Ới ời ơi !!! Nó vừa lướt new feed thấy trên post của một vị làm nghệ thuật nó follow có đề cập đến một “hiện tượng” kinh dị mà đến giờ nó nghĩ lại vẫn thấy rùng hết cả mình. Nói ra chắc sẽ khiến vài người buồn nôn hoặc chí ít cũng thốt lên vài nốt kinh hoàng. Căn bản nó cũng tự thấy bản thân mình là một đứa khá là gan mà xem xong còn thấy hơi rợn. Để mọi người khỏi tò mò thì nó xin khai luôn rằng cái sự hãi hùng đấy đến từ tác phẩm của nghệ sĩ đương đại Arthur Berzinsh mang tên “Eschatology” được đăng tải trên Youtube vào ngày 12/3/2018, và ngay lập tức gây ra một làn sóng tranh luận rôm rả.
Cùng xem đoạn video quay lại màn trình diễn rồi đọc tiếp nhé! Cảnh báo bạn trẻ nào mong manh dễ vỡ thì nhớ chuẩn bị sẵn túi nilon nghen.
Có ai để ý rằng đoạn đầu hai nhân vật này chôn cất đồ chơi của mình không? Đố mọi người biết là để làm gì đấy! Cứ đoán đi rồi từ từ nó sẽ giải thích cho.
Sau khi thăm dò tình hình khắp các báo mạng thì nó phát hiện ra rằng người ta hầu như đều ví von rằng đây là tắc phẩm “cannibal” (người ăn thịt đồng loại). Nhưng thực ra nó thấy không hợp lí lắm bởi nếu nhìn kĩ sẽ thấy họ ăn thịt chính mình chứ có phải ăn thịt nhau đâu. Miếng thịt được lấy ra từ người đàn ông dài hơn hẳn của người phụ nữ. Khổ thân!
Tác phẩm này làm nó nhớ đến “Hannibal” đoạn Hannibal Lecter cắt một lát não của Krendler rồi đem rán lên cùng với gia vị và cho chính hắn thưởng thức.
“It’s good”
Cũng như vậy, trong tác phẩm này, một phụ nữ mặc bộ đồ trắng, bịt khẩu trang sử dụng nhíp phẫu thuật và một con dao để khoét mẩu thịt trên lưng của hai người tham gia, một nam một nữ, sau đó chiên lên cùng một chút muối rồi cho mỗi người tự ăn phần thịt của mình.
Xét về độ kinh dị thì chắc chắn là “Hannibal” ăn đứt rồi nhưng mọi người chớ quên rằng đó chỉ là viễn tưởng. Còn “Eschatogy” là một màn trình diễn trực tiếp, thêm tiết mục mổ sọ cắt não nữa thì có mà chết người như chơi. Ai dám. Bù lại thì tác phẩm mang tính chân thực không thể chối cãi. Tất nhiên điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí người xem. Không biết mọi người thế nào chứ với nó thì cái gì thật cũng chạm đến cảm xúc với sức công phá mạnh mẽ hơn ảo. Ví dụ như ma không thể đáng sợ bằng con người được tất nhiên đấy là bởi nó không tin vào ma quỷ.
Không lan man nữa.
Trước tiên để hiểu hơn về tác phẩm này thì chúng ta cần biết chút chút về Neo-conceptual art (nghệ thuật tân vị niệm).
1. Nghệ thuật tân vị niệm là gì?
Nó chính là giai đoạn phát triển cuối cùng (tính đến nay) của nghệ thuật vị niệm xuất hiện từ những năm 80 của thế kỉ 20. Khi các nghệ sĩ bắt đầu kết hợp nghệ thuật vị niệm với các loại hình nghệ thuật đương đại đặc biệt là nghệ thuật máy tính (computer art), nghệ thuật sắp đặt (installation art), nghệ thuật trình diễn (performance art), net art, nghệ thuật điện tử (electronic art). Nghe là đã thấy tân tiến rồi đúng không? Chủ đề trong thời kì này xoay quanh việc lên án, châm biếm chính trị – xã hội, antisocial, v,v,…
2. Vậy thì bây giờ quay trở lại với câu hỏi phía trên:
Đoạn đầu chúng ta thấy hai người nam và nữ chôn cất đồ chơi của chính mình. Hành động này, theo tác giả giải thích “biểu trưng cho việc họ thoát khỏi sự sáng tạo và bước vào lãnh thổ mà chúng ta ngừng hướng suy nghĩ về bản thân mình và hòa quyện ý chí cùng số đông”. Hừm… chẳng hiểu gì! Nó không phải triết gia ô kê? Nhưng theo cách suy nghĩ nông cạn của nó thì đây là nghi thức giúp tác giả kết nối với mọi người, hay cũng có thể hiểu là một sự từ bỏ, chúng ta cất đi quãng đời thơ dại và bước vào tập thể, cộng đồng, xã hội, bắt đầu tự điều khiển vận mệnh cuộc đời mình, tự tạo nên ý nghĩa sự tồn tại của bản thân.
3. Ẩn dụ đằng sau tác phẩm
Vì đây là một tác phẩm neo-coneptual nên chắc chắn rằng nó phải mang một ý nghĩa nào đó, mà theo lời giải thích của tác giả thì tác phẩm đặt câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mỗi cá nhân, khám phá bản chất của “xã hội tiêu dùng tự tiêu thụ chính nó”. Xã hội tiêu dùng là một trật tự xã hội đề cao yếu tố tiêu dùng. Do đó, nó góp phần tạo ra tâm lý hưởng thụ, hưởng lạc, chạy theo lợi ích vật chất, đồng tiền, dẫn đến tình trạng hoen gỉ tâm hồn, đạo đức và văn hóa của những người đang dần biến mình thành tín đồ của chủ nghĩa đồ vật và cam phận làm nô lệ cho những lạc thú bản năng.
Vậy thì liên quan gì ở đây?
Theo nó hiểu thì hành động tự ăn thịt chính mình ở đây là trạng thái cực đoan của chủ nghĩa này khi mà cung và cầu mất cân bằng. Thực ra không khó để thấy những dấu hiệu của chủ nghĩa tiêu thụ xung quanh ta. Nó xuất hiện khi ta mua không phải vì cần nhưng vì thích, làm việc bù đầu để thanh toán những hóa đơn cho những nhu cầu hào nhoáng, không thiết thực, nợ nần vì mua sắm, chỉ nghĩ đến hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết chia sẻ và chúng ta cứ như vậy hút dần nguồn tài nguyên của chúng ta. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn cả văn hóa và đạo đức của cả một xã hội. Khi chúng ta trở thành nô lệ của đồng tiền thì sự phá sản về tinh thần là điều tất yếu.
Tác giả cũng khẳng định rằng :”Nền văn minh không thể kéo dài mà không có tinh thần. Vì vậy, nó tự hủy diệt bằng cách biến chúng ta thành những kẻ tiêu thụ. Sự hủy diệt này bắt đầu diễn ra một cách siêu hình (trong văn hoá), và sau đó mọi thứ sụp đổ trong thực tế.”
Tác phẩm mang thông điệp rằng chúng ta cần phải xác định được giá trị tồn tại của bản thân mình. Có một câu hỏi vô cùng quan trọng ở đây đó là:
Đối với mọi người hạnh phúc là gì?
Nó mong mọi người cũng sẽ nghiêm túc suy nghĩ về điều này, nó cũng vậy. Vì chỉ khi hạnh phúc chúng ta mới có thể thực sự cảm nhận được ý nghĩa của sự tồn tại. Còn không trước đó chúng ta chỉ có thể lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn bằng những thỏa mãn nhất thời được tạo ra từ sự tiêu thụ. Và chắc chắn rằng khi xác định được câu trả lời, cuộc đời bạn sẽ hoàn toàn thay đổi. Khi ấy bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng rằng chính bản thân bạn đang nắm giữ vận mệnh của mình trong tay. Chính bạn mới là người sáng tạo nên bức tranh cuộc đời mình. Với những mục tiêu rõ ràng bạn sẽ cảm thấy cuộc đời mình vô cùng ý nghĩa không chỉ với bản thân mà còn với mọi người xung quanh. Và chân giá trị ấy sẽ chi phối toàn bộ lựa chọn, quyết định của bạn, nó không chỉ là động lực trong những ngày êm ả mà còn trở thành thần hộ mệnh soi đường chỉ lối khi bạn vấp ngã để bạn không mất phương hướng và chìm sâu vào cảm giác thất bại, để biến nghịch cảnh trở thành một bước đà đưa bạn tiến về phía trước.
4. Dư luận xung quanh nghĩ sao về tác phẩm?
“Eschatology” đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn trong cộng đồng mạng. Chắc chắn rằng mọi người sẽ cảm thấy không hề thoài mái khi xem màn trình diễn này, cảm giác như bị khủng bố tinh thần vậy. Nhưng có điều là cảm xúc của người xem cũng là một yếu tố quan trọng làm nên một tác phẩm đương đại. Dù tích cực hay tiêu cực thì một tác phẩm không thể tồn tại nếu không có sự liên kết với khán giả.
Sau khi tung video này lên Youtube, nghệ sĩ đã được cảnh sát “gõ cửa”. Tất nhiên, Berzinsh đã phủ nhận cáo buộc “ăn thịt đồng loại”. Cũng đúng thôi vì thực ra đâu phải họ ăn thịt của nhau đâu mà là ăn thịt chính mình đấy chứ “Nếu không thì cắn móng tay hoặc nuốt nước miếng cũng có thể được coi là một tội ác?”. Hơn nữa “Không có bạo lực, không ai bị ép buộc phải làm bất cứ điều gì chống lại ý chí của mình.” Ông nói thêm: “Nghệ thuật không luôn bắt buộc phải đẹp và dễ chịu…tác phẩm trình diễn này có một ẩn dụ minh bạch, thậm chí còn quá minh bạch nhìn từ góc độ nghệ thuật tân vị niệm (neo conceptual art) mà nói, và việc muốn hiểu ý tưởng tác phẩm hay không thì là quyền của bạn. Nếu bạn từ khước lĩnh hội ý tưởng, bạn sẽ diễn nôm mọi thứ…”
Nhưng dù có thế nào thì đây cũng là một hành động không được khuyến khích nên ĐỪNG CÓ AI DẠI DỘT MÀ THỬ Ở NHÀ, OKE?