Dạo này nó hay xem một chương trình truyền hình Việt Nam trên Youtube, nói về những trăn trở của người nổi tiếng, về kinh nghiệm sống của họ. Nó mê lắm! Đôi khi nhìn vào những suy tư của họ, nó lại thấy mình trong đấy. Căn bản nghệ sĩ hay những người nổi tiếng thì đằng sau những hào quang, họ đều là những con người bình thường, cũng có lúc vui lúc buồn, lúc thuận lợi lúc khó khăn. Thành công đến với họ có thể nhờ một phần là may mắn, nhưng để duy trì được thì cần có nỗ lực không ngừng nghỉ.
Toàn nói thừa! Cái này ai chả biết.
Chả là trong một tập nào đó của chương trình này, nó thấy người ta có nhắc đến hai trường phái là siêu thực và trừu tượng. Với mọi người thì đây là hai trường phái siêu cấp khó hiểu. Không hiểu nổi luôn chứ chẳng phải khó nữa. Nên nghiễm nhiên chúng bị gộp vào cái vùng mà chúng ta không bao giờ đụng chạm tới, cũng không có động lực tìm hiểu, gọi là “trường phái không cần hiểu”.
Cũng vì thế mà chúng ta thường hay lẫn lộn giữa hai trường phái nghệ thuật này. Mặc dù hai trường phái nghệ thuật này hoàn toàn khác nhau, nhưng hai từ “siêu thực” và “trừu tượng” đều mang đến cho chúng ta cảm giác mơ hồ. Sự mơ hồ ở đây xuất phát từ mong muốn kết nối với khán giả từ sâu trong tiềm thức. Tuy nhiên, mỗi trường phái này lại có lối tư duy và phương thức kết nối rất riêng. Vậy, sự khác biệt giữa trừu tượng và siêu thực là gì? Làm thế nào có thể phân biệt được 2 trường phái này?
1. Bắt đầu với trường phái Trừu tượng
Dưới góc nhìn của trường phái Trừu tượng, nghệ thuật nếu muốn chạm đến tất cả mọi người phải hoàn toàn tách biệt khỏi sự biểu hiện của thực tế. Do đó nghệ sĩ cần tìm đến một ngôn ngữ chung để tất cả mọi người đều có thể hiểu được và đứng trước nó chúng ta đều bình đẳng. Các nghệ sĩ thuộc trường phái trừu tượng đã làm được điều đó. Họ đưa suy nghĩ và những gì họ thấy vào nghệ thuật thông qua những ngôn ngữ hình ảnh thuần túy nhất – màu cơ bản, đường kẻ và hình dạng đơn giản.

Có thể nói trừu tượng cũng giống như âm nhạc không lời. Thứ âm nhạc không cần từ ngữ, không cần biết ý nghĩa của nó là gì, nhưng lại có thể chạm đến tâm hồn ta. Mặc dù mơ hồ như vậy nhưng nó lại đem đến cho chúng ta những cảm xúc vô cùng rõ ràng. Giống như các nốt trong âm nhạc, màu sắc và hình khối trong nghệ thuật tạo hình di chuyển, kết hợp với nhau, cộng hưởng tạo nên sự vô hình khó tả, thể hiện cảm xúc và cuộc sống ẩn sâu bên trong người nghệ sĩ. Trừu tượng là sự kết nối không cầu kì, kiểu cách giữa tâm hồn người nghệ sĩ và khán giả.
2. Còn trường phái siêu thực thì sao?
Trừu tượng nó so sánh với âm nhạc còn siêu thực thì nó liên tưởng đến gì đây…
Giấc mơ!
Đúng vậy! Giống như những giấc mơ, siêu thực là nơi mà các nghệ sĩ thỏa mãn sự điên rồ của mình bằng cách đưa chất thơ, sự huyền bí, kì diệu vào trong cuộc sống thường ngày để tạo nên một thực tế ảo. Trường phái này không chỉ giải phóng những giới hạn trong nghệ thuật mà còn cả trong tinh thần và cuộc sống. Người nghệ sĩ tưởng tượng ra một thế giới mà điều vô lí nhất cũng có thể xảy ra. Họ tin rằng cuộc sống luôn chứa đựng những điều huyền bí và nhiệm vụ của họ là làm chúng xuất hiện qua những tác phẩm của mình.

Đối với những nghệ sĩ siêu thực, những hình ảnh đẹp nhất chính là những hình ảnh kì lạ nhất, được tạo ra từ những yếu tố không liên quan đến nhau nhất. Tác phẩm siêu thực là những giấc mơ tưởng chừng như vô lí nhưng lại đánh thức những suy nghĩ thầm kín nhất, những bí mật từ trong sâu thẳm mỗi chúng ta. Chủ nghĩa siêu thực khiến ta nhìn thế giới khác đi, và tìm kiếm sâu trong bản thân mình những điều độc nhất vô nhị mà chúng ta có, đồng thời tự nghi vấn về những điều chúng ta tin rằng chúng ta thấy hay biết và “dán nhãn” cho chúng. Từ đó ta sẽ thấy cuộc sống vô cùng đa dạng, cũng chính vì vậy nó trở thành một bí ẩn, luôn luôn tiềm tàng những điều kì diệu.
Tóm lại, Trừu tượng và Siêu thực cùng hướng đến sự kết nối giữa tác giả và người xem từ trong tiềm thức. Nhưng với trừu tượng thì người nghệ sĩ tạo ra những mật mã hình ảnh của riêng mình, tìm về bản chất của sự vật, hiện tượng. Còn siêu thực thì tập trung vào việc kể những câu chuyện phi lí để từ đó khán giả tự mình khám phá thế giới ảo mà tác giả tạo ra, đồng thời đối chiếu, chiêm nghiệm về thế giới thực. Như vậy, Trừu tượng khó hiểu về ngôn ngữ tạo hình, còn Siêu thực thì lại khiến người ta thấy mơ hồ về câu chuyện được truyền tải. Hai bài tiếp theo nó sẽ trình bày kĩ càng hơn với mọi người về từng thành viên của “trường phái không cần hiểu” này nhé!