Hôm nay có một người bạn bảo nó rằng: “Gia cầm nhà mình lạc quan vãi.”
(Cũng không hiểu sao, nói chuyện với nhau thì thấy bình thường mà viết lên đây nó cứ kì kì. Maybe… Tại từ “vãi”… hay từ “gia cầm”?)
Thôi hoãn cái sự dở người lại.
Chuyện là mọi người bây giờ đang lo thất nghiệp, còn nó thì luôn mang trong mình một niềm tin sắt đá rằng đâu sẽ có đó. Mọi người rồi sẽ có những quan sát và hướng đi mới để thích nghi với tình hình hậu dịch bệnh. Bản thân nó cũng vậy, cũng đang cân nhắc về những kế hoạch sắp tới của mình. Tất nhiên sẽ không dễ dàng. Tùy vào từng ngành nghề, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau, nhưng rồi sẽ trên cả ổn thôi. Mà có khi tại nó lông bông quen rồi nên mới thấy vậy.
Một phần khác thì là do dạo gần đây nó cũng thấy vui vui. Thành thực mà nói thì cái dịch bệnh này cũng đem lại nhiều điều dễ chịu. Mọi người cùng nhau cố gắng làm một điều gì đó có ích trong khả năng của mình.
Nó cảm giác như xã hội ngày nay gắn con người với quá nhiều tiêu chuẩn. Chỉ riêng việc chạy theo những điều đó, đã đủ khiến ta quá đỗi bận rộn với việc cứ liên tục phải thúc ép bản thân mình phát triển. Điều này vô tình khiến chúng ta “tiết kiệm” những quan tâm chân thành dành cho những nhân vật thân thiết, kề cận và rồi sau đó là những số phận thiếu may mắn đang ở đâu đó ngoài kia. Hai khu vực có liên kết gần nhất và xa nhất đối cuộc sống mỗi người. Một bên không để ý vì quá thân thuộc, bên còn lại là vì không nhìn thấy. Không nhìn thấy không phải vì xa xôi mà vì chúng ta tự cho là xa lạ, không máu mủ ruột thịt, không thân không thích. Mặc dù sợi dây liên kết giữa con người với con người là luôn luôn tồn tại, với bất kì ai, theo nhiều cách khác nhau, nhưng tầm mắt của chúng ta, đặc biệt là ở những người trẻ, lại luôn phóng đến khu vực lưng chừng.
Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng hoàn cảnh hiện tại, có tác động không nhỏ giúp mọi người trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết, phát huy những năng lực yêu thương, lòng trắc ẩn trong chính mình. Nó cũng nhận ra rằng, con người không cần thiết phải đủ đầy thì mới có thể chia sẻ với mọi người xung quanh, dù là vật chất hay tinh thần. Chỉ cần chúng ta có tâm thì tự khắc sẽ có cách. Bởi sự quan tâm luôn có thể đến từ những điều rất nhỏ mà hiệu quả bất ngờ cho mọi người và cho chính chúng ta.
Ví dụ rõ ràng nhất trong thời gian vừa qua là việc “ăn dầm ở dề” trong nhà. Một hành động “đơn giản” đặt vào đúng hoàn cảnh tự động trở thành lớn lao, không chỉ giảm bớt khả năng lây lan mà còn giúp rút ngắn thời gian thất nghiệp cho những người không thể mưu sinh “from home”, chưa kể mọi người còn có thể học cách ở nhà làm sao để vẫn yêu thương nhau, yêu thương chính mình 24/7 mà không vô tình đặt áp lực lên nhau bằng chính tình thương đó, và ngược lại “thương xa” sao cho đủ. Rồi thì vỗ tay, hát hò, nhảy múa cũng có thể cổ vũ tinh thần, lan tỏa sự lạc quan. Hay như chỉ bằng một câu an ủi ngắn gọn, mở đầu chiếc mail “nhận trẻ lạc” mà giáo viên gửi cho nó, cũng đủ khiến nó tan chảy vì cảm động. Việc này chỉ tốn của “quý ngài thân thiện” có vài giây nhưng lại xoa dịu được nỗi niềm bơ vơ của một kẻ vô hình giữa hàng trăm sinh viên trong trường. Ngoài ra thì, thời đại 4.0, lòng trắc ẩn cũng có thể lan tỏa qua mạng xã hội. Như đợt vừa rồi lời kêu gọi thu thập chữ A cho trẻ tự kỉ được phát động nhằm thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của mọi người đối với cộng đồng này. Mỗi người chỉ cần đóng góp một bức ảnh là có thể lan tỏa năng lượng tích cực đến với nhiều người khác trong mạng lưới của mình. Mặc dù sau đấy lời kêu gọi này vướng phải một số tranh cãi. Nhưng nó tin rằng mọi việc nếu như xuất phát từ tấm lòng chân thành và sự tử tế thì đều sẽ nhận lại được chính những điều đó. Và khi mà con người thương nhau thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết. Dù là trong công việc hay trong các mối quan hệ tình cảm, gia đình thì cũng đều như vậy.
Và bởi vì cuộc sống dạo này tưởng là ảm đạm nhưng thực ra lại nhiều màu sắc yêu thương thân tình quá, nên nó cũng sẽ lái mọi người đến với một trường phái nghệ thuật hiện đại mà khi nhìn vào đời bỗng vui hẳn lên. Đó chính là Fauvism – trường phái Dã thú.
Fauvism là gì?
Fauvism (trường phái Dã thú) phát triển ở Pháp trong một thời gian ngắn và trở thành phong cách nghệ thuật tiên phong đầu tiên của thế kỷ 20. Vẫn là những chủ đề người thực, cảnh thực, nhưng trái ngược với những phong cách nghệ thuật trước đó, như trường phái Ấn tượng chẳng hạn, vẫn mang những màu sắc, đường nét gần với thực tế, các nghệ sĩ Dã thú lại tạo ra những bức tranh phong cảnh tươi sáng, màu sắc sống động thuần khiết và nét vẽ đậm nét đặc trưng khó có thể nhầm lẫn.

Những tác phẩm Fauvism luôn khiến nó cảm thấy như từng mảng màu đang nhảy múa tung tẩy náo nhiệt. Chúng sống theo một nhịp điệu riêng trong thế giới trên tranh. Những họa sĩ tạo ra chúng hẳn cũng tự gắn cho mình một lăng kính khác lạ khi nhìn ra cuộc sống xung quanh.
Thuật ngữ “fauvism – dã thú” ra đời như nào nhỉ?
Henri Matisse (1869 – 1954) và André Derain (1880 – 1954) đã đưa màu sắc không tự nhiên và nét vẽ sống động vào tranh của họ vào mùa hè năm 1905. Họ làm việc cùng nhau tại cảng cá nhỏ Collioure trên bờ biển Địa Trung Hải. Cùng năm đó, khi được trưng bày tại Salon d’Automne ở Paris, sự tương phản với nghệ thuật truyền thống đã khiến nhà phê bình Louis Vauxcelles mô tả các nghệ sĩ như là “Les Fauves” – những con thú hoang dã, và do đó, cái tên này được sinh ra. Dịch sang tiếng việt là Dã thú và không hiểu sao nó lại chẳng thích từ này cho lắm.

Điểm khác biệt của các “Dã thú”
1. Nhấn mạnh tiềm năng biểu cảm của màu sắc
Một trong những đóng góp chính của Fauvism cho nghệ thuật hiện đại là triệt để tách màu sắc khỏi mục đích mô phỏng thực tế và cho phép nó tồn tại trên khung vẽ như một yếu tố độc lập. Màu sắc có thể thể hiện tâm trạng và tạo nên một bố cục mới trong tác phẩm nghệ thuật mà không cần phải đúng với thế giới tự nhiên. Đây cũng chính là lí do tại sao nó luôn cảm thấy những bức tranh thuộc trường phái này chứa đựng một nguồn năng lượng vui vẻ dạt dào.

2. Giảm tương phản sáng – tối, tạo độ phẳng cho không gian
Một mối quan tâm khác của Fauvism là sự cân bằng tổng thể của tác phẩm. Từng chi tiết trong bức tranh đóng vai trò cụ thể và là mắt xích không thể thiếu. Vì thế Fauvism tạo nên ấn tượng thị giác mạnh mẽ, thống nhất và ngay lập tức. Các đường nét đơn giản và màu sắc bão hòa tận dụng tối đa độ phẳng vốn có của vải (hoặc giấy) mà thông thường các họa sĩ luôn muốn che lấp đi bằng độ tương phản sáng – tối, đánh lừa thị giác, tạo chiều sâu cho bức tranh.

Fauvism tồn tại trong một thời gian ngắn và đến năm 1910, các nghệ sĩ trong nhóm sau đó đã chuyển hướng phát triển theo những trường phái khác nhau. Tuy nhiên, Fauvism vẫn có ý nghĩa vì nó thể hiện khả năng mới mẻ của nghệ thuật hiện đại, gợi lên những phản ứng cảm xúc mãnh liệt thông qua hình thức trực quan. Fauvism đã chứng tỏ là một tiền thân quan trọng của Trường phái Lập thể và Trường phái Biểu hiện cũng như một nền tảng cho các phương thức Trừu tượng trong tương lai.
Đó là những thông tin cơ bản nhất về trường phái nghệ thuật “yêu đời” này. Nó mong là sau khi đọc bài viết này xong mọi người cũng sẽ cảm thấy vui vẻ như vậy. Riêng nó thì thấy là khi mình đang tưng tửng mà ngồi viết mầm thế này thì còn hạnh phúc hơn một nghìn lần bình thường. Vậy nên mọi người cũng hay thường xuyên tự tạo những niềm vui nho nhỏ cho chính mình và những người xung quanh nhé!
“Fauvism (Dã thú) là phong trào Avant-garde đầu tiên của thế kỉ 20. Những nghệ sĩ Fauvist giải phóng mình khỏi quy luật sáng – tối , tự do sử dụng màu sắc rực rỡ để thể hiện cảm xúc thay vì mô phỏng hình ảnh thực tế.”