Tiện thể hôm nay viết về chủ nghĩa siêu thực nên nó cũng kể chuyện cho mọi người nghe luôn. Chả là năm nay nó học dự bị để thi vào trường nghệ thuật, và trên trường thì có một môn gọi là « créativité » (tạm dịch là sáng tạo đi ha). Môn này siêu siêu thú vị nhé ! Một ngày đẹp trời, bà giáo lôi một xấp giấy khổ tầm A1 gì đó, rồi kêu cả lớp đánh dấu thành 5 phần và dán lên tường. Tiếp theo mỗi người sẽ có 5 phút để vẽ 1/5 tờ giấy. Hết giờ thì phải che phần mình đã vẽ lại chỉ để lộ ra một tí ti, rồi chuyển chỗ để vẽ tiếp phần của người khác. Cứ thế cả lớp đổi chỗ cho nhau, người này nối tiếp người kia để hoàn thành 5 phần bức tranh.
Chắc mọi người sẽ thắc mắc kết quả ra sao.
Thế thì mọi người thử nghĩ xem vẽ tranh nối nhau mà không biết người trước mình vẽ cái gì thì liệu từng phần của tác phẩm « trẻ thơ » này có liên quan với nhau nổi không. Nhưng cũng chính vì những mảnh ghép chẳng có tí logic nào đấy mà thành phẩm cuối cùng rất chi là độc và lạ. Well, vẽ xong thì cả lớp bình chọn xem đâu là bức đẹp nhất. Nó đã kể đến đoạn này thì chắc mọi người cũng đoán được là bức tranh “đoạt giải” ấy có sự đóng góp của nó rồi chứ. Và phần của nó là một hàng cà rốt màu da cam siêu cấp nổi bật nối liền với rễ của đám cây cổ thụ đen thùi lùi. Xin lỗi nó cứ bị tiện mồm tự sướng mà chẳng nhớ chụp ảnh để kéo lại một chút đáng tin cho tuyên ngôn hùng hồn ấy.
Điều thú vị ở trò chơi này là sự kết hợp của nhiều trí tuệ được nuôi dưỡng trong những hoàn cảnh khác nhau, tư duy khác nhau, cách thể hiện cũng khác nhau tạo ra một tổng thể vô lí đến mức chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ. Và tất nhiên cũng vì đặc điểm này mà chúng trở thành những tác phẩm siêu thực đầy ngẫu hứng.
Kể lể xong rồi giờ hãy cùng nó tìm hiểu xem trường phái siêu thực là gì nhé!
1. Khái niệm « Siêu thực »
Nhà thơ Guillaume Apollinaire là người đã đặt tên cho trường phái này vào năm 1917 để diễn tả về vở diễn ballet “Parade” của Jean Cocteau với phần trang trí, phục trang, phông rèm do Picasso chịu trách nhiệm thiết kế theo phong cách Lập thể (một trường phái nghệ thuật hiện đại). Với Guillaume Apollinaire, buổi diễn này đánh thức một sự thật đằng sau thực tế và đây cũng chính là ý nghĩa của từ “sur-réalisme”. Hãy tưởng tượng hình ảnh những con cá bơi giữa bầu trời. Nghe qua thì có vẻ vô lí, kèm chút hâm dở nhưng nếu chúng ta sử dụng vài mảnh tâm hồn trẻ thơ vẫn còn đâu đây, dừng lại và quan sát thì sẽ thấy mặt nước không phải mang trong mình màu xanh của bầu trời hay sao? Hoặc chính xác hơn thì nó chính là một chiếc gương phản chiếu lại mọi dáng hình của bầu trời. Giống như trong môn tập làm văn hồi cấp 1, mọi người còn nhớ hay đã quên? Đây là cặp hình ảnh so sánh huyền thoại mà chúng ta cứ hoài nhắc đi nhắc lại trong mọi bài văn tả cảnh. Đến đây thì mọi người đã thấy chủ nghĩa siêu thực chẳng đến nỗi phi lí như mình tưởng rồi chứ?

Và thế là từ sau sự kiện này thì khái niệm “siêu thực” thường được dùng để chỉ những thứ gây shock, kì cục và khác lạ.
2. Vậy còn trường phái Siêu thực được ra đời như thế nào?
Ngày 11 tháng 11 năm 1918, Pháp và Đức kí quyết định đình chiến. Cuộc chiến này khiến nhiều người cảm thấy ghê tởm xã hội ngớ ngẩn, đầy rẫy cảnh chết chóc, tàn sát lẫn nhau. Vào thời điểm đó, ở Paris, ba nhà thơ trẻ đã quyết định đặt câu hỏi về thế giới mà họ đang sống, một thế giới mà họ không hề mong muốn bằng cách thành lập tạp chí « Littérature » (Văn học). Ba kẻ « mông mơ » ấy chính là André Breton, Louis Aragon, Philippe Soupault, những người đã lỡ đem lòng ngưỡi mộ Guillaume Apollinaire và tin rằng nghệ thuật có thể thay đổi thế giới và tâm trí con người. Tạp chí của họ nhanh chóng lôi kéo được sự tham gia của nhà thơ khác (Paul Éluard, Benjamin Peret, Robert Desnot …) và cả các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia … (Quá hịn ! Bao giờ mầm mới được một góc như thế nhỉ ?).
Tạp chí như một cộng đồng nhỏ, họ gặp gỡ thường xuyên để viết và cùng thảo luận. Họ không những xuất bản các tờ rơi và tạp chí mà còn tổ chức triển lãm … Họ cũng tham gia tích cực vào phong trào Dada. Chúng ta có thể thấy, trong bức tranh dưới đây của Max Ernst, tất cả những nghệ sĩ siêu thực tập hợp lại với nhau và tạo dáng như một bức ảnh kỉ yếu kì cục. Trong cuộc hội ngộ của đại gia đình này có một nhân vật dường như nổi bật hẳn lên với vest vàng và áo choàng đỏ, kiểu style siêu nhân “nửa mùa”. Hắn chính là André Breton, thủ lĩnh của phong trào và cũng là người sẽ viết “Tuyên ngôn Chủ nghĩa “siêu thực” vào năm 1924.

3. Từ ý tưởng đến thực hiện – Cách thức thay đổi thế giới
André Breton đã sáng tạo ra kĩ thuật viết chữ tự động. Tức là họ sáng tác những bài thơ bằng cách cắt những câu trong một tờ báo, trộn chúng lên và kết hợp lại với nhau để tạo ra những ý thơ mới lạ. Ý tưởng này gây xáo trộn thực tế nhưng lại vô cùng hữu ích cho các nhà thơ, giúp họ thoát ra khỏi thế giới bị đóng khung trong ý thức. Một vài họa sĩ cũng đã áp dụng phương pháp ấy cho tranh của mình. Đối với những nghệ sĩ trường phái siêu thực, những hình ảnh đẹp nhất là những hình ảnh kỳ lạ nhất, những hình ảnh phát sinh từ sự kết hợp giữa nhiều yếu tố dường như xa nhau nhất. Từng yếu tố ấy khi nằm riêng rẽ thì hoàn toàn bình thường nhưng khi gặp nhau, chúng lại tạo nên một tổng thể đầy ngạc nhiên và thú vị.

Họ tin rằng cuộc sống che giấu nhiều bí ẩn, và rằng nhiệm vụ của họ là tìm ra phương thức để làm chúng hiện lên rõ ràng hơn. Lấy cảm hứng từ công trình nghiên cứu của bác sĩ người Áo Sigmund Freud, nhà phát minh về phân tâm học, những nghệ sĩ siêu thực cho rằng những giấc mơ của chúng ta tiết lộ những suy nghĩ sâu sắc nhất, bí ẩn nhất.

Hay nói cách khác, quá trình sáng tạo một tác phẩm thuộc trường phái siêu thực giống như một cuộc chơi truy tìm kho báu. Người nghệ sĩ đắm mình trong mảnh đất hoang chưa người khai phá để tìm kiếm sự mới lạ, đưa chiếc hộp ( phần não bộ mà chúng ta gọi là vô thức) ra ngoài ánh sáng, những điều mà chúng ta thường mặc định khóa chặt trong tâm hồn. Trong số đó, luôn tồn tại những điều vô cùng kì lạ. Và người nghệ sĩ sử dụng chính những cơn mơ ấy làm chủ đề cho các tác phẩm của mình.

Tại sao những giấc mơ lại mê hoặc đến như vậy?
Bởi nó chính là một kho chứa hình ảnh và tầm nhìn tuyệt vời. Mọi thứ đều có thể, và những cảnh tượng kỳ lạ nhất, những cuộc gặp gỡ hoang đường nhất cũng đều có thể xảy ra. Nhưng song song trong đó vẫn chứa đựng chất thơ, những điều tuyệt diệu mà giản đơn không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Những nghệ sĩ siêu thực không chỉ muốn giải phóng những giới hạn trong nghệ thuật, mà còn cả trong tinh thần và cuộc sống, đồng nghĩa với việc họ giải thoát cho cái tôi, tự do thể hiện cá tính độc đáo của chính mình. Chủ nghĩa siêu thực khiến chúng ta thấy thế giới khác đi, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sâu trong chính mình những gì chúng ta có là bản thể duy nhất, và đồng thời đặt câu hỏi nghi vấn về những gì chúng ta vẫn luôn tin rằng chúng ta thấy hay biết.

4. Góc nhặt nhạnh những câu chuyện bên lề:
Câu chuyện số 1: Siêu thực trong âm nhạc
John Lennon, George Harrison và Ringo Starr cùng nhau lập phòng thu ban nhạc ở đường Abbey trong thủ đô London. Một trong những đĩa nhạc thu bang của họ mang tên Sgt. Peppers’s Lonely Hearts Club Band, và một bài hát trong đó có tên Lucy in the Sky with Diamonds. Vì cái tên lạ và lời lẽ siêu thực của bài hát, nhiều người mê nhạc the Beatles tới ngày nay vẫn tin rằng, John Lennon sáng tác bài này trong cơn say và bài hát đó là một lời ngợi ca ma tuý. Nhưng sự thật không phải thế, nó khá đơn giản và cảm động. Lucy không phải là ai khác ngoài người bạn gái cùng lớp của Julian Lennon, con trai của John Lennon. Cậu bé Julian đã tự vẽ cô bạn này và đưa cho ông bố xem bức hoạ mang tên “Lucy in the Sky with Diamonds” của mình.
Câu chuyện số 2: Sự kết hợp giữa Salvador Dali và Walt Disney
Cuộc đời nó dạo này thường có nhiều sự trùng hợp cũng phần nào giúp nó bớt cảm thấy nhàm chán. Thực ra chuyện hôm nay cũng chẳng có gì to tát chỉ là đúng lúc nó đang viết bài này cho mầm thì tự dưng lướt Facebook thấy Chuyện Bỏng Ngô share phim ngắn do Salvador Dali và Walt Disney phối hợp thực hiện. Tự nhiên thấy cũng vui vui. Mọi người có thể bắt gặp trong đó có vô số những chi tiết đã từng xuất hiện trong tranh của Salvador, những dấu ấn rõ nét của riêng ông với những dòng mộng tưởng đầy chất thơ tiếp nối nhau đem đến cho ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Câu chuyện số 3: Tất nhiên điện ảnh cũng không phải ngoại lệ!
Lại là một sự trùng hợp tương tự. Hôm bữa, nó đi Pompidou thì thấy một bức tượng có phần buồn cười. Đó là một người phụ nữ ôm một người đàn ông nhưng lại hôn một chàng trai khác đứng phía sau ông ta. Mấy hôm sau nó được thanh niên thân tag vào một post và lại vô tình phát hiện ra bức tượng chính là một cảnh trong phim “3-Iron” của đạo diễn Kim Ki Duk chỉ đạo thực hiện năm 2004. Nội dung như nào thì mọi người xem thử đi. Phim có chút kì cục bởi chứa đựng nhiều yếu tố siêu thực nhưng đồng thời lại khá nhẹ nhàng, êm ả. À nó cũng nói luôn là mọi người đừng quá chú trọng và áp đặt những logic thông thường vào tác phẩm. Bởi những điều phi lí đã góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp mà tác giả muốn hướng tới. Xem thử đi nhé!

Và để hiểu hơn về tính siêu thực trong điện ảnh mọi người có thể xem thêm video dưới đây!
Tí thì quên! Đoạn nói về kĩ thuật viết chữ tự động làm nó nhớ ra gần đây nó có vẽ một bộ tranh tạm gọi là Fear of missing memories. Tại sao viết chữ tự động lại khiến nó nhớ đến mấy bức tranh này?
Đây từ từ để nó trình bày!
Nó vẽ serie này dựa trên những kỉ niệm mà nó e rằng đến một ngày với một đứa não cá vàng như nó sẽ vô tình quên mất. Tất nhiên mặc dù có chút ngớ ngẩn nhưng nó chẳng hề muốn chuyện đấy xảy ra tí nào nên vẽ ra cũng là một cách để lưu giữ không chỉ những kỉ niệm mà còn cả cảm xúc của mình lúc thực hiện chúng. Hành trình của nó như sau: Đầu tiên nó quay trở lại những nơi lưu giữ những kỉ niệm ấy và chụp lại những chi tiết khiến nó liên tưởng đến chúng; xong xuôi thì nó chia chúng thành từng sự kiện rồi sắp xếp lại trên photoshop theo một thứ tự ngẫu nhiên mà nó cảm thấy hợp lí với cái logic của nó; cuối cùng tất nhiên là vẽ lại chúng một cách hoàn chỉnh. Đó là phần mà nó cảm thấy giống y như kĩ thuật viết chữ tự động kia.
Chứ thực ra các bước khai thác chủ đề này của nó không chỉ dừng ở đấy, sau đó nó còn làm biến dạng những bức tranh và đang dự định thực hiện một video stop-motion về một cá nhân bị giam giữ trong căn phòng kí ức, nhân vật ngốc nghếch ấy cùng với những kỉ niệm sẽ cùng bị làm cho méo mó, đôi khi hòa vào nhau hay biến mất khỏi khung hình. Quá trình ấy cứ thế lặp đi lặp lại… Ý nghĩa của mớ bòng bong mà nó tạo ra là gì thì mọi người cứ tự do sáng tạo nhé vì cảm xúc của mỗi người là khác nhau, nó muốn nói cũng nói không rõ nên cứ để lửng lơ thế này có khi lại hay.
Vậy đó dưới đây là một trong số những bức tranh “chắp vá” mà nó vẽ. Thành phẩm của những bước còn lại có lẽ đợi đến một bài viết khác phù hợp hơn đi ha!

Giờ thì mọi người đã hiểu hơn về chủ nghĩa Siêu thực rồi chứ? Những lúc tụ tập bạn bè mọi người có thể thử chơi trò chơi mà nó có kể lể lê thê ở đầu bài. Nếu mọi người ngại vì sợ mình vẽ không đẹp thì yên tâm đi điều đó nhiều khi cũng chẳng quan trọng đến thế đâu. Với 5 phút thì người vẽ đẹp hay không thì cũng như nhau cả thôi. Nhưng dù thế nào thì kết quả sẽ thú vị lắm đó. Và mọi người có thể gửi lại tranh cho nó cùng xem với, nó sẽ rất vui đấy!
Một suy nghĩ 6 thoughts on “Trường phái Siêu thực – Nơi trú ẩn của những kẻ mộng mơ”