Dạo này mọi người thế nào? Đáng lẽ nếu như mọi thứ theo đúng kế hoạch thì mấy ngày trước nó đã trên máy bay quay trở lại Pháp. Và chỉ một tuần sau đó thôi, nó sẽ qua Đức để bắt đầu kì trao đổi tại ngôi trường mà Marianna Abramovic đã từng đến dạy. Tuy nhiên, cách đây không lâu nhà trường đã thông báo hủy cả học kì. Tạm gác những nỗ lực “xí chỗ” của nó trong một năm vừa qua, cùng với nguy cơ đúp cao, thì với tình hình như bây giờ, kẹt lại ở Việt Nam có lẽ lại là một điều may mắn.
Và thế là chuỗi ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường bắt đầu.
Nghe thì mới mẻ, nhưng thực ra nó đã dừng mọi hoạt động (học tập và công việc) bên ngoài từ khi về Việt Nam vào đầu tháng 1. Nó chỉ ra ngoài để gặp gỡ người thân, bạn bè. Thời gian còn lại, nó ở nhà học qua mạng những môn của kì 1 mà nó chưa kịp hoàn thành trước khi về, do biểu tình triền miên. Ngoài ra thì nó vẽ vạch vài ba thứ lăng nhăng và viết được đúng một bài mầm, trong tình trạng không phải làm việc nhà hàng ngày. Trước đó, lúc còn ở Pháp, nó vẫn vừa đi học vừa đi làm, vừa viết mầm vừa làm triển lãm và vừa chuyển nhà. Đến đây chắc mọi người đã cảm thấy một sự lười dâng trào từ khi nó được về nhà. Nó cũng phải thú nhận luôn rằng, khi có càng nhiều thời gian rảnh, năng suất làm việc của nó lại càng giảm.
Vậy nên, mới đầu khi nghe đến lệnh giãn cách xã hội, nó cho rằng cuộc sống của nó sẽ chẳng có quá nhiều biến đổi. Nó trước giờ vẫn làm việc độc lập, trao đổi công việc và học hành qua mạng, nên chẳng có gì phải lo. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Hơn tháng vừa rồi, nó đã sử dụng kém hiệu quả bán thời gian và giờ là toàn thời gian. Nó đã đi lùi trước khi Corona kịp đến. Điều này thúc đẩy cái áp lực “phải lấp đầy thời gian” hiện hữu ngày một rõ ràng hơn, tỉ lệ thuận với số thời gian trống và tỉ lệ nghịch với khối lượng công việc mà nó hoàn thành. Nhưng tất nhiên, cái gì đi xuống đến tận cùng rồi thì cũng phải đi lên thôi, cái tỉ lệ ngớ ngẩn này cũng đến lúc đảo chiều rồi.
Thế giới bên ngoài kia đang chững lại không có nghĩa là thế giới nhỏ trong mỗi gia đình, mỗi con người không thể dịch chuyển sổng động.
Mặc dù có phần ngược đời, nhưng vì nó đã nghỉ quá lâu, nên khoảng thời gian này nó không muốn dùng để thảnh thơi nữa. Thay vì cả ngày chỉ ăn uống, ngủ nghỉ, đọc sách hay tập thể dục thì nó sẽ sử dụng chúng cho những ưu tiên trước giờ vẫn vậy: viết mầm, luyện tập sáng tác, đồng thời tự giao tiếp với chính mình. Cứ phải đan xen, tung hứng, cân bằng nhiều hoạt động thì mới có thể duy trì hiệu quả công việc được. Nhưng không phải là multitasking đâu nhé.
Và thế là sáng nay, sau khi dậy ăn uống xong xuôi, nó ngồi viết những dòng này, viết về sự lười của chính mình và về kế hoạch đóng cửa tu luyện trong thời gian sắp tới. Nếu mọi người hứng thú có thể làm cùng nó cho có khí thế.
Ý tưởng này bắt nguồn từ một trò chơi nho nhỏ trên instagram có tên là #carrotdrawing, tức mỗi người sẽ vẽ một củ cà rốt theo cách của riêng mình. Cuối cùng, chúng sẽ tạo ra một series cà rốt đứng “xếp hàng” từ xa tới gần, mà theo nó quan sát được thì chúng đều thể hiện phần nào tính cách của tác giả. Khi gộp chung lại, chúng ta có thể phân tích được nhiều điều từ đó, chứ không chỉ đơn thuần là một trò chơi giải trí, hay một cái poke yêu thương “ê, nhớ nhau ghê, ở nhà chán quá thì làm cái này cho đỡ quẩn quanh.”

Nhưng làm thế nào để từ một trò chơi tự phát có thể chuyển thành một bài tập kĩ năng sáng tạo? Muốn biết thì hãy đọc đề bài đi nhé!
Bước 1: Vào ngày đầu tiên, nó sẽ chọn một vật thể bất kì trong nhà. Sáng ra tỉnh dậy thấy cái gì đầu tiên thì chọn luôn cái đó cũng được, khỏi nghĩ nhiều.
Bước 2: Sử dụng 1 đến 2 câu để kể về đồ vật đó, cố gắng đừng suy nghĩ quá lâu.
Bước 3: Dựng lại câu chuyện đó bằng một phương thức nghệ thuật bất kì.
Ngày thứ 2, chọn một vật thể khác, làm đúng những bước như trên và tiếp nối câu chuyện có liên kết với vật thể ở ngày đầu tiên. Cứ tiếp tục đến khi được “xổng chuồng”.



Ngày 2: Họ bàn tán về một con bé bông ngoáy tai đang lang thang tìm kiếm điều gì đó trên những bãi cỏ nơi đã từng xảy ra xô xát giữa những tờ giấy.
Như vậy, mỗi ngày nó sẽ có 2 nguyên liệu đã sơ chế để tạo thành một món ăn hoàn chỉnh sau chuỗi 14 ngày cách li. Đồng thời, nó còn có thể luyện tập tất cả những kĩ năng cần thiết trong sáng tác, và khả năng hư cấu, tưởng tượng.
Hơn nữa, nó cho rằng từng chi tiết gần gũi và thân thuộc trong căn nhà đều có thể là dấu vết về một cảm xúc trôn giấu trong mỗi con người. Việc kể chuyện từ những gì đã được lựa chọn cũng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những ẩn dụ đằng sau, qua đó hiểu hơn về chính mình.
Quá trình đi vào bên trong này có lẽ được thể hiện rõ nhất ở những nghệ sĩ thuộc trường phái Siêu thực mà nó đã từng giới thiệu với mọi người trước đây. Nhưng để có thể hình dung một cách cụ thể hơn về quá trình này, hôm nay nó sẽ cùng mọi người tìm hiểu về một người nghệ sĩ luôn tự cho mình là “too intelligent to be a good painter”:
Salvador Dalí

Như mọi người đã biết, Dalí là một họa sĩ, bên cạnh đó còn là một nhà làm phim, nghệ sĩ trình diễn và tất nhiên cũng là một kẻ lập dị, cả về tinh thần lẫn thể chất. Thông qua những hình ảnh khó hiểu trong bức tranh của mình, ông tạo ra một thế giới riêng đầy màu sắc.
Thế giới ấy thực sự đến từ đâu?
Như đã nói ở trên, Dalí là một người thông mình, vậy nên ông đã nhận thức từ rất sớm rằng ông chỉ có thể khiến mọi người nhớ đến khi mà các tác phẩm của ông có một chất riêng không thể nhầm lẫn với bất kì ai. Điều này cộng với niềm đam mê lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud đã khiến Dalí quyết định đưa vào sáng tác những xung động trong chính mình, cũng như tình yêu của ông dành cho thế giới của những giấc mơ. Nghệ thuật của Dalí thoát ra khỏi các chủ đề và thực tiễn cổ điển để tạo ra một con đường sáng tạo với các tác phẩm phóng chiếu những giấc mơ. Mặc dù các bức tranh của Dalí luôn thể hiện nhiều màu sắc và chất liệu tinh khiết, nhưng chúng trái lại chứa đựng những nội dung đầy ám ảnh. Điều đặc biệt là trong loạt tác phẩm của Dalí, chúng ta dường như có thể tìm thấy nhân vật mang nét tính cách của chính con người này.

Cảm hứng nghệ thuật của Dali đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Khi thì là toán học, khi khác lại là sinh học tế bào, hay chính trị xã hội v.v… Dali thường pha trộn nhiều yếu tố để tạo ra những bức tranh siêu thực độc đáo của mình. Nhưng ký ức về người anh trai cùng tên vẫn luôn ẩn giấu trong tiềm thức của ông. Dali từng viết: “Mọi thứ tôi làm đều kỳ lạ, chỉ để chứng minh với bản thân mình rằng tôi không phải là anh trai đã chết của tôi!”. Sự tồn tại của ông vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi cái bóng của người anh quá cố. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn cố gắng trở thành bản thể duy nhất mang tên Salvador Dali. Ông không ngừng suy ngẫm về tuổi tác, cái chết và thời gian hữu hạn của cuộc sống con người.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trong suốt cuộc đời của mình, ông còn gặp một số những ám ảnh tâm lí khác, và dưới đây là bảng tổng kết mà nó đi lượm được:

Qua đây có thể thấy, Dalí là một con người phải chịu nhiều tổn thương từ thời thơ ấu. Những tổn thương ấy không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là động lực cho ông trên con đường nghệ thuật. Nhưng còn một điều khác mà nó quan tâm hơn cả, đó là:
Liệu quá trình sáng tạo có giúp ông giải tỏa được những khúc mắc về tinh thần?
Theo như lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud, trong cuộc sống, con người không thể tránh khỏi những lúc mất cân bằng về tâm lý, đôi khi là lo âu, tức giận, sợ hãi, v.v… Những trạng thái mất cân bằng này xuất hiện khi có sự xung đột giữa Id (phần thuộc về bản năng, những mong muốn, đòi hỏi cần được đáp ứng) và Superego (phần nhân cách tiếp thu những chuẩn mực xã hội). Để giải quyết những vấn đề này, một cách bản năng, tâm lí chúng ta tự tạo ra hệ thống cơ chế phòng thủ để đối phó với chúng, bao gồm: dồn nén (repression), chối bỏ (denial), phản ứng (reaction formation), phóng chiếu (projection), chuyển vị (displacement), thăng hoa (sublimation), lí trí hóa (rationalization), thoái lùi (regression), bù trừ (comprensation),v.v…
Trong đó, dồn nén là cơ chế phòng vệ có tính chất nền tảng và cơ bản nhất. Thay vì giải quyết những xung đột gây ra trạng thái mất cân bằng, con người chỉ việc phớt lờ nó đi và tống tất cả vào trong vô thức. Khi đó những giấc mơ lại là những cánh cửa nhỏ hé lộ cho chúng ta biết những xung đột phía sau. Và đây chính là kho tàng cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ Siêu thực. Nhưng tất nhiên không phải chỉ khi mơ thì họ mới có thể sáng tác.
Vào những năm 1920, Dalí đã đọc “The Interpretation of Dreams” của Freud. Cuốn sách này đã gây ấn tượng với ông và đưa ông bước sang một giai đoạn nghệ thuật mới. Chính tại thời điểm này, ông đã phát minh ra thứ mà ông gọi là phương pháp “Paranoiac-critical method” mà qua đó ông nghe thấy dấu hiệu của tiềm thức. Kỹ thuật này gợi mở một trạng thái hoang tưởng, một nỗi sợ bị thao túng, hoặc bị kiểm soát bởi các sức mạnh từ bên ngoài, thông qua khả năng của não bộ về việc nhận thức sự liên kết giữa những thứ không hợp lý.
Nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng trên thực tế, chúng ta ai cũng từng vô tình thực hiện phương pháp này khi nhìn lên những đám mây, những vết nứt vữa trên tường và tưởng tượng ra những hình thù khác nhau (đôi khi có thể là những chiếc bánh chuối homemade méo mó). Mặc dù có phần nhắng nhít trẻ thơ, nhưng những hình thù đó luôn có liên kết chặt chẽ với những bí ẩn được bao phủ trong tiềm thức, chỉ là không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian và đủ chú tâm để cắt nghĩa chúng. Còn Dali thì hiểu rõ điều đó và nâng đặc tính con người độc đáo này thành loại hình nghệ thuật của riêng mình.
Khi sử dụng phương pháp này, quá trình sáng tác sẽ trở thành quá trình chuyển những ý tưởng trừu tượng thành hình ảnh, ghép chúng lại để tạo nên tác phẩm. Kết quả cuối cùng thu được là nhiều hình ảnh liên kết với nhau, có thể diễn giải theo nhiều cách thú vị, gợi mở về những bí mật ẩn sâu trong tiềm thức của chính người nghệ sĩ. Qua đó, họ hiểu hơn về những ham muốn, những nỗi sợ và khúc mắc trong chính mình.

Như vậy phương pháp này không chỉ hỗ trợ người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác mà còn giúp họ hiểu hơn về những nỗi ám ảnh trong chính mình. Và khi họ làm chúng hiện hữu trên tác phẩm, họ sẽ không còn cảm thấy thôi thúc phải loại bỏ chúng, nhờ vậy họ điều chỉnh được sự cân bằng trong tâm trí. Từ đó, phương pháp này có thể giảm bớt được phần nào những phản ứng tiêu cực do dồn nén lâu ngày, thay vào đó thì chuyển hóa chúng thành một dạng thăng hoa trong nghệ thuật (cũng là một cơ chế phòng vệ của tâm trí).
Đọc đến đây có lẽ mọi người sẽ tự hỏi: Với phương pháp này thì liệu những xung đột tinh thần có thể được giải quyết tận gốc hay không? Thì đây lại là nhiệm vụ của phần ý thức trong mỗi người. Nhưng riêng việc có thể hình dung một cách rõ ràng về những vấn đề cần được giải quyết cũng đã là một điều đáng để ghi nhận.
Và bây giờ thì cùng quay trở lại với bài tập phía trên kia
Thì thực ra cũng tương tự như vậy thôi. Bằng cách tưởng tượng câu chuyện để liên kết những thứ tưởng chừng như chẳng có tí liên hệ nào, chúng ta có thể hiểu hơn về trạng thái tinh thần của chính mình. Bạn không cần thiết phải gặp những bất ổn về tinh thần nghiêm trọng như Dali. Có thể chỉ đơn giản là dạo này bạn đang vui, hay đang có tâm sự nhưng bấy lâu nay công việc và các mối quan hệ cuốn bạn đi, khiến bạn không thể cảm nhận được những cảm xúc ấy một cách mạnh mẽ nhất.
Khoảng thời gian này khi mọi thứ thuộc về thế giới bên ngoài kia bắt đầu quay chậm lại, thì cũng là lúc những thứ ở dưới tầng sâu trong mỗi chúng ta chuyển động và trồi lên trên bề mặt. Nếu như thời gian vừa rồi bạn đã có một cuộc sống thực sự vui vẻ thì chúc mừng bạn, còn nếu như bạn phải dồn nén một điều gì đó đã lâu thì có lẽ giai đoạn này lúc mới đầu sẽ không mấy dễ chịu. Trong trường hợp này, nó mong rằng bài tập phía trên kia có thể hỗ trợ được mọi người phần nào trong quá trình ấy, hoặc thậm chí không cần phải làm theo nó, mà chỉ đơn giản là xem các tác phẩm nghệ thuật online. Giống như khi đi xem triển lãm vậy, bạn nhìn ngắm các tác phẩm và cảm nhận những liên kết giữa những tác phẩm ấy với chính bản thân mình. Đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ mà bạn bất chợt chú ý đến cũng có thể là một manh mối để bạn tìm về với chính mình. Khi đó câu hỏi mà bạn cần đặt ra là:
Tại sao mình lại chú ý đến điều này? Mình cảm thấy thế nào khi nhận ra chúng?
Sau khi những mơ hồ ấy được hiển thị một cách rõ ràng hơn, việc tiếp theo của chúng ta là chấp nhận sự tồn tại của chúng. Vì mọi người biết đấy, cho dù có kiểm soát thế nào, chúng ta cho rằng chúng ta không cho nó như thế, nó sẽ không như thế, thì thực tế cũng không diễn ra như vậy. Giống như lúc này đây, có lẽ bạn cũng đang cảm thấy được một điều gì đó không ổn trong chính mình.
Nhưng thực ra, đôi khi những phần mà chúng ta chạy trốn đó chưa chắc đã là những điều tệ như chúng ta từng nghĩ. Có thể là khi chúng ta chưa đủ trưởng thành về nhận thức và cảm xúc thì chúng ta cho nó là không ổn, chúng ta sợ phải đối diện với nó và đẩy nó ra xa. Nhưng chúng ta quên mất rằng trong phần đó cũng chứa cả những phần tích cực, có thể là sự sáng tạo, tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ,v.v… Vậy nên hãy yêu lấy cả những mặt tốt và cả những mặt xấu của phần lẩn khuất đó để chữa lành cho chính mình.
Lúc đầu có thể sẽ hơi khó khăn nhưng dần dần mọi người sẽ cảm thấy thích thú với hành trình này đó! Còn dưới đây là một số ví dụ về sự liên kết giữa những biểu tượng trong sáng tác với tâm trí của Dali nếu mọi người muốn tìm hiểu thêm.
Ý nghĩa của những biểu tượng trong tác phẩm của Dalí
Chủ nghĩa siêu thực của Salvador Dalí đã tìm kiếm một lời giải thích về những nỗi ám ảnh theo ông suốt cuộc đời thông qua phân tâm học. Ông không chỉ tìm cách phân tích những xung đột của chính mình thông qua nghệ thuật của mình theo phương pháp phân tâm học, mà ông còn phát minh ra một danh mục toàn bộ những hình ảnh phản ánh những xung đột đó xuyên suốt các tác phẩm của mình.
Chiếc đồng hồ tan chảy
Chiếc đồng hồ này là sự tương phản giữa cứng và mềm. Theo như những gì mà chúng ta thực sự được trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, một chiếc đồng hồ thường ở dạng rắn. Nhưng trong tranh của Dalí, nó lại tan chảy và mất đi hình dạng rõ ràng. Chiếc đồng hồ này không hoạt động. Một chiếc đồng hồ thông thường giúp ta xác định thời gian, còn đối với đồng hồ của Dalí, thời gian dường như là vô tận. Chúng trở thành biểu tượng của sự vĩnh cửu.

Những con voi chân que
Sinh vật kì lạ này tượng trưng cho con người phải chịu xiềng xích, chân dính chặt dưới mặt đất nhưng luôn cố gắng vươn tới tầm cao mới. Bởi vậy, chân càng ngày càng dài hơn và teo tóp.

Ngăn kéo
Đây là nơi chứa đựng mọi tội lỗi và mặc cảm mà Dalí cất giữ, và theo ông chúng chỉ có thể đươc mở ra bởi phân tâm học.
“Freud’s theory is like an allegory that illustrates and helps us to understand the countless narcistic smells that are released from the drawers.”

Quả trứng
… là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu và hy vọng.

Kiến
… tượng trưng cho cái chết, sự suy tàn và ham muốn tình dục.

Những con châu chấu
… tượng trưng cho cái chết, sự suy tàn và ham muốn tình dục.
Dalí rất sợ châu chấu. Vì vậy, chúng tượng trưng cho nỗi sợ hãi và ông vẽ chúng để tự giải thoát bản thân khỏi sự sợ hãi này.

Tôm hùm
Đối với Dalí, những vật dụng thông thường có thể tiết lộ những ham muốn bí mật của vô thức và cụ thể ở đây là về tình dục. Đuôi của loài giác xác này, phần chứa bộ phần sinh dục, được đặt ngay trên đầu thu của chiếc điện thoại.

Bóng dáng con người
… đại diện cho những điều tốt đẹp, siêu nhiên, đối thoại nội tâm và sức mạnh động lực cũng như cho những điều xấu xa, góc tối tinh thần, những xung đột và ức chế bên trong. Chúng cũng đại diện cho trí tưởng tượng và giấc mơ.

“Nghệ thuật có thể giúp người nghệ sĩ biến những xung đột trong họ trở nên hữu hình. Họ sẽ không còn cảm thấy thôi thúc phải loại bỏ chúng. Nhờ vậy, người nghệ sĩ có thể giảm bớt được phần nào những phản ứng tiêu cực do dồn nén lâu ngày, đồng thời chuyển hóa chúng thành một dạng thăng hoa trong nghệ thuật.”
Trả lời