Hú ! Phải hơn 2 tuần rồi ấy nhỉ? Giờ nó mới có thời gian ngồi đàm đạo với mọi người. Thực ra thì vào cái thời điểm hiện tại, ngay lúc này đây, nó vẫn chưa biết nên viết về trường phái nghệ thuật nào tiếp theo (mặc dù trong list vẫn còn 1000 cái chưa động đến) nên chúng ta thủ thỉ tâm sự tí nha!
Mấy hôm nay ở Paris mưa hoài cơ mà nó vẫn đi chơi tít lắm, hôm thì tiếp bố béo, hôm thì tiếp bạn, cứ rảnh là lại đi. Mà thực ra cũng toàn là đi bảo tàng với triển lãm nên quanh đi quẩn lại vẫn là để thêm trải nghiệm nuôi mầm (vivu). Đi chơi không quên nhiệm vụ, quá ngoan luôn!

Có điều mặc dù đi nhiều cũng vui thật ấy nhưng nó lại “bệnh cũ tái phát”. Cái bệnh của những kẻ hướng nội điên cuồng theo đuổi sự “một mình”. Những ngày phát bệnh, nó chỉ muốn co quắp, chui rúc trong thế giới riêng, một mình đi, một mình nghe nhạc, một mình hát hò vu vơ, một mình viết nhảm, vẽ bậy, một mình “giả bộ làm mọt sách”,… hay thậm chí là một mình không làm gì cả, một mình với chính mình.
Đó là khi nó là chính nó, trần trụi nhất, để thấy được từ trong sâu thẳm nó không những không tự làm lu mờ đi cái bản thể độc quyền vốn có mà còn trang bị thêm cho mình những “hạt mầm liên kết” (với bản thân, với mọi người, với kiến thức và trải nghiệm, v.v…). Và chắc chắn nếu khoảng thời gian ấy mà khuyết đi, nó sẽ bị khựng lại trong mọi kết nối với bên ngoài. Nói như vậy không có nghĩa là nó cổ xúy cho cái sự tự kỉ không lối thoát mà ngược lại là đằng khác, hãy cân bằng thế giới bên ngoài với thế giới nội tâm, ngoài việc lăn xả vào cái thế giới rộng lớn kia, để học hỏi, để va vấp, để tỏa sáng, hãy dành cho bản thân những khoảng lặng để giữ cho mình lăn đúng hướng, để chiêm nghiệm xem điều mình thực sự mong muốn là gì.
Điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc?
Có thể là những bản nhạc hay vô tình lượm được như này?
Bản thân nó mấy ngày hôm nay đang đặc biệt cảm thấy biết ơn vì ngoài gia đình, nó luôn có những người bạn kề vai sát cánh trong những lúc đen tối nhất, những người không ngại trả lời những câu hỏi ngu từ nó, và còn cả những người bạn mới hoặc không mới lắm nhưng là những thanh niên cùng chung đam mê hay nói to tát là cùng chí hướng. Có những cuộc gặp gỡ tình cờ dẫu cho nó và họ còn rất rất lâu mới có thể hội ngộ một lần nữa nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Tại sao ư? Vì những cuộc gặp gỡ ý nghĩa tạo nên từ những cuộc hội thoại trao đổi tri thức và trải nghiệm, nơi mọi người lắng nghe và chia sẻ để rồi đâu đó trong mỗi người một hạt ý tưởng sẽ nảy mầm. Và thực tế cho thấy, sau một “hội nghị bàn chữ nhật” trong chuyến đi Berlin vào khoảng cuối năm ngoái nó đã nảy “mầm” thật.
Người ta nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả không sai tẹo nào! Nó thấy mình thực sự may mắn vì có cơ hội được đi đây đi đó, không ngừng khám phá và học hỏi, tìm tòi các góc nhìn mới, gặp gỡ những con người mới. À tiện đây nói về đi đây đi đó hay là mọi người cùng nó tìm hiểu về Land Art (nghệ thuật thực địa) đi ha. Có vẻ nó hơi bị chuyện nọ xọ chuyện kia một tí nhưng mà đầu óc nó thường nhảy nhót, tăng động, mất kiểm soát vậy đó. Thực ra bây giờ nghĩ được chủ đề mà viết để còn chấm dứt cái chuỗi dông dài phía trên kia là nó đã vui lắm rồi. Ok vậy đi, chúng ta cùng thám hiểm vùng đất mới!
Chặng 1: Land Art là gì?
Nó nghĩ Land art có lẽ là một loại hình nghệ thuật còn khá mới lạ với mọi người, vì chúng ta thường quen nhìn ngắm các tác phẩm được bảo quản kĩ lưỡng trong bảo tàng hơn. Trong khi Land art lại hoàn toàn ngược lại. Đây là một phong trào nghệ thuật đương đại sử dụng cảnh quan như một chất liệu tạo hình. Các tác phẩm Land art đươc dựng ở ngoài trời nên qua thời gian chịu sự tác động, bào mòn của tự nhiên, chúng hầu hết đều biến mất và tất cả những gì chúng ta còn thấy được đều chỉ là qua những tấm hình hay những video quay lại. Nghe thì có vẻ thiệt thòi nhưng “một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, hầu hết các tác phẩm này đều vô cùng vô cùng hoành tráng khiến người xem không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ, ấn tượng khó quên.


Nói nhỏ tí! Hôm trước nó mới lượn lờ mua được quyển sách viết về 100 ý tưởng làm thay đổi nghệ thuật và Land art là ý tưởng số 3 được đề cập đến trong cuốn sách này. Mọi người thử đoán xem 99 ý tưởng còn lại là gì nào! Thực sự có nhiều cái đơn giản đến bất ngờ luôn ấy vì nghệ thuật trước giờ chưa bao giờ tách rời với cuộc sống con người. Giờ thì đi tiếp để xem Land art từ đâu mà có nhé!
Chặng 2: Lịch sử hình thành
Sau khi hiểu hơn về khái niệm Land Art có lẽ mọi người sẽ thấy xu hướng nghệ thuật này có chút tương đồng với những tác phẩm từ nền văn hóa Cổ đại khắp nơi trên thế giới. Vậy thì đúng là thế đấy! Với nó, Land art giống như một nơi kết nối con người với thiên nhiên, đưa chúng ta trở về với những gì nguyên sơ nhất nhưng vẫn không quên cái hồn đương đại mà con người dày công tạo dựng bấy lâu.

Land art lần đầu chính thức xuất hiện vào tháng 10 năm 1968 với triển lãm mang tên Earth Works tại Dwan Gallery ở New York. Bằng việc công bố các bài luận của mình The Sedimentation of the Mind: Earth Projects vào năm 1968, Robert Smithson nổi lên như một nhà lý thuyết về Land art và trở thành nhân vật tiêu biểu của xu hướng nghệ thuật này, cùng với Robert Morris, Nancy Holt, Dennis Oppenheim, Walter De Maria, Christo và Michael Heizer.

Để giải thích cho sự xuất hiện của Land art thì đơn giản thôi, vì nó không nằm ngoài cái tư duy nổi loạn của giới nghệ sĩ: chống đối những gì đã không còn phù hợp nữa. Và trong trường hợp này, giống như hầu hết các phong trào đương đại sinh ra trong thập niên 1960, Land art tìm cách liên kết nghệ thuật và cuộc sống, để chống đối việc sản xuất các tác phẩm chỉ được chiêm ngưỡng trong các bảo tàng, khuynh hướng thẩm mỹ giả tạo và thương mại hóa.

Chặng 3: Điều gì khiến Land Art trở thành huyền thoại?
Thật vậy, với các nghệ sĩ Land art, thiên nhiên không chỉ đơn giản là sự mô phỏng trong các tác phẩm nữa: nó chính là nơi mà người nghệ sĩ thực hiện hành trình sáng tạo của mình. Họ muốn rời khỏi bốn bức tường chật hẹp nơi bảo tàng và phòng trưng bày với vé vào cửa và giờ mở cửa quy định sẵn để thực sự được “suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp”. Ý tưởng này đã đưa nghệ thuật thoát khỏi giá trị thương mại tầm thường dành riêng cho giới thượng lưu và trở thành một trải nghiệm thực tế liên quan đến thế giới thực, hay thiên nhiên xung quanh ta.

Như nó đã nói lúc đầu thì các tác phẩm Land art thường có quy mô khá là “to con”. Nghệ sĩ sử dụng các vật liệu thiên nhiên (gỗ, đất, đá, cát,v,v,…) nên họ thường làm việc ở những nơi xa trung tâm đô thị. Có thể nói Land Art là một phương thức làm mới tạm thời truyền thống phong cảnh lâu đời. Vì hầu hết những tác phẩm Land art không bền với thời gian và dưới tác động của tự nhiên. Do đó, các tác phẩm của họ chỉ được công chúng biết đến qua những bức ảnh, bản phác thảo và video.
Các tác phẩm Land Art còn tồn tại đến bây giờ có lẽ không nhiều. Nhưng ít mà chất, và để thỏa mãn sự tò mò với xu hướng nghệ thuật này nó đã tìm ra được cho mọi người list “11 tác phẩm Land Art cần chiêm ngưỡng trước khi chết“. Có cơ hội thì đi coi nhé! Mặc dù nghe có vẻ hơi khó, với cả bài viết này là từ năm 2016 nên không biết bây giờ còn lại bao nhiêu.
Vậy thôi, hành trình khám phá nghệ thuật đương đại tuần này của chúng ta kết thúc tại đây! Đọc bài này xong mọi người hãy chịu khó đi chơi và trải nghiệm nhiều hơn! Hãy đón chờ những bài viết vô cùng hấp dẫn tiếp theo tại blog Mầm nhé!