Câu chuyện ý tưởng: Chuyến đi đến biển Saint-Malo

Đôi khi, nó muốn biến mất…

Kì cục không?

Thú thực thì ý nghĩ này đến với nó cũng khá thường xuyên. Thành ra cứ dăm ba bữa nó lại tự cho phép mình biến mất một thời gian, dài ngắn tùy tâm trạng và mức độ bận rộn. Đây có thể coi là một nghi thức chiều chuộng mà nó tự thưởng cho chính mình dù chẳng nhân dịp gì.

Biến mất ở đây không nhất thiết phải là đến chốn không người, mà chỉ đơn giản là một mình đến những nơi không ai biết nó là ai. Nơi đó có thể thân thuộc cũng có thể lạ lẫm, có thể gần cũng có thể xa. Chỉ cần nó được tận hưởng cảm giác trở thành một kẻ vô hình.

Mà thực ra có thể hiểu một cách đơn giản đó là cảm giác tự do.

Ừ có lẽ vậy… Nó đi để tìm sự tự do, để được quan sát và được lơ đễnh với suy nghĩ của chính mình. Và khi nó phóng tầm mắt ra thế giới bên ngoài kia, cũng là lúc con đường dẫn nó về với tâm tư của chính mình thêm rộng mở.

Nó đi để tìm ý tưởng.

Tất nhiên, lần này cũng không ngoại lệ. Trong một phút bốc đồng (sau khoảng hai tháng miệt mài chạy theo guồng quay thường nhật), nó quyết định dành ra một ngày để đi Saint Malo. Chuyến đi này không quá xa lại ngắn ngày , nên hành trang của nó không gì khác ngoài chiếc ba lô mà nó vẫn mang theo hàng ngày.

Nó là vậy đó, đi đâu cũng vác theo một chiếc ba lô to tướng.

Điều này cũng khiến không ít người xung quanh nó ngán ngẩm. Biết vậy, nhưng những thứ nó mang trong ba lô đem lại cảm giác an toàn vừa đủ. Cảm giác an toàn này đến từ sự đảm bảo rằng nó có thể lưu lại tất cả những khoảnh khắc đặc biệt của cuộc sống mà nó cho là nguồn nguyên liệu tạo nên ý tưởng.

Một quyển sổ vẽ, một quyển nhật kí, một hộp màu đất, một hộp màu nước, một chiếc bút lông có chứa nước trên cán (mà không hiểu sao cô giáo nó thường gọi là “poét-poét”), máy ảnh và tất nhiên không thể thiếu chiếc điện thoại. Đây là những vật dụng không thể thiếu trong mọi chuyến đi của nó.

Khâu chuẩn bị đến đây là tạm ổn. Nhưng để hành trình đi tìm ý tưởng thêm hiệu quả, nó còn cần phải chọn cho mình một quyển sách để đọc lúc trên tàu và một bài hát sẽ theo nó cả hành trình. Nếu chọn đúng quyển sách phù hợp, cảm giác bị bắt thóp sẽ giúp nó hiểu hơn về những suy nghĩ của chính mình; còn bài hát sẽ giúp nó dễ dàng hồi tưởng về chuyến đi hơn khi chúng trở thành quá khứ.

Giờ thì bật bài hát này lên và cùng nó bắt đầu hành trình nhé!

Chuyến đi bắt đầu

Đúng 10 giờ sáng, nó bước lên chuyến tàu đến với Saint Malo, mở điện thoại ra đọc, nó chợt nhận ra từ cuốn sách mà nó chọn, một sự trùng khớp đến lạ kì.

“Mình bước lên tàu, tìm một chỗ trống, đặt cái ba lô nặng trĩu lên ghế, ngồi thở một hồi. Mình lấy máy tính bảng ra, định đọc tiếp ebook còn dang dở. Khuôn mặt mình phản chiếu trên màn hình điện tử trông nghiêm trọng cứ như sắp đột nhập vào Los Alamos ăn cắp công thức chế tạo bom nguyên tử. Mình bật cười, đóng máy lại và nhìn ra xung quanh. Ngoài kia, sau vịnh biển rộng mở, thương cảng sầm uất đang lùi dần về phía xa, chiếc tàu lướt biển phăng phăng cưỡi sóng, hướng tới hòn đảo xinh đẹp. Tàu khao khát biển, còn mình ngay lúc này thì đang khao khát được trò chuyện cùng ai đó.”

Đoạn “Rồi chúng ta cũng mỉm cười”, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc

Rosie Nguyễn

Phải chăng lần này nó đã may mắn chọn đúng?

Tất nhiên sẽ luôn tồn tại đôi ba điểm khác biệt, chẳng hạn như nó đang ngồi trên chiếc tàu đường sắt chứ không phải tàu biển, cảnh quan bên ngoài cũng vì thế mà không có mấy sự liên hệ nhưng quan trọng là khi đọc những dòng này, nó đang trên đường ra biển và có lẽ nó cũng đang khao khát được trò chuyện cùng ai đó. Một người mỗi khi xuất hiện sẽ khiến nó thay đổi đôi chút, cố gắng hơn đôi chút. Những cuộc gặp gỡ như vậy thường để lại trong nó nhiều hơn một nỗi nhớ bâng quơ.

Nghĩ ngợi miên man một lúc, ngẩng mặt lên nó đã đến nơi từ lúc nào.

Bước khỏi nhà ga, mùi mặn mòi của biển, tiếng chim, tiếng sóng, và từng cơn gió táp cứ thế ồ ạt tràn vào tâm trí nó. Những đặc điểm điển hình này cộng hưởng với nhau khiến mọi giác quan của nó tự nhiên như được kích hoạt trở lại để rồi tự nhủ với bản thân rằng:

À thì ra biển đã ở ngay đây rồi!

Nó bắt đầu hành trình lang thang và cầm máy lên chụp vu vơ vài bức toàn cảnh.

Bằng cách này nó có thể lưu lại đường nét, bố cục, màu sắc của tự nhiên, những thứ độc đáo không phải do con người tạo ra. Cách nó căn chỉnh khung hình và lựa chọn cảnh vật, họa tiết cũng thể hiện một phần nào đó về xu hướng thẩm mĩ trong nó. Việc này sẽ giúp ích cho nó ít nhiều trong việc định hình bố cục cho sản phẩm khi trở về.

Với vai trò là một kẻ đi nhặt, nó tất nhiên không chỉ chụp ảnh mà còn dành ra 5-10 phút ngồi vẽ lại những gì nó cảm nhận ở mỗi chặng dừng chân. Điểm khác biệt giữa vẽ và chụp ảnh, đó là khi vẽ, hình ảnh sẽ được lọc thêm một vài lần nữa, giúp nó nhận ra chi tiết nào là quan trọng và cần được làm nổi bật. Nhờ vậy mà những bức phác thảo thường trở nên tối giản và cô đọng hơn. Sau này việc kết nối chúng lại theo một trật tự nào đó, dù là cảm xúc hay lí tính cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều.

IMG_38317

Leo trèo trên những mỏm đá chán chê, nó chuyển hướng lang thang dọc theo bức tường thành ven biển. Nhìn ra xa là những giống loài tí hon đang mải miết “thám hiểm”, mà thực ra vài phút trước nó cũng là một trong số họ.

Tại đây nó lại dừng chân đôi lần để nghệch ngoạc vài ba bức. Bên dưới là biển, là sỏi đá, và hai chấm nhỏ lóe sáng. Những khoảnh khắc đơn giản như vậy cứ làm nó nhẹ bẫng, lơ lửng như vừa lạc vào một tầng không vô định nào đó.

“A painting is more than the sum of its parts,’ he would tell me, and then go on to explain how the cow by itself is just a cow, and the meadow by itself is just grass and flowers, and the sun peeking through the trees is just a beam of light, but put them all together and you’ve got magic.”

Wendelin Van Draanen, Flipped

Processed with RNI Films. Preset 'Fuji Astia 100F v.3'

Processed with RNI Films. Preset 'Kodak Gold 200 v.3'
Hai chấm đỏ tình cảm giữa chằng chịt sỏi đá

Processed with RNI Films. Preset 'Kodak Gold 200 v.3'

Xuất hiện giữa một thế giới xa lạ, nó cũng như mọi người, đeo trên mình chiếc bảng đồng phục “tôi là con người” với mục đích tránh gây sự chú ý, đồng thời tự cho phép mình tò mò về mọi thứ xung quanh, trong đó tất nhiên có cả con người (khác). Trong bức hình dưới đây thì nó đang tò mò về những con người đang tò mò về một bạn chim mòng biển.

Processed with RNI Films. Preset 'Fuji Astia 100F'

Cách họ nhìn con chim có lẽ cũng giống với cách mà nó nhìn đám thực vật tảo biển phía trên kia, hay như cách nó nhìn họ ngay lúc này. Và biết đâu, có ai đó phía sau cũng đang nhìn nó kiểu vậy.

“Con bé kia chả hiểu sao dở hơi đi tọc mạch giây phút khám phá thiên nhiên muôn màu của gia đình người ta.”

Hình thức dây truyền kiểu vậy nghe cũng khá thú vị phải không?

Trong lúc chụp hình lung tung, nó dần dần nhận ra sự xuất hiện của những đường kẻ ngang dọc trong các bức ảnh của mình. Thế rồi nó quyết định thử tập trung hơn vào những đường kẻ ấy, vạch một đường thẳng tắp, dứt khoát ở chính giữa bức ảnh, ngăn đôi thế giới (cảnh quan và con người).

Sau khi nhặt nhạnh được kha khá, nó quyết định quay về cho kịp giờ tàu, và trên đường vô tình gặp bạn “Captain America chuẩn bị nhảy cầu”.

Processed with RNI Films. Preset 'Fuji Velvia 100F'

Khi về đến nhà, nhìn lại những gì nó nhặt nhạnh được, nó nghĩ sản phẩm cuối cùng được tạo thành sẽ là một bức tranh hoặc ít ra cũng là một sản phẩm tập trung nhiều vào phần hình. Có thể nó sẽ thử kết nối lại những suy nghĩ thoáng quá trong chuyến đi rồi sắp xếp những bức hình, bản phác thảo theo một cách nào đó.

Nhưng không, nó đã nhầm. Hành trình của nó chưa dừng ở đây.

Nó nhận ra rằng ngay tại khoảnh khắc nó chụp ảnh, những gì trước mặt nó đã không còn giống như trước nữa. Những hình ảnh được ghi lại chỉ là bản sao của một giây phút ngắn ngủi không hơn không kém. Và khi nó chụp ảnh cũng chính là lúc nó đánh mất đi hình ảnh thuần khiết nhất của giây phút đó. Quan sát bằng mắt thường khác rất nhiều so với việc quan sát qua lăng kính máy ảnh. Chưa kể khi đứng tại nơi đó, những gì nó cảm nhận, không chỉ có hình ảnh, mà còn có âm thanh, mùi hương, từng cơn gió và cả dòng suy nghĩ trong đầu nó. Nhìn lại từng bức ảnh, chỉ là một cách để gợi nhớ lại khoảnh khắc nó chụp hình, chừng đó có lẽ chỉ là 1% rất nhỏ của những gì đã diễn ra. Rồi đến khi nó post những bức ảnh này lên instagram, thì những gì mọi người nhìn thấy và cảm nhận có lẽ gần như bằng không dù cho họ đang được nhìn thấy đúng những gì nó đã nhìn thấy.

Vậy là nó đành cho tất cả những gì nó nhặt được vào trong một chiếc hộp đen, và đục một lỗ nhỏ kèm dòng chữ “voir ici” (tức là “nhìn vào đây”). Tất nhiên, tác phẩm là một lời mời gọi, hãy nhìn và cảm nhận, nhưng sẽ chẳng ai có thể nhìn thấy gì qua đó, kể cả là nó.

IMG_8695

Trong chiếc hộp có gì không?

Có.

Nhưng vấn đề ở đây là giới hạn của kẻ nhìn. Vậy nên đừng quá tin vào những gì chúng ta nhìn thấy. Chúng dù xấu dù đẹp thì vẫn sẽ luôn chủ quan và nhỏ xíu so với toàn bộ những gì đã diễn ra, đặc biệt là khi ta không thực sự trải qua chúng.

Còn bản thân nó, khi đối diện với khoảng không tối thui, những gì chạy trong đầu nó sẽ là tập hợp của những hình ảnh của chuyến đi này với đôi chút biến dạng qua màn sương mờ ảo của thời gian. Nó sẽ chỉ có thể nhớ những gì đã được lọc qua não bộ của nó, và phóng chiếu chúng bằng trí tưởng tượng của chính mình.

Chiếc hộp tượng trưng cho một sự đánh mất, một sự không trọn vẹn của khoảnh khắc khi nó trở thành kỉ niệm. Và cũng chính vì vậy, những khoảnh khắc ấy mới càng đáng quý.

Vậy đó!

Hành trình đi tìm ý tưởng của nó thường diễn ra không theo bất kì một quy tắc nào. Nó cứ nhặt nhạnh dần dần, cất giữ chúng rồi lúc nào dùng thì dùng. Có thể vài hôm nữa nó sẽ vẽ một bức tranh từ những gì nó nhặt được trong chuyến đi này thì sao… Ai biết được?

Quan trọng là luôn cởi mở với tất cả ý tưởng le lói trong đầu mình dù có nhỏ xíu hay ngớ ngẩn đến đâu. Ví dụ như, từ ý tưởng chiếc hộp tối thui này, vài năm nữa biết đâu nó có thể mở một triển lãm trưng bày các tác phẩm đựng trong hộp với mục đích giễu cợt người thưởng thức và cả chính mình. Dù có hơi ảo tưởng nhưng cũng chẳng sao, cứ bay bay một chút và cứ là chính mình thì mới sáng tạo được.

Mọi người cũng đừng nghĩ là chỉ khi đi thì mới tìm được ý tưởng. Chúng ta có thể sáng tạo mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần bản thân quan sát và tư duy đủ thì ý tưởng sẽ xuất hiện. Cảm hứng là do chính bản thân mỗi người tạo ra. Vậy nên đừng nghĩ là có cảm hứng thì mới sáng tạo được. Điều này chỉ đúng một phần, vì khi sáng tạo chúng ta không nên chờ đợi hay phụ thuộc vào cảm hứng mà phải không ngừng tạo ra và kiểm soát chúng.

Hãy coi sáng tạo cũng là công việc chứ đừng chỉ coi đó là sở thích.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.