Hôm nay đầu óc nó cứ lởn vởn những suy nghĩ kì cục về một vài mẩu chuyện không đầu không cuối.
Cơ bản có những người nhiều lúc buồn cười. Nó cũng buồn cười (đôi khi). Cứ nói muốn cái này cái kia mà chẳng bao giờ chịu hành động. Cái này chắc nên hiểu là thực ra cũng chẳng “muốn” lắm đâu hoặc “muốn” ở đây là một sự a dua không hơn không kém…
Thế đấy!
Điển hình là có một thanh niên nọ nói với nó rằng hắn chẳng có nổi một năng khiếu gì đặc biệt. Không những thế còn thả cho một câu xanh rờn: “Em đừng nói là chưa thử sao biết hay tại vì cố gắng chưa đủ”
Buồn!
Lúc đấy nghe xong nó cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng có lẽ không có ai cổ vũ cho những cố gắng ban đầu của ổng. Và hẳn là ổng cũng phải nghe câu đấy nhiều rồi nên cứ thốt ra như một phản xạ bảo vệ lòng tự trọng bé xinh. Nhưng nói thế chẳng khác nào chổng mông vào công sức người khác bỏ ra, những người biết mình thích gì và không ngừng nuôi dưỡng sở thích của riêng mình.
Thực sự thì thế giới này rộng lớn lắm, nếu có cơ hội thì hãy tìm hiểu, học thêm một vài kĩ năng mới, bỏ túi một vài thú vui tiêu khiển lúc chán đời. Tất nhiên mới đầu không phải ai cũng giỏi luôn được nên đừng so sánh bản thân với người khác mà dập tắt mất niềm vui của chính mình. Cứ yên tâm là nếu thích thì chúng ta sẽ không có cảm giác “cố”, mà thay vào đó là sự hào hứng với những điều mới mẻ, là tận hưởng sự biến đổi hàng ngày trong nhận thức.
Hãy nhớ sở thích là để vui. Nếu không vui thì đừng làm.
Nhưng đam mê thì lại khác. Nó nghĩ giữa đam mê và người mang ước mơ cũng có một hạt mầm liên kết. Để khi con người ta sắp bị những khó khăn bóp nghẹt đến nơi, hạt mầm ấy sẽ thủ thỉ bên tại họ rằng “Cố thêm chút nữa thôi”. Và họ cố. Rồi mọi thứ cũng trở nên bớt khắc nghiệt dần.
Có đam mê con người ta sáng hơn nhiều. Thật đấy!
Trong chuyến vivu gần đây, nó bắt gặp một cậu bé cũng mang thứ ánh sáng ấy, không rực rỡ nhưng vẫn ấm, có chút gì đó rón rén, ngây ngô. Ước mơ trong hắn giống như than hồng nóng đỏ, cứ âm ỉ cháy, chỉ cần tích lũy đủ và biết nắm bắt thời cơ thì ngọn lửa sẽ xuất hiện. Mong là hắn đủ kiên cường.
Có một lần, chúng nó cùng nhau nghe nhạc Jazz và tưởng tượng về nhân vật gắn với những bản nhạc ấy. Cứ nhắm mắt và thả trôi tâm trí, hình ảnh đầu tiên xuất hiện sẽ là những gì phù hợp nhất.
Một người cô đơn. Anh ta yêu thích những khoảnh khắc một mình, nhưng đồng thời cũng mang một nỗi buồn nào đó.
Một phụ nữ đẹp, không được đảm đang cho lắm, luôn tươi cười, thích mua sắm nhưng đồng thời cũng yêu đoc sách.
Một người đàn ông say, loạng choạng dưới ánh đèn đường lập lờ đung đưa. Một kẻ lãng mạn và cũng dại khờ, đang yêu… hay đặt câu hỏi?
v.V…..
Trò chơi kết thúc, hắn vẫn tiếp tục ngồi ngân nga rồi tự hỏi, tự trả lời về sự khác biệt giữa những nền âm nhạc khác nhau, mơ về một ngày trở thành nhạc sĩ sáng tác nhạc phim.
Khi nhìn vào một người làm nghệ thuật mọi người thường cười và nói đó là những kẻ mơ mộng, không thực tế. Hay cũng có người từng nói đùa khi biết về ngành học của nó rằng “mày sẽ nổi tiếng khi mày chết”. Nhưng đấy đâu phải lí do nó chọn học nghệ thuât…
Nó từng xem một video, trong đó họ đưa ra một bài tập yêu cầu khán giả từ những đồ dùng quen thuộc tạo ra một ý tưởng thể hiện một phép ẩn dụ nào đó. Kết quả cho thấy phần lớn mọi người đều có cảm giác không thoải mái, mơ hồ và không biết phải làm gì.
Công việc sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có một sự dũng cảm không nhỏ để bước ra khỏi vùng an toàn. Nghệ sĩ là những người cảm nhận rất rõ những cảm giác khó chịu ban đầu đó. Họ đón nhận chúng, phân tích và giải quyết chúng. Điều đó giống như việc đón nhận cuộc sống đầy bất ngờ.
Đồng thời, người nghệ sĩ luôn tò mò (như thanh niên phiền phức số 2 luôn đặt cho nó 1000 câu hỏi vì sao). Họ điên cuồng tìm hiểu mọi thứ, đặc biệt là những thứ kì cục. Từ đó họ phát triển những suy nghĩ của mình thành ý tưởng.
Vừa hay, hôm nay nó học buổi đầu tiên một môn đặc biệt thú vị. Giáo viên bước vào và hùng hồn tuyên bố rằng lớp học này chỉ chấp nhận những “kẻ điên”. Nhiệm vụ của năm nay chính là khai thác những góc nhìn, những trải nghiệm không giống người bình thường. Chủ đề cho bài tập đầu tiên là phá hủy, biến đổi đồ vật bất kì mà chúng thu lượm được. Bạn có thể thoải mái chơi với những đồ vật được lựa chọn bằng vô vàn những cách khác nhau cho đến khi một ý tưởng mới được tạo ra. Điều quan trọng là luôn luôn tự đặt câu hỏi và tìm mọi cách giải quyết chúng.
Đồ vật này dùng để làm gì?
Nếu giờ không sử dụng với chức năng đó thì ta có thể làm gì với chúng? v.v…
Nó cảm thấy phá hủy là một cách đưa những đồ vật đó trở về trạng thái nguyên sơ nhất để thấu hiểu chúng sâu sắc nhất, từ đó biến chúng thành một “thứ” mới, với ý nghĩa mới mà không mất đi bản chất cốt lõi.
Việc đặt vấn đề và tìm kiếm thông tin, phương pháp xử lí mới là vô cùng quan trọng không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong cuộc sống nữa. Thế nên chẳng phải tự nhiên mà người ta dạy trẻ em nuôi dưỡng tư duy sáng tạo.
Các bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Monet lại nổi tiếng? Đó là vì ông luôn đặt câu hỏi về thế giới tự nhiên, về cách mà ta thấy, về văn hóa, nghệ thuật đương thời. Tất cả những điều đó đã khiến cho tác phẩm của ông trở nên khác biệt. Cũng như vậy, chính cách tư duy đổi mới ấy đã tạo nên những bước ngoặt trong lịch sử nghệ thuật hiện đại mà người ta gọi là Avant-garde. Thuật ngữ này cũng đã được nó nhắc đến vài lần trong một số bài trước đây.
1. Vậy, Avant-garde nghĩa là gì?
Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Pháp, dịch sang tiếng Việt là “tiên phong”. Có nguồn gốc từ quân đội, từ này được sử dụng để mô tả những người lính đi trước để khám phá địa hình và cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra. Vào nửa đầu thế kỉ 19, nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn, một trong số những người tiên phong của chủ nghĩa xã hội, Henri de Saint-Simon, đã đưa thuật ngữ “avant-garde” vào sử dụng trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông tin vào sức mạnh xã hội của nghệ thuật và các nghệ sĩ, cùng với các nhà khoa học là những người lãnh đạo của một xã hội mới. “Sức mạnh của nghệ thuật là cách thức nhanh nhất, ngay tức thì” để cải cách xã hội, chính trị và kinh tế.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu Avant-garde là biểu tượng của sự khám phá, đổi mới, vượt lên trên những tư tưởng đương thời. Nghệ sĩ tiên phong là một nhóm người sáng tạo ra những ý tưởng mới lạ và đầy bất ngờ trong nghệ thuật thị giác, văn học và văn hóa nói chung. Họ đặt ra chính mình và cho chúng ta câu hỏi: “Nghệ thuật là gì?”
2. Sự khởi nguồn của cuộc cách mạng văn hóa:
Một trong số những đặc điểm chính của Avant-garde là chống lại tư tưởng của nghệ thuật học thuật, quy tắc thẩm mỹ áp đặt lên các tác phẩm và cách thức thực hiện chúng. Cũng vì thế mà các tác phẩm tiên phong thường đi kèm với nhiều tranh cãi.
Với cách suy nghĩ khác biệt đó, những họa sĩ nổi tiếng như Gustave Courbet, Edouard Manet và Camille Pissaro, bị bài trừ bởi các nhà phê bình nghệ thuật và cả công chúng. Nhưng tất nhiên, họ không bỏ cuộc dễ dàng trước những định kiến ấy. Thay vào đó, họ tự tổ chức những triển lãm của riêng mình trên khắp nước Pháp.
Vào ngày 17 tháng 8 năm 1863, lần đầu tiên Salon Refusé được tổ chức tại Paris, một triển lãm nghệ thuật dành cho các tác phẩm bị bác bỏ bởi các giám khảo danh tiếng của Salon de Paris, được tổ chức hàng năm bởi Académie des Beaux-Arts, đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc cách mạng văn hóa. Trong đó có những bức tranh huyền thoại như Déjeuner sur l’herbe và Symphony in White, No. 1, v,v,…

Bỏ ngoài tai mọi sự nhạo báng của giới thượng lưu, triển lãm đã thu hút hàng ngàn khách tham quan. Tư tưởng nổi loạn của họ lan tỏa và tạo nên một làn sóng những phong trào nghệ thuật của các nghệ sĩ cùng chí hướng. Họ cho rằng nghệ thuật nên được đánh giá chủ yếu dựa trên chất lượng và tính độc đáo của tầm nhìn và ý tưởng của nghệ sĩ. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đển văn hóa nghệ thuật trong cả một thế kỉ.

Avant-garde là sự đổi mới, sự thách thức đối với những quy ước đương thời và là bước ngoặt của lịch sử nghệ thuật. Vì vậy, nếu giá trị của một tác phẩm tiên phong không được tôn trọng thì đó là vấn đề của người thưởng thức chứ không phải nghệ sĩ. Mọi người thấy không, sự khác biệt tuy khó chấp nhận nhưng thời gian sẽ chứng minh tất cả cùng với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng.
3. Những phong trào Avant-garde tiêu biểu:
Trường phái ấn tượng (Impressionism)

Trường phái lập thể (Cubisme)

Trường phái siêu thực (Surrealism)

Chủ nghĩa xây dựng (Contructivism)

Chủ nghĩa vị lai (Futurism)

Dada

Ngoài những phong trào nghệ thuật nó kể đến ở trên thì Avant-garde còn bao gồm:
- Primitivism (1890 – 1920)
- Fauvism (1900 – 1910)
- L’école de Paris (1904 – 1940)
- Expressionnisme (1905 – 1920)
- Suprématisme
- De Stijl (1917 – 1932)
- Bauhaus (1919 – 1933)
…Vân vân mây mây nhiều lắm!
Có thể nói Avant-garde là tập hợp của tất cả những trường phái nghệ thuật có tầm ảnh hưởng nhất trong nghệ thuật hiện đại. Bây giờ, định nghĩa về “Avant-garde” đã được mở rộng, sử dụng trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, nhằm mô tả những tác phẩm vượt lên trên những giới hạn và phản ánh sự độc đáo của tầm nhìn.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng ở thời đại mới như hiện nay, chúng ta nên chấp nhận rằng Avant-garde đã chết, như cái cách mà Andy Warhol thương mại hóa nghệ thuật đương đại. Hay như Domineco Dolce từng nói rằng.
It is not necessary to be too avant-garde, because you risk not being understood.
Well, thực ra trước giờ nó vẫn luôn tin rằng chỉ cần chúng ta không ngại tạo ra những ý tưởng mới, và thể hiện chúng, thì bằng cách này hay cách khác sẽ luôn có người hiểu được đúng giá trị mà chúng ta tạo ra. Và xã hội cũng nhờ vậy mà phát triển. Nó cũng giống như việc mỗi người chúng ta đều mang những suy tư chẳng ai giống ai. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta học hỏi được ở nhau nhiều điều. Và dù là cá thể với tính cách riêng biệt nhưng sẽ luôn tồn tại những người có thể chấp nhận sự khác biệt ấy, mở lòng với những cảm xúc mà ta có, trân trọng vì ta là chính ta. Không phải sao?
Hay nó lại hơi thừa lạc quan?
Một suy nghĩ 2 thoughts on “Avant-garde – Sự thách thức những giới hạn thẩm mỹ đương thời”