Lại nói hôm trước nó đi Pompidou được nhìn ngắm nhiều thứ quá hoa hết cả mắt, mặc dù vậy nhưng mà trong bụng thì reo lên vì sung sướng (và đói). Nó như kiểu lạc vào thiên đường. Khu Đương đại thì thôi khỏi nói đi, cho nó mở mang tầm mắt với vô vàn các tác phẩm mới. Còn khu trưng bày các tác phẩm Hiện đại thì mọi người hãy tưởng tưởng cái cảm giác như là đọc truyện Kiều xong được gặp Thúy Vân vậy. Hôm trước nó vừa viết về trường phái lập thể xong thì hôm sau đôi mắt trần tục này được chiêm ngưỡng hết tranh của Picasso đến Georges Braque, còn cả Juan Gris nữa.

Bình thường chỉ được nhìn qua tranh ảnh còn hôm đó thì nó đươc thấy tận mắt. Mặc dù, đáng lẽ ra nó phải vào khu nghệ thuật hiện đại này lâu rồi nhưng kiểu cứ nghĩ là thôi toàn những tác phẩm biết hết rồi xem làm gì nữa.
Đến khi nhìn thấy rồi mới thấy “sao mình ngố thế nhỉ?”
Mà nếu không đi thì sao mà nó có thể thấy được cái bệ tiểu Fountain (1917) siêu cấp nổi tiếng của Marcel Duchamp. Chiêm ngưỡng cái chỗ người ta thường dùng để giải quyết nỗi buồn mà lại khiến nó vui hết xẩy. Bởi lẽ, chiếc bệ tiểu này là khởi nguồn cho cả một phong trào nghệ thuật vô cùng thú vị. Đó chính là Conceptual art hay dịch sang tiếng việt là Nghệ thuật khái niệm (vị niệm).

Nghệ thuật khái niệm (Conceptual art) là một phong trào nghệ thuật đương đại Mỹ, sau đó được phát triển ở châu Âu, xuất hiện vào những năm 60 của thế kỉ 20. Nhưng chớ đừng hiểu nhầm. Cái bệ tiểu chỉ là khởi nguồn của phong trào này thôi nhé chứ nó thuộc một “môn phái” khác có tên gọi là Dada.
Nghệ thuật khái niệm cũng gần với nghệ thuật tối giản (Minimal art). Các khái niệm hoặc ý tưởng của tác giả muốn truyền tải được ưu tiên hơn tính thẩm mỹ, kỹ thuật và quy tắc truyền thống. Cũng vì lí do đó mà nghệ thuật khái niệm dường như không quan tâm nhiều đến kĩ năng, độ khéo tay, tỉ mẩn của nghệ sĩ hay thậm chí là việc tác phẩm có thực sự được hoàn thành hay không. Nghe thật là buồn cười đúng không nhưng sự thật là như vậy đó. Điểm mấu chốt trong một tác phẩm khái niệm là truyền tải để mọi người nhận ra rằng đối với một tác phẩm ý tưởng có “giá trị” chứ không phải là sự thực hiện nó. Đó là sự kết nối thuần túy về trí tuệ. Có thể nói một cách dễ hiểu là các nghệ sĩ phong trào này thay vì bán sản phẩm thì họ bán trí óc ấy mà. Đây cũng là đặc điểm đầu tiên của Conceptual art mà nó muốn đề cập đến. Ý tưởng là điều tối quan trọng!

Và điều này dẫn đến một hệ quả là khi một nghệ sĩ sử dụng một hình thức nghệ thuật khái niệm, có nghĩa là tất cả các kế hoạch và quyết định, lựa chọn để tạo ra tác phẩm đã được thiết kế trước. Người thực hiện tác phẩm không bắt buộc là người nghệ sĩ. Từ đó các tác phẩm không còn phụ thuộc vào tính chủ quan của người nghệ sĩ. Kiểu như quá trình sáng tạo giờ không còn giống cách bạn làm văn, không thể như vậy chưa hay phải dùng từ thế này, chỗ thiếu ý, chỗ dài dòng, vừa làm vừa chỉnh sửa… mà nó là khi bạn cầm một đề hình học, đọc đến đâu vẽ đến đó, thực hiện các bước đúng như hướng dẫn cho sẵn.

Không chỉ có vậy, các tác phẩm nghệ thuật khái niệm còn thú vị ở tính đa dạng của nó. Bởi ý tưởng là thứ duy nhất bất biến, do đó mỗi lần tác phẩm xuất hiện lại mang một diện mạo mới phù hợp với không gian, thời gian, hoàn cảnh nơi diễn ra triển lãm. Vật thể không còn là chủ đề của tác phẩm mà nó đã trở thành công cụ để truyền tại khái niệm. Những vật thể ấy hoàn toàn có thể được thay đổi mà không làm mất đi mục đích ban đầu của tác phẩm.
Đối tượng sáng tạo của các nghệ sĩ khái niệm có thể là những thứ không nhìn thấy được ví dụ như khí, sóng vô tuyến hay những thứ phi vật thể như là thời gian. Tuy nhiên chúng không vượt ra khỏi những hình thức biểu hiện hữu hình như nhiếp ảnh, ấn bản sách, sơ đồ, tài liệu, những phương thức sắp đặt khác nhau, và cả trình diễn v,v…
Các tác phẩm nghệ thuật giờ đây không cần phải đẹp nữa mà chúng đã được tinh thần hóa khiến ta phải tò mò, phải đặt câu hỏi với mong muốn cho não tắm trong sự mới mẻ, gột rửa để hiện thêm vài nếp nhăn. Nhưng mà đúng là càng học thì càng thấy mình dốt, nó cảm thấy cần được đi và đọc thêm nữa. Vẫn còn nhiều nghệ sĩ, nhiều tác phẩm mà nó không biết lắm. Trong khi đó mỗi tác phẩm thì lại mang một ý tưởng mới, một lối tư duy mới, chưa kể nghệ thuật nào có dậm chân tại chỗ, các tác phẩm mới mọc lên như nấm vậy nên chẳng bao giờ là đủ cả.
Vậy trước khi có nghệ thuật khái niệm này, kiến trúc sư có phải ng tiên phong cho cách thức sáng tạo này. Đưa ra concept và không cần chính mình trực tiếp tạo ra tác phẩm?
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cảm ơn bạn nhiều nhé, vì đã ủng hộ và đặt câu hỏi cho Mầm.
Theo mình thì việc đưa ra concept và không cần tự mình thực hiện tác phẩm chỉ là một trong những hệ quả theo sau cách thức tạo ra tác phẩm của các nghệ sĩ khái niệm.
Thông thường có 3 kiểu sáng tác: nghĩ hết rồi làm, vừa làm vừa nghĩ và từng bước dò dẫm tìm tòi được dẫn dắt bởi thực hành.
Thì conceptual art thuộc kiểu số 1. Các nghệ sĩ đã có ý tưởng từ đầu, từ đó hình dung rõ quá trình thực hiện. Điều này dẫn đến việc họ có thêm sự lựa chọn để phù hợp với tùy từng project. Thay vì tự mình thực hiện, thì họ có thể lên kế hoạch, bản vẽ, hướng dẫn chi tiết cụ thể để đảm bảo là người khác cũng có thể làm đúng chính xác với ý tưởng ban đầu. Và tất nhiên có đôi khi người nghệ sĩ vẫn hoàn toàn có thể vừa tự lên ý tưởng, vừa tự thực hiện các phẩm của chính mình.
Giống như các họa sĩ từ thời kì Phục hưng và thậm chí là trước đó, các họa sĩ được thuê để vẽ bích họa về thần thánh trong các nhà thờ. Khi đó họa sĩ là người phác thảo trước câu chuyện và ý tưởng, còn người thực hiện có thể là chính nghệ sĩ hoặc các thợ vẽ học việc trong xưởng tùy thuộc vào yêu cầu của từng dự án. Đối với kiến trúc cũng như vậy, các kiến trúc sư thời kì trước (khoảng thế kỉ 20) cũng có thể thực hành kiến trúc trên nhiều phương diện từ thiết kế đến thi công. Rồi dần dần, các công trình ngày một phức tạp hơn, đòi hỏi nhân lực và máy móc kĩ thuật cao, mà kiến trúc sư không thể tự mình thực hiện hết được nên mới cần đến đội ngũ thi công công trình.
Tuy nhiên thì đó không gọi là conceptual art. Vì nghệ thuật thời kì phục hưng còn bị ràng buộc nhiều bởi quan niệm thẩm mĩ của thời đó, chủ đề phải theo yêu cầu của giáo sứ, nhà thờ, và các công trình kiến trúc thì cần phải đáp ứng được, thẩm mỹ và công năng mà người sử dụng mong muốn.
Còn Conceptual art thì lại muốn đi ngược lại với những quy tắc sẵn có, và tập trung vào “khái niệm” mới mà cá nhân nghệ sĩ muốn truyền tải. Bản thân cái “khái niệm” đó đã là tác phẩm rồi. Việc tác phẩm được thực hiện như thế nào không quan trọng nữa.
Vậy nên theo mình thì kiến trúc không phải tiền thân của phong trào nghệ thuật này. Còn việc ai là người thực hiện tác phẩm thì chỉ đơn giản là một lựa chọn tùy theo hiệu quả công việc mà nghệ sĩ mong muốn. Không phải nghệ sĩ làm thì là người khác làm, không phải bằng phương thức thể hiện này thì cũng có thể là phương thức thể hiện khác. Điều quan trọng hơn cả vẫn là ý niệm trong tác phẩm là gì còn tác phẩm chỉ là phương tiện truyền đạt mà thôi.
ThíchThích
Cảm ơn câu trả lời siêu kĩ của bạn. Cơ mà có cái mình chưa hình dung được vừa làm vừa nghĩ và từng bước dò dẫm tìm tòi được dẫn dắt bởi thực hành khác nhau chỗ nào ạ? Việc tìm tòi không phải là việc nghĩ ạ?
ThíchThích
Xin lỗi vì mình trả lời muộn. Bạn có thể hình dung vừa nghĩ vừa làm tức là khi bạn vẽ bạn sẽ đồng thời nghĩ xem nét tiếp theo mình sẽ đặt vào đâu, dùng màu gì. Còn kiểu thứ 2 là khi bạn thử nghiệm (có thể để ý thức kiểm soát hoặc thả lỏng theo vô thức) rồi từ đó đúc rút ra được nên giữ điều gì, nên bỏ điều gì từ những thực hành đó để có thể tạo ra tác phẩm cuối cùng. Và một tác phẩm không nhất thiết lúc nào cũng chỉ thực hành theo 1 cách mà có thể kết hợp nhiều cách khác nhau. Nếu còn thắc mắc gì thì bạn cứ hỏi nhé! Cảm ơn câu hỏi của bạn rất nhiều.
ThíchThích