Khi cơ thể là trung tâm của Nghệ thuật

Hôm trước, nó mơ một giấc mơ thật lạ lùng rằng nó cứ loanh quanh trên một chiếc cầu thang đã bị hổng mất vài bục. Nó nhảy qua khoảng trống ấy nhưng lại chẳng bước lên bậc tiếp theo ngay. Nó đứng lại chụp ảnh dấu chân mình.

Giấc mơ này cũng thật là “nó”. Một đứa cứ ngẩn ngơ trước mọi thứ diễn ra quanh mình, nhìn ngắm rồi lưu giữ lại tất cả. Cái lạnh đầu mùa tê cóng nhưng cùng lúc ấy lại khiến nó hạnh phúc như được ai ôm. Những vui buồn cứ thế cùng nhau hòa làm một và tạo nên ý nghĩa của sự tồn tại.

Nó từng nghĩ những ý tưởng chỉ tìm đến với nó khi cảm xúc đang trùng xuống. Nhưng có lẽ không phải. Nó cảm thấy trong nỗi buồn thực ra cũng có thể thấy những nỗi vui. Và đôi khi thì ngược lại. Chúng sẽ lấp đầy những khoảng trống trong ta, cùng ta sáng tạo. Và nghệ thuật thì tạo nên sự liên kết tâm hồn. Chúng ta có thể hiểu nhau hơn nhiều thông qua hạt mầm liên kết ấy.

Nếu có ai hỏi nó rằng nghệ thuật có tác dụng gì đối với con người thì nó có thể trả lời ngay rằng nghệ thuật khiến con người ta hạnh phúc hơn. Và hạnh phúc ấy không chỉ giúp chúng ta vượt qua những lúc khó khăn, chữa trị những vết thương trong tâm hồn mà nó còn được nhân lên nhiều lần vì tạo nên sự kết nối, sự thấu cảm. Nó là tiếng vọng từ trong sâu thẳm tâm hồn con người và thậm chí là cả một xã hội.

Nói đến đây, tự nhiên nó thấy không biết hôm nay nên cùng mọi người luyên thuyên về chủ đề gì được nhỉ?

Nó nghĩ sự thấu hiểu nhiều khi không đến từ ngôn từ mà là từ hành động. Trớ trêu thay, cuộc sống du học sinh cứ bắt nó, một đứa cậy mãi mới ra một câu, luôn phải biến sự quan tâm, hay những cảm xúc của mình thành ngôn từ. Nó phải giao tiếp để tìm lại hạt mầm kết nối nơi những người thân thuộc mà xa xôi. Thế nhưng ngôn từ chẳng khi nào không thiếu sót.

Từ từ…có khi không phải vậy?

Phải chăng nó chỉ đang tự biện hộ cho sự lười giao tiếp của bản thân. Chính nó cũng tự hiểu rằng ngôn từ và hành động chẳng bao giờ tách rời nhau. Khi đứng riêng rẽ, chúng chẳng thể truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Và rằng thực ra việc đưa nội dung vào ngôn từ cũng chính là một hành động, hay mọi cử chỉ của chúng ta cũng là một loại ngôn ngữ giao tiếp. Thôi thì hôm nay nó sẽ sử dụng thứ ngôn từ kiểu “nó” đưa mọi người đến gần hơn với Body Art (Art Corporel) – một xu hướng nghệ thuật đương đại nơi mà người nghệ sĩ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tạo nên tác phẩm.

1. Body Art là gì?

Body Art, nghe qua chắc mọi người sẽ nghĩ ngay đến body painting hay những hình xăm trên cơ thể đấy nhỉ? Tiện thể lôi kéo sự đồng cảm tí vì lúc đầu nó đã suy nghĩ lớt phớt như vậy đó. Nhưng mà nhầm to rồi (thực ra đến google cũng nhầm ý chứ). Hôm trước được học rồi nó mới biết đến một hình thức Body art xuất hiện khi người nghệ sĩ sử dụng cơ thể như một phương tiên để sáng tạo nghệ thuật. Đó là khi thời gian, không gian, sự hiện diện của người nghệ sĩ cùng sự tương tác giữa nghệ sĩ và người xem tạo thành một tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ giờ đây không chỉ đóng vai trò thực hiện tác phẩm mà chính họ cũng trở thành một phần của tác phẩm.

e1f56dcf540aa1919176835af9371155.jpg
The Conditioning (1973) – Gina Pane: Gina Pane là một nghệ sĩ người Pháp không thể không nhắc đến khi nói về Body Art. Và The Conditioning là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Mọi người có thể thấy trong bức ảnh này, nghệ sĩ đang nằm lên một khung kim loại phía trên những ngọn nến đang cháy. Nếu nó nhớ không nhầm thì quá trình này diễn ra trong 30 phút. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ thấy đây là một trải nghiệm vô cùng đau đớn đối với tác giả. Đồng thời nỗi đau ấy lại được Gina đặt trong một không gian có nến và giường, hình ảnh gợi cho chúng ta về tình yêu và sự lãng mạn. Tác phẩm đã đưa người xem về với những đau đớn của người phụ nữ trong tình dục. Tác phẩm là ví dụ điển hình cho cách mà người nghệ sĩ tự làm đau bản thân để gây cho người xem cảm giác khó chịu rồi đồng cảm thông qua việc quan sát.

2. Body Art bắt nguồn từ đâu?

Body Art là một nhánh của Performance Art, phong trào nghệ thuật tiên phong xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 50 khởi nguồn từ các tác phẩm “happening” như của John Cage,  hay các nghệ sĩ từ phong trào Fluxus,v,v,… Vậy điều gì khiến cho Body Art trở nên khác biệt? Nó đã từng khá lúng túng khi phân biệt Body Art với các thể loại nghệ thuật trình diễn khác. Thực tế thì cũng đơn giản thôi. Những tác phẩm Body Art đầu tiên được tạo ra, đúng như tên gọi, chính là khi nghệ thuật trình diễn bắt đầu tập trung vào cơ thể của  nghệ sĩ và những người cùng tham gia, do sự ảnh hưởng của phong trào Nouveau Realisme. Sau đó, việc coi cơ thể như một phương tiện biểu hiện nghệ thuật nhanh chóng được lan rộng ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Mặc dù Body Art là nghệ thuật trình diễn, nhưng không phải lúc nào khán giả cũng được xem tác phẩm trực tiếp. Nhiều nghệ sĩ Body Art còn sử dụng nhiếp ảnh hoặc video art để trình diễn cơ thể của mình như trung tâm của tác phẩm.

c164d5e3a5915979b499194b8c9be055
Challenging Mud (1955) – Kazou Shiraga: Shiraga đã biểu diễn Challenging Mud bằng cách quằn quại và vật lộn trong đống bùn tại Triển lãm nghệ thuật Gutai đầu tiên tại Hội trường Ohara Kaikan ở Tokyo, tạo ra một tác phẩm vừa là biểu diễn vừa là tranh vẽ, qua đó mở rộng khái niệm hội họa. Tại đây, ông đã lọa bỏ hoàn toàn vải, sơn, vật liệu thông thường và không gian bảo tàng, mà sử dụng cơ thể của ông như một phương tiện tương tác trực tiếp với vật liệu. Cả bức tranh trong bùn và cơ thể họa sĩ trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Theo nghĩa này, tác phẩm thể hiện sự nhấn mạnh của Gutai về sự gắn kết của nghệ sĩ với chất liệu. Ông trình diễn trực tiếp tác phẩm của mình để khách tham quan triển lãm chứng kiến. 

3. Đặc điểm chính của Body Art:

  • Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà nó phải nhấn mạnh thêm lần nữa, đó là Body art đã xóa bỏ khoảng cách giữa người nghệ sĩ và tác phẩm. Nghệ sĩ (hoặc đôi khi là những người cùng tham gia) giờ đây trở thành trung tâm của tác phẩm. Họ là diễn viên, là công cụ truyền tải ý tưởng, là gốc rễ của tác phẩm.
Parallel Stress 1970 by Dennis Oppenheim 1938-2011
Parallel Stress (1970) – Dennis Oppenheim: là ảnh tư liệu về hai hành động mà Oppenheim đã thực hiện ở New York vào tháng 5 năm 1970. Tác phẩm bao gồm hai bức ảnh đen trắng được đóng khung riêng lẻ và một phần văn bản đánh máy trên giấy màu xanh. Trong bức ảnh phía trên, nghệ sĩ đang kéo dài cơ thể của mình giữa một bức tường gạch và một trụ bê tông bị sập tại một vị trí giữa cầu Brooklyn và Manhattan ở thành phố New York. Oppenheim giữ tư thế này trong mười phút, gồng mình chống lại lực hấp dẫn để duy trì vị trí nằm ngang. Hình ảnh thứ hai, được hiển thị bên dưới, cho thấy cơ thể của nghệ sĩ ở một vị trí tương tự, song song với cơ thể ở bức hình phía trên. Đối với bức ảnh này, Oppenheim nằm thành một hình chữ V giữa hai gò đất trong một hố đất bỏ hoang ở Long Island. Parallel Stress là một trong một số tác phẩm đánh dấu sự thay đổi của Oppenheim bằng cách tác động vào các tác phẩm Land Art mà ông đã tạo ra vào cuối những năm 1960, để tạo ra một tác phẩm khác thuộc phong trao Body Art.
naumanfountain
Selfportrait as a Fountain (1966-1967) – Bruce Nauman:  Nghe cái tên chắc chắn tất cả sẽ đều nghĩ ngay đến cái bệ tiểu của Marcel Duchamps phải không? Chắc chắn rồi đây là một tác phẩm mang đầy sự khiêu khích đối với một tượng đài nghệ thuật của đầu thế kỉ 20. Qua đây, Nauman cũng đặt câu hỏi về vai trò của người nghệ sĩ. Ông không mặc áo, hai tay giơ lên và lòng bàn tay mở ra, phun một tia nước qua đôi môi đang mím lại, hẳn là đang bắt chước những bức tượng khỏa thân thường thấy khắp các đài phun nước. Ông từng tuyên bố một cách châm biếm rằng “Người nghệ sĩ thực thụ chính là đài phun nước phát sáng tuyệt đẹp”. Bức ảnh này là một minh họa vui tươi cho tuyên bố châm biếm về sự sáo rỗng của nghệ sĩ, nôn ra một dòng chảy kiệt tác. Ở đây, nghệ sĩ và tác phẩm đã hòa vào làm một và chỉ một.
  • Và cũng giống như nhiều phong trào nghệ thuật đương đại khác, Body art cũng đặt câu hỏi về vai trò của người xem đối với nghệ thuật. Liệu họ có còn là những kẻ ngoài cuộc khi chứng kiến trực tiếp những trải nghiệm (đôi khi là đau đớn, bạo lực và gây sốc) của nghệ sĩ?
klein
Anthropométrie (1961) – Yves Klein: Trong serie này, Yves đã phủ sơn xanh lên cơ thể của người phụ nữ. Sau đó, nhờ họ nằm, lăn lê lên bức tranh để in dấu cơ thể mình lên đó. Tác phẩm này được lấy cảm hứng từ một dấu vết cơ thể người trên mặt đất sau vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Klein đã biến ý tưởng này thành một tác phẩm trình diễn, ông tổ chức sự kiên trang trọng nơi khách mời được trực tiếp quan sát người mẫu khỏa thân thực hiện tác phẩm. Đồng thời tác phẩm này cũng làm nó liên tưởng đến các bức tranh của Jackson Pollock. Ông nổi tiếng với các tác phẩm Action-painting, một phương pháp nhỏ giọt sơn lên một tấm vải đặt trên sàn nhà bằng các hành động mạnh mẽ của cơ thể. Tuy nhiên ở đây Klein sử dụng cơ thể phụ nữ như một công cụ để vẽ, ông đã thách thức sự mong đợi của người xem về quá trình thực hiện tác phẩm và tạo ra một hướng đi mới cho nghệ thuật trình diễn. 
  • Body Art cũng là một cách để người nghệ sĩ thể hiện những góc nhìn cá nhân về những vấn đề nóng bỏng của thời đại. Cơ thể của họ chính là đại diện cho những suy nghĩ của chính họ. Mọi người thử nghĩ xem còn cách thể hiện nào có thể trực tiếp và mạnh mẽ hơn thế?
thumb_large
Action Escalade non-anesthésiée (1971) – Gina Pane: Như mọi người có thể thấy ở phía bên phải là chiếc thang mà Gina đã gắn lên tường để sau đó bằng chân trần và tay trần, bà leo lên, leo xuống khắp bề mặt của khung sắt này. Sau khi thực hiện trải nghiệm đau đớn này, chân tay của Gina đầy vết thương, thâm tím và phải băng lại. Những dải băng đó, sau khi vết thương của Gina lành lại, được trưng bày kèm nhóm máu của bà bên cạnh những bức hình được chụp trong lúc bà thực hiện tác phẩm của mình. Nó thực sự đã bị thu hút bởi sự mơ hồ của tác phẩm này, và bị thôi thúc phải tìm hiểu thêm về chủ đề của tác phẩm. Mặc dù không được xem trực tiếp nhưng những bức hình này cũng đủ khiến nó tò mò. Tại sao bà lại phải chịu đựng sự đâu đớn đó? Và những ý tưởng này đến từ đâu? Sau khi tìm hiểu thì nó được biết rằng tác phẩm này đucợ thực hiện nhằm phản ảnh quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và những đau khổ mà tất cả đã phải trải qua. Đây là một sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tác phẩm này được thực hiện trong xưởng của chính tác giả với sự cộng tác của nhiếp ảnh gia Françoir Masson.

“Why should we have this mind-body male-female duality? The mind and body are one, so I tried to make art an expression of that connection.”

Hannah Wilke

Body art có lẽ là sự liên kết giữa suy nghĩ và cơ thể, giữa cái hữu hình và cái vô hình thuộc về con người. Dùng cái hữu hình để truyền tải cái vô hình. Khi đứng cùng với nhau, chúng là tất cả. Nếu thiếu đi một trong hai, chúng chẳng là gì. “Tất cả” ở đây là sự kết nối, là kết nối với con người, và với mọi thứ xung quanh. Kết nối ấy sẽ luôn trọn vẹn cho dù đường truyền có gập gềnh và đầy thiếu sót.

Hôm nay, mẹ nó nhắn tin đòi ảnh Noel. Nó trả lời đôi câu bâng quơ, kèm một bức hình đồ ăn đêm ngon nghẻ. Thế rồi đột nhiên một dòng chữ hiện lên trước mặt nó:

“Con đang buồn hả?”

Okay… Mom is always right haha…

Đúng thật, nó đang buồn. Nhưng câu nói ấy khiến nó nhận ra rằng khi sự thấu hiểu thuộc về cảm xúc thì chẳng cần đến sự giao tiếp “toàn bộ” dù là ngôn từ hay hành động. Body Art và rất nhiều phong trào nghệ thuật khác cũng vậy, dù thể hiện bằng cách này hay cách khác nhưng điều còn lại cuối cùng luôn là khoảnh khắc của cái chạm nơi tâm hồn. Nó tin rằng hành trình tinh thần ấy sẽ không bao giờ dừng lại, “giống như cơn gió, chúng ta không thể nhìn thấy nhưng luôn có thể cảm nhận được nó”.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.