[30/12/2018]
Là ngày mà bài viết này được bắt đầu.
Tuy nhiên, nó không biết bao giờ sẽ viết xong lại càng không biết bao giờ mới post được. Nhưng chắc chắn đây sẽ là bài viết cuối cùng của năm 2018 và đồng thời cũng có thể sẽ là bài viết mở màn cho 2019 (nếu nó quá chầy bửa), nên nó quyết định sẽ đánh dấu ngày cho từng phần để thử tự nhìn lại tiến độ viết bài của bản thân.
Đang bước vào những ngày cuối năm mà nó cứ cảm thấy lững tha lững thững. Cũng bởi nó đang lang thang ở đoạn đường đầu tiên của quá trình xây dựng, tích lũy sau khi đưa ra một số quyết định và kế hoạch dài hạn cho bản thân. 2018 với nó có thể tóm tắt bằng một chữ:
“Đợi”
Đó là cái cảm giác có chút mông lung, chút hi vọng, nhưng đồng thời cũng sợ phải thất vọng. Có điều, chẳng phải từ lúc cuộc đời của một con người còn chưa mở ra chúng ta đã luôn chờ đợi rồi sao. Chúng ta chờ đến khi được cất tiếng khóc đầu tiên, rồi chờ đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong hành trình không dài không ngắn ấy, chúng ta chờ đợi những cuộc gặp gỡ, chờ đợi những cơ hội và cả những khó khăn. Chắc mọi người cũng hiểu “chờ đợi” mà nó muốn nói ở đây không phải là một từ đứng yên bất động phải không? Nó là dòng chảy, là mầm cây, là sự biến đổi không ngừng. Khi chúng ta đã quyết định bắt đầu làm việc gì thì tự nhiên nó sẽ trở thành một “hành động chờ đợi”. Giống như ngay lúc này đây, nó đang đợi đến khi bài viết này được hoàn thành (và cùng lúc ấy cũng đang chờ nồi cháo gà được nấu chín hihi).
“Đợi” có nghĩa là nó tin vào những quyết định của mình sẽ đưa nó đến nơi mà nó muốn.
Mầm với nó chính là “chờ đợi”. Mầm được gieo vào đầu năm 2018 và từ đó quá trình nuôi mầm mang đến cho nó nhiều ý nghĩa. Mầm là phương tiện giúp nó liên lạc với bản thân và với Thế giới. “Thế giới” này có thể rộng cũng có thể hẹp nhưng hạt mầm kết nối giữa chúng nó sẽ không ngừng lớn lên.
Để chốt lại cho năm 2018 “chờ lớn” của mầm, thì nó sẽ tặng cho mọi người chiếc expo cưng nhất nhất nhất mà nó vô tình ngó thấy đợt hè vừa rồi, cũng coi như tiện thể tiếp tục chia sẻ về những suy nghĩ nửa mùa dịp cuối năm của bản thân.
SNAKE EYES

Đây là triển lãm cá nhân toàn diện nhất cho đến nay của Charline Von Heyl hợp tác với bảo tàng nghệ thuật Deichtorhallen Hamburg. Thực ra, đây là một bảo tàng nghệ thuật cực xịn ở Hamburg. Vậy mà nó chẳng hề hay biết. Bởi vì thỉnh thoảng nó hay thích đi du lịch mà không tìm hiểu trước, cũng là một cách để tự do khám phá mà không bị gò bó theo bất kì quy tắc nào cả. Nó đi bộ dọc theo một con đường bất kì và vô tình bắt gặp đồng chí này. Cũng may. Không thì lúc về kiểu gì cũng tiếc hùi hụi.

Triển lãm này trưng bày hầu hết các tác phẩm của Von Heyl từ năm 2005 đến nay, bao gồm cả những bức tranh được thực hiện gần đây về những khía cạnh mới trong phong cách sáng tác không ngừng phát triển của cô. Hơn sáu mươi bức tranh được chọn từ các bộ sưu tập hàng đầu ở Châu Âu và Mỹ cho thấy ảnh hưởng đáng kể của cô đối với lĩnh vực hội họa đương đại, đồng thời thể hiện sức sống và khả năng vô hạn trong các tác phẩm của cô.
[31/12/2018]
Giới thiệu qua về Charline Von Heyl
Charline sinh năm 1960 ở Mainz, Đức. Cô theo học hội họa tại trường Hochschule für bildende Künste, Hamburg và Kunstakademie Düsseldorf. Đến khoảng giữa những năm 90, cô chuyển đến sống và làm việc ở New York và Mafa, Texas cùng với chồng là Christopher Wool. Well, chúng ta lại bắt gặp một cặp đôi nghệ sĩ nữa. Tuy nhiên, Charline và Christopher không làm việc cùng nhau. Họ có hai phong cách nghệ thuật hoàn toàn khác biệt mặc dù cùng tập trung vào lĩnh vực hội họa. Trong khi Christopher xoay quanh các ý tưởng hậu Khái niệm thì Charline lại sáng tạo ra những bức tranh Trừu tượng đầy màu sắc. Mà nó thì mặc dù hay mặc đồ tối thui nhưng lại dễ bị thu hút bởi các cách kết hợp màu sắc, mảng khối độc đáo. Cho nên khỏi nói thì chắc mọi người cũng biết nó liêu xiêu bởi tác phẩm của ai rồi chứ nhỉ?

Trong một số bài báo về Charline mà nó tìm hiểu thì họ nói rằng: “Những bức tranh của cô mở rộng và bỏ qua các quan niệm thông thường về bố cục, vẻ đẹp và thông điệp. Trong đó, nguồn cảm hứng của Charline thường đến từ văn học, pop music, siêu hình học và lịch sử nghệ thuật.” Mặc dù nói là các tác phẩm của Charline mang hơi hướng trừu tượng nhưng nó vẫn thấy đâu đó sự ngẫu hứng của Siêu thực với cách sắp xếp các hình ảnh biểu tượng có đôi chút lạ kì.
Không dông dài nữa!
Nó bắt đầu hành trình khám phá kho bảo bối của Charline ngay bây giờ đây!
Cảm nhận đầu tiên của nó khi bước vào triển lãm đó là không gian trưng bày ở đây thực sự thênh thang. Mặc dù nó biết là không nên quá ngạc nhiên khi mà cái gì ở Đức cũng vừa to vừa rộng, hào phóng lạ thường. Cũng vì thế mà khoảng cách giữa các tranh được dãn ra theo. Cách trưng bày, bố trí cũng vô cùng tối giản khiến nó cảm giác như khi người xem và bức tranh đối diện với nhau sẽ hình thành một kết nối toàn bộ, khó có thể bị phân tâm bởi bất kì thứ gì. Cách sắp đặt ấy tạo cho người xem không gian và thời gian riêng tư với từng tác phẩm để từ từ đến gần hơn với tác giả. Cái gì cũng cần thời gian phải không?

Tường ở đây hầu hết đều là màu trắng nhưng thỉnh thoảng mọi người sẽ bắt gặp những khoảng nghỉ là những bức tường sọc vàng trống trơn. Và để các bạn ý không cảm thấy lạc lõng nên chúng nó đã cùng nhau bày trò tự mua vui cho bản thân.


Đùa tí cho vui chứ nó cũng xin dừng chủ đề những bức tường tại đây vì đã đến giờ tâm sự cùng tác phẩm.
Tại sao lại gọi là tâm sự cùng tác phẩm? Cái này nó cũng lải nhải với mọi người nhiều rồi. Khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, dựa vào những hiểu biết cá nhân và vốn sống riêng, mỗi chúng ta sẽ có một hành trình tìm kiếm ý nghĩa riêng biệt. Dòng chảy ấy sẽ giải mã những suy nghĩ, những vấn đề mà chính ta bận tâm. Từ đó, chúng ta có thể hiểu hơn về chính mình.
Có lẽ nó sẽ bắt đầu bằng một bức tranh về cái nơi thân thuộc gần gũi với nó nhất chỉ sau nhà.

“Nuit de Paris” bức tranh này gồm một mảng khối đen nâu khúc khuỷu, chồng chéo lên đó là những hình hài bằng phấn và cuối cùng là những đường nét rối loạn màu trắng tưởng như tự do phóng khoáng nhưng lại không hề vượt ra khỏi ranh giới mà khối đen lúc đầu tạo nên. Paris đối với Charline là gì? Nó nhìn thấy sự hỗn loạn bị bao phủ trong sự yên ắng, tĩnh lặng.
Nó đã rời Paris được 4 tháng. Vậy là Paris cũng đã chiếm của nó 2 năm cuộc đời và 2/3 năm 2018. Có lẽ cũng không nhiều nhặn gì nhưng những gì ý nghĩa nhất với nó, những thay đổi quan trọng trong suy nghĩ đều diễn ra ở đó. Mầm cũng vậy. Những vui buồn mà nó từng trải qua cứ thế hòa vào nhau rồi bao quanh nó cùng “Nuit de Paris”, kéo chúng nó lại gần nhau.
Paris với nó không chỉ là những ngày tháng chạy khắp các bảo tàng, đi học, đi chơi cùng đám bạn hay những buổi chiều ngồi cà phê viết mầm mà còn là những đêm lang thang trên đường phố quen thuộc, để mặc cho những suy nghĩ nối đuôi nhau bay bay trong đầu. Có những khi kí ức ùa về, khi thì nghĩ ngợi tương lai, khi không tự nhiên bật cười, khi khác thì lầm lì tách biệt. Nó hâm dở thế đấy. Nhiều khi muốn phát điên nhưng may còn chút tỉnh táo níu kéo lại. Paris cũng có khi tĩnh tại, nó chỉ đơn giản là đối diện với chính mình, chấp nhận những gì là mình nhất, yêu bản thân hơn một chút, chậm rãi hít thở và ôm lấy cả bầu trời đêm cho đỡ nhớ.
Có những lúc nó cảm thấy nhớ tất cả mọi người, dù xa hay gần, dù đã lâu không gặp hay vẫn luôn cạnh bên. Nó nhớ những khoảng thời gian cùng nhau. Rồi sợ không đủ thời gian để quan tâm mọi người, để tìm hiểu mọi thứ. Nhưng có lẽ cũng bằng cách đó mà nó có thể cảm nhận rằng mình thực sự đang sống là con người, với những cảm xúc rất “người”.
Nghĩ lại thì nó cũng từng thờ ơ đến mức bạn nó phải thốt lên rằng :”Hồi xưa tớ thấy cậu không được con người lắm.”
Bức tranh tiếp theo có tên là Bluntschli được lấy cảm hứng từ bài hát cùng tên. Và lời bài hát đó cũng được in ra để trưng bày cùng tác phẩm.

Nó đã thử nghe qua thì bài hát này có phần nhạc khá vui tươi còn phần lời khá là vô nghĩa và kì cục. Còn chúng ta thì thường cất giữ những thứ vô nghĩa trong một chiếc hộp.
Der Bluntschli
Over there at Mr.Wachtel’s
there is a big box,
and I’m so curious:
What is it that is in there?
As he goes away one day
coming back much later –
I am saying: Now is time
to sneak in and see.
Having unpacked the box
my heart almost skips a beat:
In the box there is a Bluntschli
and a pear and a button.
What does he need a Bluntschli for,
I do not understand.
You can eat a pear.
A button you can sew on.
A Bluntschli gives you nothing.
That’s what I can’t understand
Lied/ Song: Georg Kreisler
Thực ra có nghĩa hay không, nhạc sĩ không biết, họa sĩ không biết, nó lại càng không biết. Người duy nhất hiểu được chỉ có Mr.Wachtel. Có những thứ chúng ta cứ giữ khư khư bên mình mà chẳng ai hiểu lí do tại sao ngoài chính bản thân mình. Có những quyết định kì cục mà chỉ có bản thân mình tin tưởng. Nhưng đôi khi ở khoảnh khắc đấy thì chỉ cần như vậy là đủ. Chiếc hộp tự nhiên sẽ được mở ra với người thực sự hiểu nó.
Nếu nó nhớ không nhầm thì bức tranh dưới đây là tác phẩm duy nhất được chăm chút đính kèm lời giải thích rõ ràng về nguồn cảm hứng và kĩ thuật mà tác giả sử dụng. Tuy nhiên cũng có thể nó sai.

“Waldeinsamkeit là một bài hát trong truyện cổ tích Der Blonde Eckbert của Ludwig Tieck từ năm 1797, kể về một người phụ nữ chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình: “Đừng coi câu chuyện của tôi như một câu chuyện cổ tích, nhưng với bạn có lẽ nó thật lạ lùng”. Nhưng nó còn có thể là gì khác? Một cô gái chạy trốn, khu rừng bí ẩn, một con chim biết nói, một bà già xuất hiện trong những vỏ bọc khác nhau để trả thù, và một hiệp sĩ đẹp trai. Cuối cùng là nỗi kinh hoàng, cảm giác tội lỗi và điên loạn; án mạng, sự loạn luân làm xáo trộn những trật tự cơ bản nhất về thế giới. Từ Waldeinsamkeit có nghĩa là niềm vui của sự cô độc trong rừng, một niềm vui mà trong các câu chuyện dân gian thường được biến thành nỗi kinh hoàng.
[…] Vald-In-Zam-Kite bắt đầu bằng một vài nét vẽ bằng than, mà von Heyl sau đó chồng thêm các lớp với màu pastel. Xen kẽ các hình dạng và màu sắc tuyến tính, cô kết thúc bằng những cái cây ở bề mặt trên cùng của bức tranh. Những cây thông rừng trong những câu chuyện cổ tích được tái hiện trừu tượng ngoằn ngoèo lặp lại nhiều lần trong những đường nét cuối cùng hoàn thiện bức tranh: ở góc trên bên trái, một bản sao thủ công của một bản khắc gỗ trước đó. Vald-in-Zam-Kite (cách đánh vần của từ tiếng Đức được tìm thấy trong một từ điển tiếng Anh), ít phụ âm tạo ra một nhịp điệu sắc nét và tiên phong giống như hình zigzag đó. Tính hoạt hình của tiêu đề tái hiện lại những gì được chia sẻ bởi câu chuyện của Tieck và bức tranh của von Heyl, đơn giản nhưng mang lại cảm giác xáo trộn sâu sắc.”
Khi chúng ta thực hiện một tác phẩm với nhiều bước khác nhau, nhiều tầng nhiều lớp, lúc nhanh lúc chậm, với những giai đoạn cảm xúc khác nhau thì kết quả cuối cùng luôn là điều không thể dự đoán trước, và có thể gây bất ngờ với chính người làm ra nó. Có lẽ đó là điều thú vị nhất khi làm một công việc sáng tạo.
Nó với mẹ từng tranh luận rất nhiều (thậm chí là vừa tức thì) về việc: Nó cho rằng khi học nghệ thuật thì việc đầu tiên là tạo ra ý tưởng, không cần biết nó có thực tế hay không, rồi bước tiếp mới là tìm mọi cách để thực hiện nó. Với mẹ nó thì ngược lại, điều đầu tiên là phải nắm chắc các kĩ thuật tạo hình rồi sau đó áp dụng nó để tạo nên tác phẩm. Tuy nhiên nó cho rằng như vậy sẽ khiến bản thân bị gò bó vào suy nghĩ rằng “liệu ý tưởng của mình có thực hiện được không?” thành ra không dám tạo nên sự khác biệt. Mặc dù vậy nhưng có lẽ một nghệ sĩ thực sự sẽ phải biết cân bằng giữa cả hai điều đó đẻ tìm ra hướng đi cho riêng mình.
[01/01/2019]
Bây giờ là 2 giờ 55 và nó vừa đi đón năm mới cùng các bạn về. Chương trình Countdown ở đây khá đáng yêu mặc dù không quá lung linh, hào nhoáng, chủ đề cũng hơi sến một xíu. Màn bắn pháo hoa được chia thành 5 phần, mở đầu mỗi phần sẽ là dòng chữ “I love you” bằng 5 thứ tiếng khác nhau. Phần tiếng Đức là đẹp nhất thì phải, phía sau còn chiếu đèn các thứ nữa. Nhưng thôi cho mọi người xem phần đếm ngược cho có không khí. Đoạn cuối đang quay thì hết bộ nhớ mới buồn.
Sau đó thì chúng nó kéo nhau đi nghe nhạc nhảy nhót hú hét để xả bớt năng lượng dư thừa. Nghe đồn nhạc năm nay hay hơn năm ngoái nhé!
Và mọi người có thể thấy độ rung lắc tăng dần theo thời gian haha.
Lúc nãy bạn cùng phòng quay sang nói với nó rằng :
“Hình như từ khi cậu chuyển đến, tâm trạng tớ bớt lên xuống thất thường hẳn”.
Nó vui lắm. Thỉnh thoảng nó cũng có ích đấy chứ nhỉ! Lúc chuyển đến Rennes nó không mong chờ thành phố này sẽ đối xử với nó dễ chịu đến thế. Mà có lẽ vì không mong chờ nên nó cảm thấy hài lòng với mọi thứ mới mẻ xung quanh. Như tối nay cũng vậy.
Để chốt lại cho bài viết dài loằng ngoằng này, nó xin phép được dành tặng cho bản thân một bức tranh của Charline với chút lộn xộn bừa bãi trên một lớp nền màu hồng xinh xắn. “Lady is a Tramp” là một chương trình biểu diễn từ vở nhạc kịch Babes in Arms năm 1937 và được hát từ góc nhìn của phụ nữ. Lời bài hát châm biếm xã hội cao cấp New York bằng cách miêu tả một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập với những ưu tiên của chính mình trong cuộc sống. Cô không bận tâm đến các quy tắc xã hội phù phiếm hay những tiêu chuẩn về vẻ bề ngoài. Do đó, những người thuộc tầng lớp giàu có gạt bỏ cô như một kẻ lang thang.

Vậy đó, đôi khi nó hơi điên, có đôi chút kì cục nhưng nó sẽ mãi là chính nó. Năm mới, nó chỉ mong bản thân vẫn có thể tiếp tục thoải mái tự do lang thang khắp nơi, tiếp tục mơ mộng và không ngừng “chờ đợi”. Vì còn “chờ đợi” nghĩa là còn cố gắng vì những ưu tiên của chính mình. Với nó đó chính là ý nghĩa của sự tồn tại.
Dưới đây là những bức tranh còn lại thuộc triển lãm này (mặc dù cũng không được đầy đủ lắm). Mọi người có thể tự mình khám phá và tìm hiểu, biết đâu lại tìm thấy chính mình ở đâu đó trong những tác phẩm này.
Chúc mọi người một năm mới vui vẻ! Nếu ai chưa có cho mình một điều khiến bản thân cảm thấy xứng đáng để “chờ đợi” thì có thể tìm thấy nó trong năm nay, còn với những đồng chí đã tìm ra rồi thì hãy nuôi dưỡng nó và có lẽ cũng nên thử thách bản thân với cả những điều mới mẻ khác nữa! Vậy nhé nó đi ngủ đây. Không đầu năm thiếu ngủ thành cả năm thiếu ngủ thì chết.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI!!!!!!!!!!
Trả lời