Mỗi ngày chúng ta đều thực hiện một chuỗi những hành động trong vô thức. Chúng ta đi nhưng điều duy nhất chúng ta quan tâm là điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Có bao giờ bạn bước đi và thực sự cảm nhận từng tia nắng hòa cùng làn gió vuốt ve gương mặt mình? Bạn khẽ nheo mắt rồi nhìn xuống đôi bàn chân. Chúng dường như nhẹ nhàng hơn, bước dài, bước ngắn, nhanh chậm như nhịp điệu của cuộc sống.
Khi đó, từng bước đi sẽ chuyển thành bước nhảy. Bạn tự ý thức về vị trí của bản thân giữa không gian và thời gian, về âm thanh của từng chuyển động hay nhịp thở của chính mình. Bạn cảm nhận rõ rệt sự liên kết giữa cơ thể với tâm hồn và cảm xúc từ trong sâu thẳm. Mọi sự chú ý được chuyển về “ngay lúc này” và “chính nơi đây”.
Với tiếng vọng của tất cả những chuyển động ấy, mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ, cuộc đời của chúng ta sẽ thành hình. Mặc dù hình hài ấy luôn là một điều bí ẩn.
Hãy thử tưởng tượng, nếu coi những gì ta có khi đứng ở điểm đầu của một đoạn đường đời là một tờ giấy trắng. Và, tất cả những gì chúng ta có thể làm là hành động để biến đổi nó thành một dạng thức vững vàng hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Nảy mầm từ suy nghĩ hâm dở này, CORPLIAGE là một serie tác phẩm Body Art – Nhiếp ảnh – Điêu khắc. Trong đó, nhiệm vụ của người trình diễn là sử dụng toàn bộ cơ thể mình để tạo nếp gấp trên một tờ giấy (1m x 1m). Còn nó chụp ảnh và sau đó nặn lại “đống giấy lộn” ấy.




Trong quá trình đó, người thực hiện sẽ phải hoàn toàn kiểm soát chuyển động của chính mình. Tờ giấy lúc ban đầu là thứ không đổi, nhưng với mỗi chuỗi chuyển động khác nhau, chúng ta sẽ nhận được một kết quả duy nhất. Mỗi cử động của cơ thể là một sự lựa chọn, được lưu lại trên từng nếp gấp. Cứ như vậy, chuyển động nối tiếp chuyển động, nếp gấp này chồng lên nếp gấp kia. Hình dạng cuối cùng của tờ giấy là điều chúng nó chẳng thể ngờ.
Cuộc sống cũng vậy. Chúng ta chấp nhận những gì vốn có, đưa ra liên tiếp những lựa chọn và hành động để vặn vẹo đời mình. Và rồi tương lai thì luôn là một ẩn số.




Đôi khi nó tự hỏi…
Nếu biết trước tương lai thì liệu có tốt hơn?
Điều mà nó tin tưởng có thực sự đến? Thế nếu là một điều tồi tệ thì liệu nó có hối hận?
Nhưng rồi nó lại nghĩ sự bí ẩn của tương lai khiến cuộc sống đáng sống hơn. Cùng với đôi chút run rẩy lúc ban đầu, chúng ta lăn xả và sống hết mình hơn, cố chấp hơn với điều mình lựa chọn. Có những lúc, con đường ấy phủ đầy những khó khăn, trắc trở và thậm chí cả sự cô độc. Nếu khi ấy chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng, nghĩa là điều đó thực sự vô cùng ý nghĩa đối với chính bản thân mình.
Thực ra, không có con đường nào là dễ dàng. Dù lựa chọn đó là theo đuổi điều ta mong muốn hay là từ bỏ nó, thì quan trọng là chúng ta đã dám đối diện và giải quyết những rối rắm trong ta. Vậy nên chỉ cần cố gắng hết sức với lựa chọn của chính mình, đừng hối hận và cũng đừng tiếc nuối. Mọi thứ đều có lí do của nó. Bằng cách này hay cách khác chúng ta biết ơn vì nó đã xảy ra và tạo nên nếp gấp của cuộc sống.


Vậy, tại sao nó nặn chúng thành những tác phẩm điêu khắc tí hon?
Có người sẽ nghĩ cái “thứ kì cục” ấy là gối, là vải hay thậm chí là rác. Và rằng làm nhàu một tờ giấy thì có gì khó khăn. Quả thực, nếu chúng ta đơn giản là vò nát một tờ giấy trong vô thức thì những gì được tạo ra chỉ là một đống rác vô nghĩa. Nhưng khi những nếp gấp nhàu nhĩ ấy đi kèm với một câu chuyện, một cảm xúc thì thứ cuối cùng được hình thành chính là sự truyền cảm. Một thứ vô hình nhưng chân thật, tự do và duy nhất.
Mà cũng có thể ngược lại, có lẽ nó đang tự cười nhạo chính mình – một kẻ điên đi coi mấy mẩu giấy là hình tượng nghệ thuật đủ sức nặng để biến thành những bức tượng được trưng bày.
Dẫu sao đến cuối cùng, nó chỉ đơn giản là muốn lưu lại những “nếp gấp” ấy dưới một hình hài khiêm tốn hơn, vừa đủ để gắn lên hai chữ “lưu niệm”.
Trả lời