8/3 của mọi người như thế nào? Một năm vừa rồi nó khá là không có duyên với các ngày kỉ niệm nên hôm bữa nó đã quẩy banh cái Pazi.
Nói nghe đã thấy điêu!
Hơi bị kì cục nhưng mà nó đã search google xem mọi người thường làm gì trong ngày 8/3. Kết quả tất nhiên là ra một nghìn tỉ thứ. Nào là trau dồi kiến thức về ngày này, tìm hiểu về những người phụ nữ tài năng trên khắp thế giới, đọc sách, đọc tài liệu về phụ nữ, còn cả những hoạt động xã hội như làm từ thiện cho những tổ chức bảo vệ quyền lợi nữ giới, chia sẻ qua mạng xã hội những trải nghiệm của mình vân vân mây mây…
Và tất nhiên là nó sẽ không làm theo mấy điều đấy rồi (thực ra cũng có chút chút vì sáng nó có xem vlog của Vân Possible phỏng vấn mọi người về phụ nữ sướng khổ ra sao… à chết chút đâu mà chút nó còn đang viết mầm đây thây). Bỏ qua!
Hôm đó, đến trường xong nó phải đi làm thêm ở quán. Mà khách bữa nay có điều khác lạ. Chủ yếu đều là nữ. Có người đến ăn một mình, lại có một số cặp mẹ chồng – con dâu, bạn thân, hàng xóm,… à còn một bàn siêu đông là đồng nghiệp. Những “cô gái” ấy cùng nhau ăn mừng, dành cho nhau những lời chúc tụng trong sự vắng mặt của cánh mày râu. Thấy cũng vui vui. Thế là nó quyết tâm lên đường vi vu một mình tận hưởng cho thỏa cái thói đua đòi. Không có kế hoạch trước, nó cứ hứng lên là đi, may còn nhớ mang máy ảnh.
Bữa nay bus vắng không phải vạ vật, đứng chen chúc nghiêng bên nọ rồi vẹo bên kia nên nó ngồi thu lu một góc riêng, chụp ảnh vu vơ, nhìn ngắm phố phường. Nó vẫn thường vậy, thích tách biệt với cả thế giới nhưng rồi trong khoảnh khắc bất chợt một vài hình hài nhỏ bé kéo lấy tầm mắt nó, níu giứ nó, ôm lấy nó và đấy là khi nó biết mình cần phải lưu lại những khung hình ấy, để nhớ, để trở về thực tại, để những phút giây ngập ngừng giữa lưng chừng mộng mị không đưa nó đi xa quá. Nó đến Châtelet (cái bến metro giao cắt của một đống tàu, đường đi từ tàu nọ sang tàu kia thì rắc rồi tóm chung đây là bến metro mà mọi người ghét nhất trên cái đất Paris này). Nhưng hôm nay nó đi bus nên việc cái bến metro vừa bẩn vừa xấu như thế nào chẳng dính dáng gì đến sự yêu đời của nó.




La cà ra Starbucks ngồi viết mầm post bài một lúc rồi sau đó nó nhấc mông chạy sang Pompidou (Trung tâm triển lãm nghệ thuật và cũng là nơi mọi người hay lên để nhìn ngắm toàn cảnh Paris). Cũng lâu rồi nó không vào đây không cập nhật được tình hình các “đồng nghiệp” dạo này ra sao nên quyết tâm đến thăm hỏi các đồng chí. Hôm nay xác định tinh thần là sẽ phải đứng xếp hàng mệt nghỉ, ai ngờ đâu tầm chiều tối thì chẳng còn ai nên cứ thế xông thẳng vào. Hôm nay được trời thương. Cảm ơn nhé!

Nó bắt đầu đi từ khu mà bình thường nó ít đi nhất ở phía bên phải của sảnh đón tiếp là khu galerie 3 và galerie 4. Ở đây trưng bày các tác phẩm của Sheila Hicks – lignes de vie (dịch nôm na là những sợi dây của cuộc sống). Các tác phẩm được trưng bày ở đây có thể coi là toàn bộ sự nghiệp của bà từ trước đến giờ. Mọi thứ được sắp xếp tạo nên một không gian sinh động, đầy màu sắc. Phòng trưng bày được xây dựng với các mặt kính mở ra thế giới bên ngoài. Nhờ vậy mà các tác phẩm cũng trở nên “lung linh dưới nắng” và đối với những thanh niên lười xếp hàng như nó nhưng lại không gặp may như hôm nay thì có thể ngó qua các tác phẩm từ bên ngoài.
Quay lại với Sheila, bà bắt đầu sự nghiệp sáng tạo của mình từ năm 1950. Bà sử dụng các kĩ thuật bọc, cuộn, gấp, xoắn, xếp ly, thêu, đan,v,v,… với các chất liệu như len, lanh, bông. Mọi người nói rằng điều đặc biệt mà bà đã làm được chính là phá bỏ khoảng cách giữa nghệ thuật, thiết kế và trang trí. Vì bà đã sử dụng chất liệu đời sống, chất liệu thường được sử dụng trong ngành dệt may và trang trí, khai thác nó bằng rất nhiều các thử nghiệm khác nhau tạo nên phong cách nghệ thuật của riêng Sheila.
Các tác phẩm của bà theo nó có thể chia thành bốn series nhỏ. Đầu tiên là các mẫu thiết kế chất liệu được treo vào các khung nhỏ cỡ khoảng A4 thì phải. Phần này nó không mấy hứng thú vì những mẫu đan, thêu dệt đó chỉ đẹp kiểu ưng mắt, nhìn vào thì điều đầu tiên nó nghĩ là nếu sử dụng những thiết kế này cho thời trang thì sẽ khá là ấn tượng. Nghĩa là nó chỉ có giá trị trong thiết kế. Thực ra đấy chỉ là ấn tượng ban đầu. Vì mắt nó đã bị hút vào những tác phẩm khác hoành tráng hơn và sặc sỡ hơn. Còn theo như video phỏng vấn Sheila mà nó được xem tại đó thì cách bà tạo ra các mẫu vải đó có thể ví như là hành trình khám phá của lần lượt từng sợi dây, mọi thứ không được sắp đặt trước, cuối cùng tác phẩm được tạo nên không chỉ đem đến hiệu quả về thị giác mà cả xúc giác. Nhưng mà chúng lại bị đóng khung kính không được chạm vào, và còn trưng ra ở mảng tường u ám thiếu sáng. Nên điều đó vô tình khiến cho những tác phẩm này phải chịu “ấm ức”. Đấy, xem xong video thì nó thấy những mẫu vải này có lẽ đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mẩn nhất và đoạn bà nói về cảm giác khi được chạm vào những tác phẩm ấy cũng truyền cho nó một niềm hân hoan sáng tạo. Đúng là nghệ thuật rất chủ quan, để người ta thích tác phẩm của mình thì trước hết phải để họ đồng cảm và hiểu tác phẩm theo cách mà mình mong muốn. Và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự kết nối ấy từ không gian xung quanh, cách sắp xếp trình bày tác phẩm v,v,… Dù sao thì đây cũng không phải là phần để nó có thể nhìn là nhận biết được đó là tác phẩm của Sheila Hicks.



Phần tiếp theo là một chuỗi các tác phẩm được làm từ những sợi len xoắn lại với nhau thành từng dải dài thả từ trên trần nhà thõng xuống, trông giống như những thân cây cổ thụ cao vút đầy màu sắc sặc sỡ, khiến cho phòng trưng bày hao hao giống một ngôi nhà trên cây. Và đây chính là phần nó thích nhất. Từ cách lựa chọn màu sắc, kích thước, phương pháp tạo hình đều hài hòa với không gian, ánh sáng và cả dòng người đi lại bên ngoài. Có vẻ như cảm giác được trở về tuổi thơ khiến nó trở nên hứng khởi và dễ tính hơn bình thường. Cũng đúng thôi, trẻ con đứa nào nhìn thấy những thứ mới mẻ, hoành tráng, lòe loẹt mà chẳng ố á rồi ngước nhìn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ.



Phần thứ ba là những tác phẩm được quấn bởi vô số sợi len màu sắc tương phản mạnh mẽ với nhau. Chúng đôi khi trông như những chiếc cúc quá khổ, khi thì trông như những chiếc kén, khi lại tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu như những chiếc gối tròn êm ái. Có những chiếc được gắn chi chít lên một mảng tường, một số khác thì bị vứt lăn lóc trên tấm lưới treo lơ lửng trên trần nhà, và chỗ còn lại thì đổ đống ở một góc phòng.


Phần cuối cùng là những sợi len được bó lại trông như nhiều chiếc chổi xể xếp chồng lên nhau thành bức tường con con. Nói chung thì các tác phẩm của Sheila Hicks là sự khám phá, thí nghiệm với những chất liệu trong dệt may, sự lựa chọn màu sắc, đa dạng về cách tạo hình, là sự sắp đặt khéo léo tạo nên một không gian sặc sỡ mà hài hòa. Triển lãm cũng phản ánh cuộc sống hàng ngày của nghệ sĩ, một thời thơ ấu mân mê hoài không chán những chất liệu đời sống quen thuộc này, và có lẽ đây cũng là lí do cho cái tên “Lignes de vie”.

Giờ thì nó trở lại sảnh chính để đi thang máy lên những tầng phía trên. Nhưng mà kì lạ ghê, không hiểu sao lúc nãy đi qua nó không để ý đến sự tồn tại của gã thanh niên ngộ nghĩnh “tôi muốn ôm cả thế giới” này. Nếu mọi người thắc mắc thì đây là tác phẩm điêu khắc hình ảnh và âm thanh trong series Gathering do Daniel Firman thực hiện năm 2000. Gathering là chân dung và là màn trình diễn của chính tác giả. Đầu tiên tác giả cố gắng dùng hết sức lực để mang trên mình nhiều đồ nhất có thể. Sau đó ông dùng mannequin để thay thế và đặt lại tất cả những đồ đạc ông vừa mang lên. Qua đó ông thể hiện ẩn dụ về mối quan hệ giữa cơ thể và môi trường xung quanh. Tác phẩm khiến nó liên tưởng đến cảm giác khi mà mình đem hết sức lức, vốn liếng để cố gắng tạo nên một thế giới mà mình mong muốn, cảm giác rằng “tôi có thể làm được”. Cảm giác ấy có thể giống như lúc bạn xách vali lên và đi du học, đặt bước chân đầu tiên vào ngôi nhà mới hay khi bắt đầu một công việc nhưng nó cũng có thể đơn giản như lúc bạn lau dọn nhà cửa, sửa cái bóng đèn, nấu ăn, trồng cây, v,v,… những việc nhỏ bé đấy sẽ tạo nên một môi trường sống xung quanh bạn. Môi trường ấy mà khỏe mạnh thì nó sẽ là bước đà để bạn có thể đối mặt với những thử thách lớn hơn. Đấy là cảm nhận ban đầu của nó, nhưng rồi nó lại nghĩ tại sao con người lại phải ôm đồm quá nhiều như thế? Đấy là tác giả chỉ đứng im để thử xem mình có thể vác được bao nhiêu thứ nhưng nếu không đứng im mà di chuyển thì sao? Có thể chịu được đến lúc nào? Mà liệu có đi nổi không? Vậy làm sao để tìm được giới hạn để có thể vừa gánh vác mà vẫn tiến về phía trước được? Nó lại lan man quá rồi. Nó có một cái bệnh là hay dùng nghệ thuật để suy ra cuộc đời. Mà điều đấy nhiều khi khiến nó có những suy nghĩ không đúng với tư duy nghệ thuật của tác giả lắm.

Lượn lờ xong không còn vương vấn vấn vương gì nữa thì nó mới lê xác lên tầng trên cùng của tòa nhà. Hôm nay trời mưa nên không khí trong lành dễ chịu ghê gớm. Và mặc dù mưa nhưng quang cảnh không đến nỗi ủ rũ, buồn rầu. Chắc một phần vì nó vẫn còn thừa năng lượng, tưng tửng, vui tươi lắm.

Hít thở khí trời tâm hồn phơi phới, nó tiếp tục hành trình. Giờ đến lượt diện kiến César Baldaccini. Ông bắt đầu sự nghiệp điêu khắc vào năm 1947. César thường xuyên đến các phòng triển lãm và viện bảo tàng (giống nó nè). Ông tò mò và học hỏi nhanh. Ông không có nhiều tiền, vì vậy ông làm việc với những mảnh phế liệu thu hồi và thạch cao, v,v… César làm việc trong một xưởng nhỏ khoảng năm mươi năm, không có trợ lý, không có thư ký. Nhưng cũng chính những điều đó tạo nên nét rất riêng trong nghệ thuật của Cézar rằng các tác phẩm của ông đều là những sản phẩm tái chế. Có ba điều rất quan trọng đối với ông: công cụ, vật liệu và tìm kiếm một kỹ thuật mới. César là cầu nối giữa chủ nghĩa cổ điển và sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Mặc dù ông có một sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật, nhưng không có sự chuyển tiếp giữa các phong cách. Ông thường làm hai tác phẩm cùng một lúc, với hai kỹ thuật hoàn toàn khác nhau.
Ông bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình từ năm 1949 bằng những tác phẩm điêu khắc thuộc serie “le Fer” được chế tạo từ các phế thải kim loại mà ông thu lượm được. Điều này làm tăng tính độc nhất của các tác phẩm, vì những mảnh ghép kim loại do ông tìm kiếm và chọn lọc không có cái nào giống cái nào. Đồng thời, nó tạo nên một hình thức biểu hiện, kết cấu lỗ chỗ không phẳng lì, trơn tru. Đối tượng của những tác phẩm này là động vật như cá, dơi, bọ cạp, v,v,… Nó quá là khâm phục César vì sự kiên nhẫn của ông luôn. Để có thể tạo ra những tác phẩm này cần sự quan sát tỉ mỉ, và biết bao công sức để hàn từng mảnh kim loại với nhau, tạo ra vật thể mong muốn.

Tiếp theo là một trong số các tác phẩm thuộc serie Compression được thực hiện năm 1959. Ông đã thường xuyên ghé qua các bãi phế thải kim loại trong suốt năm 1958, nhờ vậy ông đã sáng tạo ra kĩ thuật nén ép thủy lực những phế liệu thành hình khối vuông vắn và tạo nên những tác phẩm này. Chiếc ôtô sau khi bị làm cho biến dạng vẫn giữ lại được những đặc trưng của nó. Qua đó thể hiện ngôn ngữ riêng của vật liệu. Mặc dù những tác phẩm này được chế tạo bằng máy nhưng quan trọng hơn cả đó là con mắt của người nghệ sĩ, là những sự lựa chọn của tác giả về hình dạng, màu sắc, nén ép đến mức độ nào, để mặt nào ra hiện ra, giữ lại những đặc điểm nào của vật liệu, v,v,…

Được trưng bày ngay cạnh chiếc ôtô rúm ró này lại vẫn là ôtô nhưng điểm khác biệt ở đây là chúng được nén thành hình hộp chữ nhật cũng bằng chính kĩ thuật đó, do vậy đường nét nhận diện không được giữ lại nhiều. Đồng thời tác giả đã thổi hồn đương đại vào trong tác phẩm bằng những màu sắc ánh kim vô cùng bắt mắt. Đây chính là những tác phẩm cuối cùng của ông. Chúng được hoàn thành năm 1977 và cũng là năm nghệ sĩ qua đời.
Không biết mọi người có từng nghe đến giải thưởng điện ảnh César chưa? Giải thưởng này được ví như Oscar của Pháp đó. Đọc đến đây chắc mọi người cũng đoán ra tên giải được đặt theo tên của kẻ lượm phế liệu này bởi ông là người đã tạo ra bức tượng dùng làm phần thưởng cho người thắng giải cũng bằng chính kĩ thuật trên.

Nén ép chán chê thì ông quay ngoắt 180 độ, chuyển sang nghiên cứu về sự mở rộng, lan tỏa “Expansion”. Ông sử dụng chất liệu polyuréthane. Ông đổ hỗn hợp đó ra sàn nhà, chơi đùa với nó, theo thời gian, nó đông đặc lại và trở thành một các phẩm nghệ thuật. Sự can thiệp của người nghệ sĩ được thể hiện trên độ cứng, độ dày, màu sắc, trên các dòng chảy (xếp chồng lên nhau, hướng lan rộng của vật chất) hoặc trong việc xử lí bề mặt. Không chỉ có vậy, ông còn thực hiện những tác phẩm này trước tất cả khách mời, sau đó cắt chúng ra thành từng miếng nhỏ như cắt bánh và tặng cho mọi người, qua đó tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trình diễn ấn tượng. Nhờ có serie này, trong những năm 1970, ông đã được quốc tế công nhận và biết đến rộng rãi. Ông trở thành một trong những nghệ sỹ hàng đầu của Pháp.

Năm 1956, César được mời tham gia một cuộc triển lãm mang tên “La Main, de Rodin à Picasso”. Vì những tác phẩm trước đó không phù hợp với triển lãm này nên ông phải tạo ra một một tác phẩm mới. Vào khoảng thời gian đó, ông đã phát hiện ra kỹ thuật để phóng to vật thể, đánh dấu sự ra đời của serie “les Empreintes humaines” – dấu vết con người. Ông quyết định mô phỏng lại ngón tay cái của mình, và làm phóng đại lên với chiều cao 40 cm. Bắt đầu từ đây, ông đã tạo ra một chuỗi các tác phẩm khác cũng với nguyên lí đó. Không chỉ có ngón tay cái, mà còn bàn tay nắm, mở và ngực của vũ công Crazy Horse, v,v,… với nhiều chất liệu khác nhau: đồng, nhựa, pha lê và đá cẩm thạch. Tác phẩm của ông trở nên đa dạng hơn, những tác phẩm mới này cung cấp các khía cạnh mới về kết cấu và màu sắc mới. Ngoài ra, kỹ thuật được sử dụng cho phép các biến thể có tỷ lệ khác biệt về kích thước đáng kể. Ngón tay cái lớn nhất có chiều cao là 12m.

Hầu hết tất cả các tác phẩm của César đều được trưng bày ở đây, bao gồm cả serie các tác phẩm rất ít được biết đến: “Enveloppage”. Đây là những tác phẩm được tạo ra từ những đồ dùng được tìm thấy trong các chợ trời, điện thoại, máy xay cà phê, quạt, sau đó ông bọc chúng trong một tấm Plexiglas nung nóng. Kỹ thuật này khá là rủi ro, thường là các tấm Methacrylate sẽ bị vỡ khi gấp, hoặc không bền với thời gian. Đó là lý do tại sao có rất ít tác phẩm như thế này. Một lần nữa César đã nối cầu khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại: một vật thể cổ được bao phủ bằng công nghệ mới nhất.



Một buổi đi ngó nghiêng này mà khiến nó yêu đời lên trông thấy. Nhìn đám trẻ con ở đây làm nó nhớ hồi còn nhỏ xíu. Chúng nó cứ há hốc mồm thán phục rồi giơ điện thoại lên chụp ảnh. Mà trẻ con bên này thiệt sướng, được tiếp xúc với nghệ thuật từ bé tí, tự mình khám phá, thích cái gì thì chụp lại, tự chọn góc, tự chọn tác phẩm… À hồi bé có ai mỗi lần nhìn thấy cái chìa khóa là tưởng tượng ra hình đầu con chim không? Giơ tay! Nó bắt quả tang César và nó ý tưởng lớn găp nhau này. Viết đến đây thì nó mới nghĩ rằng thực ra làm nghệ thuật cũng cần phải có đầu óc trẻ thơ một chút. Trẻ ở chỗ thích thử nghiệm, nghịch ngợm khám phá mọi thứ. Và các tác phẩm nghệ thuật có thể được tạo ra từ những chất liệu thân thuộc xung quanh mình chứ không cứ phải là những hộp màu, bảng vẽ đắt tiền.


Pompidou rộng mênh mông, mới có hai nghệ sĩ và tặng kèm một “ông khuân vác” mà đã có không biết bao nhiêu thứ phải nói. Tất nhiên đây cũng là hai triển lãm đáng chú ý nhất ở Pompidou trong thời gian gần đây.
8/3 với nó coi như đã kết thúc tốt đẹp, được xem toàn những tác phẩm khá là ưng (thực ra vẫn còn nhiều lắm mà chắc thỉnh thoảng nó sẽ phun ra một tí), thời tiết hôm nay cũng yêu thương nó hết nấc, trời mưa mà cứ lúc nào bước chân ra đường là tạnh, sáng ra còn được bố béo chúc lấy lệ vài câu nữa, và mặc dù không liên quan lắm nhưng cuối ngày nó ngồi xem review sách và quyết định đọc cuốn Jane Eyre. Một ngày chỉ cần có nhiêu đó là hạnh phúc lắm rồi. Mong là những ngày sắp tới của mọi người và nó cũng đều vui vẻ như nó của ngày hôm nay (lộn! tuần trước mới đúng haha).
Trả lời