Nghệ thuật Hiện đại

Teehee nó hơi bị ngược đời chút, đi viết về Nghệ thuật Đương đại trước Nghệ thuật Hiện đại mặc dù đã tự nhủ cả nghìn tỉ lần là hãy ngoan ngoãn viết theo trình tự thời gian đi. Mong là sẽ không làm mọi người khó theo dõi! Nhưng mà nếu mọi người quen nó lâu lâu một tí chắc sẽ phát hiện ra (à mà cũng không cần lâu đâu vì có tật xấu gì là nó cứ tự động phô ra cho bằng hết luôn) rằng nó làm việc tùy hứng lắm cho nên cái cơ sự này cũng là chuyện bình thường ở huyện ý mà.

Căn bản nó cũng muốn thú thật luôn là nó thích Nghệ thuật đương đại hơn. Phải đấu tranh mãi nó mới bắt tay vào viết những dòng này đấy. Vì nghĩ đi nghĩ lại thì trong Nghệ thuật hiện đại cũng có nhiều dấu mốc xịn lắm. Thêm nữa là mẹ nó mê Monet kinh khủng, nên từ bé đến trước khi đi “xuất khẩu lao động” cứ nhắc đến hội họa là Monet hiện lên như một ông hoàng lấp lánh lấp lánh trước mặt nó. Cũng phải thôi, ổng là một trong số những nghệ sĩ đã sáng lập trường phái Ấn tượng đó (dấu mốc cực kì quan trọng của Nghệ thuật hiện đai). Vậy nên, thôi thì thương mẹ, con sẽ viết về giai đoạn nghệ thuật này.

Nhắc lại bài cũ chút, Nghệ thuật Hiện đại bùng nổ từ cuối thế kỉ 19 và bắt đầu nhường chỗ cho Nghệ thuật Đương đại vào khoảng những năm 45 của thế kỉ 20 tức là sau chiến tranh Thế giới thứ hai. Đó là giai đoạn được đánh dấu bới những biến đổi sâu sắc từ cách mạng khoa học, phát triển kĩ thuật quân sự phục vụ chiến tranh (thuyết tương đối của Einstein năm 1905. năng lượng nguyên tử năm 1940, phân tâm học,v.v…) đã làm rung chuyển các giá trị của những thế kỉ trước, thay đổi mối tương quan giữa con người và vũ trụ, không gian, thời gian. Nghệ thuật cũng vì lẽ đó mà bị ảnh hưởng.

Các nghệ sĩ trong giai đoạn này đã dần thoát khỏi cái bóng của thời đại trước và trở nên nổi loạn hơn, tự do thể hiện chất riêng. Họ đã tự giải phóng bản thân khỏi những đường nét, màu sắc gò bó, tỉ mỉ, gắn liền với hình ảnh thực tế bằng các mảng màu rực rỡ, tương phản mạnh mẽ với nhau qua đó truyền tải cảm xúc của chính mình. Nó thường nói đùa rằng trước đây nghệ sĩ là phải vẽ thật nhất có thể còn giai đoạn này thì cứ phải chệch ra ngoài tí nó mới nghệ. Vì vậy, các bố các mẹ nếu có thấy con mình tô màu xiêu vẹo, lái bút có hơi lạn lách chút thì cũng nên lấy làm vui vì biết đâu chúng có tài năng thiên phú sau này trở thành họa sĩ đại tài ấy chứ!

exposition-impression-soleil-levant-revient-havre_width1024
Impression soleil levant – Claude Monet (1872): Bức tranh này được coi là khởi nguồn của trường phái Ấn tượng. Khung cảnh được chia thành 3 phần trên là dành cho bầu trời và 2 phần dưới là cảng và biển. Tất cả mọi thứ hiện lên bằng những nét bút phóng khoáng, không có chi tiết rõ ràng, hình bóng của những chiếc thuyền hầu như không nổi bật so với phần còn lại đầy mơ hồ của bức tranh. Không khí, nước, ánh sáng và những sự phản chiếu mới chính là đối tượng thực sự của bức tranh. Nếu xóa chiếc thuyền, bến cảng và mặt trời, chỉ còn lại những đốm màu sắc được vạch lên trên bề mặt vải, bức tranh sẽ trở nên trừu tượng và tách rời khỏi thực tế. 

Do bối cảnh lịch sử khó khăn, chủ đề trong giai đoạn này không chỉ là vẻ đẹp tinh thần mà đã bắt đầu chuyển sang đề cập đến cả những vấn đề nghiêm trọng, bi thảm, như chiến tranh, sự độc ác, như cái chết của các loài vật, hoặc khung cảnh của một đoạn đường đời thiếu thốn khổ sở trước đây người nghệ sĩ từng trải qua. Cảm xúc được thể hiện cũng từ đó à trở nên gay gắt hơn, có tiếng khóc, tiếng cười, sự cô đơn, đau đớn,v.v…

800px-Scr
The Scream – Edvard Munch (1893): Trong cuốn nhật ký của Munch đề ngày 22/1/1892, có đoạn ghi lại nguồn cảm hứng sáng tác The Scream: “Tôi đang đi bộ trên đường cùng hai người bạn – khi mặt trời đang lặn – tôi bỗng thấy sầu muộn vô cùng – rồi bầu trời đột ngột đỏ như máu. Tôi dừng lại, vịn lên thành lan can, mệt mỏi như sắp chết – bầu trời cháy rực như thanh gươm máu lơ lửng trên vịnh màu xanh-đen và thành phố – các bạn tôi vẫn đi tiếp – Tôi thì đứng đó run rẩy sợ hãi – Tôi bỗng cảm thấy như có tiếng thét vô cùng vô tận vang lên.” Chủ đích của ông là biểu hiện mạnh nhất, nhanh nhất tình cảm mạnh mẽ, tức thời của mình. Thế nên tranh nghiêng ngả, không cân bằng, nét bút dứt khoát, màu sắc chói gắt.

Nó nhớ đã từng hỏi mẹ rằng thế nào là đẹp. Với mẹ, đẹp là không làm không khí u buồn. Nhưng tại sao ở đây các nghệ sĩ lại chọn đề tài cay đắng đến vậy? Mà không,… Tại sao mẹ lại cho rằng những cảm xúc ấy không đẹp? Có lẽ đặt câu hỏi như vậy đúng hơn! Với nó một tác phẩm mang trong mình cảm xúc “tiêu cực” trước hết là một biện pháp để chữa trị tâm hồn cho người nghệ sĩ. Còn đối với khán giả thì sao? Con người có ai là vui mãi. Vậy thì những lúc buồn làm bạn tâm giao với người nghệ sĩ để được cảm thông, được an ủi. Nỗi vui có thể chia sẻ cùng nhau được, tại sao buồn lại không! Hơn nữa, những tác phẩm ấy còn là kỉ niệm, là lịch sử. Không phải những điều đó đã rất đẹp rồi sao?

Từ cuộc cách mạng màu sắc của các phong trào trước đó các nghệ sĩ theo chủ nghĩa lập thể (cubisme), vị lai (futurisme), cực đoan (suprematisme), xây dựng (constructivisme) đã thoát khỏi những nguyên tắc hình ảnh từ thực tế khách quan thông thường và buộc bản thân phải quan sát chủ thể từ những góc nhìn khác nhau. Để rồi từ đó đặt nền móng cho sự ra đời của trường phái Trừu tượng (sử dụng đường nét, hình khối, màu sắc để diễn tả những những ý nghĩ, cảm xúc của nghệ sĩ về một vài nét nào đó của đối tượng)

800px-'Unique_Forms_of_Continuity_in_Space',_1913_bronze_by_Umberto_Boccioni
Unique Forms of Continuity in Space – Umbetto Boccioni (1913): Tác phẩm điêu khắc này đại diện cho một người đàn ông đang tiến về phía trước. Người này không có khuôn mặt, không có bàn chân hay bàn tay. Nhân vật không rõ được mặc quần áo hay trần truồng. Chúng ta không thể nhận diện được đây là một con người nếu chỉ nhìn từng chi tiết đơn lẻ mà cần phải quan sát tổng thể. Ở đây nhân vật được ông quan sát không chỉ qua chiều không gian mà còn cả thời gian. Những hình dạng này dường như bị biến dạng do tốc độ di chuyển của nhân vật.

Nghệ thuật hiện đại là một bước chuyển của tính thẩm mỹ và chức năng của nghệ thuật, trong đó giá trị chính không phải là sự thể hiện đúng nghĩa đen, chính xác về màu sắc và hình dáng tự nhiên. Nói một cách nôm na là nhìn vậy mà thể hiện ra không còn là vậy. Thế nên nghệ thuật hiện đại được coi là sự đối lập của nghệ thuật học thuật và nghệ thuật cổ điển.

Thử nghiệm những chất liệu tạo hình và đưa nghệ thuật ra khỏi sự miêu tả thông thường hướng tới tư duy trừu tượng. Biểu đạt tự do, mang tính cách mạng của tư tưởng từ bên trong người nghệ sỹ, cách biểu hiện với tầm nhìn như vậy đã đánh dấu sự ảnh hưởng vĩ đại của Nghệ thuật hiện đại. Điều này không chỉ đem lại những khái niệm trừu tượng mà còn ảnh hưởng đến sự tiếp cận thế giới, những vấn đề xã hội và mô tả đời sống hiện đại.

Viết xong nó cũng bắt đầu cảm thấy thực ra nghệ thuật hiện đại cũng thú vị ra phết, mở mang đầu óc hơn chút. Khi đã có cái nhìn khái quát về nghệ thuật hiện đại thì nó bắt đầu tò mò về từng phong trào nghệ thuật của thời kì này. Vậy là lại có động lực để viết thêm các bài sau rồi. Cool thế mới thấy càng không thích thì càng phải làm nhể!

Advertisement

Một suy nghĩ 6 thoughts on “Nghệ thuật Hiện đại”

  1. Thực ra thì không hiểu lắm về hội họa, nhưng mình vẫn cứ nghĩ Tiếng thét của Munch là Expressionism cơ. Cơ mà nói thực là đôi khi cũng không phân biệt rõ ràng được giữa Expressionism và Impressionism, nhiều lúc nói cũng cảm tính. Như kiểu Expressionism gần hơn với Fauvism về khía cạnh màu sắc.

    Thích

    1. Tiếng thét của Munch là expressionism bạn ạ (bài này mình viết tổng hợp về nghệ thuật hiện đại. Có lẽ do một số chỗ diễn đạt ko mạch lạc nên khiến bạn hiểu nhầm) Còn về sự khác nhau giữa impressionism và expressionism thì impressionism thường là các tranh vẽ có kích thước nhỏ, nét cọ được nhìn thấy rõ ràng qua đó thể hiện sự chuyển động của cảnh vật. Còn về expressionism thì mục đích của nó là nhằm truyền tải một cảm xúc mãnh liệt qua tranh, vì thế mà hình ảnh thường bị biết dạng, nét vẽ phóng khoáng và màu sắc tương phản mạnh mẽ hơn.

      Thích

  2. Pingback: Dada – MẦM

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.