Meaningless work – Nghệ thuật “vô nghĩa”

Meaningless work – Nghệ thuật “vô nghĩa”

Lại một bài mầm nữa được viết giữa đêm khuya. Bây giờ là 3 rưỡi sáng và lần này nó vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ lạ kì. Vơ vội chiếc laptop dưới chân giường, nó hì hục đánh máy, lưu lại cho khỏi quên những gì vừa diễn ra.

Trong giấc mơ, nó một mình vi vu khắp chốn rồi đột nhập vào một căn nhà (có lẽ do nó tò mò). Nó mải miết ngó nghiêng từng ngóc ngách, và ngay khi vừa bước chân vào chiếc phòng ngủ xinh xắn thì bất chợt chủ nhân của căn nhà quay trở về.

Nó đứng dậy khóa cửa phòng rồi chui xuống dưới gầm giường, kéo chăn che lại. Tiếng bước chân lên cầu thang ngày một rõ hơn. Phía sau cánh cửa là bóng một bé gái tầm 5-6 tuổi đang cố gắng vặn tay nắm nhưng không tài nào mở được.

Con bé đành cầu cứu mẹ.

Thế rồi không hiểu sao người mẹ nhẹ nhàng bước qua như căn phòng chưa từng được khóa. Còn nó tưởng chừng như đang ẩn nấp trong chỗ trốn an toàn thì tự dưng lại ngồi thu lu trên giường.

Biết mình bị lộ nhưng lại chẳng thấy người phụ nữ kia có bất kì một phản ứng gì, nó quay ra hỏi:

Ủa… Cô không thấy kì lạ khi có người đột nhập vào nhà mình hay sao?

Chủ nhà trả lời:

Sao lại lạ? Con là con của mẹ mà. Em bé vừa nãy chính là con đó. Con đang tìm gì vậy?

Nó trả lời rằng nó đang tìm một chiếc hộp đựng lông chim được chia thành hai ngăn, một bên màu trắng, bên còn lại có đốm đen mà hồi nhỏ nó sưu tầm. Nhưng ngay khi nhận được câu trả lời rằng chiếc hộp không có ở đây thì nó bất chợt tỉnh giấc. Bởi lẽ đấy cũng là lúc mà nó nhận ra rằng nó nào đâu có đi nhặt lông chim ngoài đường về cất bao giờ.

Mặc dù vậy nhưng giấc mơ này có điều gì kì lạ lắm. Nó tự hỏi về ý nghĩa ẩn chứa đằng sau và liệu rằng có khi nào từ đó nó sẽ tạo nên một ý tưởng mới.

Chiếc hộp lông chim đó thực sự là gì?

Nó nhớ về hồi còn bé xíu, dù không sưu tầm lông chim nhưng nó vẫn thường khóa cửa trốn trong phòng để nghịch ngợm linh tinh, khi thì leo trèo trên thanh sắt cửa sổ, khi thì chế thuốc độc bằng cách nghiền, xé những thứ xung quanh, sau đó trộn chúng lại, thỉnh thoảng nghịch dại thì vẽ vạch linh tinh vào tờ giấy rồi đốt (may mà không cháy nhà),vân vân mây mây.

Mấy trò vô bổ này nghe thì có vẻ ngớ ngẩn, thế mà hồi đó nó cũng tập trung cao độ dữ lắm, cứ như là đang làm một công việc gì đó ghê gớm. Mà có khi, cái này cũng được gọi là công việc sáng tạo ấy chứ, chỉ có điều mục đích của nó khi đó còn trẻ dại, vui chơi giết thời gian là chính.

Chứ thực chất, nghệ thuật đôi khi cũng chỉ cần có vậy. Bạn làm những hành động vô nghĩa một cách nghiêm túc, trong thời gian đủ lâu, ở một không gian riêng tư đủ để bạn thành thật với chính mình. Hành động ấy sau này có thể khơi gợi cho người xem nhiều tầng ý nghĩa hoặc chẳng gì cả, những ít nhất thì nó sẽ luôn tồn tại như một trải nghiệm đặc biệt đối với người thực hiện. Hình thức nghệ thuật kiểu này, người ta thường gọi là Meaningless Work. “Vô nghĩa” nhưng lại cực kì phổ biến trong nghệ thuật hiện nay.

Mà biết đâu đấy công việc thu thập, sắp xếp và cất trữ lông chim trong giấc mơ ấy cũng có thể trở thành một Meaningless work?

1. Vậy Meaningless Work là gì?

Đây là một khái niệm nghệ thuật được tạo ra bởi Walter de Maria – một nghệ sĩ thường được biết đến với tác phẩm Land Art cực kì nổi tiếng ” The Lightning Field”.

The Lightning Field – Walter de Maria

Còn Meaningless work, nghe qua chắc mọi người sẽ nghĩ ngay là một sự sáng tạo “vô nghĩa”. Nhưng theo nó thì dịch như vậy không được chính xác cho lắm. Meaningless Work thực chất là những trải nghiệm không kiếm ra tiền, và cũng không nhằm bất kì mục đích cụ thể nào. Ví dụ như cái sự sưu tầm lông chim trong giấc mơ kì cục kia sẽ là một trải nghiệm “meaningless” khi nó không phải là một nhà khoa học nghiên cứu về các loài chim. Hay trong một đoạn trích ngắn mà Walter de Maria viết về Meaningless work thì khi chúng ta chuyển những khúc gỗ từ hộp này sang hộp khác, rồi lại chuyển chúng về chiếc hộp ban đầu, cứ như vậy, lặp đi lặp lại được coi là một ví dụ điển hình về Meaningless work; nâng tạ thì không được gọi là Meaningless work vì nó sẽ cho ta một cơ thể săn chắc (và chúng ta biết rõ điều đó),v.v…

Nếu vậy, liệu có thể hiểu rằng bất cứ hành động vu vơ nào cũng có khả năng trở thành một tác phẩm nghệ thuật?

Nó cho là vậy, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Để chiếc hộp lông chim là một tác phẩm nó còn cần phải đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản khác.

Những nguyên tắc đó là gì?

Để dễ hình dung hơn, nó sẽ đối chiếu với một một tác phẩm mà nó cho là Meaningless work, một công việc sưu tầm, lưu trữ không vì mục đích gì nó từng nhắc đến trong bài viết về Conceptual Art: Card File [Fichier] của Robert Morris.

Card File [Fichier] – Robert Morris (1962)

2. Một số nguyên tắc cơ bản:

Điều đầu tiên phải kể đến đó chính là hành động được lựa chọn không được quá đơn giản hay thoải mái, nếu không nó sẽ trở thành thú vui. Card File của Robert Morris, như tên gọi của nó, là một ngăn tủ đựng các thẻ được chỉ rõ tên từng mục xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Từng tấm thẻ là các bước nghệ sĩ thực hiện tác phẩm ví dụ như: Index; Discontinuity; Place; Losses; Materials; Mistake; Name; Number: Owner; Ability; Price; Purchase; Recoveries: Repetition. Công việc này nghe thì đơn giản nhưng nó đòi hỏi ở người thực hiện một sự kiên trì không nhỏ. Cũng như tất cả những hình thức nghệ thuật khác, Meaningless work khiến chúng ta bỏ ra không ít mồ hôi công sức nếu thực hiện đủ lâu.

– Sau đó là tính chân thực. Meaningless work cần được thực hiện một cách riêng tư để đảm bảo sự chân thực. Điều này cũng đúng với Card File, Robert Morris đã thực hiện tác phẩm này một mình. Những tấm thẻ giống như bản báo cáo thành thực, rằng ông đã mua thẻ, làm mất và tìm lại chúng ra sao, rằng ông đã thực hiện các công đoạn đó ở thư viện New York, và bị nghệ sĩ Ad Reinhardt làm gián đoạn,v.v…

Tính thẩm mỹ của tác phẩm cũng vì vậy mà không thể xác định rõ ràng. Nó thay đổi theo từng cá nhân thực hiện hành động đó. Chúng ta có thể đọc phần miêu tả tác phẩm và tưởng tượng ra nhưng chắc chắn sẽ khác hoàn toàn với cảm giác khi chúng ta tự mình thực hiện chúng. Cùng một hoạt động nhưng mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Mỗi tác phẩm chỉ tồn tại như một trải nghiệm đối với chính người thực hiện chúng. Nó là quá trình chứ không phải kết quả . Ví dụ như khi đọc tấm thẻ dưới đây, chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng được điều gì đã diễn ra nhưng rõ ràng nó sẽ khác hoàn toàn với cảm giác của tác giả khi thực hiện công việc này. Khi viết những dòng này, Robert Morris đang suy nghĩ về điều gì, cảm thấy thế nào, chỉ có mình ông ngay tại thời điểm đó mới biết được.

Meaningless work là không có giới hạn. Chúng ta có thể được thực hiện nhanh hoặc chậm, có nhịp điệu hoặc không, trong bất kì điều kiện nào. Meaningless work có thể trừu tượng, độc đáo, điên rồ, ngớ ngẩn giống như những tác phẩm nghệ thuật hành động trải nghiệm mà chúng ta thấy hiện nay (Performance, Conceptual Art, Dada,…). Meaningless work có thể là bất kì hình thức nghệ thuật nào như vẽ, viết, video,v.v… Trong suốt quá trình thực hiện tác phẩm Card File, rõ ràng Robert Morris đã đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tất cả những điều đó đều được ghi lại và cuối cùng cất giữ trong chiếc tủ. Mặc dù công việc của ông chẳng vì mục đích gì cụ thể nhưng lại giúp cho người xem mường tượng ra mọi khía cạnh của quá trình sáng tạo.

Từ quá trình ấy, Meaningless work khiến ta cảm nhận và suy nghĩ về chính bản thân mình, về thế giới xung quanh, thực tế, tiềm thức, thiên nhiên, lịch sử, thời gian, không gian, triết học, chính trị, hay chẳng gì cả, không có bất kì một giới hạn nào.

Có nhiều thứ khi nhìn qua chúng ta sẽ thấy chúng thật vô dụng, và vô nghĩa nhưng khi dành một chút thời gian lặng nhìn lại chúng sẽ khiến chúng ta liên tưởng đến nhiều điều.

Vậy là để biến ý tưởng sưu tầm lông chim thành một tác phẩm, nó cần phải suy nghĩ xem nó sẽ thực hiện hành động này trong khoảng thời gian bao lâu là vừa đủ. Nó tất nhiên sẽ phải đi nhặt một mình. Tuy nhiên làm sao để có thể lưu giữ được tất cả những chân thực thuộc về chính bản thân mình, và thế giới xung quanh trong quá trình ấy. Và cuối cùng là sắp xếp chúng lại theo hình thức như thế nào để khơi gợi những suy tư từ trong sâu thẳm của người xem.

Còn đối với riêng nó, trải nghiệm “meaningless” này có thể mang ý nghĩa gì?

Nó mặc dù chưa thể hình dung ra cảm giác khi đi sưu tầm những chiếc lông ấy nhưng nó nhớ rõ cảm giác của chính mình trong giấc mơ khi đi tìm lại chiếc hộp, một thứ tưởng chừng như vô nghĩa, vậy mà lại nhắc nhở nó về một điều nó vẫn trốn tránh bấy lâu nay. Nó đang muốn tìm một điều thực sự ý nghĩa với riêng mình, một thứ nó không thể tìm thấy ở ngôi nhà thân quen, nơi mà nó sẽ quay trở về chỉ trong hơn một tuần nữa sau 4 năm xa cách. Nhưng trước lúc ấy có lẽ nó cần phải tự nhìn lại (một cách có ý thức thay vì vô thức như trong giấc mơ) xem bản thân mình có thực sự cần điều mà nó đang mong muốn tìm kiếm hay không.

Vai trò của Meaningless work đối với nghệ thuật:

Như mọi người thấy thì mọi khái niệm trong nghệ thuật được tạo ra sẽ đều tương ứng với một sự vượt qua giới hạn, định kiến xưa cũ (thực ra không chỉ riêng nghệ thuật mà trong bất kì lĩnh vực nào cũng vậy). Meaningless work tất nhiên không phải là ngoại lệ. Khái niệm nghệ thuật mới mẻ này phá bỏ những tiêu chuẩn, quy tắc về cái đẹp và đặt ra cho con người câu hỏi rằng:
Nghệ thuật thực sự có cần phải mang trong mình một mục đích cụ thể nào hay không?
Điều này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Walking in an Exaggerated Manner Around the Perimeter of a Square của Bruce Nauman. Một chiếc video ngắn quay lại quá trình di truyển theo cách phóng đại xung quanh vạch hình vuông trong studio của chính ông tại New York. Bruce Nauman cho rằng nếu ông là một nghệ sĩ và ông đang ở trong studio của chính mình thì bất kể ông đang làm gì, đó cũng chính là nghệ thuật.



Và tất nhiên cái gì mới thì thường khó tiếp nhận. Ban đầu Meaningless work thường bị coi là kì cục, ngớ ngẩn. Tuy nhiên đối với một Meaningless work thay vì cảm nhận bằng yêu thích hay ghét bỏ thì người xem nên thấu hiểu, kết nối với tác phẩm và chính mình.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com

%d người thích bài này: