Mọi người thường nghĩ rằng Nghệ thuật đương đại thật kì lạ, chẳng có gì đẹp hết hay những câu mà nó thường hay được nghe nhất là:
– Con nít cũng có thể làm được như vậy!
– Ơ tác phẩm này có nghĩa là gì? Sao lại có thể đắt đến thế?
Nếu bạn cũng có những thắc mắc như vậy thì hãy đọc đến hết bài viết này để có thêm động lực tìm hiểu về mấy thứ kì cục ấy. Nhưng đừng nghĩ rằng đọc xong là bạn có thể cắt nghĩa được tất cả các tác phẩm đương đại trên thế giới này. Nếu mà được như thế nó đã chẳng cần phải mơ tưởng được quen cả thế giới, gọi một tiếng là “đồng nghiệp” liền giải thích giùm cho cái lối tư duy quái đản ấy ở đâu ra. Nói vậy thôi nhưng nó cũng muốn khẳng định luôn rằng Nghệ thuật đương đại thực sự không khó hiểu như cái tư tưởng mà mọi người áp đặt lên nó đâu. Vậy nên nhiệm vụ của nó hôm nay là đưa đến cho các bạn những hình dung khái quát nhất về Nghệ thuật đương đại.

Theo dòng lịch sử phát triển của Nghệ thuật phương tây, Nghệ thuật đương đại xuất hiện từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (từ 1945 đến nay) và là sự tiếp nối của Nghệ thuật hiện đại, tạo ra bởi mong muốn phá vỡ những giá trị và nguyên tắc truyền thống, những điều không còn phù hợp với thời đại.
Đó là khi, chủ đề đem đến nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ không còn là những đồ vật hay thiên nhiên xung quanh ta mà đã chuyển thành cảm xúc, kinh nghiệm hay những ý tưởng mới lạ. Tác phẩm giờ đây đóng vai trò như cầu nối đưa chúng ta đến gần hơn với góc nhìn của các nghệ sĩ. Đồng thời Nghệ thuật cũng chính là tấm gương phản chiếu những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Khán giả có thể tìm thấy trong đó những khát khao, mong muốn bị đè nén hay đôi khi là những vết thương của chính mình. Đây cũng là lí do tại sao nó cứ cuồng điên chạy theo điều kì lạ này. Và bây giờ thì ngồi hì hục làm văn (cái môn mà nó ngu nhất trên đời) để ép mọi người cũng phải chia sẻ đam mê cùng nó.

Đối với nó, thưởng thức một tác phẩm đương đại cũng giống như đọc một cuốn sách. Mỗi người sẽ có một cách hiểu khác nhau, đồng cảm hay phản đối, thấy được an ủi hay phẫn nỗ phụ thuộc vào những trải nghiệm, hiểu biết và ý kiến chủ quan của chúng ta. Ý nghĩa của tác phẩm cũng nhờ vậy mà trở nên phong phú hơn. Vậy nên đừng sợ rằng mình đã hiểu sai ý của tác giả. Chẳng có gì là đúng và sai, chính những cách hiểu mới lạ đấy của bạn đã làm nên nét đẹp của tác phẩm. Trước đây chúng ta cho rằng nghệ sĩ là người duy nhất tạo ra tác phẩm. Nhưng đối với Nghệ thuật đương đại, khán giả đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc tạo nên ý nghĩa của chúng.

Nghệ thuật đương đại cũng đã thành công xóa bỏ khoảng cách giữa khán giả và tác phẩm. Chúng ta giờ đây không chỉ đóng vai trò là người quan sát mà còn là những diễn viên. Tác phẩm chính là không gian mà các nghệ sĩ tạo ra để đem đến những trải nghiệm thực tế qua đó thể hiện mối tương quan giữa con người và môi trường xung quanh (thiên nhiên, con người, vũ trụ,…) Hãy tưởng tượng cách bạn bước vào một không gian Nghệ thuật đương đại cũng giống như việc bạn đi du lịch mà không hề chuẩn bị trước để tâm hồn được rộng mở và thỏa sức khám phá. Bạn có thể đi theo nhóm hoặc cũng có thể đi một mình nhưng dù thế nào thì cũng chẳng thể thấy cô đơn. Vì bạn sẽ gặp thêm nhiều người bạn mới có chung sở thích và chia sẻ cùng họ những trải nghiệm thú vị.
Chính vì lẽ đó, Nghệ thuật đương đại đã vượt ra khỏi những khuôn khổ về giá trị thẩm mỹ. Mọi quy chuẩn về xấu và đẹp đúng và sai không còn tồn tại, giờ đây thước đo để đánh giá một tác phẩm là sự khuyến khích đổi mới.
Nghệ thuật đương đại có thể coi là thứ nghệ thuật khó hiểu nhất bởi nó không có bất kì một quy tắc hay giới hạn nào nhưng lại gần với chúng ta nhất về không gian, thời gian và nó phản ánh chính con người chúng ta. Cũng vì sự gần gũi ấy, chỉ cần thử nghĩ khác đi, thay đổi góc nhìn và cách đặt vấn đề, chúng ta hoàn toàn có thể gỡ bỏ lớp màn ngăn cách với nghệ thuật đương đại, để hiểu hơn và đánh giá một cách đúng đắn về giá trị của các tác phẩm nghệ thuật hiện nay rồi từ đó sẽ thấy sự phong phú, đa dạng, muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.
Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ như thế nào khi nhắc đến Nghệ thuật đương đại? Hãy chia sẻ cùng với nó tại đây nhé!
Có thể bạn chưa biết: Trong nghệ thuật đương đại, người nghệ sĩ là người tạo ra ý tưởng, khái niệm mới nhưng không nhất thiết phải là người thực hiện tác phẩm (chúng có thể được thực hiện bởi các trợ lí hoặc máy móc). Jeff Koons nghệ sĩ Neo art nối lên vào giữa năm 1980. Sau đó ông đã mở một Studio với hơn 30 trợ lí có nhiệm vụ sản xuất tác phẩm của ông. Hiện nay quy mô của studio “nhà máy” của ông đã lến đến 1500 m2 với 120 trợ lí. Jeff Koon đã phát triển hệ thống mã màu để các trợ lí có thể thực hiện bức tranh sơn dầu hay tác phẩm điêu khắc của ông như thể chúng đã được thực hiện bởi một bàn tay duy nhất.
Trả lời