Expressionnism – Sự gặp gỡ của những xúc cảm

Bạn có bao giờ nói chuyện với một người mà từng câu từng chữ họ kể về cảm xúc của chính họ đều làm hiện ra một bức tranh vô cùng chân thực trong đầu bạn. Như những thước phim của quá khứ, bạn đã cảm thấy y hệt như vậy vào chính xác thời điểm đó. Ngôn từ có lẽ không phải phương tiện truyền tải hoàn hảo trong tình huống này nhưng có một sự kết nối sâu sắc giữa hai tâm hồn ấy khiến cho sự giao tiếp hoàn thành nhiệm vụ chính xác như nó cần phải thế.

Nhưng rồi những cảm xúc ấy một khi truyền đi không quay trở lại nữa. Chúng được giữ trong một chiếc hộp nơi người nghe. Chúng mắc kẹt trong đó cùng những hạt mầm đã cũ. Nơi ấy không có ánh sáng, có lẽ một ngày chúng nó sẽ chết cùng nhau.

Có điều, đối với kẻ làm nghệ thuật, những chiếc hộp ươm mầm ấy chính là nơi tạo ra tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất. Dù thuần khiết hay phức tạp, tươi sáng hay trầm mặc,… chúng đều rất cần thiết để tạo nên chất riêng của người nghệ sĩ. Tất cả những gì họ cần làm chính là lắng nghe những thay đổi dù là nhỏ nhất, những tín hiệu phát ra từ chiếc hộp.

Có một trường phái nghệ thuật hiện đại mà người nghệ sĩ đã làm rất tốt công việc ấy. Lần đầu tiên họ truyền tài cảm xúc, sắc thái tâm hồn vào tác phẩm của mình một cách trực tiếp và thẳng thắn. Trường phái nghệ thuật tiên phong ấy chính là trường phái Biểu hiện (Expressionnism), xuất hiện vào đầu thế kỉ 20 ở Bắc Âu, đặc biệt là ở Đức và Áo. Phong trào có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực không chỉ hội họa mà còn kiến trúc, văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc,v.v…

1. Những ý tưởng về những cảm xúc ấy len lỏi và tạo nên bước ngoặt cho lịch sử nghệ thuật như thế nào?

Những dấu hiệu đầu tiên của chủ nghĩa biểu hiện xuất hiện vào cuối thế kỷ 19. Những người tiên phong chính là những nghệ sĩ hậu Ấn tượng bao gồm:

  • Van Gogh (1853-1890), hầu hết các bức tranh của ông đều là tự truyện, đặc biệt là những bức chân dung tự họa của ông.
  • Paul Gauguin (1848-1903), đặc biệt là những bức tranh theo phong cách Cloisonism và Symbolism.
  • Edvard Munch (1863-1944) khám phá những đề tài về tình yêu, cuộc sống, nỗi sợ hãi, cái chết và sự sầu muộn.
ob_9571e3_757px-van-gogh-starry-night-google-a.jpg
Starry Night – Vincent van Gogh (1889): Tháng 5 năm 1889, Van Gogh quyết định vào nhà thương điên Saint-Rémy và sống tại đây trong suốt một năm tiếp theo. Lấy cảm hứng từ quang cảnh nơi đây, ông đã vẽ Starry night vào tháng 6/1889. Bầu trời đêm gần như chi phối toàn bộ bức tranh, chiếm đến 3/4 khung hình. Nó mang một sự hỗn loạn, chuyển động không ngừng với những vòng xoáy mạnh mẽ bao bọc lấy Mặt trăng và những ngôi sao (trong đó ngôi sao sáng nhất chính là sao Kim). Bên dưới bầu trời đầy cảm xúc này là một ngôi làng nhỏ cùng một nhà thờ gợi nhớ đến quê nhà của ông ở Hà Lan. Phía trước là một cây bách, có hình dạng giống như ngọn lửa, là biểu tượng cho cây cầu nối giữa sự sống và cái chết. Trong lá thư gửi em trai Theo van Gogh, Vincent giải thích: “Thay vì tìm cách sao chép những gì mắt nhìn thấy, anh muốn dùng màu một cách linh hoạt hơn để diễn tả sinh động về bản thân mình.”Đêm đầy sao dựa trên những quan sát trực tiếp của Van Gogh cũng như trí tưởng tượng, trí nhớ và cảm xúc của anh ấy. Tác phẩm này của Van Gogh đã trở thành dấu mốc quan trọng, là nên tảng cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa biểu hiện sau này.

Bắt đầu từ năm 1905, khi ngành công nghiệp phát triển, các nghệ sĩ Biểu hiện xuất hiện và “lang thang” đến khắp các thành phố ở châu Âu. Ở Dresden và Munich, họ thành lập các nhóm  Die Brücke (The Bridge) và Der Blaue Reiter (The Blue Rider), trưng bày cùng nhau, và xuất bản tác phẩm của mình nhằm lật đổ truyền thống bảo thủ của nghệ thuật Đức. Họ sử dụng phương pháp in ấn truyền thống như một cách để nhanh chóng phân phối tác phẩm cho lượng lớn các đối tượng khác nhau và như một phương tiện quảng cáo hoặc tuyên truyền chỉ trích các vấn đề xã hội hoặc chính trị trước chiến tranh thế giới thứ nhất.

cri_000000428645
Street, Dresden – Ernst Ludwig Kirchner (1908): Ernst Ludwig Kirchner là một trong những người sáng lập nên nhóm Die Brücke. Họ đã khám phá những khả năng biểu đạt về màu sắc, hình thức và bố cục trong việc tạo ra những hình ảnh về cuộc sống đương đại. Street, Dresden là một biểu hiện táo bạo cho những lo lắng về thành phố hiện đại. Trong bức tranh, người đi bộ bị bó buộc trong một không gian chật hẹp. Vỉa hè được tô bằng màu hồng chói gắt, dốc lên trên với lối ra phía sau bị chặn bởi một chiếc xe. Đây là một khu phố đông đúc, thậm chí là chật trội, nhưng mọi người dường như một mình. Những người phụ nữ ở bên phải, người này giữ lấy chiếc ví của của mình, người kia túm váy,… có điều khuôn mặt của họ có phần vô cảm, gần giống như những chiếc mặt nạ. Tất cả dường như khiến cho bức tranh toát lên một sự căng thẳng kì lạ. Và để giải thích cho ý nghĩa đằng sau bức tranh, Kirchner sau này đã viết, “Tôi càng hòa cùng mọi người, tôi càng cảm thấy cô đơn hơn.”

Chủ nghĩa Biểu hiện cũng bùng nổ do kỹ thuật nhiếp ảnh được hoàn thiện khiến cho mối quan hệ giữa nghệ thuật và thực tế được thay đổi sâu sắc. Người nghệ sĩ nhận thấy cần thêm chút “gia vị” từ góc nhìn chủ quan để tự giải thoát khỏi các tiêu chuẩn thẩm mĩ xưa cũ và tìm lại chỗ đứng cho chính mình. Nghệ thuật bây giờ có nghĩa là xuất phát từ bên trong nghệ sĩ, hơn là từ mô tả thế giới hình ảnh bên ngoài.

800px-Scr
The Scream – Edvard Munch (1893): Trong cuốn nhật ký của Munch đề ngày 22/1/1892, có đoạn ghi lại nguồn cảm hứng sáng tác The Scream: “Tôi đang đi bộ trên đường cùng hai người bạn – khi mặt trời đang lặn – tôi bỗng thấy sầu muộn vô cùng – rồi bầu trời đột ngột đỏ như máu. Tôi dừng lại, vịn lên thành lan can, mệt mỏi như sắp chết – bầu trời cháy rực như thanh gươm máu lơ lửng trên vịnh màu xanh-đen và thành phố – các bạn tôi vẫn đi tiếp – Tôi thì đứng đó run rẩy sợ hãi – Tôi bỗng cảm thấy như có tiếng thét vô cùng vô tận vang lên.” Chủ đích của ông là biểu hiện mạnh nhất, nhanh nhất tình cảm mạnh mẽ, tức thời của mình. Thế nên bức tranh nghiêng ngả, không cân bằng, nét bút dứt khoát, màu sắc chói gắt.

Có nhiều thông tin khác nhau về sự ra đời của từ Expressionnism. Một số cho rằng nó xuất lần đầu tiên vào cái ngày mà họa sĩ  Julien-August Hervé trưng bay tác phẩm của mình tại Salon des Indépendants, năm 1901. Một số khác cho rằng đây là từ mà nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxcelles dùng để miêu tả về những bức tranh của Matisse. Những người còn lại thì cho rằng nó có liên quan đến buổi họp đầu tiên của hội đồng tuyển chọn của Secession (phong trào sáng lập bởi Gustav Klimt) tại Berlin.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong cách biểu hiện trong hội họa được lan truyền rộng rãi đến các quốc gia khác ở châu Âu. Theo sau đó là sự ra đời của một phong cách biểu hiện khác ở Đức có tên là Die Neue Sachlichkeit (New Objectivity). Tuy nhiên đến những năm 30, trường phái Biểu hiện dần dần bị mất chỗ đứng do sự lên ngôi của trường phái Siêu thực.

2. Dấu ấn lạ lùng của những nét cảm xúc riêng:

Có thể nói trường phái Biểu hiện sinh ra là để chống lại trường phái Ấn tượng  (Impressionnism). Đối với những nghệ sĩ trường phái biểu hiện, nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa hơn là sự diễn tả thực tại. Những gã này trên hết mong muốn được thể hiện chính mình. Phong trào cũng là sự phản ánh góc nhìn bi quan của những nghệ sĩ biểu hiện về thời đại của họ, bị ám ảnh bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bức tranh của họ giống như tiếng kêu của sự tuyệt vọng về một xã hội chỉ mang đến nỗi đau khổ và sợ hãi về tương lai.

cri_000000209287
Explosion – George Grosz (1917): Những bức tranh của George Grosz, từ cả trước và sau Thế chiến thứ nhất, thường mô tả xã hội Đức trong những cuộc tàn phá dã man. Có một khoảng thời gian Grosz suy sụp tinh thần và bị đuổi ra khỏi quân đội, trong năm đó ông đã thực hiện bức tranh này. Thủy tinh, gạch và mọi người bay trong không trung do một vụ đánh bom. Bức tranh cho thấy sự hỗn loạn tại các tòa nhà đổ nát quay vòng quanh tâm vụ nổ. Mọi thứ đảo lộn, không theo phương hướng nhất định, với màu sắc có phần khắc nghiệt, cùng kết cấu hình học, tất cả những yếu tố đó đã tạo nên vẻ đẹp cho một khung cảnh đau thương.

Để đạt được hiệu quả cao nhất về mặt cảm xúc, họ lựa chọn những phong cách bóp méo và cách điệu rất riêng, tạo ra một thực tế khác đôi khi rất khắc nghiệt và tàn bạo, nhưng đồng thời cũng có thể ngọt ngào, và truyền cảm hứng cho nhiều trạng thái yên bình hơn của tâm trí.

Thông thường, họa sĩ biểu hiện chọn cách thể hiện theo như những gì họ cảm thấy về một chủ đề được lựa chọn. Vì vậy, ví dụ, các hình vẽ, màu sắc được sử dụng, độ dày và kết cấu của màu, cũng như loại nét vẽ được sử dụng, sẽ được lựa chọn để truyền đạt tốt nhất thái độ của họa sĩ với đối tượng. Các đặc điểm của tác phẩm biểu hiện khác nhau tùy theo cảm xúc của họa sĩ. Khi cảm xúc mạnh mẽ, một nghệ sĩ có thể sử dụng cách biến dạng chủ thể khiến chúng trở nên xa rời thực tế, thậm chí là khiến tác phẩm trở thành bán trừu tượng với những màu sắc đậm hoặc cực kì sặc sỡ. Những cảm xúc nhẹ nhàng thì có thể được truyền đạt theo một cách tinh tế hơn. Bởi trải nghiệm và những cảm xúc khi đối mặt với cuộc sống của mỗi con người là không giống nhau nên những tác phẩm biểu hiển thường mang tính cá nhân, và dấu ấn riêng của tác giả.

ob_69a55a_egon-schiele-tote-mutter
Tote Mutter – Egon Schiele (1910): Egon Schiele là một trong số những nghệ sĩ thần đồng của Áo, cùng với Mozart, Freud, Zweig và Klimt. Với tính cách khá nhạy cảm, các tác phẩm của ông thường khắc họa những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống. Và đây là một trong số những bức tranh của Egon mà nó không thể không nhắc đến. Mọi người có thể thấy trong bức tranh là hình ảnh một người phụ nữ ôm lấy đứa con của mình trong hình hài bào thai. Nét vẽ đặc trưng của Egon, cách tạo hình biến dạng méo mó, màu sắc và biểu cảm trên gương mặt của nhân vật kết hợp với nhau tạo nên một sự đau khổ tột cùng bao trùm lên toàn bộ bức tranh, đồng thời thể hiện tình yêu của người mẹ dành cho đứa con không có cơ hội một lần được nhìn thấy thế giới. Bức tranh dã khiến nó thực sự cảm động khi biết đó chính xác là những gì đã xảy đến với gia đình Egon. Đứa trẻ ấy chính là anh trai của ông.

Một thời gian trước, nó cho rằng cách làm nghệ thuật như vậy đơn giản là vì mình đầu tiên, là tấm gương phản chiếu chính bản thân mình. Đôi khi nó còn cảm thấy những nghệ sĩ biểu hiện là những kẻ may mắn. Cuộc đời đem đến cho họ những gì thì họ sẽ mở rộng vòng tay đón nhận cái đó, họ may mắn tìm được cách chấp nhận và khai thác những cảm xúc lẩn khuất trong những ngóc ngách của tâm hồn mình. Chỉ riêng điều đó đã đủ để tạo nên giá trị. Và rồi dần dần nó nhận ra rằng suy nghĩ ấy mang đến một sự trống rỗng kì lạ, những tác phẩm ấy sẽ chẳng có giá trị gì khi chỉ một mình mình hiểu. Con người suy cho cùng vẫn luôn mang trong mình khao khát được kết nối, khao khát hiểu và được hiểu. Tác phẩm nghệ thuật được tạo ra không chỉ để đối diện với chính mình một cách chân thật nhất mà còn để tìm những tâm hồn đồng điệu.

Đồng ý không nào?

Nói với mọi người điều này có lẽ hơi kì cục nhưng nó thường có  cảm giác muốn trở thành nỗi cô đơn của người khác. Với nó, đó là cách để ôm lấy toàn bộ con người họ, hi vọng mọi người quên đi nỗi buồn trong vòng tay nó và cũng là lời mời đưa họ bước vào thế giới của chính mình… Nghệ thuật biểu hiện với nó cũng giống vậy đó!

Advertisement

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Expressionnism – Sự gặp gỡ của những xúc cảm”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.