một dòng suy nghĩ trong nó. Và đến cuối cùng, bức tranh tự nhiên chẳng còn giống với những tưởng tượng ban đầu. Nó là một sự hòa trộn phức tạp giữa những ẩn chứa trong từng chi tiết và cảm xúc của nó khi vẽ chúng.

4. Vậy Art Therapy dành cho những ai?

Viết nãy giờ mới phát hiện ra, hình thức nào nó cũng được thử qua rồi. Phải chăng tinh thần nó không được bình thường cho lắm?

Nhưng mọi người biết đấy.

Ai mà chẳng có những tâm tư giấu kín. Hơn nữa, những tâm tư ấy đâu phải chỉ có buồn, mà còn có vui, không chỉ tiêu cực mà còn rất nhiều tích cực. Nghệ thuật giúp nó chuyển từ buồn thành vui, từ một niềm vui thành nhiều niềm vui bằng cách lan tỏa chúng đến với mọi người xung quanh.

Vậy nên có thể hiểu, Art Therapy dành cho tất cả mọi người. Những ai muốn tìm về an yên và thanh thản. Tất nhiên liệu pháp này đặc biệt tập trung dành cho những người gặp trở ngại nghiêm trọng trong việc nhìn nhận những vấn đề tinh thần của chính mình:

  • Người mắc bệnh về sức khỏe tinh thần
  • Người gặp khó khăn trong học tập
  • Người mắc chứng mất trí nhớ
  • Người cao tuổi
  • Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hay các bệnh nan y khó chữa
  • Những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương
  • Tù nhân
  • Trẻ em (và cả người lớn) mắc chứng tự kỉ
  • Những người gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc

Và còn một điều cuối cùng mà nó còn chưa nhắc đến ở phía trên…

5. Đó là: Ai cũng cần được đồng cảm

Cũng giống như việc một tác phẩm làm ra cần có người thưởng thức, thì tín hiệu được truyền đi cũng cần có người lắng nghe. Ngoài sự thấu hiểu với chính mình, mỗi người để có thể nâng cao sức khỏe tinh thần còn cần một liều thuốc đặc biệt đó là sự đồng cảm.

Nó nhận ra rằng, con người khi phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực thì cảm giác được lắng nghe, được thấu hiểu và chấp nhận mới chính là những điều cần thiết nhất. Câu trả lời cho những vướng mắc nội tâm, chỉ riêng bản thân mỗi người mới có thể tìm ra. Nhưng chính niềm tin được đặt vào đúng thời điểm mới là món quà đáng quý nhất. Chính những cái chạm tâm hồn ấy mới là điều cứu rỗi con người ta, để họ có thể bất chợt cảm thấy mình may mắn và nhận ra rằng:

“À thì ra tôi không một mình.”

Đây cũng là lí do mà một nhà trị liệu nghệ thuật nên là người bạn đồng hành, đặt trọn vẹn niềm tin vào năng lực của người tham gia thay vì phân tích đúng-sai của vấn đề và đưa ra giải pháp. Vì thực ra con người chẳng thể thay đổi được ai trừ chính mình. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là truyền cho họ niềm tin rồi tự họ sẽ nhìn nhận lại và dần dần hồi phục theo một cách riêng.

Viết đến đây cũng là lúc mà nó nhận được câu trả lời đồng ý từ người tổ chức lớp học vẽ. Đồng thời, trong lúc chờ đợi, nó cũng đã tranh thủ than thở với một người chị họ mẫu mực của gia đình. May mắn thay, vô tình nó lại được chị giới thiệu cho một lớp học vẽ dành cho trẻ tự kỉ ở Hà Nội. Như vậy là nó có thể tranh thủ đến đó thường xuyên hơn.

Thế là đủ cho một mùa hè!

Mong là nó có thể giúp ích được ít nhiều cho hai chị và các em nhỏ.

4 bình luận cho “Art Therapy – Trị liệu và sự sáng tạo?”

  1. Ảnh đại diện anhphuonghoang

    Bạn có thể chia sẻ những địa chỉ mà bạn đã học các loại hình art therapy trên được không. Thanks bạn

    Thích

    1. Ảnh đại diện mamsieutuong

      Chào bạn, đây là môn tự chọn mình học ở trường đại học của mình ở Pháp. Trường Rennes 2 nhé! Nếu bạn ở vn thì mình thấy hình như Tí Toáy có lớp therapy cho người lớn đấy.

      Thích

  2. Ảnh đại diện DreamerKana

    Hay quá khi đọc được bài viết này! Mình đang trải nghiệm việc múa đương đại, cảm nhận được nhiều điều mới lạ từ chuyển động cơ thể của mình, không gian xung quanh, những điều kết nối với cơ thể và ánh mắt của những người đồng múa.

    Thích

    1. Ảnh đại diện mamsieutuong

      Rất vui vì bài viết đã phần nào kết nối được với những cảm nhận cá nhân của bạn. Chúc bạn có thêm thật nhiều trải nghiệm thú vị trong lĩnh vực này nhé!

      Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com