VHILS – Nhà “khảo cổ” đô thị đương đại

VHILS – Nhà “khảo cổ” đô thị đương đại

Xin chào! Lại là nó đây! Dạo này ngâm Mầm hơi bị lâu la mong anh em bỏ qua cho.

Mấy hôm trước tự nhiên nó lướt insta thấy 104 – Paris đang tổ chức chiếc expo đẹp lung linh rụng rời của VHILS (tất nhiên xem ảnh nên chắc cũng hơi ảo một tí). Thế là nó ngay lập tức hú anh em đi xem vào ngày hôm sau. Anh em thương nên đi cũng đông đủ ra trò nhưng cũng không quên kèm theo lời đe dọa rằng không hay thì sẽ “được ” mời cả lũ đi xem phim. Mà ngoài chuyện đó ra thì nó cũng mới cắt tóc siêu siêu ngắn, trông cũng hơi dẩm dớ một tí nên đồng đội đi cùng lại được thêm một vài chuyện cười khác.

Vâng cắt một bộ tóc là cuộc đời thay đổi … Haizz

Nhưng dẫu sao nó cũng thấy vui vì đôi khi “được” lôi ra làm trò cười cho thiên hạ (ý là bạn bè).

Giờ thì quay lại vấn đề chính!

Trước khi kể lể về triển lãm này thì nó sẽ đưa mọi người đến gần hơn với tác giả của những tác phẩm ấy. Nghe giống kiểu học văn ngày xưa nhỉ?

VHILS, tên thật là Alexandre Farto, ông bắt đầu vẽ graffiti từ khoảng năm 13 tuổi. Trong những năm 1980 và 1990, các bức tường là nhân chứng cho những sự thay đổi của Seixal, một vùng ngoại ô của Lisbon, nơi ông lớn lên, từ các áp phích chính trị và quảng cáo, graffiti và các phương tiện truyền thông khác được dán chồng lên nhau. Nhờ vậy ông tìm thấy một cách tiếp cận mới, VHILS chuyển từ graffiti sang điêu khắc, sử dụng các bức tường như một phương tiện mới. Ông đã khắc những nhân vật của mình ở khắp nơi trên thế giới, từ Sao Paulo đến Sydney qua Los Angeles, Hồng Kông và Lisbon bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Đó mới chỉ là sơ lược về kĩ thuật ông sử dụng để tạo nên các tác phẩm của mình, thế còn thông điệp truyền tải thì sao? Giờ thì hãy cùng nó khám phá những ý tưởng ấy qua những gì mà ông đã đem đến Paris nhé!

Triển lãm này gồm 7 series tác phẩm đánh dấu A,B,C,D,…, trưng bày trong 6 phòng tách biệt, riêng tác phẩm A thì được sắp đặt ở ngoài trời ( mọi người sẽ thấy ảnh nó để bên dưới đây). Khi mới đến nơi, nó cứ tưởng bở là không cần phải mua vé, hồn nhiên xông vào chụp ảnh, quay phim lia lịa. Thực ra một phần cũng là vì Google xúi nó đi cửa sau nên không qua cổng bán vé. Cơ mà cũng hay, đến sớm nên nó có thời gian ngắm nghía trước. Nhưng tất nhiên nó chỉ được tùy tiện với tác phẩm lộ thiên này thôi chứ không có vé thì cấm có đột nhập vào những căn phòng bí mật còn lại nhé! Đành đợi anh em đến rồi vào cùng vậy.

A.

IMG_5497
Debris installation

Tác phẩm này được sắp xếp trong một khuôn viên tương đối rộng. Toàn bộ chất liệu tạo hình được sử dụng chính là những đồ đạc cũ kĩ, phế liệu từ cuộc sống hàng ngày của con người chốn đô thị. Mọi người có thể tìm thấy chai lọ, sách báo,  xe đạp, xe máy, oto, tivi, tủ lạnh, máy sưởi, bình cứu hỏa, tủ, ghế sofa,v,v…

Tất cả mọi thứ chúng ta sử dụng trong cuộc sống hiện đại đều hiện hữu tại đây. Và nếu như Marcel Duchamp kí tên lên trên chiếc bồn cầu rồi đặt nó ở một vị trí mới để biến nó thành nghệ thuật, thì ở đây cũng gần giống vậy, VHILS đã phủ cho những đồ vật này một lớp áo trắng không được sạch sẽ tinh tươm cho lắm, chúng giống như một lớp lót được sơn qua quýt cho bức tường chuẩn bị thay đổi diện mạo hơn. Hoặc cũng có thể so sánh chúng với những vạch sang đường mới sơn lại để che đi những bụi bặm, những vết bánh xe lăn nhưng cuối cùng vẫn che không nổi những dấu vết thời gian ấy.

Có điều như vậy vẫn chưa thể khiến nó nhận ra đây là tác phẩm của VHILS. Và nó vẫn cứ mù mờ như vậy cho đến khi nhìn thấy 2 chiếc tivi cũng trắng toát đặt ở lối ra, vào tác phẩm. Chúng được kết nối với chiếc camera treo chính giữa trần nhà. Tất nhiên, chiếc camera ấy có mặt ở đây nhằm mục đích cho chúng ta thấy toàn cảnh tác phẩm từ trên cao. Vậy là cuối cùng dấu vết của VHILS cũng xuất hiện. Những đồ vật cũ kĩ này hóa ra được sắp đặt, kết hợp với nhau tạo thành hình một con mắt bự chà bá ngay giữa sân của trung tâm triển lãm nghệ thuật.

vhils_paris104_2018_creditjosepandolucas_6-1170x781
Debris installation – Photo: José Pando Lucas

Các bạn nó đến rồi. Giờ là lúc khám phá những căn phòng bí mật được phủ rèm tối om ở 2 dãy nhà xung quanh thành phố lộn xộn kia. Nó cũng xin phép mọi người trước cho nó lược bớt một số tác phẩm mà nó cảm thấy không thực sự ấn tượng, hay có thể hiểu là những tác phẩm mà đến khi ngồi viết bài này nó không còn cảm xúc gì. Ví dụ như tác phẩm trong căn phòng thứ 2: Víscera installation

vhils_paris104_2018_creditjosepandolucas_36-1170x781
Víscera installation – Photo: José Pando Lucas

B.

Nhưng bù lại thì căn phòng thứ nhất đã khiến nó thực sự phải WOW. Trong căn phòng này nó được xem video quay lại một serie gồm 3 tác phẩm Detritos / Pulsão / Hint installation mà tác giả tạo nên bằng cách đặt thuốc nổ các bức tường ở khu nhà hoang, biến chúng thành những bức tranh chân dung vô cùng có hồn.

Làm sao có thể nổ bùm một phát mà ra được một gương mặt như vậy? Ổng kiểm soát sự nổ ấy như thế nào?

Và một nghìn câu hỏi khác cứ quay cuồng trong đầu nó. Căn bản chiếc video ý quá đẹp đi, cộng thêm việc được chiếu trên màn hình rộng, chất lượng thì miễn bàn khiến nó quá là ngưỡng mộ cái sự liều lĩnh của con người này.

Thực sự thì ông chú này có những ý tưởng cho những công việc lao động nghệ thuật khá là nguy hiểm. Thuốc nổ thì không nói làm gì vì chắc là ekip thực hiện sẽ phải đảm bảo khoảng cách an toàn rồi mới phát nổ. Nhưng ngoài ra còn một số tác phẩm khác, VHILS và các cộng sự, nghệ sĩ mà như biến thành thợ xây, cũng dựng thang rồi khoan rồi sơn,… rồi cũng bị thương… Mặc dù vậy, suy cho cùng thì sau khi trải qua quá trình làm việc khắc nghiệt như thế, VHILS vẫn cho chúng ta thấy kết quả sau cuối là những hình ảnh rất thơ, rất lãng mạn và đầy cảm xúc. Mà có lẽ đây cũng là sự tương phản cần thiết để tạo cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc.

Thông qua công việc của mình, ông đã biến chân dung của những người vô danh trên các bức tường trở thành một phần của thành phố, những nơi ông đi qua, và do đó phục hồi giá trị cho những bức tường bị bỏ quên và bỏ hoang này.

Dưới đây là một video không có trong triển lãm. Cũng là một tác phẩm điêu khắc trên tường nhưng ở đây ông dùng máy khoan và các kĩ thuật thủ công thay vì là thuốc nổ.

Trước khi bắt đầu tác phẩm điêu khắc của mình, ông thường vẽ phác thảo bức chân dung ra giấy. Rồi sau đó, với sự trợ giúp của đục, búa, khoan và đồ dùng khác mà VHILS bắt đầu làm xước bề mặt của bức tường, để lộ ra các lớp khác nhau tạo thành nó.

Nếu có cơ hội được chiêm ngưỡng, nó nghĩ mỗi khoảnh khắc ngắm nhìn những tác phẩm này sẽ là những trải nghiệm có tính duy nhất, không hề giống nhau. Bởi lẽ, đây là những tác phẩm điêu khắc ngoài trời nên dưới điều kiện ánh sáng mặt trời thay đổi liên tục, chúng cũng sẽ thay đổi hướng bóng đổ. Đồng thời các tác phẩm này đều có kích thước rất lớn nên từ những góc nhìn khác nhau chúng ta cũng sẽ có những cảm nhận không giống nhau.

D.

Đến với căn phòng tiếp theo, chúng nó như được bước vào một thế giới gồm những tác phẩm cực kì đậm chất đô thị. Những tác phẩm ấy thực sự quá quen thuộc. Chúng được tạo nên từ thứ nó thấy hằng ngày: Poster quảng cáo. Chẳng nói đâu xa, ở Paris, nơi thủ đô đầy hỗn độn này, những hình ảnh quảng cáo chình ình khắp mọi nẻo đường, đặc biệt là trong mạng lưới metro chằng chịt, có bao nhiêu chiếc ghế ngồi chờ tàu là bấy nhiêu cái poster được dán lên.

Hoặc sẽ nhớ, hoặc sẽ quên các thông điệp quảng cáo này, song ngay khoảnh khắc các thông điệp ấy đi vào mình, chúng sẽ khuấy gợi sự tưởng tượng của chúng ta qua sự kì vọng hay qua kí ức của chính chúng ta. Các hình ảnh quảng cáo công cộng luôn thuộc về lãnh địa của khoảnh khắc. Ta thấy chúng loáng thoáng khi lật một trang tạp chí, khi lướt qua một góc đường, khi một chiếc xe bus (ở trên đó có dán hay vẽ các thông điệp quảng cáo) vừa lướt qua. Hoặc cũng có khi ta thấy chúng trên màn hình TV trong một đoạn phim quảng cáo. Các hình ảnh quảng cáo luôn thuộc về lãnh địa của khoảnh khắc, theo nghĩa chúng phải luôn được làm mới và hợp thời. Song, chúng không bao giờ kể về hiện tại mà thường xuyên tham chiếu quá khứ và luôn nói đến tương lai.

Ways of seeing – John Berger, dịch giả Như Huy

IMG_5544.jpg

Đây là tác phẩm đầu tiên lọt vào tầm mắt của nó khi bước vào. Tác phẩm này có kích thước siêu khổng lồ. Lúc mới nhìn qua, với đôi mắt quáng gà nó đã không nhận ra đây là hình ảnh dòng người đi lại tấp nập trên đường phố. Mãi cho đến khi giơ máy ảnh lên chụp, nhìn qua ống kính nó mới ồ… kèm chút thất vọng về bản thân.

Cách thực hiện thì có thể được miêu tả như sau : Chúng ta bắt đầu bằng việc dán vài lớp posters chồng lên nhau rồi xé ra, rồi lại dán thêm và lại xé rồi dán rồi xé,… cứ như vậy đến khi thấy ưng thì thôi. Nghe đơn giản nhỉ? Thế mà lại không hề dễ dàng đâu. Mọi người nhìn vào tác phẩm trên kia thì có lẽ cũng hiểu.

Căn phòng này tất nhiên không chỉ có vậy. Ở hai bên còn có một loạt các tác phẩm được dựng thẳng đứng với kích thước khiêm tốn hơn chút nhưng cũng đủ cao quá đầu người (tất nhiên cũng tại nó lùn nữa).

IMG_5534

Nhìn vào cách sắp đặt những tác phẩm này khiến nó tưởng tượng đến cảnh nó chạm vào một cái là … uỳnh, chúng lần lượt lăn đùng ra như domino. Đùa chút thôi! Nghiêm túc mà nói thì nó thấy ấn tượng về những gương mặt, những biểu cảm mà tác giả lưu lại trên những miếng “domino” này hơn. Các biểu hiện cảm xúc khác nhau hiện ra từ những bức chân dung thể hiện cách mọi người cảm nhận về thành phố. Serie tác phẩm này của ông cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đô thị và cộng đồng cư dân của nó, cách thành phố định hình cư dân và cách người dân xây dựng nên thành phố của họ. Và có lẽ đây cũng là đặc điểm chung và nổi bật trong mọi tác phẩm của VHILS.

Cũng với cách sắp đặt thú vị này, nó đã tìm được những họ hàng thất lạc của những “quân domino” kia. Nơi tìm thấy chính là một triển lãm mang tên Imprint tại Bắc Kinh năm 2017. Những người họ hàng này không được tạo nên từ vô số lớp posters nữa mà từ những bức tường thạch cao có khung kim loại.

E.

Các tác phẩm của ông không chỉ giới hạn ở những bức tường. Ông còn thử nghiệm nhiều kĩ thuật và phương tiện khác , ví dụ như với serie tác phẩm dưới đây, ông đã dựng một tòa tháp bằng những chiếc cửa gỗ đượng chạm khắc tỉ mỉ. Tất nhiên đó vẫn là gương mặt của những con người vô danh từ những nơi mà ông đi qua, sinh sống và hoạt động nghệ thuật.

IMG_5550
Babel installation

Nếu diễn thô ý nghĩa đằng sau tác phẩm nghệ thuật này theo ý hiểu nông cạn của nó thì có lẽ đây như một thành phố ẩn. Mỗi cánh cửa sẽ mở ra cho chúng ta một con đường cá nhân, độc lập tiến vào lãnh địa bí ẩn, nơi lưu giữ những kỉ niệm, hay những khoảnh khắc vô tình bắt gặp. Những con đường ấy sẽ dài tít tắp, miên man, đi hoài không hết và những tình cảm của con người nơi đây cứ nối tiếp nhau hiện ra, cộng hưởng với nhau hình thành nên một thứ kì diệu. Đó là cái hồn của thành phố. Và có một điều chắc chắn rằng điều kì diệu ấy không nằm ở đích đến mà chính là những con đường ta đã đi qua, hay những con người ta gặp trong hành trình tìm kiếm ấy.  Người xem không nhất thiết phải biết chính xác thành phố mà tác giả muốn biểu hiện là thành phố nào nhưng cảm xúc về nơi ấy chắc chắn sẽ vô cùng rõ nét trong mỗi người.

IMG_5546
Babel installation

“Nhiều khi chính con đường đi cũng đã là một mục tiêu đẹp rồi, nhất là khi con đường đó lại là lỗi dẫn vào trong chính chúng ta, lối đi chằng chịt nhưng cũng đầy hấp dẫn.”

Tôi là ai  –  Và nếu vậy thì bao nhiêu? – Richard David Precht

F.

Và dưới đây là video cuối cùng mà nó xem ngày hôm đấy. Khi đi theo trình tự như vậy,  nó có cảm giác vừa thú vị, vừa mơ hồ khiến cho sự tò mò về tác giả cứ thế tăng dần qua mỗi phòng, rằng “tại sao ổng lại làm vậy? Mục đích của ổng là gì?”. Để rồi cuối cùng nhận được câu trả lời vô cùng ưng ý bằng sự xuất hiện của chiếc video xịn xò này.

Các tác phẩm của ông táo bạo và phức tạp, nhưng vẫn rất thơ, rất lãng mạn, nói lên cốt lõi của cảm xúc con người. Như một sự phản ánh về cuộc sống trong xã hội đô thị hiện đại, ông khám phá các chủ đề như cuộc đấu tranh giữa nguyện vọng của cá nhân và nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, hoặc sự xói mòn về văn hóa khi đối mặt với mô hình chi phối của sự phát triển toàn cầu hoá, hay chủ nghĩa tiêu thụ.

Áp dụng các phương pháp tạo hình táo bạo của mình, Vhils đào sâu vào các lớp bề mặt của văn hóa xã hội như một nhà khảo cổ đô thị đương đại, phơi bày những gì nằm ngoài diện mạo của mọi thứ, khôi phục ý nghĩa và vẻ đẹp của chúng.

Hiện giờ ở Paris đang diễn ra 2 triển lãm cá nhân của Vhils ở Cenquatres (chỗ nó đã đi) và Galerie Magda Danysz. Nếu có cơ hội mọi người hãy đi xem đi nhé! Nhất là sau khi đã đọc Mầm xong thì chắc chắn mọi người sẽ cảm thấy được kết nối với tác giả hơn và thực sự đắm chìm trong những khoảnh khắc mà ông dành bao công sức lưu giữ lại, nhưng tất nhiên cũng đừng quên sáng tạo những cách hiểu ý nghĩa với chính bản thân mình ha!

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com

%d người thích bài này: