Thú thực thì đến tận bây giờ, khi bắt đầu viết những dòng này, nó vẫn chưa biết nên đặt tên cho tác phẩm mà nó vừa hoàn thành là gì. Tuy nhiên nó cũng mong là sau khi viết hết ra những suy nghĩ của chính mình, thì nó có thể tìm được một cái tên phù hợp với ý nghĩa đằng sau đó.
Nào giờ thì cùng nó bắt đầu thực hiện nhiệm vụ giải cứu tác phẩm khỏi cái mác “Untitled” nhé.
Như nó đã lải nhải với mọi người trong bài viết trước thì tác phẩm lần này là một video quay lại trình diễn kéo dài 14 phút và một “cục đất”, sản phẩm được tạo thành trong quá trình thực hiện một chuỗi các hành động khác nhau.
Trình diễn được thực hiện bởi hai người, mỗi người đứng sát về một phía của khung hình. Ở chính giữa, nó đặt một cục đất tròn xoe màu trắng, trên một chiếc canvas 40x40cm màu trắng, và trên một chiếc bục cao ngang thắt lưng cũng màu trắng. Tiếp theo, để biết nó đã bày trò gì từ những thứ này, thì hãy cùng nó xem chiếc video này nhé!
Như mọi người có thể thấy thì màn trình diễn là quá trình chuyển tiếp giữa 3 giai đoạn:
- Mỗi người tham gia đều nhìn thẳng về phía trước, thả lỏng tay, đưa lên đưa xuống. Khi cánh tay đưa lên đến vị trí cao nhất có thể, thì chúng ngay lập tức được thả rơi vào đúng vị trí cục đất đang ngoan ngoãn nằm chờ. Quá trình này cứ tiếp tục lặp đi lặp lại…
- … cho đến khi hai tay chạm nhau. Bắt đầu từ khoảnh khắc đó, hai bàn tay cùng nhau tác động, tạo hình cho cục đất. Và cũng từ lúc đó, tay của hai nhân vật trình diễn lúc nào cũng phải chạm vào nhau ở ít nhất một vị trí.
- Tuy nhiên trạng thái này không duy trì mãi. Khi một trong hai bàn tay rời khỏi kết nối, ngay lập tức người đó sẽ bị đẩy khỏi khung hình. Sau đó người còn lại thực hiện hành động cuối cùng, tác động lên cục đất, đập một lần dứt khoát lên nó. Một lúc sau thanh niên “bị đẩy” trở về vị trí ban đầu và màn trình diễn kết thúc.
Thời gian là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong màn trình diễn này. Có lẽ mọi người cũng đã để ý đến tiếng gõ nhịp trong video. Đó là một đoạn âm thanh kéo dài 15 phút với nhịp đập nhanh dần, được bật trong quá trình biểu diễn như một cách để dẫn dắt chuỗi hành động, đồng thời giới hạn độ dài của màn trình diễn. Trước khi bắt đầu màn trình diễn, nó và đồng đội cùng nghe khoảng 20 giây cuối của đoạn âm thanh đó. Mục đích là để cảm nhận được thời điểm kết thúc của màn trình diễn.




Ban đầu chúng nó khá thoải mái để mọi thứ diễn ra theo cách của nó. Hai tay cứ thế đung đưa, đủ độ thì thả xuống. Đến khi nhịp thả rơi trùng khớp, hai tay chạm nhau thì bắt đầu cùng xoay vần cục đất tròn. Ở đầu giai đoạn hai, hai bàn tay của chúng nó khá là vụng về. Vì lúc này, chúng nó không những phải tác động vào cục đất, mà còn phải giữ cho hai tay luôn trong trạng thái tiếp xúc với nhau, và tất nhiên là tuyệt đối không được nhìn trộm. Mọi chuyển động phụ thuộc hoàn toàn vào cảm giác. Tuy nhiên theo thời gian, mọi sự lúng túng lúc đầu dần được thay thế bằng sự ăn ý, chuyển động cũng dần uyển chuyển hơn. Chúng nó cố gắng để tác động vào cục đất nhiều lần nhất có thể. Thế rồi thời gian còn lại dần rút ngắn, đến lúc một trong hai phải rời khỏi kết nối. Chúng nó đã do dự không biết nên tiếp tục thêm hay nên dừng lại. Và cuối cùng dưới áp lực thời gian, chúng nó đã kết thúc màn biểu diễn trước dự kiến khoảng 1 phút.
Thầy giáo nó cho rằng cả video chỉ nên là quá trình hai bàn tay nhào nặn cục đất. Ổng thích đoạn đó vì ý tưởng tạo hình thú vị và cho rằng hai phần còn lại không cần thiết. Nhưng khổ nỗi, nó lại không phải một con bé thích nghe lời. Nó thích giữ lại hết. Với nó, thì chúng là một chuỗi những mắt xích liên kết với nhau, hành động này dẫn đến hành động kia, gắn liền với ý nghĩa đằng sau, theo kiểu logic của nó.

Giai đoạn 1: Thôi thúc
Nó cho rằng khi chúng ta mong ước một điều gì đó thật nhiều. Chúng ta sẽ được thôi thúc để hành động vì điều đó.
Tuy nhiên sự thôi thúc ấy không phải lúc nào cũng tràn đầy như cách mà người ta vẫn lý tưởng hóa nó lên, để kêu gọi cộng đồng hãy hết mình vì đam mê chẳng hạn. Đặc biệt là khi chúng ta chỉ vừa mới nhận ra “hình như” có sự liên kết kì lạ giữa bản thân và một điều gì đó mà tại thời điểm ấy thậm chí còn chưa thành hình, rõ nét.
Nghe rất mơ hồ phải không?
Nhưng đúng là vậy đấy.
Sự thôi thúc lúc này là con lắc, lúc lên cao, lúc xuống thấp. Có những lúc chúng ta sẽ nói với bản thân rằng “cứ làm tới đi”, khi thì lại nhụt chí “thôi, chắc là không được rồi”. Con lắc này cứ đi lên rồi lại đi xuống, tuy nhiên một phần trong đó chịu sự kiểm soát của chính chúng ta, chứ không hoàn toàn được thả rơi tự do, đung đưa theo quán tính như con lắc thông thường. Khi con lắc ở vị trí cao nhất, sự thôi thúc đủ lớn, chúng ta sẽ có những lần tương tác đầu tiên với sự liên kết kì lạ vừa được lờ mờ nhận thấy, theo một cách tự nhiên nhất. Và ở trong tác phẩm này sự kết nối ấy ẩn mình trong cục đất sét tròn vo không tì vết. Số lần tương tác càng nhiều, cơ hội để có thể thực sự kết nối với mong ước càng lớn. Giai đoạn này dài hay ngắn, ngoài sự nỗ lực thì còn phải xem bạn may mắn đến đâu. Hay nói ngược lại để cổ vũ tinh thần, thì là duyên số một phần, ngoài ra còn phải kiên trì nữa. Nó không mong bất kì ai trong chúng ta để con lắc của mình ngừng quay trước khi may mắn mỉm cười, hoặc tệ hơn là từ đầu đã luôn thả trôi cho con lắc quay hời hợt, theo kiểu “có cũng được không thì cũng chả sao”, để rồi dừng hẳn lúc nào không hay.
Giai đoạn 2: Tạo hình
Cho dù điều mà bạn mong ước là gì, có thể là một đam mê, một tín ngưỡng hay một con người, thì nó tin rằng, bạn và mong ước đó đều có cho mình một hành trình phát triển riêng. Rồi trên hành trình riêng biệt đó vô tình gặp nhau, thay đổi quỹ đạo chuyển động, cùng nhào nặn nên một điều gì đó của chung. Có một điều khá là dễ thương mà đến khi thực hiện tác phẩm, nó mới nhận ra. Đó là dù cho trước đó chúng nó có chuẩn bị tâm lí kĩ càng đến đâu, thì sự lúng túng lúc ban đầu là điều không thể nào tránh khỏi.

Tay 2: Thôi nặn chỗ này cũng được này, tôi đang nặn dở chỗ này rồi
Và tất nhiên là chẳng ai mà lại có thể không trải qua giai đoạn ngốc nghếch này.
Khi mới bắt đầu với một lĩnh vực nào đó, thật dễ để con người ta cảm thấy mình như đang trôi nổi giữa một biển kiến thức. Không biết nên bắt đầu từ đâu? Nên đầu tư thời gian và công sức vào mảng nào? Xin ý kiến của ai? Nên đọc những loại sách nào?
Rồi lúc mới quen một ai đó, trong những cuộc hội thoại đầu tiên, mỗi lần phát ngôn ra một điều gì đó đều có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ ít nhiều. Làm sao để có thể bắt chuyện với họ? Làm thế nào để thể hiện được sự quan tâm một cách chân thành nhất?
Hay như trong gia đình, nó tin là khi mới bắt đầu làm cha làm mẹ, bố mẹ nó hẳn cũng phải cố gắng thay đổi nhiều lắm. Bố nó bảo riêng việc ngồi chờ mẹ sinh thôi cũng đã đủ khiến bố nó toát mồ hôi, hồi hộp không biết làm gì. Sau đó thì phải tập bế, cho ăn, thay tã, giặt đồ, vân vân mây mây. Một đống việc dồn đến cùng với một đứa trẻ (lại còn bonus thêm tính lười ăn).
Hôm trước nó mới đọc lại những bài mầm đầu tiên, thấy sao mà câu chữ có thể lủng củng, vụng về đến vậy. Nhưng mọi người thấy đấy, nó vẫn tiếp tục tập làm nghệ thuật, vẫn tiếp tục tìm hiểu và viết mầm ít nhất là đến hiện tại. Và cũng như vậy, chúng ta đâu thể từ bỏ cơ hội kết nối với một người đặc biệt thú vị ngay từ đầu chỉ vì cảm thấy họ có vẻ khó nhằn. Bố mẹ thì lại càng chẳng bao giờ vì sợ đau, sợ khó, sợ khổ mà không có con. Nếu vậy thì chúng ta đã chẳng ở đây lúc này.
Tin vui là sự lúng túng này không kéo dài lâu. Qua thời gian, mọi thứ đều có thể được cải thiện nếu chúng ta cố gắng. Mỗi chuyển động đi cùng với sự cố gắng ấy sẽ được lưu lại trên cục đất của sự kết nối, tạo hình cho vốn sống, kinh nghiệm và tình yêu trong đời ta.

(nếu nhìn ở ngoài thì sẽ còn thấy cả những dấu vết di chuyển mờ mờ trên canvas nữa cơ)
Thế mới nói tình yêu không xuất hiện ngay từ những khoảnh khắc hứng thú bất chợt đến rồi lại bất chợt đi như con lắc trong giai đoạn đầu. Tình yêu là một quá trình cố gắng vượt qua những khó khăn để xây dựng, vun đắp và đặc biệt là phải cân bằng.
Câu hỏi ở đây là nếu như ước muốn của chúng ta không phải là một con người, mà là sự nghiệp công việc chẳng hạn, thì làm sao chúng có thể cùng ta tác động vào kết nối này một cách “cân bằng”?
Nó cho rằng tác động ấy nằm ở những cơ hội đến với ta, tạo điều kiện cho ta phát huy năng lực của mình, đồng thời đem đến những người đồng hành đáng quý. Vậy nên nếu như bạn có đam mê, mà đam mê không mở rộng vòng tay với bạn thì cũng vứt. Cũng như không phải cứ cố gắng là bạn sẽ thành công.
Giai đoạn 3: Thất bại (hay bất bại)
Thất bại luôn ở sẵn đó chờ bạn. Chỉ cần một giây phút do dự thôi cũng đủ khiến bạn bị đẩy ra khỏi hành trình của chính mình. Bất kể sự do dự ấy đến từ đâu, áp lực thời gian, tiền bạc hay định kiến v.v… thì bạn cũng đã đánh mất cơ hội của mình mất rồi. Có thể lúc đó bạn cho rằng mình đã cố gắng rất nhiều mà chẳng có một kết quả gì rõ ràng. Bạn bắt đầu lo lắng và tìm kiếm sự xác nhận. Nhưng bạn đâu biết rằng chính điều mà bạn đang mong ước đó cũng cần một sự xác nhận từ bạn rằng bạn có đủ niềm tin và sự kiên trì.
Đây quả thực là một thói quen dại dột. Thay vì cố gắng nhiều hơn khi cảm thấy lo lắng thì phản xạ đầu tiên của con người ta lại là đòi hỏi một sự ghi nhận, một cột mốc thành công, hay chỉ đơn giản là một sự quan tâm yêu thương nào đó. Mối liên kết kì diệu cũng vì khoảnh khắc này mà đổi chiều đẩy bạn ra xa.


Nhưng nếu nhìn một cách khác đi bạn sẽ thấy thất bại không có nghĩa là không còn gì, cãi vã không có nghĩa là tình thương mất đi. Nhìn lại cục đất trên bục, bạn sẽ thấy nó không còn tròn xoe như lúc ban đầu nữa. Giờ đây bạn đã có cho mình những bài học và cũng là hành trang để bạn bắt đầu hành trình tiếp theo. Vẫn là những giai đoạn như vậy nhưng có lẽ là thông minh và khôn khéo hơn? Và cũng có thể nhờ vậy mà đoạn đường đi được cũng sẽ vững chắc và lâu bền hơn? Vậy nên đừng để bản thân chìm đắm trong cảm giác thất bại để rồi tự so sánh với thành công của người khác. Thay vào đó hãy khởi động lại hành trình của chính mình với một tâm thế mới. Đừng quên là thời gian của mỗi người thì không phải là vô hạn đâu nhé!
Mọi người cứ hỏi nhau rằng mình là ai? Mình sống vì điều gì?
Thì câu trả lời nằm ở ngay đây thôi. Con người ta sống cần có một điều gì đó để tự hào, và những điều đáng tự hào đó thường đến từ chính sự cố gắng hết mình với năng lực học hỏi và khả năng yêu thương tiềm ẩn trong bản thân mỗi người, bất kể thành công hay thất bại, trên từng chằng đường, từng lĩnh vực của cuộc sống. Giống như mầm sẽ luôn là niềm tự hào của nó, sự trưởng thành của con cái luôn là niềm tự hào của bố mẹ, và tình yêu luôn là niềm tự hào của mỗi con người.
Còn bạn, bạn đã trải qua bao nhiêu cuộc hành trình như vậy và đang ở giai đoạn nào trên những hành trình còn đang dang dở?
Hành trình của nó với tác phẩm này thì đã kết thúc rồi. Nó không biết đây là một màn trình diễn thành công hay thất bại nữa vì có nhiều thứ diễn ra không nằm trong sự kiểm soát của nó. Nhưng nó thích điều đó, không phải như vậy mới thú vị sao? Và thực sự thì có tiêu chí nào để đánh giá một màn trình diễn là thành công hay không?
Đắn đo hơi nhiều thế thôi chứ nó cũng biết tiết mục chia sẻ tâm tình đến đây là quá dài rồi. Việc cần làm bây giờ là phải tìm ra một cái tên.
Có lẽ… nó sẽ chỉ để đơn giản là:
Contact
Trả lời