Trường phái Trừu Tượng – Nghệ thuật của cảm xúc thuần khiết

Hôm nay có một thanh niên thân hỏi nó rằng theo nó thì làm thế nào để tìm được vị trí của mình trong thế giới này, bằng số lượng người ủng hộ mình, bằng thành tựu của mình trong cuộc sống hay bằng cách mọi người đánh giá về mình (Ờm… hắn ta xính ngoại hỏi bằng tiếng anh mà nó thì hay dịch kiểu cục xúc nên nghe có phần ngu ngốc). Câu hỏi này có lẽ hơi giống với điều nó đã từng đề cập đến trong bài viết về tác phẩm “ăn thịt người”. Và tất nhiên câu trả lời không nằm trong đống bùng nhùng phiền phức kia.

Nó thấy vấn đề này có chút giống với bản chất của chủ nghĩa Trừu tượng nên lại lôi kéo vào đây để giải tỏa nỗi niềm của một thế hệ trẻ mới lớn chút. Tại sao nó lại nói rằng điều này có liên quan đến Trừu tượng? Tại vì trừu tượng tìm về ngôn ngữ tạo hình đơn giản, thuần túy, thứ mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được để tạo ra sự kết nối từ trong tiềm thức, từ những cảm xúc ẩn sâu bên trong, nó không tự giam mình trong thế giới “thấy” để thể hiện mọi thứ một cách tự do, đa dạng và phong phú hơn.

Cũng như vậy, số lượng “bè”, thành tựu hay cách mọi người nghĩ về mình,… chỉ là bề nổi, muốn cảm nhận được giá trị của bản thân mình trên cõi đời này, chúng ta đương nhiên phải thoát li khỏi những giá trị nhìn thấy được ấy. Thay vì nghĩ xem mình phải làm được điều gì để mọi người xung quanh ghi nhận thì hãy tự hỏi xem điều mình thực sự mong muốn là gì, điều mình có thể làm được cho mọi người là gì, ai mới là người quan tâm đến mình vì mình là chính mình, điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc. Những gì mọi người thấy được chỉ là một phần kết quả của sự tu dưỡng từ bên trong chứ không phải mục tiêu cuối cùng của mỗi chúng ta. Vì với nó thì mỗi người khi sinh ra đã có một vị trí cho riêng mình, cuộc sống chính là quá trình tự tìm hiểu chính mình chứ không phải tạo dựng chỗ đứng cho mình trong xã hội. Nếu chúng ta đối xử với bản thân tử tế thì cuộc đời sẽ trao lại cho ta những thứ ta thực sự cần.

“Nhiều khi chính con đường đi cũng là một mục tiêu đẹp rồi, nhất là khi con đường đó lại là lối dẫn vào trong chính ta, lối đi chằng chịt nhưng cũng đầy hấp dẫn”

Tất nhiên trên lí thuyết là vậy, chứ nó nhiều lúc cũng vẫn chạnh lòng, cô đơn và lạc lõng bởi những điều ngớ ngẩn ấy. Vì dù có ngớ ngẩn đến đâu thì nó cũng đã ăn sâu vào cả xã hội loài người rồi. Dẫu sao nó cũng nhắn nhủ với mọi người:

Hãy hành động đi đừng nghĩ nhiều quá!

Nhân đây tặng mọi người bài hát này, nghe xong thì đọc tiếp nhé! Chúng ta vẫn còn cái hẹn nói về trường phái Trừu tượng nữa đấy.

1. Mọi người hiểu khái niệm “trừu tượng” như thế nào?

Trong tiếng Pháp, “trừu tượng” là “abstrait”, trong tiếng Anh là “abstract”. Ngoài ra, còn một thuật ngữ khác nữa cũng để chỉ nghệ thuật trừu tượng. Đó là “art non-figuratif” trong tiếng Pháp và “nonfigurative art” trong tiếng Anh, nghĩa là “nghệ thuật phi hình thể”, được dùng để đối lập với “art figuratif/figurative art” tức “nghệ thuật có hình thể”.

Như vậy có thể hiểu rằng, trường phái trừu tượng, trào lưu nghệ thuật thống trị thế giới suốt cả thế kỉ 20, đi ngược lại hoàn toàn với quan niêm truyền thống về nghệ thuật rằng nghệ thuật là sự mô phỏng thế giới tự nhiên. Chính vì vậy, khi nhìn vào những tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng chúng ta đương nhiên không thể tìm ra bất kì một đối tượng hay vật thể nào có thể thấy được ở thế giới bên ngoài. Nghệ thuật đã chuyển từ mô phỏng sang một dạng cảm xúc thuần khiết. Phong trào nghệ thuật này chính là tiếng nói của những cá tính rất riêng thuộc về thế giới tiềm thức muôn màu. Người họa sĩ trừu tượng  được thỏa sức sáng tạo những lối vẽ rất tự do, cho phép sự nhạy cảm sâu sắc, sự bất tỉnh của mình, để thể hiện bản thân.

2. Vậy nguồn cơn nào dẫn đến sự xuất hiện của trường phái trừu tượng?

Rõ ràng, chẳng có gì là tự nhiên cả. Nghệ thuật muốn vượt ra khỏi thực tế cũng phải đi từng bước một. Trừu tượng không thể nháy mắt một cái là xuất hiện, mà trước đó phải có một vài dấu chân của các trường phái hiện đại khác tạo tiền đề cho bước ngoặt về tư tưởng nghệ thuật này.

Đầu tiên phải nói đến hai trường phái của thế kỉ 19 là Dã thú và Ấn tượng bởi sự tự do trong việc sử dụng các nét cọ và màu sắc. Tiếp theo chúng ta có trường phái Lập thể. Nghe quen chứ? Trường phái này có đóng góp không nhỏ đâu. Tại vì đây là lần đầu tiên hình ảnh của thế giới “thực” không còn đơn thuần là được sao chép lại nữa mà nó được lọc qua lăng kính của người nghệ sĩ với nhiều góc nhìn khác nhau, chúng được tháo rời và sắp xếp lại theo một trật tự mới.

rythme1938
Rythme – Sonia Delaunay (1938): Bức tranh được thực hiện để trưng bày cho triển lãm do Albert Gleizes tổ chức, có tên là “Aspect actuel du cubisme chez quelques ainés et quelques jeunes”, nhằm mục đích cho thấy sự biến đổi từ trường phái lập thể thành trường phái trừu tượng. Nó dựa trên nguyên tắc sắp xếp hình tròn và đường cong màu sắc sặc sỡ với nhau và những màu sắc ấy trở nên dịu dần khi tiến gần hơn đến viền của bức tranh.

Bên cạnh đó những bước phát triển trong khoa học cũng phần nào ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật đương thời. Như là vật lí lượng tử hay thuyết tương đối chẳng hạn. Chúng khơi dậy nghi vấn về thế giới mà chúng ta đang sống và trừu tượng xuất hiện như một sự khẳng định lại cho tư tưởng ấy.

Mọi người thử nghĩ xem, xét đi xét lại thì con người cũng chỉ có thể nhận biết và định hình thế giới thông qua năm giác quan và bộ não của mình. Tất nhiên những khả năng ấy cũng chỉ có giới hạn. Những gì chúng ta không thể thấy, nghe, ngửi, sờ, nếm thì nghiễm nhiên coi như là không tồn tại. Chưa kể khả năng xử lí thông tin trong não bộ chúng ta không giống nhau. Vì vậy nên thế giới “thực” trong mỗi chúng ta dường như không giống nhau, và càng không giống với thế giới vốn có của nó. Hay khi tìm hiểu về một con người nếu chúng ta chỉ dựa vào những gì bộ máy nhận biết của chúng ta cho phép và xử lí dựa trên kiến thức và kinh nghiệm có hạn của chúng ta thì cuộc sống này chỉ quanh quẩn có vài loại người. Nhưng vốn dĩ mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc nhất vô nhị, nó đẹp khi nó là chính nó. Vậy thì tại sao chúng ta không tự giải thoát khỏi khao khát tìm tiếm một thế giới khách quan 100%. Thay vào đấy, hãy chấp nhận và khai thác thế giới ẩn sâu trong chính chúng ta, kết nối với chính bản thân mình và cũng là kết nối với xung quanh.

Và “nghệ thuật trừu tượng cho phép con người nhìn thấy trong tâm trí mình thứ mà họ không thể thấy được bằng mắt thường.”

Người đánh dấu sự ra đời của trường phái này là Wassily Kandinsky, với bức tranh đầu tiên được hoàn thành vào năm 1910. Ngoài ra còn những cái tên đi đầu trong phong trào này mà nó không thể không nhắc đến đó là Piet Mondrian, Kasimir Malevitch, Auguste Herbin, Franz Kline, Hanz Hartung, Robert Motherwell, Frantisek Kupka, Jackson Pollock.

untitled-first-abstract-watercolor-1910
Năm 1920 họa sĩ Wassily Kandinsky quyết định giải phóng tác phẩm nghệ thuật của mình khỏi sự trói buộc vào một chủ thể nhất định. Đó là khi bức tranh Untitled (First Abstract Watercolor) được tạo ra và đồng thời xuất hiện khái niệm nghệ thuật trừu tượng. Bức tranh trừu tượng đầu tiên này gây ấn tượng bằng màu sắc rực rỡ và các vết bẩn ngẫu hứng vượt ra khỏi ranh giới của “nghệ thuật có hình thể”. Màu sắc đặc biệt quan trọng trong các bức tranh của Wassily Kandinsky và ông sử dụng chúng như là một cách biểu hiện của cảm xúc hơn là công cụ để mô tả trung thực về thế giới xung quanh.

3. Hai xu hướng tồn tại song song trong trường phái trừu tượng

Trừu tượng hình học

Là một hình thức nghệ thuật trừu tượng dựa trên việc sử dụng các hình dạng hình học, màu sắc, nhằm truyền đạt cảm xúc một cách trực tiếp hơn. Mặc dù thể loại này đã được phổ biến rộng rãi bởi các nghệ sỹ tiên phong vào đầu thế kỷ XX, nhưng các họa tiết tương tự đã được sử dụng trong nghệ thuật và trang trí từ thời cổ đại. Mang tinh thần trừu tượng hình học, có nhiều trào lưu nổi lên trong giai đoạn đó như chủ nghĩa xây dựng (constructivism), chủ nghĩa tối thượng (suprematism), De Stijl, chủ nghĩa tia sáng (rayonism).

403102-hvad-man-ikke-ser-har-man-ikke-ondt-af--
Carré noir sur fond blanc – Kasimir Malevitch (1915): Nhìn vào tác phẩm này có lẽ mọi người sẽ thốt lên rằng “tôi cũng hoàn toàn có thể vẽ được một hình vuông.” Nhưng hình vuông này không đơn giản như vậy, và để tạo ra một tác phẩm như vậy, người ta phải có kiến ​​thức thấu đáo về màu sắc, thành phần hình ảnh và tỷ lệ. Đầu tiên, hình vuông không thực sự vuông: không có cạnh nào của nó song song với các cạnh của khung. Hơn nữa, nó không thực sự đen, bởi vì Malevitch sử dụng cho bức tranh một hỗn hợp của sơn mà không chứa màu đen. Nghe đồn bức tranh này được tạo ra một cách tình cờ: ngay trước một cuộc triển lãm lớn của các nghệ sĩ trường phái vị lai, Malevitch và các cộng sự của ông phải tạo ra các tác phẩm để trưng bày, nhưng Malevich không thích những gì ông vẽ và phủ nó bằng sơn màu đen, tạo nên hình vuông huyền thoại. Nhưng nghệ sĩ đã khẳng định rằng bức tranh này mang một trạng thái thần bí dưới ảnh hưởng của “ý thức vũ trụ”, tác phẩm là sự giải phóng của cái “không có”, là một sự tự do thuần khiết, do đó ông đặc biệt dành cho nó vị trí đẹp trong phòng triển lãm. 
Counter-Composition VI 1925 by Theo van Doesburg 1883-1931
Counter-Composition VI – Theo van Doesburg (1925): Đây là một trong số những bức tranh thuộc phong trào De Stijl, do Theo van Doesburg và Piet Mondrian dẫn đầu, nhằm tạo ra bức tranh trong trạng thái tinh khiết nhất của nó, và là cách mà các nghệ sĩ phong trào này phản kháng trực tiếp với sự hỗn loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nghệ sĩ chỉ sử dụng những màu sắc cơ bản dưới dạng hình vuông, hình chữ nhật hay đường kẻ theo các chiều khác nhau. 

Trừu tượng trữ tình

Không giống với trừu tượng hình học, trừu tượng trữ tình không chỉ không biểu hiện thế giới “thấy” mà còn không sử dụng cả những hình khối rõ ràng. Mỗi nghệ sĩ tự tạo ra cho mình một ngôn ngữ riêng. Việc thể hiện cảm xúc và tính cách của người nghệ sĩ mà không hề bị bó buộc vào bất kì một lý thuyết hay quy tắc nào. Cũng vì vậy mà các tác phẩm trừu tượng trữ tình thường tạo cảm giác tự do và “phiêu” hơn. Và người sáng tạo ra trường phái trừu tượng, Vassily Kandinsky, chính là đại diện của xu hướng này trong giai đoạn trước Thế chiến thứ hai.

30 danh hoa dat nhat_ (2)
No.5 – Jackson Pollock (1948): Đây là một bức tranh biểu hiện trừu tượng được vẽ theo phong cách drip painting (Sử dụng các xô chứa màu vẽ để dội lên bức tranh được đặt thẳng đứng). Phương pháp này biểu hiện độc đáo này đã phá vỡ mọi quy ước về mỹ thuật, khuyến khích sự sáng tạo hơn và biểu hiện ít ranh giới hơn.

“Nghệ thuật trừu tượng là một thế giới không có ranh giới, một thế giới có quyền năng vô hạn.”

4. Quy luật duy nhất là không có quy luật gì cả.

Nếu mọi người chịu khó xem nhiều tác phẩm trừu tượng thì sẽ thấy rằng mọi thứ đều có thể được chấp nhận trong trường phái nghệ thuật này và không hề có bất kì một quy tắc nào. Người ta sử dụng đường nét, hình dạng, màu sắc, kết cấu, sắc thái, chuyển động, nhịp điệu, sự lặp lại, sự cân bằng, sự thay đổi, tỷ lệ, sự tương phản … Các vật liệu được sử dụng cũng vô hạn: cát, đất, vải, kim loại, khoáng chất, vật chất hữu cơ, vật chất thực vật … để đem đến một sự biểu hiện hiệu quả nhất có thế.

Đợt trước nó có đọc ở đâu đó nói rằng các tác phẩm trừu tượng được tạo ra trong vô thức, 85% kêt quả được tạo nên bởi thói quen, cảm xúc ngẫu nhiên của người nghệ sĩ…  Vậy nên nghệ thuật trừu tượng có thể là bất cứ điều gì. Trong video dưới đây tác phẩm không được tạo ra từ những gì người nghệ sĩ nhìn thấy mà là những gì ông nghe được.

5. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn rằng mình chẳng hiểu các tác phẩm trừu tượng mang ý nghĩa gì?

Thực ra điều đó không quan trọng. Điểm mấu chốt nằm ở cảm xúc, đó là con đường duy nhất dẫn dắt bạn đến gần hơn với tác phẩm và kết nối với người nghệ sĩ. Mà điều này có lẽ không quá khó, vì khả năng này từ khi sinh ra chúng ta đã có. Hơn nữa âm nhạc cũng được coi là một dạng của nghệ thuật trừu tượng bởi nó không mô phỏng thế giới tự nhiên mà sử dụng một loại ngôn ngữ riêng để bộc lộ thế giới nội tâm của tác giả. Chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận một bản nhạc, có vể vui buồn lẫn lộn vì nó vậy chẳng có lí do gì chúng ta lại không thể sử dụng bản năng của mình để cảm một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Nói tóm lại, hãy quên tất cả những định kiến, những khái niệm hay nhãn mác mà bạn mặc định cho thế giới rộng lớn, hay những lo ngại bản thân không đủ thông minh bởi vì tất cả những điều này sẽ ngăn cản bạn tận hưởng thế giới thật sự và những cảm giác sống động bên trong bạn. Theo một cách nào đó có thể nói để cảm nhận một tác phẩm trừu tượng tức là ta phải kết nối với tác phẩm và tác giả từ trong tiềm thức và khi ấy sẽ tự nhiên này sinh cảm xúc dành cho tác phẩm.

Nó thường nghĩ về nghệ thuật trừu tượng bằng cách tưởng tượng xem người “đồng nghiệp” đáng kính của nó trông như nào lúc thực hiện tác phẩm của mình. Khi ấy họ sẽ giống như đang thả mình vào một không gian riêng, một thế giới bí mật, không luật lệ, không quy tắc, họ được sống là chính mình, hoàn toàn tự do tự tại, cảm nhận thế giới bằng tất cả các giác quan và cả tâm hồn mình. Nhưng vì cái thế giới ấy quá đỗi riêng tư, họ gặm nhấm nỗi cô đơn trong đó nên vô tình nuôi nấng khát khao được chia sẻ bí mật tuyệt vời ấy, được khẳng định bản thân mình, và hét lên cho cả thế giới biết rằng “Tôi là chính tôi”.

Advertisement

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Trường phái Trừu Tượng – Nghệ thuật của cảm xúc thuần khiết”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.