Về Cuộc sống – Từ thế giới hư ảo đến những mảnh thực tế nhỏ ghép lại cùng nhau

Về Cuộc sống – Từ thế giới hư ảo đến những mảnh thực tế nhỏ ghép lại cùng nhau

Đôi khi nó cảm thấy băn khoăn về sự sống đang diễn ra và về những gì nó biết, hiểu và cảm nhận về thế giới này. Có một khoảng rộng lớn bí ẩn đâu đó ngoài kia luôn bao quanh nó. Tất cả những gì nó có thể làm là mỗi ngày bước đến vùng ranh giới, nhặt nhạnh một vài mảnh bất kì, mang về, và xếp lại. Những mảnh ở đây có thể là âm thanh, hình ảnh, mùi hương, là toàn bộ những gì nó có thể tiếp nhận thông qua các giác quan. Đây là một nghi thức đơn giản để nó cơi nới vùng sáng bên trong mình, đôi khi vẽ thêm những điều bé nhỏ, giữ làm của riêng, đánh đố ngược lại vùng bí ẩn. Mỗi ngày, chúng sẽ lớn lên cùng nhau và khoảng giao nhau cũng vậy, nơi có những mảnh thực tế nhỏ bán mang về.

Hình ảnh chính là một mảnh thực tế nhỏ được ghi lại trong khoảng thời gian cố định mà đôi khi chỉ ngắn ngủn như một khoảnh khắc. Nếu chỉ tồn tại đơn lẻ, hình ảnh bị giới hạn bởi chính chúng ta, đặc biệt là khi ta chọn góc nhìn cận cảnh. Tuy nhiên sự giới hạn này không phải lúc nào cũng tệ. Khi ta nêm nếm vào đó một thìa tưởng tượng, hai giọt cảm xúc và cả niềm tin nữa, tất cả hòa cùng với nhau sẽ tạo thành cách ta thấy thế giới này… Trong một chừng mực nào đó, món bánh tinh thần này vẫn thật hấp dẫn.

Ukiyo-e ở giai đoạn đầu có lẽ cũng vậy.

Giờ thì hãy cùng nó tìm hiểu về toàn cảnh giai đoạn sản sinh ra loại hình nghệ thuật này, từ khi Nhật Bản đóng cửa đến khi sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ “đất nước Mặt trời mọc”, đặc biệt là Hokusai, lan tỏa khắp nền nghệ thuật Hiện đại phương Tây.

1. Edo

Edo là từ dùng để chỉ Tokyo cũ và đồng thời cũng là khoảng thời gian khi chính quyền của chế độ độc tài quân sự đặt trụ sở tại đó. Từ 1615 đến 1868, sau hàng thế kỉ nội chiến liên miên, Tokugawa Shogun đứng lên thống trị Nhật Bản. Shogun tin chắc rằng Công giáo nói riêng và những ảnh hưởng từ nước ngoài nói chung đe dọa đến sự ổn định mới được lập lại của đất nước. Nỗi sợ này dẫn đến việc đóng cửa hoàn toàn mọi hoạt động giao thương với nước ngoài, bắt đầu giai đoạn bế quan tỏa cảng kéo dài 200 năm. Người nước ngoài bị trục xuất. Văn hóa phương Tây bị nghiêm cấm. Mọi hoạt động ra-vào lãnh thổ đều phải chịu án tử hình. Xã hội đồng thời cũng bị siết chặt bởi quy định về thứ bậc với 4 đẳng cấp lần lượt từ trên xuống dưới là: Samurai, nông dân, thợ thủ công và cuối cùng là thương nhân. Tất cả đều nằm dưới sự thống trị của Nhật hoàng, quý tộc triều đình và các tướng quân. Chưa kể còn những loại người nằm ngoài mọi tầng lớp của xã hội, bị ám chỉ bằng những từ ngữ như “eta” (dơ dáy) hay “hinin” (không phải là người).

Họ nghiễm nhiên chưa bao giờ xuất hiện trong bất kì một tác phẩm nào trước đây. Gái lầu xanh là một trong số đó. Toàn bộ xã hội xoay quanh những tầng lớp cao quý. Nghệ thuật cũng không phải ngoại lệ. Nhật Bản và nghệ thuật lúc này tự đóng mình trong một thế giới riêng không nhặt nhạnh tìm kiếm, không khám phá xung quanh hay “cơi nới vùng sáng bên trong mình”.

Meeting between Emperor Wen and Fisherman Lü Shang – Kano Takanobu (1600)

Cho đến khi Ukiyo-e xuất hiện, cũng là khi nền kinh tế của thành phố phát triển vượt bậc, tầng lớp thương nhân, vốn ở đáy cùng của trật tự xã hội, giàu lên nhau chóng, bắt đầu tìm kiếm lạc thú ở những khu phố lầu xanh nhộn nhịp.

2. Ukiyo-e

Nhằm “quảng bá” cho văn hóa hưởng lạc này hay còn gọi là “ukiyo”(Phù thế), Ukiyo-e là một loại tranh in khắc gỗ giới thiệu về những người hầu gái, diễn viên kabuki ở khu phố lầu xanh của Edo. Đây cũng là loại hình nghệ thuật đại chúng phát triển cực thịnh trong khoảng 200 năm Nhật Bản cắt bỏ mọi mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Mặc dù sự xuất hiện của ukiyo-e đã tạo một bước đệm để nghệ thuật Nhật Bản không còn bị giới hạn trong những tầng lớp cao quý nữa, nhưng vẫn chỉ là mảnh thực tế nhỏ về cuộc sống của Nhật Bản thời kì bấy giờ. Những kĩ nữ hạng sang hay những geisha vẫn chỉ được xuất hiện dưới diện mạo đẹp mĩ miều, lung linh làm trò tiêu khiển cho những kẻ giàu có. Các chi tiết hậu cảnh hầu như đều bị loại bỏ hoặc chỉ đóng vai trò làm nền cho nhân vật ở tiền cảnh. Còn các chi tiết thuộc về nhân vật, từ nét mặt, cử chỉ đến quần áo thường giản lược với mảng màu phẳng hoặc gradient, bao quanh bởi một nét viền đen thanh mảnh, nhưng được khắc họa vô cùng tỉ mỉ và chính xác, dáng hình uyển chuyển, không bóng đổ dưới chân, không đường phân chia trời-đất làm đôi, ngày đêm nối liền. Người xem lúc này trở thành những ánh mắt nhòm ngó, soi vào một thế giới hoan lạc, mơ hồ đầy mộng mị. Có lẽ đây cũng chính là lý do tại sao ukiyo-e được gọi là ukiyo-e “bức tranh về thế giới hư ảo”.

Mãi cho đến thế kỷ XIX, khi kĩ thuật phối cảnh của phương Tây du nhập vào văn hóa nghệ thuật Nhật Bản, khi Hokusai và Hiroshige phòng tầm mắt rộng ra phía xa, quan sát tỉ mỉ từng khoảnh khắc của cuộc sống, kết hợp với mọi thứ học được về phong cách, màu sắc, ánh sáng và kỹ thuật trong nhiều thập kỷ để đưa vào loạt tranh phong cảnh của mình, chính lúc này, hình ảnh toàn cảnh về một đất nước Nhật Bản mới thật sự được mở ra trước mắt người xem.

Năm mươi ba trạm nghỉ của Tōkaidō – Hiroshige (1833-1834): gồm 55 bức được họa sĩ Hiroshige sáng tác sau chuyến du hành dọc tuyến đường Tōkaidō vào năm 1832. Tōkaidō là tuyến đường huyết mạch nối liền thủ phủ của các shōgun là Edo với kinh đô phong kiến Nhật Bản là Kyōto, trên tuyến đường này người ta cho xây dựng 53 trạm nghỉ để làm nơi dừng chân cho khách qua đường.

Hình ảnh tinh thần giữa thế giới thực, không biên giới, dường như đôi khi bị đóng khung bởi chính chúng ta. Tuy nhiên nhiều hình ảnh có thể mang đến một mường tượng gần sát với sự thật, mở ra một cuộc sống phức tạp với nhịp điệu rất riêng.

3. Hokusai và “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ”

Nếu như Hiroshige được biết tới với phong cách bình lặng đầy tâm trạng trong bộ tranh “Năm mươi ba trạm nghỉ của Tokaido” thì “Ba mươi sáu cảnh núi Phú sĩ” của Hokusai lại được săn đón bởi hình thức mạnh mẽ với “màu sắc khá thô nhưng là nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng về sau”. Đấy là người ta bảo thế. Còn với nó thì sao?

Hokusai chọn núi Phú Sĩ là chủ thể xuyên suốt ba mươi sáu bức hình, nhưng dường như ngọn núi này giống kẻ chứng kiến lúc xa lúc gần, lúc vĩ đại, khi khác lại khiêm nhường, hơn là nhân vật chính của tác phẩm. Ở đây, Hokusai hướng về núi Phú Sĩ hay là ngọn núi linh thiêng này nhìn xuống cuộc sống xung quanh ông? Đôi khi chúng ta cứ cho rằng đối tượng mà ta nhìn thấy dường như cũng đang nhìn thấy chính chúng ta.

“Ba mươi sáu cảnh Núi Phú Sĩ” được thể hiện dưới góc nhìn từ biển, hồ, sông, từ rừng và làng xã ở những thời điểm khác nhau, trải qua các mùa và điều kiện thời tiết tương ứng. Có mái ngói, cây cầu, con dốc, có đồng lúa, khu phố, nhà trọ, đền thờ. Có mặt hồ phẳng lặng như gương. Có Samurai cùng đoàn tùy tùng. Có người thợ thủ công đang miệt mài làm việc. Có nhóm người vãn cảnh uống rượu sake. Có một bà mẹ đang cho con bú, một người mù, một nhà sư, một người bắt chim và người lái thuyền đang vượt sông Sumida. Có phòng trà nơi người thì ngắm cảnh, kẻ lại nai lưng làm việc với dáng vẻ bần cùng. Có con diều bay lượn đầu năm mới.  Có một buổi sáng mùa đông, tuyết rơi trắng xóa. Có khu rừng dưới chân núi Phú Sĩ đỏ mang lại sức sống cho vạn vật. Có cơn giông bất ngờ ập tới từ phía sau. Có ngọn sóng khổng lồ như muốn nuốt chửng mọi thứ, kéo theo dự báo về sự bình yên, ổn định vĩnh hằng đang bị đe dọa, mở ra một tương lai vô định phía trước.

Trong tranh của Hokusai không có một hình ảnh đơn lẻ, chỉ có những hình ảnh đối ngược đan xen nối tiếp nhau với những mối liên hệ chặt chẽ. Con người bé nhỏ, vô danh được đặt giữa khung cảnh thiêng liêng của tự nhiên. Cái đói khổ, mệt nhọc đứng nép bên dưới những tầng lớp cao sang, quyền quý. Ngay khi một mảnh thực tế nhỏ xuất hiện sẽ được ghép với một mảnh thực tế khác, rồi lập tức tạo thành một mảnh thứ ba to hơn một chút, bao quát hơn một chút. Cứ như vậy, tiếp tục nhân lên, không chỉ là Nhật Bản mà cuộc sống của Hokusai cũng liên tục mở ra ngay trước mắt nó, có khi an yên bình lặng, khi khác lại cuộn trào lo lắng; có khi ngột ngạt dưới sự kìm kẹp của chế độ phân chia giai cấp khắt khe, cùng những hạn chế về thông tin, nhưng lại đồng thời làm nổi bật lên những nỗ lực không ngừng của chính ông. Vùng sáng của Hokusai được tích lũy từ thuở niên thiếu và vẫn liên tục liên tục được trau dồi mỗi ngày, bằng cách dịch chuyển, luyện tập và không ngừng rung động trước cuộc sống xung quanh cho đến tận những ngày cuối cùng.

“Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” không chỉ là hình ảnh về núi Phú Sĩ mà còn là về một Hokusai và một Nhật Bản không thể tách rời, về quá khứ, hiện tại, tương lai và về cuộc sống.

Tập hợp hình ảnh gồm những mảnh thực tế nhỏ ghép lại cùng nhau này sau đó được mang sang một chân trời mới, và hoàn toàn khiến nền nghệ thuật ở những đất nước xa lạ phải ngỡ ngàng. Các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng phương Tây khi đó bắt đầu tìm đến những chủ đề gần gũi hơn; các tác phẩm hội họa bắt đầu thoát li khỏi chức năng mô phỏng hình ảnh thực tế với những quy định sáng tối và phối cảnh chặt chẽ; nét viền thanh mảnh dần xuất hiện mang theo sự tương phản cùng những cảm xúc mãnh liệt hơn; bắt đầu một giai đoạn nghệ thuật Hiện Đại tự do hơn bao giờ hết.

Vậy là Nhật Bản không còn chỉ giới hạn trong Nhật Bản, nghệ thuật phương Tây cũng không phát triển hoàn toàn đơn lẻ, con người cũng không sống là chính họ nguyên bản, mà còn là sự giao hòa với thế giới xung quanh đầy phức tạp. Mỗi lần giao nhau là một lần học hỏi. Cứ như vậy mà tiếp diễn.

Nghĩ lại thì có lẽ việc sống và liên tục nhặt nhạnh, tích lũy những mảnh nhỏ cho riêng mình, dù cho không biết cuối cùng sẽ tạo thành hình thù ra sao, vẫn luôn mang một ý nghĩa gì đó vừa riêng tư lại vừa rộng mở kết nối. Một hành trình reo rắc những rung động lạ lùng cho chính mình và cho mọi người, khiến con người ta đi mãi không thôi.


Phụ lục: Về kỹ thuật

Hokusai hầu như không bao giờ làm việc một mình. Đầu tiên, một nhà xuất bản sẽ nhận một bản thiết kế từ nghệ sĩ, được vẽ trên giấy mỏng, và gửi tới cho thợ khắc gỗ. Bản thiết kế sau đó được dán lên tấm gỗ và miết bằng một dụng cụ có tên là “baren”. Khi mà bản vẽ vẫn còn ẩm do chất keo được phủ lên bề mặt tấm gỗ trước đó, người thợ khắc sẽ chà xát bằng tay, bóc đi phần lớn lớp giấy chỉ để lại nét vẽ màu đen của bản gốc trên tấm gỗ. Người thợ khắc gỗ sau đó tái hiện lại những nét bút này của nghệ sĩ trên ván gỗ bằng những đường khắc tỉ mỉ. Phần lồi lên chính là phần tiếp xúc với mặt giấy về sau, được chạm khắc để giống y hệt với nét bút của nghệ sĩ. Chỉ có những người thợ khắc giỏi nhất mới có thể làm việc với những bản in của Hokusai, bởi những chi tiết mà ông kì vọng thật sự phi thường. Các bản khắc thường được làm từ gỗ cứng như gỗ anh đào, bởi chúng sau đó sẽ được sử dụng để in thủ công có thể tới nghìn lần. Và dù đã được làm từ loại gỗ cứng thì bản in đầu và các bản in về sau bao giờ cũng cho ra chất lượng khác nhau. Khi các chi tiết trên tấm gỗ bị mòn đi, các chi tiết trên bản in cũng không còn rõ như trước nữa, màu sắc cũng dần thay đổi. Công đoạn tiếp theo được chuyển đến cho người thợ in. Người này sẽ đổ mực in lên tấm gỗ đã khắc, thoa đều rồi đặt giấy washi lên bản khắc, và dùng baren để miết cho mực in thấm vào giấy.

Trong quá trình sản xuất bản in, mọi người sẽ thấy rằng, hình ảnh trên bản thiết kế ban đầu được vẽ đảo ngược so với trên bản khắc và bản khắc đảo ngược so với bản in, tức quay trở về đúng chiều như lúc đầu.

Có một điều đặc biệt là để tạo ra một bản in màu hoàn chỉnh, cần có nhiều hơn một bản khắc gỗ. Mỗi bản khắc sẽ tương ứng với một màu trên tranh. Nghệ sẽ là người đánh dấu những mảng màu và lựa chọn màu sắc. Sau đó người thợ khắc sẽ tạo ra một bộ các bản khắc gỗ tương ứng với số lượng màu sử dụng. Khi nhìn thật gần vào từng bản in, mọi người sẽ thấy những đường chạm khắc thủ công và lực miết của người in tạo nên đường nét độc nhất trên bề mặt giấy. Các tác phẩm của Hokusai nói riêng và ukiyo-e nói chung cho chúng ta thấy rằng phía sau sự đơn giản là cả một quá trình phức tạp và tinh vi.

Thứ tự in từng lớp màu trên bức “Sóng lừng” của Hokusai

Cuối cùng tặng mọi người một video vô cùng dễ chịu mô tả chi tiết các bước để in một tác phẩm ukiyo-e (có 2 phần). Nó chưa từng thử in khắc gỗ bao giờ, hồi học in lưới thì cũng chỉ cần in 4-5 lượt màu, mà cảm giác căn làm sao cho các lớp màu khớp với nhau cũng là cả một vấn đề. Ở đây còn in nhiều lớp hơn thế gấp 2-3 lần, các chi tiết thì bé tí ti, chỉ cần sơ sảy một chút thôi là coi như bỏ. Sự chính xác và tỉ mỉ của tay nghề những người nghệ nhân này thật sự đáng nể.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com

%d người thích bài này: