Cứ mỗi lần viết bài nuôi Mầm là một lần nó đánh lộn với cái mở bài. Thật đó! Bởi nó muốn viết về những thứ thật sự gần gũi, thật con người. Vì Nghệ thuật cũng chính là cuộc sống. Mặc dù “Con người vốn quá dễ bị lôi cuốn bằng sách vở mà sao nhãng ngôn ngữ của thế giới”. Trong cuộc sống bây giờ dường như mọi người cứ để bị cuốn đi trong cô độc và vội vã mà không để ý thấy rằng bên cạnh có nhiều điểm sáng, những điều cần được trân trọng để cảm nhận hạnh phúc. Tại sao tự nhiên hôm nay nó lại dở chứng nói về hạnh phúc?
… Đơn giản thôi vì hôm nay nó thấy không hạnh phúc.
Đúng hơn thì nó cảm thấy hoang mang, vật lộn giữa góc nhìn của hai thanh niên thân, và rồi để bản thân mình cảm thấy bất lực đến lạ lùng. Cái cảm giác khi mà mình có thể thấy được sự việc từ các góc nhìn khác nhau và kết hợp những mảnh ghép ấy lại, tưởng rẳng sẽ sáng rõ… mà đúng là rõ thật nhưng người cần rõ thì lại không rõ. Cảm giác muốn làm cầu nối, làm chỗ dựa nhưng sao mà khó đến thế! Ai khiến nó làm vậy? Đây cũng không phải lần đầu. Nhưng có gì khó hiểu đâu. Hai người là bạn nó, và nó mong hai người vẫn sẽ là bạn của nhau, để không cảm thấy cô đơn lạc lõng khi nó không ở đó. Ừ thì mặc dù đứa nào cũng có nơi có chốn rồi nhưng mà chỉ có túp lều tranh và hai trái tim vàng thì rõ ràng là không đủ. Bốn có lẻ vẫn hơn mà! Nhưng rồi nó lại nghĩ có thể đây cũng chỉ là suy nghĩ ích kỉ của riêng nó. Nó áp đặt sự cầu toàn mà nó mong muốn lên mọi người chăng?
Nó mong mỗi lần mâu thuẫn hay khi gặp một biến cố nào đó sẽ là một lần để mọi người kết nối: chia sẻ nhiều hơn suy nghĩ của mình, hiểu nhau hơn, mở rộng góc nhìn của bản thân, có đủ dũng khí hạ cái tôi xuống, thấu hiểu, cảm thông và quan tâm nhau nhiều hơn, cũng là để đối xử với bản thân mình tốt hơn. Vì điểm sáng gần ngay trước mặt – hạnh phúc – mà nó muốn nói tới chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim chứ không phải cái tôi cao ngút trời bị quáng gà.
Và chống lại cái thứ của nợ đấy cũng là nguyên tắc cơ bản của trường phái lập thể – là tiếng nói của những kẻ không nỡ lòng nào bỏ sót mặt cắt bất kì của một vấn đề, những kẻ tham lam thích tự dày vò bản thân. Nó cho là vậy!
Hơ… chủ nghĩa lập thể liên quan gì ở đây mà lại đi nhét vào vô tội vạ như thế?
Hãy khoan lấy làm lạ! Và đọc tiếp…
Chủ nghĩa Lập thể xuất hiện khi giới họa sĩ muốn tìm kiếm một phương pháp thể hiện thế giới tự nhiên với hình thức mới mẻ, giúp họ phản ánh những điều vượt lên trên vẻ ngoài thông thường của vật chất. Các tác phẩm Lập thể vì thế đã từ bỏ hết các khái niệm truyền thống về hình khối và không gian phối cảnh, đưa nó trở lại hình dạng, hình học đơn giản. Không hề giống với mắt nhìn thông thường của chúng ta, chỉ nhìn thấy sự vật ở một góc độ duy nhất ngay tại thời điểm ta nhìn thấy chúng, những người theo chủ nghĩa Lập thể kiên quyết chọn hiển thị chúng một cách toàn diện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Hình thức của đối tượng cũng vì thế mà bị phá vỡ thành những diện, mảng như trò xếp hình. Chủ nghĩa Lập thể là một phong cách tạo hình mới, nhưng quan trọng hơn cả đó là một cách nhìn mới.
Như người ta thường nói những gì ta thấy không phải là tất cả nên đừng để định kiến làm lu mờ tầm nhìn của chúng ta, nhưng cũng đừng chịu ảnh hưởng quá nhiều từ góc nhìn của người khác, điều quan trọng là phải tự mình thật tâm tìm hiểu, cảm nhận và sắp xếp những mảnh ghép ấy trong tâm trí ta. Nói thì dễ lắm! Riêng việc bóc tách vấn đề, lật từng mảnh vỡ lên xem nên ghép vào vị trí nào cho hợp lí cũng đòi hỏi kha khá thời gian mà mỗi người thì có vô vàn vấn đề phải lo. Quan trọng là bên nào nặng bên nào nhẹ và rành mạch từng chuyện một đừng có trộn hết lên để rồi mệt thân. Đấy cũng là lí do mà các tác phẩm lập thể lướt qua thì tưởng rằng phức tạp nhưng nhìn kĩ thì mảng nào ra mảng nấy, rõ ràng, dứt khoát.

Trường phái lập thể (Cubism) là một phong trào nghệ thuật tiên phong (avant-garde) thế kỷ 20 do Pablo Picasso và Georges Braque khởi xướng, gồm 3 giai đoạn: chủ nghĩa Lập thể chịu sự ảnh hưởng của Cézanne (1907-1909), chủ nghĩa Lập thể Phân tích (1909-1912) và chủ nghĩa Lập thể Tổng hợp (1912-1914).
Họa sĩ người Pháp Paul Cézanne đã để lại dấu ấn quan trọng trong lich sử nghệ thuật bằng phong cách hội họa tiên phong và độc đáo của mình. Cézanne đơn giản hóa tự nhiên thành các hình dạng hình học, mảng màu. Ông đã sử dụng các nét cọ nhỏ để tạo thành các tác phẩm nghệ thuật phức tạp, vừa diễn tả trực tiếp cảm giác của mắt vừa là một sự trừu tượng, vượt ra khỏi phong cách thể hiện thực tế của các bức tranh cổ điển . Từ đó ông đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trường phái lập thể và tạo ra một giai đoạn gọi là “chủ nghĩa lập thể Cézanne”. Trên thực tế, các tác phẩm của Cézanne có sức ảnh hưởng đến nỗi ông không chỉ được gọi là cha của trường phái Lập thể mà còn là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại.

Lập thể Phân tích (Analytical cubism) là giai đoạn đáng chú ý nhất của chủ nghĩa Lập thể. Phong cách Lập thể Phân tích, có tên gọi như thế bởi sự mổ xẻ cấu trúc đối tượng theo nhiều góc độ. Đối tượng trong tranh bị chia thành nhiều mảng nhỏ rối rắm, khá trừu tượng. Những hình ảnh này sau đó sẽ được cắt ra và xếp lại một cách ngẫu nhiên, chồng chéo trên cùng một mặt phẳng. Bề mặt thường giao cắt ngẫu nhiên, loại bỏ cảm giác chiều sâu tổng thể. Bối cảnh và đối tượng đan xen vào nhau tạo ra một không gian mơ hồ.
Màu sắc hầu như không tồn tại, các nghệ sĩ chỉ sử dụng màu đơn sắc như xám, xanh lam và màu vàng. Thay vì nhấn mạnh màu sắc, chủ nghĩa Lập thể phân tích tập trung vào các hình dạng như hình trụ, hình cầu và hình nón để đại diện cho thế giới tự nhiên. Do đó người xem không bị phân tâm khi nhìn vào phom dáng của cấu trúc và mật độ ảnh ở trung tâm khung hình.
Trong suốt giai đoạn này, những tác phẩm của Pablo Picasso và Georges Braque đều có những điểm tương đồng kiểu dáng. Cả hai họa sĩ cùng hướng đến tư duy trừu tượng, chỉ để lại một vài dấu hiệu của thế giới thực trong tranh. Có một điều mà nó rất chân quý đó là tình bạn giữa hai người nghệ sĩ này. Họ cùng nhau chia sẻ, tranh luận, tìm tòi những góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật. Và có lẽ đấy cũng là yếu tố giúp họ tạo nên kiệt tác.

Nhưng việc phân tích các hình thức ngày càng phức tạp, phân mảnh phân chia, khiến cho việc hiểu tác phẩm trở nên khó khăn hơn. Do đó các nghệ sĩ cảm thấy cần đưa thêm các đặc điểm của đối tương vào trong tranh từ đó hình thành nên giai đoạn Lập thể tổng hợp (Synthetic cubism). Phát triển theo hướng đối lập, Lập thể Tổng hợp đi ngược lại nguyên tắc bố cục của Lập thể Phân tích. Các đặc điểm chính của Lập thể Tổng hợp được tóm gọn như sau: Đường nét và hình dáng đơn giản; Hòa sắc rực rỡ với nhiều màu cơ bản như đỏ, vàng, cam, lam nhất là ở tranh của Juan Gris ( 1887-1927) và Fernand Leger (1881-1955)

Kỹ thuật dán giấy được Braque phát kiến năm 1913 được sử dụng cùng lúc với sơn dầu. Các họa sĩ học tập và sáng tác bằng kỹ thuật trên với các hình khối đơn giản. Như vậy, thay vì nhìn vào một cái chai để phân tích hình dáng và cấu tạo để tạo ra một hình dáng tương tự từ trí tưởng tượng của mình thì chỉ việc thực hiện bằng những mẫu giấy cut-out hoặc viền lại nét.

Cấu trúc bề mặt cũng rất được quan tâm khi các họa sĩ có thể tận dụng nguyên liệu giấy cùng lúc với mặt sơn. Một bề mặt nhẵn có thể xuất hiện bên cạnh các mẩu báo, mẩu bìa, giấy dán tường hoặc dây xích. Các bức tranh không còn là phương thức biểu hiện các vật thể nữa, chúng chính là những vật thể.
Chủ nghĩa Lập thể chắc chắn là phong trào quyết định trong lịch sử nghệ thuật hiện đại vì đã dứt khoát gạt bỏ tư tưởng coi nghệ thuật là sự mô phỏng thiên nhiên – tư tưởng đã chi phối hội họa và điêu khắc châu Âu từ thời Phục hưng. Các tác phẩm chính là kết quả của hình ảnh được lọc qua trí tuệ người nghệ sĩ. Trí tuệ ở đây chính là vô vàn những sự lựa chọn. Và những sự lựa chọn ấy của mỗi người chính là cách định hình lại toàn bộ cuộc sống của con người đó. Chắc mọi người sẽ thấy nó bị điên tự nhiên lan man đi nói về những điều ngớ ngẩn chả liên quan. Nhưng mà đấy cũng là cách để nó cảm nhận về nghệ thuật rằng nghệ thuật luôn len lỏi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Vậy đó chỉ đơn giản vậy thôi chủ yếu là nó mượn chủ đề này để nói bóng nói gió chanh chua đanh đá tí cho bằng bạn bằng bè ý mà. Thân!
Trả lời