“Trong quá trình lớn lên liệu chúng ta đã đánh mất bao nhiêu kí ức trong đời?”
Nó vô tình tìm thấy câu nói này trong lúc lục lại đống notes trong điện thoại. Không rõ đã thấy ở đâu, ai viết, lưu vào từ bao giờ, nhưng mỗi lần nhìn thấy, nó đều khựng lại mất vài giây.
…
Hôm nay dọn nhà nó tìm được hộp thiệp các đồng đội thân gửi cho, chủ yếu là từ hồi cấp ba trở lại đây. Dường như thời gian trôi qua vừa đủ để nó lại thấy bất ngờ vì những gì được viết trong đó.
…
Không biết một người hôn mê trong thời gian dài có dần đánh mất kí ức như những người bình thường không hay chúng cũng được đóng băng trong bộ não của họ… Đôi khi nó nghĩ con người quên đi là vì họ phải nạp thêm cả tấn thông tin mỗi ngày.
…
Nhưng liệu chúng ta có thể thực sự lựa chọn quên đi hay nhớ mãi về một thứ? Khi mà càng muốn quên thì nó càng hằn sâu trong trí nhớ, hay dù có cố gắng lưu giữ thì những kí ức ấy càng được tô vẽ, khác xa thuở ban đầu, rồi cảm xúc trong đó cũng dần trở nên méo mó.
…
Chúng ta đều đang quên… bằng cách này hay cách khác.
…
Thầy giáo nó bảo : “Nhiếp ảnh thực ra cũng là một lời nói dối”. Đó là câu chuyện của khoảnh khắc hay những giới hạn của khung hình. Nhiếp ảnh chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Kí ức cũng vậy thôi. Có điều, con người thực ra cũng đâu có bao giờ nhìn thấy toàn bộ sự thật xung quanh mình. Nó thấy việc đó cũng chẳng đến nỗi tệ, thậm chí có thể coi đó như một cơ hội để định nghĩa chính mình, rồi từ đó tạo sự liên kết giữa những cái tôi khác biệt. Nghệ thuật nếu đã không thể là một sự thật khách quan vậy thì hãy cứ là phương tiện thể hiện tầm nhìn của người nghệ sĩ đi. Không phải sao?
Nghĩ ngợi lan man. Thế rồi, nó hốt hoảng nhận ra mình chẳng hiểu gì về nhiếp ảnh trong nghệ thuật đương đại. Khi mới học một hai buổi đầu nó thực sự cảm thấy bỡ ngỡ không biết mình muốn thực hiện một bộ ảnh như thế nào cho học kì này, đành chạy vô thư viện mượn một đống sách về đọc cho nó ra nhẽ.
1. Nhiếp ảnh bắt đầu “lấn sân” sang nghệ thuật đương đại từ bao giờ?
Nhiếp ảnh được phát minh vào khoảng đầu thế kỉ 19, và ngay lập tức cho thấy một thế mạnh vô cùng to lớn của mình đó là có thể ghi lại nhiều thông tin, chi tiết hơn các phương pháp tạo hình truyền thống như hội họa hay điêu khắc. Tuy nhiên, ban đầu nhiếp ảnh chỉ được sử dụng như một công cụ hỗ trợ trong công việc sáng tác của các nghệ sĩ. Họ sử dụng phương tiện mới mẻ này để giảm thời gian ngồi tạo dáng cho các người mẫu.
Thú thực, nó cũng từng sử dụng những bức ảnh mình chụp để làm tư liệu trong sáng tác, giống như vẽ phác thảo vậy, nhung tiết kiệm thời gian hơn nhiều. Nó sử dụng chúng để sau đó cắt dán hay vẽ lại thay vì coi chúng như một tác phẩm độc lập và hoàn chỉnh.
Mãi đến tận cuối thế kỉ 19, nhiếp ảnh mới bắt đầu được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật tạo hình ở Anh và Mỹ. Thành quả đó có được là nhờ những nỗ lực quảng cáo của các tạp chí như “American Amateur Photographer”, cũng như các cơ quan như “Society of Amateur Photographers”, “Society of Amateur Photographers of New York”, “Photographic Society of Philadelphia”, “Boston Camera Club” – họ muốn chứng minh rằng phương tiện mới có thể mang tính nghệ thuật như các loại nghệ thuật khác.
Hai nghệ sĩ Alfred Stieglitz (1864-1946) và Edward Steichen (1879-1973) đóng vai trò to lớn trong việc đưa nhiếp ảnh trở thành nghệ thuật thị giác. Họ chịu trách nhiệm giới thiệu nó và đưa vào bộ sưu tập trong bảo tàng. Một sự kiện mang tính bước ngoặt xảy ra vào năm 1902, Stieglitz đã sáng lập Photo-Secession ở Mỹ, một hiệp hội các nhiếp ảnh gia và xuất bản tạp chí Camera Work. Tạp chí này đã nhanh chóng trở thành diễn đàn cho nghệ thuật hiện đại thuộc mọi thể loại. Năm 1905, Stieglitz và Steichen thành lập phòng trưng bày “291” ở New York, một địa điểm chuyên về nghệ thuật tiên phong, đặc biệt là các bức ảnh, tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc.
2. Mọi người nghĩ nhiếp ảnh trong nghệ thuật và nhiếp ảnh thông thường khác nhau như thế nào?
Nhiếp ảnh nghệ thuật thực ra không có một định nghĩa rõ ràng. Nói ra câu này có vẻ khiến nó trở thành một kẻ lừa đảo. Nhưng sự thật là thế đấy! Thay vào đó, ta có thể hiểu đó là một serie ảnh được tạo ra thể hiện một ý niệm phù hợp với tầm nhìn của tác giả chứ không chỉ đơn thuần là một công cụ kĩ thuật ghi lại hình ảnh thực tế. Nhiếp ảnh gia tập trung vào việc tạo ra những hình ảnh mang cá tính riêng và độc đáo. Để dễ hiểu hơn thì hãy cùng nó tìm hiểu thêm về một số nghệ sĩ và những tác phẩm đáng chú ý của họ nhé!
Man Ray
Emmanuel Rudzitsky, được biết đến nhiều với nghệ danh Man Ray, là một nghệ sĩ gốc Mỹ, ông dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp tại Paris, Pháp. Man Ray là một nhân vật đóng vai trò quan trọng đối với trường phái Dada và trường phái siêu thực. Man Ray được biết đến nhiều nhất bởi những bức ảnh avant-garde của mình.
Bằng các thí nghiệm độc đáo trong phong tối, ông đã giải phóng nhiếp ảnh khỏi vai trò như một tấm gương phản chiếu tự nhiên. Những bức ảnh của ông có thể coi là khởi nguồn cho chủ nghĩa siêu thực trong nhiếp ảnh. Đó là sự liên kết giữa thực tế và tiềm thức của người nghệ sĩ.
Có 2 kĩ thuật nhiếp ảnh do Man Ray sáng tạo ra mà nó muốn đề cập đến ở đây. Đầu tiên phải kể đến chính là “Rayographs”.
Không cần sử dụng máy ảnh, ông đã đặt các đồ vật hàng ngày lên một loại giấy nhạy sáng trong quá trình phơi sáng để ghi lại hình ảnh của chúng. Tác phẩm cuối cùng nằm lửng lơ giữa trừu tượng và sự biểu hiện của vật thể. Man Ray đã đưa đến một cách thấy mới và được các nghệ sĩ Dadaist (những kẻ có cùng tư tưởng nổi loạn) ủng hộ tích cực. Ông đi ngược lại với những quan điểm về nhiếp ảnh trước đây (zero-manipulation) cho rằng những chỉnh sửa đó sẽ làm xáo trộn tính toàn vẹn của nghệ thuật.

Sau đó, để tạo ra “Solarizations”, Man Ray đã không ngần ngại phá vỡ quy tắc vàng của nhiếp ảnh : Không bật đèn trong phòng tối. Trong quá trình rửa ảnh, Man Ray đã nhấp nháy đèn trong studio của mình, tạo thành sự đảo ngược đặc biệt của các mảng màu xung quanh chủ thể của bức ảnh. Người phụ nữ trong “Primat de la matière sur la pensée” như được bao bọc trong ánh hào quang, như một giấc mơ.
“I do not photograph nature. I photograph my visions.”
Man Ray
Cindy Sherman – Bus Riders (1976 – 2000)






Những bức ảnh này đã được chụp vào năm 1976 nhưng được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000. Sherman đã quan sát và tái hiện lại chân dung những hành khách xe buýt. Serie gồm tổng cộng 15 bức ảnh chụp lại hình ảnh các nghệ sĩ trong những bộ trang phục khác nhau, đội tóc giả, đeo kính và trang điểm theo nhân vật được dàn dựng sẵn. Những đạo cụ như một điếu thuốc, một chiếc gương trang điểm, một chiếc cặp, một túi giấy phồng lên hoặc một cuốn sách hỗ trợ thể hiện những câu chuyện của những nhân vật khác nhau. Trong một studio sắp đặt đơn giản, với cùng vị trí đặt máy ảnh, từng người một ngồi lên chiếc ghế để ghi lại những bức hình. Serie này tạo nên bởi cách tiếp cận độc đáo của người nghệ sĩ, tái tạo lại khuôn mẫu vượt ra ngoài ranh giới chủng tộc và giới tính. Cô đặt câu hỏi những ý tưởng chung về danh tính và thảo luận về cách chúng tan rã trong những sáo rỗng của xã hội ảnh hưởng đến truyền thông.
Nan Godin – The Ballad of Sexual Dependency (1979-1986)
Serie này gồm 700 bức ảnh chân dung kể về câu chuyện cá nhân sâu sắc, những gì Nan Godin đã trải qua ở Boston, New York, Berlin và một số nơi khác trong khoảng từ cuồi những năm 1970 và 1980. Nhưng nhân vật trong tác phẩm – bao gồm cả Nan Godin – được chụp lại trong những khoảng khắc thầm kín của tình yêu và sự mất mát. Họ quan hệ tình dục, sử dụng ma túy, chịu sự tàn phá của bạo lực gia đình và AIDS,… Đối với Nan Godin, serie ảnh này giống như một cuốn nhật kí, nó cho phép cô “lưu giữ và ghi nhớ từng chi tiết một cách vô cùng ám ảnh”.
Jeff Wall – The Destroyed Chamber (1978)
Jeff Wall là một trong những nhiếp ảnh gia đương đại vĩ đại nhất của Canada. Tác phẩm của ông thường là những bức ảnh rất lớn, lấy cảm hứng từ những bức tranh nổi tiếng của Manet, Delacroix, Géricault hay là Watteau. Những bức ảnh của ông khá phức tạp, thường là kết quả của nhiều bức ảnh mà ông chỉnh sửa, làm lại và sau đó sắp xếp chúng vào với nhau.
The Destroyed Chamber (1978) là bức ảnh nổi tiếng đầu tiên của ông được lấy cảm hứng từ bức tranh của Delacroix The Death of Sardanapalus. Toàn bộ căn phòng đều bị phá hủy, chỉ còn duy nhất bức tượng vũ công là còn nguyên vẹn, giống như nhà vua trong bức tranh của Delacroix. Trong khi bức tranh cho thấy một không gian được cai trị bởi một người đàn ông thì trong bức ảnh lại là một không gian nhỏ nhắn, thân mật của một người phụ nữ. Căn phòng của ông không có người, để người xem có thể tưởng tượng xem ai có thể là chủ nhân của căn phòng và ai là người đã phá hủy nó. Wall đã cố tình để lại đằng sau cánh cửa một phần của quá trình dựng cảnh. Bằng cách tạo ra một hình ảnh với quy mô lớn, hư cấu, gợi nhớ lại sự hùng vĩ của bức tranh cổ điển, ông đã thách thức vai trò của nhiếp ảnh, giải thoát chính mình khỏi vai trò ghi lại thế giới thực. Bức ảnh là sự kết nối giữa thực tế và tưởng tượng, đồng thời mang âm hưởng thời đại của Jeff Wall.
Ngoài những nghệ sĩ mà nó kể đến ở trên thì còn có Ansel Adams (1902-1984), Eugene Atget (1857-1927), Walker Evans (1903–1975), Henri Cartier-Bresson (1908–2004), Robert Mapplethorpe (1946-1989), Andreas Gursky (1955),v,v,… cũng là những nhiếp ảnh gia có tầm ảnh hưởng lớn trong loại hình nghệ thuật này.
Trước đây, nó từng cảm thấy khá nản mỗi khi bước vào một triển lãm hay bảo tàng về nhiếp ảnh. Tại sao ư? Vì khi ấy nó thấy những bức ảnh có đẹp đến mấy thì chủ thể trong đó dường như hiện lên quá rõ ràng khiến nó cảm thấy một phần ý nghĩa của nghệ thuật bị mất đi và trở nên nhàm chán. Mà nó thì chẳng thích những thứ chỉ đẹp. Chưa kể, với một công cụ thông minh như chiếc máy ảnh thì dường như người nghệ sĩ sẽ đánh mất đi vị trí của chính mình. Tuy nhiên, đấy là do nó không có đủ kiến thức. Mình không thể chê người khác khi bản thân mình mới là người thiếu hiểu biết được. Ví dụ chỉ riêng việc chọn góc chụp như thế nào cũng đã thể hiện cách nhìn riêng của tác giả. Chụp ảnh với vị trí đặt máy ngang tầm mắt khác với chụp khi bạn treo chiếc máy lủng lẳng trên cổ. Lúc đó góc nhìn của bạn sẽ giống với một đứa trẻ tầm mười mấy tuổi hay một người khuyết tật chẳng hạn. Với công nghệ hiện đại như bây giờ quả thực bất kì ai cũng có thể chụp được một bức ảnh đẹp nhưng để trở thành nghệ sĩ trong lĩnh vực này lại chẳng phải chuyện đơn giản phải không? Thách thức này có đôi chút khác biệt so với những ngành nghệ thuật khác ấy nhỉ? Nó vừa dễ lại vừa khó, thay vì sáng tạo ra một thứ hoàn toàn mới thì bạn phải tìm ra sự khác biệt từ những điều tưởng chừng như bình thường nhất.