Ben Vautier – Sự kết nối giữa Nghệ thuật và Cuộc sống

Ben Vautier – Sự kết nối giữa Nghệ thuật và Cuộc sống

Vậy là đã tròn một tháng kể từ khi nó về nhà chơi và cũng là một tháng nó làm biếng không viết mầm. Thật là tội lỗi quá đi.

Nhân đây nó cũng phải thú thực là sau bốn năm không về, nó có nhiều bỡ ngỡ không chỉ với những điều mới mẻ mà cả với những gì cũ kĩ đã không còn là thói quen.

Nó không quen được mọi người quan tâm thật nhiều.

Nó không quen được cả nhà la “ngủ sớm đi, ăn nhiều vào”; không quen được mẹ pha nước sấu cho trong lúc đang tập trung viết mầm; không quen với câu “muốn đi đâu thì bảo để còn qua đón”, không quen với những tin nhắn từ bển rằng “có bận gì không, gọi nhé!” mặc dù chỉ mới xa nhau có mấy ngày.

Bình thường thì nó cứ cho rằng bản thân nó một mình cũng tự lo được hết. Mấy ngày đầu mới về nó còn bị ngợp hơi người và cảm thấy cần một chút khoảng không cho chính mình. Nhưng rồi nhập gia tùy tục, nó dần dần “bị” cảm hóa đâm ra bớt “tự kỉ”. Nó phởn phơ tận dụng triệt để những quan tâm nhiệt tình của mọi người và kịp thời làm cho một thanh niên ốm lăn ốm lóc sau khi phượt xuyên màn mưa từ chỗ nghe nhạc về nhà.

Ừ thì… thực ra một “cục (nước) đá” như nó cũng thích quan tâm và được quan tâm lắm, chỉ là nhiều khi điều kiện không cho phép mà thôi, rồi lâu dần thì thành thói quen. Chán nó thật đấy nhỉ?

Sau này về hẳn không biết liệu có còn được ưu ái vậy không ta?

Một tháng vừa rồi ngoài việc loay hoay giữa những yêu thương mà mọi người dành cho thì nó cũng đi tập tành cho sở thích của riêng mình. Nó học thêm cái này cái kia và đi dạy vẽ. Tất nhiên không thể quên lượn lờ bắt nhịp với thế giới nghệ thuật xung quanh (mặc dù chỉ trong Hà Nội).

Đôi lúc sự khác biệt về góc nhìn nghệ thuật cũng khiến nó một lần nữa phải tự đặt câu hỏi:

“Nghệ thuật” mà nó thực sự mong muốn hướng tới là gì?

Nếu không xác định rõ ràng thì thật dễ để bị hoà tan hay lạc trôi giữa một biển những cái tôi cũng đang tìm cách tồn tại.

Nó nhớ tác phẩm đầu tiên khiến nó “rung động”. Một tác phẩm mà nó đã vô tình bắt gặp ở Centre Pompidou khoảng hai năm trước. Điều kì lạ là đây rõ ràng không phải một tác phẩm có thể tạo cảm giác thỏa mãn về phần hình cho người xem ngay lập tức. Mà không, thực ra với nó thì có, chỉ là tác phẩm này đẹp theo một cách khác, một vẻ đẹp toát ra từ bên trong, của tinh thần và trí tuệ. Nó thích nét đẹp cũ kĩ và thân thuộc ấy, một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ có phần chật chội với chằng chịt những đắn đo suy nghĩ về cuộc đời và về nghệ thuật với cái tên “Le Magasin de Ben” (cửa hàng của Ben). Ben ở đây chính là tác giả, nghệ sĩ Ben Vautier, người đã tham gia vào phong trào Fluxus, nhằm nhấn mạnh mối tương quan giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Le Magasin de Ben (1958-1973) – Ben Vaultier

Tại sao nó lại cảm thấy “rung động” với tác phẩm này?

Nó quên mất chưa nói với mọi người, tác phẩm này còn có một cái tên khác đó là “Ben doute de tout” (Ben nghi ngờ về mọi thứ). Đúng thật, tác phẩm này khiến nó phải tự đối chiếu với chính mình, suy nghĩ, đặt câu hỏi để rồi tự đi tìm câu trả lời. Nó nghĩ giá trị của một tác phẩm nằm ở đây, những dư âm mà tác phẩm ấy để lại trong tâm trí của người xem. Và khi nó và tác phẩm va vào nhau lại vừa trùng khớp đúng lúc nó đang cần tìm câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên:

Nghệ thuật là gì?

Thực ra đây là câu hỏi nó đã phải tự đặt ra cho chính mình không biết bao nhiêu lần: khi bắt đầu chính thức chọn nghệ thuật là con đường mà nó mong muốn theo đuổi, trước mỗi sự thay đổi, khi thực hành sáng tạo và cả những lúc nuôi mầm. Trong quá trình ấy, mục đích của câu hỏi này cũng chuyển dần từ sự tò mò học hỏi thành định hướng phát triển, từ tiếp thu đến sáng tạo.

Nhưng trước hết hãy cùng nó xem tác giả có những suy nghĩ gì về câu hỏi muôn thuở này đã nhé!

Làm sao để biết đây có phải là nghệ thuật hay không?

Mọi người thường hỏi nó :

Học mỹ thuật là học về gì? Học vẽ hay điêu khắc hay gì?

Nhưng nghệ thuật đâu phải chỉ có vậy. Đúng hơn thì nghệ thuật đã từng bị đóng khung như vậy, giờ thì khác nhiều rồi. Mỗi trường phái nghệ thuật ra đời cũng đều gắn liền với một sự thay đổi, một ranh giới bị phá bỏ. Vì thế giới thay đổi, nghệ thuật cũng đâu thể cứ đứng im mãi được.

Nghệ thuật ở đâu đó ngoài kia – Nghệ thuật là từ ngữ – Nghệ thuật là tự hỏi chính mình rằng nghệ thuật là gì – Nghệ thuật là một hố đen lạc giữa vũ trụ – Nghệ thuật mà một lỗi sai chính tả – Nghệ thuật là một chiếc túi – Nghệ thuật là một phụ nữ khỏa thân khoác áo lông trong metro – Nghệ thuật là các bạn khi đang đọc những thứ này – Nghệ thuật là mẹ tôi nằm trên chiếc giường của bà – Nghệ thuật không phải là bất kì thứ gì – Nhưng những gì tôi Ben quyết định nói chính là Nghệ thuật.”
“Nghệ thuật ở khắp mọi nơi”

Vậy đó nghệ thuật có thể là bất kì thứ gì, những không phải cái gì cũng là nghệ thuật. Mấu chốt nằm ở cách thức chúng ta biến chúng thành một tác phẩm. Cũng giống như nghệ thuật khó có thể tách rời với cái đẹp. Nhưng cái đẹp thì tồn tại ở mọi nơi (cả bên trong lẫn bên ngoài), quan trọng là chúng ta có khả năng nhận ra hay không mà thôi. Tóm lại thì mọi thứ đều nằm ở “chúng ta” (người tạo ra và người thưởng thức).

Nếu vậy làm thế nào để thay đổi nghệ thuật hay cách mà mọi người vẫn thường nghĩ về nghệ thuật?

Để thay đổi nghệ thuật, ta phải thay đổi con người, để thay đổi con người, ta phải thay đổi “bản ngã”, để thay đổi “bản ngã”, ta phải đặt nghi vấn
đẹp hay xấu? đúng hay sai? có hay không? một mình hay cùng nhau? nghệ thuật hay phi nghệ thuật? tồn tại hay không tồn tại? được biết đến hay vô danh? thành công hay thất bại? chết hay sống? miễn phí hay đắt đỏ? xác thực hay sai sót? ngu ngốc hay thiên tài? tôi hay người khác? nói dối hay thành thực? trang trí hay vị niệm? dối trá hay sự thật? sống hay chín? ngôn từ hay sự vật?

Mọi người thấy đó có vô số câu hỏi được đặt ra trong quá trình làm nghệ thuật. Và mỗi người theo thời gian sẽ tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với bản thân.

Và dù thế nào thì một tác phẩm nghệ thuật “hợp mắt” thôi là chưa đủ. Nghệ thuật nên có sự thú vị. Một tác phẩm cần tạo được cảm xúc cho người xem, khiến cho người xem phải tò mò, phải vận động để tìm được sự kết nối. Không thể phủ nhận một tác phẩm giá trị luôn luôn đòi hỏi sự chỉn chu, kĩ thuật, thời gian và công sức của tác giả. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là cái tôi, sự thông minh và tri thức của người nghệ sĩ, điều khiến cho tác phẩm của họ không thể bị lu mờ hay trộn lẫn với bất kì ai.

Nhưng chưa hết, như nó đã nói ở phía trên kia, điều khiến nó nhớ đến những “tấm bảng vẽ chữ” này của Ben đó là:

Sự kết nối

Vì nghệ thuật của Ben bắt nguồn từ những điều mà con người ta vẫn luôn tự hỏi trong cuộc sống hàng ngày.

– Bạn có hạnh phúc?
– Còn bạn?
– Cũng tùy từng ngày
– Tôi cũng vậy

Khi đọc những dòng này mọi người nghĩ đến chuyện vui hay chuyện buồn? Nó mong đó sẽ là một câu chuyện vui. Nhưng nếu chẳng may những con chữ này nhắc mọi người nhớ đến điều khiến mình buồn thì cũng không sao cả. Vì có vui có buồn mới là cuộc sống phải không?

Hạnh phúc là hiện tại

Nên đừng bao giờ quên sống là chính mình và hiểu điều mình mong muốn, khi ấy bạn sẽ biết bản thân mình cần phải làm gì.

Quyền được là chính mình
Tất cả đều là câu hỏi về mong muốn

Mọi người biết không, khi bạn mong muốn điều gì thì đó là vì bạn tin rằng khi bạn đạt được mong muốn đó bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy trọn vẹn. Và cách để bạn có thể đạt được điều đó không gì khác chính là hãy cảm thấy vui vẻ và trọn vẹn ngay lúc này. Đừng chờ đợi và đừng để nỗi sợ, sự căng thẳng nuốt chửng chính mình. Hãy luôn giữ vững niềm tin và không ngừng tiến về phía trước. Mỗi khi mệt mỏi hãy tạm dừng và nhìn vào chiếc gương này và hỏi:

Gương kia ngự ở trên tường, nói cho ta biết cái đẹp là chi? Chiếc gương trả lời rằng chính là những gì mà ngươi nhìn thấy.

Nên nhớ câu hỏi ở đây là cái đẹp nha, chứ không chỉ là đẹp trai, xinh gái đâu. Nhìn vào gương rồi tự tin lên xem nào! Bạn thích nhất điểm gì ở chính mình? Cho 5 giây suy nghĩ.

.

.

.

.

.

Dù câu trả lời của mọi người là gì thì nó mong điều đó sẽ gần nhất với đáp án này: chính bạn. Toàn bộ. Khi đó bạn mới có thể tìm thấy sự bình yên từ bên trong và mỉm cười.

Tôi thích cười

Nó cũng thích cười. Cực kì. Nhưng rồi càng ngày nó càng cảm thấy rằng nếu chúng ta không thỉnh thoảng bằng cách này hay cách khác thả cho những cảm xúc đau khổ, buồn bã, thất vọng, chán nản ra ngoài đi dạo chuyện trò thư giãn một chút thì sẽ thật khó để có thể tươi cười thực sự. Bản thân những cảm xúc ấy không xấu, mà thậm chí là ngược lại, nó đem đến cho chúng ta ý chí cùng một loại siêu năng lực đó là: sự đồng cảm.

Vậy nên, chấp nhận chúng và…

Hãy như mặt trăng, luôn truyền cảm hứng cho người khác mặc dù bản thân còn khiếm khuyết và không phải lúc nào cũng tròn vạnh hoàn hảo.

K. Tolnoe

Và đó cũng chính là mong muốn của nó. Nó mong rằng một ngày mầm và các tác phẩm của nó, theo một cách riêng, có thể mang đến cho mọi người những kết nối giống như những gì mà nó cảm nhận được từ con chữ nghuệch ngoạc của Ben, lắm khi kì cục nhưng lại thật gần gũi và thân thuộc với cuộc sống con người.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com

%d người thích bài này: