Dancing with myself – một góc Venice

Dancing with myself – một góc Venice

Hôm nay trời đổ mưa, ông bạn quý hóa của nó tự nhiên nổi hứng xin 10 phút gọi điện trút bầu tâm sự. Mặc dù cái 10 phút ấy sau đó được nhân lên 9 lần so với dự kiến.

Kể cũng kì. Dẫu biết rằng cái kiểu suy nghĩ ngớ ngẩn của chúng nó giống nhau lắm. Vấn đề một khi nói ra thì sẽ chẳng nhận được lời giải. Chỉ có sự đồng cảm là may ra còn tròn trịa. Vậy mà lại đi gọi cho nó. Tại sao thế hả đồ dở người?

Nhưng dù sao thì cũng cảm ơn cậu vì thi thoảng để nó được làm điều gì đó có ích, và cho nó lí do để viết những con chữ dài dòng này.

Chuyện là mối quan hệ giữa người với người lắm khi lạ kì.

Có những tình bạn giản dị, yên bình, không mong cầu đôi điều nồng nhiệt phù phiếm nhưng bản thân chúng ta đều hiểu rõ rằng nó vẫn luôn ở đó. Và nếu một ngày chúng ta cần nhau, dù có ở những nơi chân trời xa lắc thì sợi dây kết nối vẫn luôn hiện lên rõ ràng, sắc nét, chẳng hề thay đổi. Thế rồi ai cũng sẽ phải lớn lên, cũng phải dấn thân vào cuộc chiến khẳng định bản thân, điều kì diệu là trên hành trình biến đổi không ngừng ấy chúng ta vẫn không quên dành một góc nhỏ cho nhau. Và thế là đủ.

Nhưng tất lẽ dĩ ngẫu không phải tình bạn nào cũng may mắn tìm được cho mình trạng thái cân bằng và bền vững như vậy. Bên cạnh những hạt mầm khiêm nhường nhưng đầy sức sống ấy vẫn luôn tồn tại những hạt mầm nứt gãy trong quá trình phát triển. Và đây chính là điều khiến cậu bạn khốn khổ của nó thở ngắn than dài.

Vấn đề của cậu, nó không tìm được câu trả lời hoàn hảo. Vì bản thân nó nhiều khi cũng loay hoay trong những mối quan hệ của chính mình. Và rằng đến người trong cuộc còn cảm thấy mông lung thì một người ngoài như nó biết nói gì đây?

Mối quan hệ này thực tế ở mức độ nào? Có đúng như những gì cậu vẫn nghĩ không? Chỉ có mình cậu mới tìm ra lời giải.

“Còn nếu chưa tìm được câu trả lời từ sâu bên trong mình, thì có hai cách giải thích hướng đến cùng môt kết luận:

Một là vì mình chưa sẵn sàng đưa ra câu trả lời.

Hai là vì mình chưa tìm được câu trả lời.

Kết luận đều là ở mình.”

Triết lí cuộc đời nhặt được từ cô bạn thân nối son phấn điệu đà

Và có lẽ triển lãm “Dancing with myself” tại bảo tàng Punta della Dogana, Venice, mà nó có dịp ghé thăm đợt hè vừa rồi sẽ giúp ích đôi chút cho cậu bạn hâm hâm này của nó.

Tại sao một triển lãm nghệ thuật với nội dung như vậy lại có thể liên quan đến khúc mắc của cậu bạn nó? Kì cục lắm phải không?

Nhưng mọi người biết đấy nghệ thuật và cuộc sống có bao giờ tách rời nhau đâu.

Và giờ thì hãy cũng nó bắt đầu hành trình khám phá những kết nối kì lạ này nhé!

“Dancing with myself” – Tự sự của người nghệ sĩ

Cái tên này thoạt đầu đem đến cho nó cảm giác tự do mà yên bình với hình ảnh một người (nghệ sĩ) vui vẻ tận hưởng từng khoảnh khắc với thiên nhiên và với chính mình ở một góc nhỏ trong lòng Venice.

Nhưng thực ra thì không hẳn vậy. Triển lãm được lấy tên là “Dancing with myself” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng thuộc về sự hiện diện của người nghệ sĩ. Họ đóng vai trò là diễn viên và là chất liệu tạo nên tác phẩm của chính mình.

Khi vừa bước vào khu trưng bày, nó cảm thấy khá bất ngờ vì tự nhiên chình ình giữa căn phòng là một tấm rèm lớn màu đỏ. Nó cứ băn khoăn mãi không biết đó có phải là một tác phẩm trong bộ sưu tập không, nên chẳng dám chạm vào hay đi qua nó để bắt đầu hành trình. Phải ngó nghiêng mất một lúc nó mới biết đây là tác phẩm “Untitled (Blood)” của Felix Gonzalez-Torres, và bước qua tấm rèm này là cũng là ý đồ của các tác giả, một trải nghiệm bắt buộc của người tham quan. Dù sao thì cũng đâu còn con đường nào khác nữa…

IMG_7072
Tấm rèm được đặt đối diện với một cánh cửa nhìn ra cảng biển và khi ánh sáng chiếu vào thì đẹp mê li luôn đó.

Tấm rèm này được làm từ nhiều chuỗi ngọc trai trắng và đỏ, tượng trưng cho hồng cầu và bạch cầu. Tác phẩm đại diện cho nỗi đau của tác giả khi căn bệnh AIDS đã cướp đi người bạn đồng hành của ông. Tại đây, khán giả được yêu cầu vượt qua nó như một nghi thức chia sẻ, một sự đồng cảm nghiêm trang mà nhẹ nhàng.

Nhưng theo nó thì tấm rèm này có lẽ không ám chỉ riêng mình căn bệnh AIDS, hay sự ra đi của một con người. Nó là những tổn thương, mệt mỏi mà chúng ta ai cũng ít nhiều đều phải trải qua. Điều đáng nói ở đây là năng lực đồng cảm và nhu cầu được chia sẻ của mỗi người. Những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nông sâu của trải nghiệm, hay trong cuộc sống thì đó chính là mối quan hệ giữa người với người.

Sẽ thật tốt nếu như sự đồng cảm được phát huy đúng lúc, đúng cách với đúng người cần nó. Sợi dây kết nối này sẽ phần nào tiếp thêm cho họ sức mạnh trong những lúc hoang mang, mỏi mệt để họ có thể vượt qua khó khăn và đạt đến thành công trong cuộc sống.

Nhưng mọi người biết đấy, đúng như những trăn trở của cậu bạn phía trên kia, sự đồng cảm không phải lúc nào cũng đến tự nhiên và dễ dàng. Bản thân nó cũng phải đứng một lúc lâu mới dám bước qua tấm rèm vì nghĩ rằng người ta không cho mình làm vậy. Thế rồi, đi qua lần một, nó chẳng cảm nhận được gì nhiều. Để có thể kết nối trọn vẹn với tác phẩm, nó đành đọc thử tờ giới thiệu và đi qua lần hai lần ba.

Đối với sự đồng cảm cũng như vậy, chúng ta không chỉ cần tất cả lòng chân thành mà còn cần chút dạn dĩ lúc ban đầu, thêm một chút kiên nhẫn và không ngừng hoàn thiện bản thân cả về kiến thức lẫn cảm xúc bên trong.

Chẳng có gì phải ngần ngại khi bỏ ra chút công sức để lan truyền tình yêu và niềm tin cuộc sống đến với mọi người xung quanh. Không phải sao?

Bước sang phía bên kia tấm rèm là tác phẩm “ông bác tan chảy” có tên là “không tên” của Urs Fischer. Nó nghĩ là nó sẽ không cằn nhằn về cái sự vô danh hoàn toàn của tác phẩm này đâu. Bởi lẽ bản thân nó nhiều lúc cũng đến khốn khổ chỉ vì đặt tên cho mấy thứ mà nó làm.

Buồn thế đấy!

IMG_7065
Untitled – Urs Fischer (2011)

Nhìn vào bức ảnh có lẽ mọi người cũng nhận ra trong tác phẩm này ngoài chiếc bàn và chiếc ghế thì phần người được điêu khắc từ sáp nến. Và tất nhiên cái kẻ không rõ diện mạo được khắc họa ở đây chính là tác giả, đúng như mục đích của buổi triển lãm. Thực ra ban đầu con người ấy cũng lành lặn lắm. Nhưng sau khi gần chục chiếc nến được thắp lên, những gì thuộc về diện mạo của người nghệ sĩ này dần dần biến mất.

1collection-pinault-urs-fisher-untitled-numero-magazine-dancing-with-myself-1.jpg
Untitled – Urs Fischer (2011) (Ảnh sưu tầm)

Điểm khiến tác phẩm này trở nên thú vị đó là nhân diện của tác giả tan chảy, biến dạng không theo một sự sắp đặt nào, chúng ta không tài nào dự đoán trước, cũng không thể sửa chữa hay khắc phục để đưa nó trở về trạng thái ban đầu. Mỗi người đến xem sẽ bắt gặp tác phẩm ở một trạng thái khác nhau. Có người được chứng kiến một phần của quá trình biến đổi ấy. Có người lại giống nó, đến khi những cây nến đã cháy gần hết. Những gì nó thấy hầu như chỉ là kết quả.

Con người chẳng ai giống ai nhưng đều có một điểm chung đó là mỗi người đều chỉ sinh ra rồi chết đi một lần duy nhất. Và sống cũng chỉ đơn giản là một hành trình đốt cháy thời gian để đến gần hơn với cái chết, một hành trình biến đổi từ hữu hình đến vô hình. Trên con đường ấy chúng ta sẽ có nhiều mối nhân duyên, có người sẽ đồng hành cùng ta một đoạn, có người chỉ đến để chứng kiến một khoảnh khắc ngắn ngủi trong cuộc đời ta. Và khi ta chết, cách mà ta đã sống, những gì đã từng thuộc về ta sẽ nằm rải rác trong kí ức của họ.

Không chỉ có vậy, nhân diện của một con người còn thể hiện cách mà người khác nhìn nhận về họ, có thể trùng khớp hoặc không với những giá trị mà họ tự cảm nhận về chính mình. Với nó sự đốt cháy này cũng giống như một cách xóa bỏ đi lớp vỏ bọc ấy để hướng về những gì thuộc về nơi sâu thẳm của một con người. Một sự tự tôn, dù vô hình, nhưng nếu như ta có đủ niềm tin thì nó sẽ luôn ở đó.

Vậy nên ông bạn ạ, hãy nhìn lại những trân trọng mà cậu dành cho người bạn kia đi! Không phải rất đẹp sao? Kết quả nào đâu có quan trọng đến vậy. Vì chúng ta vẫn còn quá trẻ để biết đâu mới là “kết thúc”. Chỉ cần cất giữ cẩn thận những trải nghiệm trên đoạn đường mà chúng ta đã đi cùng nhau như bài học để tiếp tục hành trình một mình tìm về cái “kết” thực sự của đời người.

Mà cũng đừng có lo (dù là cho người bạn kia hay là chính cậu), cái gọi là hành trình một mình ấy nó chẳng tệ như cậu nghĩ đâu. Ngược lại là đằng khác! Như trong serie các tác phẩm “I Am Intact and I Don’t Care” của Lili Reynaud-Dewar, cô sơn đen cơ thể mình và nhảy khỏa thân theo vũ đạo của Josephine Baker qua các phòng triển lãm bỏ hoang ở Beaubourg.

fullsizeoutput_63ae
I Am Intact and I Don’t Care – Lili Reynaud-Dewar (2013)

Tác phẩm này làm nó nhớ đến một câu nói của Bruce Nauman (cái người mà nó vừa phải hì hục viết 18 trang lý sự về ổng).

“If I was an artist and I was in the studio, then whatever I was doing in the studio must be art.”

Và ở đây, Lili đã đưa câu nói của Bruce Nauman tiến xa hơn một chút. Cô xóa bỏ ranh giới giữa không gian riêng tư và không gian công cộng. Bảo tàng từ một nơi trưng bày trở thành một “chỗ trốn bí mật” để người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Một màn độc diễn với cơ thể trần trụi, phóng khoáng nhưng cũng dễ bị tổn thương, vây quanh bởi những tác phẩm nghệ thuật… Mọi người thử nghĩ xem điều này có nghĩa là gì?

Con người ta thường sợ hãi hai chữ “cô đơn” nhưng thực ra nó có cần thiết phải như vậy không? Một mình đáng lẽ nên là khoảng thời gian để chúng ta tận hưởng chứ không phải trốn tránh.

Giống như cái tên của tác phẩm. Một mình là lúc chúng ta bỏ lại đằng sau những gì thuộc về “xã hội” để trở về đối diện với chính mình từ trong sâu thẳm. Khi một mình, ta là ta trọn vẹn nhất, có tổn thương, có yếu đuối đấy, nhưng đồng thời cũng có những khát khao mãnh liệt, những đẹp đẽ không tên. Đó cũng là lúc để chúng ta quan sát và tìm ra những nguồn nguyên liệu tạo nên ý tưởng về ý nghĩa của cuộc sống.

Với nó thì khoảng thời gian một mình còn là lúc mà những chấm nhỏ li ti, điểm bắt đầu cho sáng tạo được lóe sáng. Nó được tự do say mê biến tất cả những dòng chảy vô hình râm ran trong đầu nó trở nên hữu hình, khi thì bằng con chữ, khi thì bằng hình ảnh. Nó có thể nhìn thấy rõ ràng những gì nó cảm nhận, những gì thuộc về nó, chỉ riêng mình nó. Và câu hỏi “Tôi là ai?” cũng từ đó mà được thỏa mãn.

Chúng ta là tất cả những gì chúng ta tạo ra trong quãng đời dài ngắn khác nhau của mỗi người, là một sự tổng hòa độc nhất đầy phức tạp và mâu thuẫn. Mối quan hệ giữa người với người cũng từ đó mà nảy sinh lắm điều đẹp đẽ, lạ kì đan xen lẫn lộn. Điều chúng ta cần làm là dành thời gian và không gian tự mình nhìn nhận lại. Để rồi sau đó, mỗi người hoặc sẽ xoay vần để mọi thứ thay đổi hoặc chỉ đơn giản là chấp nhận mọi sự như nó đã diễn ra.

Nhưng dù là gì đi chăng nữa, thì ông bạn ạ, đừng vì sự mất kết nối ấy mà đâm ra nghi ngờ khả năng thấu cảm của bản thân, rằng cậu chưa trải nghiệm đủ để có thể thấu hiểu những nứt gãy từ nơi bạn mình. Thay vì thế hãy cảm thấy may mắn đi! Vì không phải ai cũng có thể tìm thấy nhiều niềm vui để đối diện với cuộc đời đầy biến động như cậu đâu. Còn nếu cậu thực sự cảm thấy đó là một điểm yếu trong giao tiếp với mọi người thì tìm cách thay đổi đi.

Cứ làm thật tốt những gì mình có thể, rồi đâu sẽ có đó.

Thời gian sẽ cho cậu câu trả lời xứng đáng với những cố gắng của chính mình.

Viết đến đây nó nghĩ có lẽ cũng nên dừng lại thôi vì bao la dài dòng quá rồi. Còn đây là danh sách kèm một vài dòng giới thiệu nho nho về các tác giả, tác phẩm được lựa chọn. Có nhiều người nổi tiếng lắm nha. Nhưng tất nhiên cái gì kiếm trên mạng đầy ra thì nó sẽ không cho vào bài viết này đâu. Phía trên là những tác phẩm thuộc về những nghệ sĩ lần đầu nó nghe tên nhưng lại khiến nó cảm thấy ấn tượng nhất trong triển lãm lần này. Giờ thì nó xin phép đi ôn thi đây không sắp toi đến nơi rồi…

Một chút ngoài lề về Punta della Dogana và Tadao Ando

Vì không có nhiều thời gian nên lần này nó và đồng đội phải tìm hiểu cẩn thận rồi đánh dấu lại những nơi nhất định phải đến. Punta della Dogana là một trong số đó. Bảo tàng được thành lập vào ngày 6 tháng 6 năm 2009 tại một tòa nhà hải quan cũ của Venice, Dogana da Mar. Nó nằm ở khu vực tam giác nơi Grand Canal giao với Guidecca. Bên cạnh bảo tàng này chính là Santa Maria della Salute.

IMG_70621.jpg
Ảnh này nó chụp từ Santa Maria della Salute (hơi không tinh tế một tí hihi)

Mọi người biết đấy, hay không bằng hên. Sự thật là nó không phải một đứa quá am hiểu nhiều thứ, nhiều lĩnh vực nhưng chuyến đi Venice lần này nó lại vô tình va phải đồng đội thông thái lâu ngày không gặp, thành ra tự nhiên lại có guide tour học kiến trúc. Cũng nhờ vậy mà nó biết được tòa nhà này được thiết kế và xây dựng lại bởi kiến trúc sư người Nhật tên là Tadao Ando. Ông này siêu siêu đỉnh. Nó đoán vậy theo cách kể chuyện đầy phấn khởi của anh thanh niên đi cùng.

Mặc dù là một kiến trúc sư khiến nhiều kẻ ngưỡng mộ nhưng Tadao Ando chưa hề qua một trường lớp đào tạo về kiến trúc nào. Thời trẻ, ông đã một mình thực hiện chuyến đi từ Đông sang Tây để tự quan sát và học hỏi. Tadao Ando nổi tiếng với những mảng tường lớn bằng bê tông cốt thép xám tái cực kì nhẵn nhụi. Nhìn trông thì đơn giản nhưng lại đầy tinh tế và trầm lắng phải không nào?

89f53c06f7e9b87cad047c2ba9b152b1
Advertisement

1 bình luận cho “Dancing with myself – một góc Venice”

  1. Ảnh đại diện Trương Hồ Tân

    Uiii em thấy bất ngờ khi nhìn từ tấm ảnh chị chụp tấm rèm đỏ ở góc cận đến lúc thấy tấm góc rộng (có cả bác tan chảy), ảo quá hiuhiu.
    Ao ước sau này em sẽ có nhiều dịp và nhiều cơ hội để tiếp cận với những điều hay ho mà chị đã từng được trải nghiệm hiuhiu.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Tạo một blog trên WordPress.com

%d người thích bài này: