Hôm qua rảnh rỗi, nó và chị cùng phòng ngồi xem “Inception”. Lại nhớ hồi cấp 3 mấy ông trai trong lớp hì hục quay video cờ líp lấy cảm hứng từ phim này. À mà đâu? Phim chứ cờ líp gì nữa dài lê thê còn phải chia thành mấy phần để up lên Youtube cơ mà. Cảm động ghê gớm! Thỉnh thoảng cứ phải xem lại xíu cho đỡ nhớ anh em. Nhưng thôi xin phép dừng câu chuyện thời học sinh yêu dấu tại đây.
Cái nó muốn nói đến là sau khi xem phim xong thì nó cảm thấy cái hiện thực xấu xí không chỉ gây ám ảnh, cản trở chúng ta mà đồng thời còn là động lực để ta không ngừng phấn đấu, phá vỡ mọi rào cản và giới hạn của bản thân. Vẫn là câu nói quen thuộc:
Quan trọng là cách bạn đối mặt với vấn đề như thế nào.
Đối với nghệ thuật hiện đại cũng như vậy. Chúng ta hay thấy những trường phái nghệ thuật tiên phong thường xuất hiện giữa những cuộc khủng hoảng. Có thể sẽ có những người cho rằng thật nực cười khi xã hội khủng hoảng ai lại đi quan tâm đến những thứ vô dụng như vậy. Nhưng mỗi người có một vai trò riêng. Và nhiêm vụ của người nghệ sĩ là làm giàu có cho tinh thần, nuôi dưỡng ước mơ xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn và cũng là lưu giữ lại những dấu mốc lịch sử ấy với thật nhiều cảm xúc.
Và hôm nay nó sẽ đưa mọi người bước đến gần hơn với một phong trào nghệ thuật tiên phong có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn, là khởi nguồn cho nhiều trường phái nghệ thuật sau này. Đó chính là Dada. Nếu mọi người để ý thì nó đã nhắc đến cái tên này trong bài viết về nghệ thuật khái niệm và trường phái siêu thực. Mà hình như còn một cơ số bài khác nữa thì phải? Cái bệ tiểu huyền thoại cũng chính là một tác phẩm tiêu biểu của trường phái này. Anh em còn nhớ hay đã quên?
Nói chung cũng vì đã lỡ nhắc đến vài ba lần rồi nên là nó phải tự biết đường mà cung cấp nốt thông tin về cái phong trào này.
Chứ ai lại nói năng nửa vời như thế ha?
Đầu tiên, để cho dễ hiểu thì Dada là phong trào nghệ thuật mang tính khái niệm đầu tiên, nơi mà các nghệ sĩ không tập trung vào việc tạo ra những tác phẩm mang tính thẩm mĩ mà quan trọng hơn cả là thông qua chúng truyền tải những nghi vấn về xã hội, vai trò của nghệ sĩ và mục đích của nghệ thuật.
1. Dada từ đâu mà có?
Ngay giữa tâm của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, thời kì Châu Âu đen tối hơn bao giờ hết, vào tháng 2 năm 1916, tại Zurich, một nhóm các nhà cách mạng đã nảy ra một ý tưởng để thổi một luồng gió mới vào cuộc sống hỗn loạn, đầy rẫy sự chết chóc, tang thương. Đạo diễn Hugo Ball và người bạn đồng hành Emmy Hennings, một vũ công, nhà thơ và nhà văn, quyết định thành lập Cabaret Voltaire.
Nhiệm vụ của Cabaret Voltaire là giúp các nghệ sĩ đưa các tác phẩm âm nhạc, thơ ca của mình đến gần hơn với công chúng. Bước đầu là vậy. Rồi dần dần trung tâm này còn thu hút cả nhà thơ Rumani Tristan Tzara, nhà điêu khắc Jean Arp, Marcel Janco, và họa sĩ kiêm nhà làm phim người Đức Hans Richter,…
Cái tên Dada cũng được ra đời tại đây. Về cơ bản thì đó là một từ vô nghĩa, và thường được coi là tiếng trẻ con tập nói. Theo nhà thơ Richard Huelsenbeck thì từ đó được Hugo Ball chọn ngẫu nhiên trong một cuốn từ điển Đức-Pháp. Dễ thương nhỉ? Lại còn dễ nhớ nữa chứ!
Và như thường lệ thông qua phong trào này mấy ổng mong muốn phá vỡ các quy ước áp đặt trong nghệ thuật và văn học. Nhưng lần này là sự bùng nổ về mọi phương diện. Mục đích của nó là để chế giễu những thứ mà những thành viên của phong trào này xem là vô nghĩa về thế giới hiện đại. Ngoài phản chiến ra, Dada cũng có tính chất chống tư sản và chủ nghĩa vô chính phủ.

2. Ý tưởng là quan trọng hơn cả:
Nhiều sự kiện của Dada có điểm chung với “Happenings” và “Performance Art” của những năm 60, minh họa phương châm cơ bản của Nghệ thuật Khái niệm ngày nay rằng “ý tưởng” đằng sau một tác phẩm nghệ thuật quan trọng hơn bản thân việc thực hiện nó. Do đó, người ta thường cho rằng Dada giống phong trào phản kháng của các nghệ sĩ hơn là một trường phái nghệ thuật.
“Tôi quan tâm đến ý tưởng – không chỉ đơn thuần là các sản phẩm hình ảnh.”
Marcel Duchamp

3. Nghệ thuật có thể được làm từ bất kì thứ gì:
Readymade
Ý tưởng đậm chất Dada này được thể hiện rõ nhất qua các tác phẩm “Readymades” của Duchamp. Ông đã chọn các đối tượng được sản xuất hàng loạt, có sẵn trên thị trường, có tính thương mại và giá trị sử dụng, chỉ định chúng như là nghệ thuật và cho chúng một cái tên. “Readymades” đã phá vỡ nhiều thế kỷ suy nghĩ về vai trò của nghệ sĩ như một người sáng tạo với các sản phẩm thủ công cầu kì, đồng thời thách thức quan niệm cho rằng nghệ thuật là phải đẹp.

Chance creations
Để phê bình các hệ thống hình thành xã hội, các nghệ sĩ Dada đã chuyển sang các chiến lược tạo hình nghệ thuật mới. Dùng từ chiến lược ở đây nghe nó có hơi bị dữ dội quá không nhỉ? Họ lấy nền tảng là sự ngẫu hứng, cơ hội và biến cố trong quá trình thực hiện để tạo ra các tác phẩm cắt dán, photomontage nhằm bác bỏ những quy tắc cũ kĩ như nghệ thuật đi liền đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ, họ hoàn toàn kiểm soát và làm chủ quá trình thực hiện các tác phẩm của mình. Dựa trên các phương pháp như vậy và sử dụng hình ảnh từ các tạp chí, báo và các phương tiện thông tin đại chúng khác, các nghệ sĩ Dada “có thể tấn công tư sản với những biến dạng của hình ảnh truyền thông về chính nó.”

4. Sức mạnh của Dada:
Sau khi giải tán vào khoảng năm 1921, nhiều nghệ sĩ Dada đã tham gia vào các phong trào nghệ thuật khác – đặc biệt là Chủ nghĩa siêu thực. Cũng không có gì quá ngạc nhiên khi mà sự phi lý của Dada dẫn dắt những người nghệ sĩ ấy đến với một nơi trốn mới đầy mơ mộng và sự sáng tạo. Nghệ thuật hậu hiện đại như chúng ta biết sẽ không tồn tại nếu không có Dada. Hầu như mọi lý thuyết hậu hiện đại cơ bản trong nghệ thuật thị giác và văn thơ cũng như âm nhạc và kịch được phát minh hoặc ít nhất được áp dụng bởi các nghệ sĩ Dada. Ngoài các ví dụ rõ ràng như chủ nghĩa siêu thực, Neo-Dada, và nghệ thuật Khái niệm, Dada còn gây ảnh hưởng đến cả Pop-Art, Fluxus, Performance art, Feminist art và chủ nghĩa tối giản,v.v… Dada cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến thiết kế đồ họa và lĩnh vực quảng cáo.
Vậy là giờ mọi người đã biết thêm về một phong trào – một kẻ đầu têu cho lối tư duy sáng tạo mới phóng khoáng và nổi loạn hơn. Nên từ giờ đừng nghĩ nghệ thuật lúc nào cũng phải đẹp nữa nhé, nó còn là sự thú vị, là nơi khơi dậy sự tò mò, sự sáng tạo và trí tưởng tượng của người xem, đồng thời phản ánh những mốc lịch sử quan trọng, những bước phát triển về mọi phương diện của loài người.
Ai thấy đúng, giơ tay!
Mà nếu vẫn chưa thấy thế thì nó sẽ tiếp tục đầu độc mọi người bằng những trường phái nghệ thuật kì cục hơn cho đến khi nào thấy không thể hợp lí hơn thì thôi nhé!
Một suy nghĩ 4 thoughts on “Dada”