Nó còn nhớ cách đây vài ba tháng trong bài viết về chuyến đi đến biển Saint-Malo, nó từng cho rằng ” ngay tại khoảnh khắc nó chụp ảnh, những gì trước mặt nó đã không còn giống như trước nữa, những hình ảnh được ghi lại chỉ là bản sao của một giây phút ngắn ngủi”.
Nhưng có lẽ bây giờ nó lại nghĩ khác…
Hôm trước nó mặc một chiếc áo phông mà nó vẫn thường hay mặc. Tất nhiên cũng chẳng có gì đặc biệt cho đến khi nó chợt để ý đến vệt màu loang của cái sự lúng túng, vụng về trong ngày đầu tiên nó đến lớp vẽ dành cho các bé tự kỉ. Rồi theo một cách rất tự nhiên những hình ảnh tinh nghịch cứ thế luồn lách vào trong suy nghĩ của nó khiến nó nhớ những giọng nói trong trẻo ấy thật nhiều.
Và rồi nó tự cười nó, cười cái suy nghĩ cứng ngắc cũ kĩ kia.
Ừ thì… đúng là trên thực tế, những vệt màu ấy cùng tất cả những gì được nó lưu lại không mang theo sự toàn vẹn của khoảnh khắc. Nhưng cũng chính sự không toàn vẹn ấy lại là một cơ hội để nó tô vẽ, phóng chiếu kí ức theo một cách riêng. Và khi nhìn chúng, nó sẽ lại thấy lòng mình nhẹ bẫng. Nó vui khi ngắm nhìn chiếc hộp chiếu bóng của chính mình với dòng cảm xúc tươi mới dành cho những hình ảnh mơ hồ của sự hồi tưởng. Chỉ cần như vậy thôi cũng đủ khiến nó thấy mình thật may mắn.
Nó xem lại những bức ảnh, đoạn video và cả những mẩu note ngắn ngủn trong điện thoại. Nhìn lại mùa hè, nó thấy bản thân có đôi điều khang khác, học hỏi được nhiều thứ và nó thấy một lời hứa bâng quơ của chính mình với mầm về một triển lãm nó đặc biệt ấn tượng khi về Việt Nam.
Mặc dù nó nghĩ là những gì nó ghi lại lúc này khó có thể giống hệt với những gì nó cảm nhận ngay tại triển lãm đó. Nhưng có điều chắc chắn là sự hứng thú của nó sẽ không giảm và những gì học được qua triển lãm này chỉ có hơn chứ không bớt.
Hư cấu là không thể thiếu
Đây là triển lãm mà nó được một người bạn giới thiệu khi đến với TP. Hồ Chí Minh. Mà thực ra là nó được bạn ném cho một list toàn những art space xịn xò để đi khám phá. Còn về nội dung triển lãm thì nó hoàn toàn không đọc trước, cốt để đi và trải nghiệm với một tâm thế cởi mở nhất. Nhưng cũng chính vì cái sự “lạc quan” (ý nó là chủ quan) thái quá này mà trước đó nó đã đến Vin Gallery vào đúng cái ngày đóng cửa chuẩn bị cho triển lãm tiếp theo, thế là đành ngậm ngùi đi về với một sự bao biện nhố nhăng rằng “đôi khi phải có sự cố thì một ngày mới đáng nhớ”. May mà vẫn được vào ngắm ké vài tác phẩm còn sót lại và xin được ba tấm postcard siêu xinh.

Quay lại với “Hư cấu là không thể thiếu”, đây là chủ đề của triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật The Factory, mà theo nó được biết thì được thành lập bởi chị Thủy Nguyễn (Ti-a), một cái tên quá đỗi quen thuộc. Bước vào không gian trưng bày, ngay từ giây phút những hình ảnh đầu tiên hiện ra, nó đã biết rằng đây đúng là cách bố trí, sắp đặt mà nó ưa thích: tối giản, nhỏ nhắn nhưng không hề chật chội và đặc biệt là có sử dụng một phần nguồn sáng tự nhiên.

Nhìn qua màu sắc của các tác phẩm từ xa, mọi người có lẽ cũng đoán được rằng tác phẩm của hai nghệ sĩ này mang hai phong cách hoàn toàn khác nhau, nhưng thú vị là chúng lại được hợp lại trong cùng một không gian của “Hư cấu là không thể thiếu”.
Tại sao lại như vậy?
Đó là bởi cả hai đều là chuỗi tác phẩm hội họa siêu thực nhằm nhấn mạnh sức ảnh hưởng của trí tưởng tượng lên nhận thức của chính loài người, xuyên suốt lịch sử, qua những miền thời gian và văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên trong bài viết này nó sẽ chỉ chọn giới thiệu về tác phẩm của một tác giả mà nó cảm nhận được sự kết nối rõ ràng hơn mà thôi:
Hồ ái kỷ của Ai và Ai – Tammy Nguyễn

Trước khi đến với những bức tranh của Tammy, nó sẽ để mọi người đọc một đoạn tóm tắt về trường ca do Ovid sáng tác vào thế kỷ thứ 8, nguồn cảm hứng chủ đạo đằng sau toàn bộ tác phẩm.
Hình tượng người đàn ông vì vị kỷ mà bị hóa thân thành hoa thủy tiên
“Trong câu chuyện của Ovid, Narcissus là một chàng thanh niên tuấn tú nhưng luôn thờ ơ trước tình yêu mà người khác dành cho mình. Trong số những người theo đuổi chàng có nàng tiên núi mang tên Echo (hay, Tiếng Vọng). Một ngày nọ, cảm giác như có người đang theo mình, Narcissus quay lại hỏi « Ai đang ở đó thế ? », và Echo ngượng ngùng lặp lại lời người mà cô thầm thương trộm nhớ « Ai đang ở đó thế ? ». Nhưng khi nàng bước ra từ sau lùm cây, những tưởng sẽ được ngã vào vòng tay Narcissus, thì chàng trai lại lạnh lùng xua đuổi nàng tiên nữ. Đau khổ với trái tim tan vỡ, Echo trở thành bóng ma lang thang trong rừng già. Nemesis, nữ thần của sự Trả thù, biết chuyện và quyết định trừng phạt Narcissus bằng cách dụ dỗ chàng trai đến một hồ nước để thỏa mãn cơn khát của chàng. Khi vừa nhìn thấy hình ảnh trẻ trai của mình in trên mặt hồ, Narcissus lập tức phải lòng cái bóng của chính mình. Quyến luyến với bóng mình trên nước , chàng nhanh chóng nhận ra rằng hình ảnh phản chiếu kia không thể đáp trả tình yêu của chàng, và đau đớn hóa thân thành một bông hoa cánh vàng xen trắng, hay còn gọi là hoa thủy tiên.”
The Factory – Contemporary art center

Ở đây có một từ khá quen thuộc “Narcissus”, tên của nhân vật chính trong trường ca của Ovid. Cái tên này nếu thay đổi một chút sẽ thành “narcissism”, nghĩa là “ái kỷ”, chứng rối loạn nhân cách có biểu hiện qua hành vi tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, tham vọng thành công chói sáng và thiếu sự đồng cảm với mọi người xung quanh. Chứng rối loạn này gắn liền với tính vị kỉ, cũng là tính cách của anh chàng kia.
Từ hạt mầm ý tưởng với bài học về lòng ham muốn cá nhân, Tammy đã dựng lên câu truyện của riêng mình, mở đầu bằng hình ảnh một con người gỡ bỏ chiếc mặt nạ để hóa thân thành những bông hoa thủy tiên tìm về với đất.

Dưới dòng thác xối xả, hình ảnh phản chiếu của con người vị kỷ ấy phát tán, những con mắt biến thành hạt giống hoa thủy tiên sinh sôi nảy nở khắp mặt đất.

Những bông hoa thủy tiên trôi theo dòng nước, bám rễ trên những vùng đất mới. Thế nhưng những vùng đất này lại chẳng hề bình yên. Bao trùm lên chúng là hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt: những miệng núi lửa phun trào, giông bão, hạn hán, đất đai khô cằn…

Dưới sự tác động bởi quyền năng vô hạn của thiên nhiên hùng vĩ, những bông hoa thủy tiên trở nên héo úa, lụi tàn. Những tưởng mọi thứ sẽ kết thúc tại đây nhưng cái kết ấy lại mang đến một khởi đầu mới. Những bông hoa thủy tiên hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục đối diện với thiên tai trực chờ phía trước…



… Để rồi cuối cùng, những bông hoa thủy tiên kiên cường giữa những tàn bạo của thiên nhiên ấy, lại chết trong bàn tay hay cũng chính là lòng tham không đáy của con người.

Bao trùm lên câu truyện của Tammy là mối quan hệ giữa Thiên nhiên và con người. Nơi vẫn luôn tồn tại một nghịch lí, một sự bế tắc, một vòng lặp luẩn quẩn không lối thoát.
Sự hủy diệt nhân danh tình yêu mà con người dành cho Thiên nhiên
Với hành động gỡ bỏ chiếc mặt nạ, ban đầu nó cứ nghĩ phải chăng người này đã biết bỏ đi lớp vỏ bọc hào nhoáng, sự tự đề cao để vươn mình ra thế giới bên ngoài, học hỏi, tìm kiếm những điều mới mẻ. Nhưng khi tiếp tục đến với những bức tranh tiếp theo, sự sinh sôi nảy nở của những hạt giống hoa thủy tiên dường như lại đi cùng với lòng ham muốn chiếm lĩnh của con người trước Thiên nhiên rộng lớn. Chúng được nhân rộng trên khắp mọi địa hình, giống như cách mà con người chiếm lĩnh Trái Đất này bất chấp sự kêu gào của tự nhiên. Lòng ham muốn chiếm lĩnh, khát vọng được leo lên đỉnh cao cũng chính là nguồn nhiên liệu nuôi sống cỗ máy “ăn thịt” do chính con người tạo ra, để khẳng định vị thế trên mọi lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội (chế độ thực dân, chủ nghĩa tư bản, phân biệt chủng tộc, thời đại máy móc công nghiệp hóa,…) .
Ý tưởng này ngay lập tức đã dẫn nó đến với một chi tiết thú vị khác trong những bức tranh của Tammy. Đó chính là sự xuất hiện của những chữ “Ai”, được lồng ghép một cách khéo léo trong hình hài của Thiên nhiên và trên những dây leo chằng chịt.
“Ai” và những cuộc đấu tranh quyền lực không hồi kết
Bức tranh cuối cùng là sự trở lại của tất cả những chi tiết quan trọng trong chuỗi tác phẩm. Những con mắt, hình bóng hoa thủy tiên và “ai”, tất cả đều đang bị càn quét bởi những đôi bàn tay rỗng một nửa.
Chữ “ai”, vốn là một từ để hỏi về danh tính, ở đây lại trở thành ẩn dụ cho một cuộc chiến phân tranh quyền thống trị, không chỉ giữa Thiên nhiên và con người, mà còn ở trong chính xã hội loài người và trong mỗi con người chúng ta. Để khẳng định vị thế của chính mình, con người không ngừng vơ vét đất đai, bóc lột tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất. Họ không biết rằng, cũng giống như Narcissus, cuối cùng chết trong những bàn tay đứt gãy kia. Chính những hành động tham lam, vị kỷ ấy đang dẫn họ đến bờ vực của sự tự hủy diệt.
Đến đây, nó không thể không thắc mắc rằng tất cả những sự bế tắc, vòng luẩn quẩn này từ đâu mà có? Nếu chúng ta không hiểu được cốt lõi của vấn đề, và rút ra bài học cho chính mình thì vòng xoáy này sẽ mãi lặp đi lặp lại. Và theo Tammy thì:
Trí tưởng tượng chính là nơi mọi sự bắt đầu
Từ xưa, con người đã luôn cho rằng “trí tưởng tượng là của riêng loài người”, từ đó tự sắp xếp thứ bậc sinh học, và tự ban cho mình quyền sinh sát. Lối tư duy phù phiếm này đã trở thành rào cản trong chính nhận thức của con người, dẫn đến những hệ lụy tâm lý và xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thiết yếu của trí tưởng tượng trong quá trình phát triển của con người. Nếu được sử dụng đúng cách, trí tưởng tượng hay sự hư cấu sẽ trở thành công cụ truyền tải thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích qua các miền thời gian, không gian, văn hóa khác nhau. Từ đó dẫn chúng ta đến sự thay đổi từ trong nhận thức và hành động để chuyển hóa cuộc sống trở nên hài hòa hơn.
Vậy từ những trải nghiệm với “Hư cấu là không thể thiếu” nó đã rút ra được bài học gì cho chính mình?
Có một điều được hiện hữu vô cùng rõ ràng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Tammy, đó là sự ngạo mạn. Sự ngạo mạn chính là nguyên nhân kìm hãm khả năng học hỏi và năng lực yêu thương trong mỗi chúng ta. Cũng giống như tác động hai mặt của trí tưởng tượng lên nhận thức của con người, việc yêu bản thân mình sao cho đúng cũng là một điều không phải ai cũng làm được.
Có những khi chúng ta cao hứng đặt mình ở vị trí hơn người. Chúng ta trở thành một kẻ có mắt mà không thể nhìn, có tai mà không thể nghe và càng không đủ minh mẫn để biết rằng giữ mình ở trạng thái này là cách nhanh nhất để đóng chặt cánh cửa đến với thế giới xung quanh. Ở mỗi người mà chúng ta gặp, ở mỗi sự việc mà chúng ta nhìn thấy sẽ luôn ẩn chứa những bài học mà chúng ta cần. Chúng ta có thể cho rằng nếu mình ở trong hoàn cảnh đó chắc chắn sẽ không hành xử như vậy.
Nhưng thực tế và tưởng tượng có phải lúc nào cũng giống nhau?
Còn ngược lại, nếu không tự tin vào chính mình, tất nhiên chúng ta cũng sẽ dậm chân tại chỗ vì chúng ta không dám sai lầm, không dám vấp ngã. Chúng ta không tin vào khả năng tự vươn lên mạnh mẽ qua mỗi thử thách mình gặp phải, hay không tin rằng mình có thể đạt được điều mình mong muốn. Mọi người biết không, nếu chúng ta tin vào điều gì thì điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, bằng cách này hay cách khác. Vậy tại sao không tin là mình có thể?
Hai thái cực trái chiều này đến từ việc mất cân bằng trong việc tự nhận thức về bản thân mình. Bởi chúng ta thường cố gắng chứng minh bản thân mình bằng cách tìm kiếm những giá trị bên ngoài. Chúng ta cho rằng đó là cách mà mọi người nhìn nhận về mình. Thế nên mỗi ngày đều trở thành một cuộc chiến mà qua đó chúng ta ra sức trang bị cho mình những cái mác “tôi giàu có”, “tôi giỏi giang”, “tôi thấu hiểu” v.v… Nghe qua thì có vẻ rất tích cực, nhưng nếu như chúng ta không đạt được một trong số những tiêu chí mà bản thân mình đặt ra thì cảm giác đã thất bại, để rồi chán chường và đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên nó muốn mọi người biết rằng:
“Không phải chỉ khi làm tốt những điều mà thế gian đòi hỏi, bạn mới là người có giá trị. Mà chỉ cần bạn tồn tại thôi, điều đó cũng đủ khiến bạn quan trọng và đáng được yêu thương rồi.”
Yêu những điều không hoàn hảo
Khi bạn chọn sự bình yên và thanh thản cho chính bản thân mình, khi ấy cách bạn thể hiện chính mình, và cách bạn thể hiện tình yêu với mọi người xung quanh cũng sẽ nhẹ nhàng và tự nhiên hơn, không màu mè, không gượng ép. Và bạn biết rồi đấy, đó chính là lúc bạn tuyệt vời nhất trong mắt mọi người xung quanh.
Nhưng nói thì dễ hơn làm, thực ra nhiều khi nó vẫn để chiếc la bàn “tự yêu lấy mình” lệch trái lệch phải, tứ lung tung. Vậy nên, triển lãm lần này cũng coi như là được định sẵn, một lần kiểm tra bài xem học đến đâu.
Thế mới nói ngoài thời gian tự “tập làm nghệ sĩ” thì những lần đi expo như thế này chính là khoảng thời gian mà nó được là chính mình nhất. Cách mà nó cảm nhận về các tác phẩm trưng bày cũng giúp nó hiểu rõ hơn về lối suy nghĩ của chính mình và có thêm động lực hoàn thiện bản thân.

Triển lãm này sẽ còn được trưng bày đến 27/10 nên mọi người có thể đến tận nơi ngắm nhìn và cảm nhận trực tiếp tác phẩm của hai nghệ sĩ Tammy Nguyễn và Hà Ninh, để xem liệu chúng ta có cùng suy nghĩ? Không biết mọi người sẽ thấy thế nào, còn nó, sau khi xem xong nó cảm thấy như bản thân mình trước đó đã bỏ lỡ bao nhiêu thông tin và kiến thức về thế giới rộng lớn này. Thật đó!
Trả lời