Sau không biết bao nhiêu ngày tìm kiếm đồng đội, thậm chí phải nài nỉ xin xỏ từng người trong friends list của nó, cuối cùng, ơn giời, nó đã được thoả ước nguyện đi xem triển lãm nghệ thuật sắp đặt ở La Villette – Paris . Nhưng mà chỗ này đi một mình không vui mà không có người quay phim chụp ảnh cho thì cũng dở (sống ảo ấy mà). . . May thay cuối cùng nó dụ được ông bạn “xe ôm” thân 8 năm hãy thương lấy nó. Vậy là hai đứa quyết tâm đội mưa đi giải ngố.
Háo hức là thế, nhưng đến nơi thì …
“Ơ sao mà vườn không nhà trống thế này? Tác phẩm dựng ở đâu? Đèn đóm đâu hết cả? Kì cục ghê…”
Nó khá shock vì vừa bước vào một khu nhà to oạch, ánh sáng thì lờ mờ, xung quanh cũng chỉ thấy vài mống người cùng những âm thanh xoẹt xoẹt kì cục như có cái gì đang di chuyển. Khi nhìn sang hai bên thì nó thấy hai cánh cửa, một bên có ánh đèn hắt ra còn một bên không. Nó và cậu bạn quyết định đi sang bên có đèn trước cũng là nơi phát ra thứ âm thanh kì lạ kia. Mà thực ra thì nó muốn bắt đầu bằng bên tối thui hơn… Nhưng dẫu sao thì cuối cùng đó cũng là lựa chọn không tồi tí nào. Cảm ơn nha haha!
Căn phòng này là tác phẩm của William Forsythe – Nowhere and everywhere at the same time Nº2. Phía trên được thiết kế trông như một sân khấu với bộ khung sắt thép và hệ thống đèn siêu hoành tráng. Bộ khung đó dùng để điều khiển nhịp điệu chuyển động của hàng trăm dây dọi (hoặc cũng có thể gọi là con lắc) tạo thành mê cung. Và thế là xong! Nó vớ được đúng ổ để quậy liền tống ngay áo khoác và máy ảnh cho đồng đội để xông vào giữa.

Ở đây nó cùng mọi người trở thành một phần của tác phẩm. Mỗi người được tự do tung hoành trong sự chuyển động không thể dự đoán trước của những con lắc với nhiệm vụ là phải tránh chúng ra. Có vô số cách di chuyển khác nhau để trải nghiệm nhiệm vụ đó, nhưng khi hợp lại trong cùng một không gian chúng tạo thành một màn trình diễn đa dạng mà tổng thể thì vẫn hài hòa!
Sau khi lượn lờ chán chê tại căn phòng con lắc, hai đứa kéo nhau sang căn phòng còn lại. Khắc hẳn với căn phòng ánh sáng, căn phòng đen tối “phía bên kia thế giới” thì lại vô cùng ám ảnh. Nhạc sĩ và nghệ sỹ thị giác, Ryoji Ikeda đã thiết kế Test pattern Nº13 như là một hệ thống sáng tạo có khả năng chuyển đổi bất kỳ loại dữ liệu, văn bản, ảnh, phim hoặc âm thanh thành mã vạch, từ đó tạo thành một hệ thống âm thanh ánh sáng thay đổi liên tục gây ảnh hưởng đến nhận thức của người tham gia. Đấy là nó đọc trên tờ giới thiệu, rồi nghĩ uầy bao giờ nó mới làm được những thứ kì diệu như vậy nhỉ?

Kì thực căn phòng này trông như một bãi biển, mọi người cởi bỏ giày dép trước khi bước vào, rồi mỗi người chọn một khu vực lí tưởng của riêng mình để mọi giác quan được kích hoạt bởi môi trường nghe nhìn biến động không ngừng. Lũ con nít thì đuổi bắt nhau, hội trẻ thì múa may quay cuồng điên điên khùng khùng. Ai lớn rồi thì đơn giản là nằm đó “tắm nắng” mã vạch. À, riêng nó thì tìm được một vị trí giao giữa 2 hệ thống mã hóa, nơi mà một phần bóng của vật thể bị mất đi. Thế là nó quay phim ma… nhưng bất thành. Âu cũng là lẽ tự nhiên thôi, với cái khả năng diễn xuất cùi bắp của nó mà thành được thì cũng lạ. Nghịch ngợm một lúc lâu rồi nó và đồng đội quyết định lên tầng trên để nhìn toàn cảnh tác phẩm.
Siêu cấp ảo diệu!
Tính toán thông minh của hai “đồng nghiệp tương lai” đã tạo ra một không gian biến động không ngừng bằng nhịp điệu chuyển động cực kì khó nắm bắt của con lắc, âm thanh và ánh sáng. Nhưng điều khiến cho mỗi ngày diễn ra triển lãm trở thành một màn trình diễn khác biệt, không bị trùng lặp chính là sự sáng tạo của người tham gia. Tác phẩm đã vượt qua mọi giới hạn và quy chuẩn. Bởi lẽ chúng được tạo nên từ nhiều hơn trí tuệ một người nghệ sĩ.
Trả lời