Không biết khi mọi người đọc một cuốn sách có bao giờ tự hỏi về những gì đang được lưu thông giữa hai đầu thu phát sóng (một chiều)? Những gì vô hình vô dạng mà tác giả muốn truyền tải sau khi được đúc kết thành con chữ, hình ảnh để đến với phần ý thức của chúng ta liệu còn lại bao nhiêu, rồi sau đó liệu rằng chúng phát triển và hòa hợp với thế giới nội tâm trong chúng ta như thế nào? Hẳn là sau từng bước đúc kết, sàng lọc, rồi lại đúc kết ấy, những kì diệu, mới mẻ cũng đã rơi rớt đi nhiều và đồng thời cũng được thêu dệt thêm nhiều.
Việc đọc sách báo thực ra chỉ là một ví dụ nho nhỏ cho việc niềm tin hay những quy luật được thiết lập từ những kinh nghiệm trong quá khứ có ảnh hưởng thế nào đến những gì mà chúng ta tiếp nhận và tự nguyện tiếp nhận trong hành trình giao tiếp về sau, giữa con người với con người, và giữa con người với những gì thuộc về “tự nhiên”. Rồi cũng như ví dụ ban đầu, những gì thực sự thuộc về “tự nhiên” và những gì mà chúng ta cho rằng “phải là như vậy” hẳn sẽ chỉ giống nhau một phần và khác nhau nhiều lắm lắm.
Thế rồi đôi khi nó hay tưởng tượng sẽ như thế nào nếu như “tự nhiên” xảy ra một sự kiện động trời khiến mọi lí thuyết mà con người nghiên cứu, đúc kết từ hàng thế kỉ đều sụp đổ. Tất nhiên, điều này thực tế vô cùng khó xảy ra, bởi lẽ hệ thống kiến thức của loài người hiện giờ đã vô cùng chặt chẽ, mắt xích này liên kết với mắt xích kia theo một kiểu logic riêng tạo dựng bởi nhiều tầng lớp niềm tin chồng chéo lên nhau. Nhưng nếu thực sự tồn tại một ngày tất cả những ngoại lệ kết hợp lại thành một thể thống nhất và rồi trở nên mạnh mẽ hơn bất kì điều gì mà trước giờ chúng ta từng tin tưởng, khiến chúng ta nhận ra có cả một thế giới “tự nhiên” rộng lớn vẫn còn đang lơ lửng bên ngoài những hiểu biết của một con người và cả loài người tổng hợp lại thì sao?
Những niềm tin trong chính mình “bảo vệ” chúng ta khỏi những điều “tự dưng” đến với cuộc sống này, giới hạn chúng ta trước một nhóm các sự lựa chọn khác nhau để rồi chọn lọc những gì chúng ta cho là tốt nhất trong số đó. Nhưng dường như những khả năng ấy chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống. Những bất ngờ xảy đến giúp chúng ta phát triển, cơi nới liên tục mảnh đất niềm tin sẵn có và trồng thêm vào đó những hạt mầm mới, hoặc có lẽ sẽ tuyệt vời hơn cả nếu chúng xới tung tất cả lên, tạo ra những khả năng hấp thụ mọi điều một cách khác đi và rộng mở hơn.
Điều này tất nhiên không chỉ áp dụng trong cuộc sống mà đối với nghệ thuật cũng vậy, thay vì tiếp tục men theo những quy luật đã cũ, sự “tự dưng” cũng bắt đầu len lỏi và dần được sử dụng rộng rãi từ thế kỉ 20, giúp các nghệ sĩ thoát khỏi những lí thuyết thẩm mĩ đã ăn sâu vào tiềm thức, góp phần vào những thay đổi gắn liền với những trường phái nghệ thuật từ hiện đại tới đương đại.
Thế nhưng phải hình dung như thế nào về “tự dưng” trong nghệ thuật nhỉ?
Liệu có giống với những bất ngờ xảy đến trong cuộc sống?
Có giống như khi còn bé, chúng ta ngủ quên ngoài phòng khách nhưng tỉnh dậy tự dưng thấy mình nằm ngay ngắn trên giường, lẽ nào giấc mơ hôm qua là có thật? Một chậu cây bỏ không lâu ngày tự dưng mọc lên một quả dưa hấu. Cái cửa tự dưng mở ra và đôi khi làm đổ coca vào áo, tự dưng thấy một chú khỉ cưỡi rồng đi chơi. Lớn lên chút thì tự dưng đi học, tự dưng đi làm, tự dưng gặp người này người kia nhận ra con người cũng thật nhiều kiểu thú vị, v, v…
Rồi có đôi khi những” tự dưng” cũng xảy đến trong quá trình thực hành nghệ thuật. Giống như câu chuyện coca và cái áo, bằng cách ném một miếng giẻ lau nhúng đầy màu lên tường chúng ta có thể tạo ra một vết bẩn nhưng lại trông như bức vẽ phong cảnh kì thú; hay như khi các cô gái vùng vẫy trong âm nhạc và sơn xanh in mình lên tấm giấy khổ rộng trong Anthropometries của Yves Klein, chẳng tấm nào giống tấm nào. Còn Tristan Tzara sáng tác thơ bằng cách cắt từ ngữ ngẫu nhiên trong các bài báo tạo thành “tự dưng” cho chủ nghĩa Dada và là tiền đề cho những thí nghiệm về sau.

Cầm lên một tờ báo.
Rồi đến cái kéo .
Chọn trong tờ báo này một bài báo có độ dài bằng với độ dài của bài thơ mà bạn mong muốn.
Cắt bài báo này ra nhé.
Rồi thật cẩn thận cắt rời từng từ cất vào trong một cái túi.
Lắc nhẹ.
Nhặt từng từ từng từ ra và sắp xếp theo đúng thứ tự lấy ra khỏi túi.
Ghi chép lại thật cẩn thận.
Bài thơ sẽ thể hiện con người bạn .
Một nhà văn độc đáo vô hạn vớimột sự nhạy cảm quyến rũ mà những kẻ thô tục chẳng tài nào hiểu nổi.
Những điều “tự dưng” đưa người nghệ sĩ bước vào một hành trình khám phá mới với một điều kiện duy nhất rằng: Hãy chuẩn bị một tâm hồn đủ lớn để đón nhận những khả năng vô hạn của một thế giới đẹp đẽ, đa dạng, thú vị và cũng huyền bí vô cùng. Cùng với những thực hành nghệ thuật kiểu “tự dưng”, người nghệ sĩ buông lỏng kiểm soát của trí nghĩ, cho phép mình vượt ra khỏi những lối mòn tư duy logic thông thường, sự giam hãm bởi những quy tắc thẩm mỹ và cả sự nhàm chán của những điều đã biết.
Bởi vậy, cứ mỗi một trường phái, phong trào được sinh ra từ sự “tự dưng” là một lần góc nhìn của con người về nghệ thuật và cuộc sống được mở rộng đôi chút, thậm chí đôi khi còn tái định nghĩa lại thế giới và phá bỏ những quan điểm đã được chấp nhận trước đó. Không giống như những thay đổi có kiểm soát từ những nét cọ đầy cảm xúc của Trường phái Ấn tượng, Dã thú hay một số trường phái thời kì đầu giai đoạn Hiện đại (mặc dù sự xuất hiện của những trường phái nghệ thuật này đã giúp cho các nghệ sĩ thời kì đó thoát khỏi hình ảnh thực tế và những đường nét gò bó, tỉ mỉ nhưng vẫn còn một số giới hạn nhất định về chủ đề, chất liệu và ý niệm), những “tự dưng” thường đến từ những thí nghiệm và tai nạn không ngờ tới trong thực hành sáng tạo.
Có 2 kiểu “tự dưng”
1. “Tự dưng” có phương pháp theo kiểu xác suất
Với kiểu “tự dưng” này, các thực hành sáng tác thường giống như một thí nghiệm để tìm kiếm những khả năng (hoán vị) có thể xảy ra của một hiện tượng nào đó. Ý tưởng này nghe có vẻ toán học nhưng nó đặc biệt giúp người nghệ sĩ thoát khỏi sự kiểm soát đầy cảm tính của vô thức, bị ảnh hưởng bởi những lý thuyết thẩm mỹ gò bó. Nói một cách dễ hiểu, cách thực hành này giống như việc thay vì bạn chọn tô màu theo những màu sắc ưa thích, cùng sự kết hợp mà bạn cho là hợp lý nhất thì lần này bạn phó mặc tất cả cho một quân súc sắc. Có lẽ khi đó, bầu trời sẽ chẳng còn trong xanh và cái lá tự nhiên phủ một màu bê tông xám trắng kì lạ.


… Và 1 hoán vị bất kì của 40000 ô vuông xanh đỏ

2 tác phẩm này của François Morrelet nghe có vẻ giống với mã gen của con người. Chỉ từ 4 gốc A,T, G, X có thể tạo thành 46 cặp nhiễm sắc thể rồi từ đó tạo ra vô số những hệ gen khác nhau và mặc dù có bộ gen giống nhau đến 99,9% nhưng con người sinh ra chẳng ai giống ai cả.
Và tất nhiên, thế giới được thiết lập bởi kiểu “tự dưng” này đâu đó cũng khá đủ đa dạng rồi nhưng còn một kiểu tự dưng khác tạo ra những bất ngờ hơn cả, không phân tích, cũng chẳng áp đặt theo một hệ thống quy luật nào cụ thể:
2. “Tự dưng” kiểu ngẫu nhiên:
Cái tên này do nó tự đặt chỉ đơn giản là để dành cho những thực hành mang tính ngẫu nhiên không có sự kiểm soát bởi ý nghĩ của người nghệ sĩ, và thậm chí đôi khi còn không được thực hiện bởi người nghệ sĩ. Mọi thứ hoàn toàn chỉ chịu sự tác động của tự nhiên và không thể dự đoán được. Giống như trong video dưới đây, Tim Knowles đã gắn những chiếc bút vào tán lá, để lưu lại những chuyển động của tự nhiên, của cơn gió, và đôi khi là những sinh vật sống trên đó. Mỗi vệt bút đều là một bất ngờ không thể lường trước được.
Đối với những tác phẩm này, nhiệm vụ của người nghệ sĩ gần như là tạo ra một phương tiện để lưu lại hoặc thể hiện những gì thuộc về tự nhiên một cách khác đi, giống như một đứa trẻ tiếp nhận mọi điều bất ngờ trong cuộc sống theo cách tự nhiên nhất. Nhưng trong quá trình trưởng thành chúng lại phải học cách phân tích mọi hiện tượng với một niềm tin bất diệt rằng “Mọi thứ xảy ra đều có lí do của nó và một khi tìm được nguyên nhân chúng ta sẽ tìm được công thức chung để đạt được kết quả tối ưu nhất.”
Tuy nhiên, có thật sự tồn tại một kết quả gọi là tối ưu không? Hay mọi bước đi của chúng ta mỗi ngày đều tạo nên vô vàn những khả năng mới?
Kiểu “tự dưng” đầu tiên cho nó một cảm giác rằng mọi cơ hội đều công bằng và đồng thời các lựa chọn cũng thật đa dạng. Còn kiểu thứ hai lại khiến nó nhận ra rằng cuộc sống của mỗi người đều là tổ hợp của những dấu ấn độc nhất và nếu nhìn theo một góc độ khác đi, đó cũng chính là một tác phẩm quý giá. Mỗi người sẽ có những sự lựa chọn khác nhau kết hợp với những bất ngờ và kì diệu mới, tạo nên tác phẩm của riêng mình.
Còn bạn thì sao? Bạn thấy thích kiểu “tự dưng” nào?
Hay thích “sự kiểm soát” hơn?
…
Thực ra viết đến đây nó cảm thấy có chút lợn cợn kiểu như những bất ngờ mà nó thường gặp gần đây đều đến từ bọn con nít nhí nhố mà nó dạy, những kiểu “tự dưng” đầy cảm tính và trong trẻo. Còn những tác phẩm “tự dưng” mà nó viết trên kia lại khá lạnh lùng, trung tính và sạch sẽ. Có một cái gì đó thật khác giữa những ví dụ mà nó viết về và những gì mà nó đang thật sự cảm nhận. Có một cái gì đó đang chạy giữa ngây thơ – trưởng thành và cố giữ lấy cả hai.
Có lẽ dạo này có khá nhiều thứ mới đâm rầm lấy nó. Công việc làm cô giáo này thực ra cũng đến với nó một cách rất “tự dưng” không có kế hoạch trước cũng là một công việc mà nó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm vậy mà lại trở thành công việc dài hơi đầu tiên từ khi nó trở về Việt Nam và cũng vô tình đem đến cho nó những góc nhìn mới, những cảm xúc mới khá là thú vị về nghệ thuật mà nó sẽ để dành chia sẻ với mọi người ở những bài viết sau.
Trả lời