Hôm nay, nó lên thư viện viết mầm. Tưởng rằng sẽ tập trung hơn nhưng cứ mỗi lần đặt tay lên bàn phím là nó lại chẳng biết phải làm gì với những con chữ trong đầu.
Có những chuyện muốn kể rồi lại thôi. Đầu óc lửng lơ kéo theo ánh nhìn lang thang ra khỏi chiếc hộp xanh lá chật hẹp lúc nào không hay. Trước mặt nó là khung cảnh một góc nhỏ thư viện. Xuất hiện trong đó gồm 8 thanh niên, với đội hình zigzag 1 2 2 1 2, đang ngồi dán mắt vào màn hình laptop (không biết đang chơi hay đang học).
Nó bắt đầu đếm…1…2…3…
Thanh niên số 1 ngồi trên chiếc ghế màu đen đưa tay lên gãi đầu, mặt mày nhăn lại nghe chừng bài tập hóc búa.
3 nhịp tiếp theo, một bạn gái từ ngoài bước vào, ngồi lên chiếc ghế còn trống bên tay trái và lấy điện thoại ra gọi videocall. Cùng lúc đó, hai thanh niên ngồi chính giữa cầm tập tài liệu lên sắp lại cho ngăn nắp bằng 2 nhịp đập lên bàn.
3 nhịp tiếp, tất cả vẫn giữ nguyên tư thế như 9 bức tượng chăm chỉ. Có 4 người vừa đi vừa nói chuyện, lướt ngang qua tầm mắt nó.
Cứ tiếp tục như vậy, nó đếm thêm vài nhịp và quan sát chuyển động của từng người. Mỗi người trôi theo một dòng chảy công việc riêng nhưng lại cùng tham gia vào một nhịp điệu chung do nó quy định, trong cùng một không gian ngẫu hứng.

Nó đang có vẻ đắc ý với màn trình diễn bất chợt do mình tạo ra thì nhận thấy có điều không được hợp lý cho lắm. Vì trước mặt nó là những người tham gia bất đắc dĩ, chẳng ai tự ý thức được về chuyển động của chính mình trong màn trình diễn này, nên không thể coi là một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhưng dẫu sao ý tưởng này cũng được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản của nghệ thuật trình diễn (Performance), gồm 3 yếu tố chính:
Cơ thể, thời gian và không gian.
Nhắc đến loại hình nghệ thuật này thì nó đã từng giới thiệu một vài tác phẩm trong bài viết về Mariana Abromavic và Body Art. Chính nó hôm qua cũng vừa hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật trình diễn bé xinh. Tác phẩm này như thế nào thì nó sẽ giới thiệu với mọi người ở bài tiếp theo. Còn bây giờ nó muốn cùng mọi người tìm hiểu kĩ hơn về cái logic dẫn nó đến với giây phút lẩn thẩn kia, hay Performance là gì mà nó cứ nhắc hoài, nhắc mãi.
Định nghĩa về Performance?
Sách vở mà nói thì Performance, nghệ thuật trình diễn, là màn biểu diễn được trình bày cho khán giả nhằm truyền tải một ý tưởng nghệ thuật tạo hình. Performance đóng một vai trò quan trọng trong những phong trào nghệ thuật tiên phong suốt thế kỷ 20 như Futurism và Dada. Bất cứ khi nào các nghệ sĩ trở nên bất mãn với các loại hình nghệ thuật thông thường, như hội họa và các phương thức điêu khắc truyền thống, họ thường chuyển sang biểu diễn như một phương tiện để làm mới tác phẩm của họ.
Một buổi biểu diễn có thể được viết kịch bản trước hoặc không, ngẫu nhiên hoặc được dàn dựng cẩn thận, tự phát hoặc được chuẩn bị kĩ càng, có hoặc không có sự tham gia của khán giả. Buổi biểu diễn có thể được trình bày trực tiếp hoặc thông qua phương tiện truyền thông.
Đó có thể là bất kỳ tình huống nào liên quan đến bốn yếu tố cơ bản: thời gian, không gian, cơ thể của người biểu diễn và mối quan hệ giữa người biểu diễn với khán giả. Nghệ thuật trình diễn có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong bất kỳ địa điểm nào, với độ dài thời gian tùy ý.

Với định nghĩa “có cũng như không” này, chúng ta dường như rất dễ có cảm giác rằng bất kì màn trình diễn nào cũng có thể là một tác phẩm Performance. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, mặc dù đôi lúc ranh giới giữa một tác phẩm Performance và các tác phẩm trình diễn khác như kịch, múa đương đại v.v… cũng không còn mấy rõ ràng. Bởi trong quá trình phát triển, các loại hình nghệ thuật ấy đều dần mở rộng phạm vi hoạt động, loại bỏ những quy ước cũ kĩ. Ví dụ như trước giờ, chúng ta thường thấy các tác phẩm múa chỉ được biểu diễn trên sân khấu, hay trong nhà hát, thì bây giờ chúng ta có cả những bảo tàng múa đương đại (Musée de la danse). Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ranh giới giữa chúng không còn tồn tại.
Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Performance và những loại hình biểu diễn còn lại?
1. Tính chân thực
Điều đầu tiên phải nói đến đó chính là mọi thứ thuộc về một tác phẩm nghệ thuật trình diễn đều là sự thật. Trong sân khấu kịch, hay khiêu vũ nếu như bạn tự cứa da thịt mình bằng dao thì máu sẽ là máu giả. Nhưng với Performance thì khác, con dao bạn sử dụng là dao thật, hành động tự làm đau chính mình cũng là thật, máu là thật. Một diễn viên có thể giả vở về một cảm giác mà họ không cảm thấy. Nhưng trong một tác phẩm nghệ thuật trình diễn, thì mọi cảm giác diễn ra bên trong người biểu diễn đều là thật. Điển hình như tác phẩm “tự ăn thịt chính mình” mà trước đây nó đã có dịp giới thiệu với mọi người hay như tác phẩm kinh điển của Marianna Abramovic dưới đây.

Lúc đầu các tương tác rất bình tĩnh, khán giả âu yếm nghệ sĩ bằng hoa hồng, hôn cô, đặt ảnh vào tay cô. Nhưng tiếp tục, khi dần quen hơn, họ trở nên hung bạo: họ di chuyển xung quanh cô, đặt cô lên bàn, cắt quần áo bằng kéo và để cô trần truồng. Cô bị thương với lưỡi dao cạo và có người liếm máu cô. Khi một khẩu súng có viên đạn được chĩa vào cổ họng và ngón tay cô chuẩn bị bóp cò, màn trình diễn bị dừng lại vì nó trở nên quá nguy hiểm và vì có một số người đã cố gắng bảo vệ cô.
Cô đã đặt mình vào trạng thái giống như một con rối, vì vậy mọi người cảm thấy thoải mái khi làm những gì họ muốn. Nhưng một khi màn trình diễn kết thúc và cô ấy đã trở lại với Marina Abramović, một con người, tất cả khán giả nhanh chóng rời đi vì họ không thể đối diện với cô ấy như một người, hoặc có thể vì lúc đó họ nhận ra rằng họ đã đối xử với cô ấy như một đồ vật. Tác phẩm làm hiện lên một sự thật trần trụi về các quy tắc ứng xử mà xã hội đặt ra và bản chất bạo lực, hoang dã của con người.
2. Mỗi tác phẩm đều là duy nhất
Nghệ thuật biểu diễn sân khấu thường được chuẩn bị kĩ càng từ âm thanh, ánh sáng, trang phục và biên đạo nhằm truyền tải một câu chuyện hay một ý nghĩa cụ thể. Mọi thứ diễn ra trong một màn biểu diễn sân khấu đều cần được đảm bảo độ chính xác cao để không phát sinh bất kì sự cố nào vượt ra ngoài kịch bản được xây dụng từ trước. Cũng nhờ vậy mà các tác phẩm sân khấu thường được diễn nhiều lần.
Ngược lại, một tác phẩm nghệ thuật trình diễn thường ít được thực hiện lặp lại nhiều lần hay tái hiện lại bởi một nghệ sĩ khác. Giống như Conceptual art, một tác phẩm nghệ thuật trình diễn thường được lên ý tưởng từ trước, nhưng đồng thời người nghệ sĩ chấp nhận mọi khả năng có thể xảy ra trong diễn biến cụ thể của tác phẩm, tạo ra một trải nghiệm duy nhất, không thể lặp lại y hệt lần hai. Nghệ thuật trình diễn hướng sự tập trung vào những gì diễn ra xoay quanh màn trình diễn, là chính bản thân tác phẩm, là người nghệ sĩ và cả sự tương tác của khán giả, với vô hạn những khả năng có thể xảy ra ngoài dự đoán.
3. Thời lượng của một màn biểu diễn không phải lúc nào cũng có thể dự đoán trước
Một màn khiêu vũ có thể dài khoảng vài phút phụ thuộc vào độ dài của bài hát, một vở kịch thường kéo dài tầm 1-2 tiếng tùy thuộc vào quy ước chung trong lĩnh vực sân khấu. Nhưng một tác phẩm trình diễn thì khác, nó có thể rất dài nhưng cũng có thể rất ngắn, không theo bất kì một nguyên tắc nào cũng như chính định nghĩa của nó vậy. Vì nghệ thuật trình diễn giống như việc đặt chính mình vào một môi trường thí nghiệm. Thời gian là điều mà chúng ta chỉ có thể biết sau cùng. Người nghệ sĩ chấp nhận mọi sự bất ngờ có thể xảy ra, thúc đẩy hoặc làm gián đoạn quá trình biểu diễn. Đối với những tác phẩm nhằm mục đích thử thách sức chịu đựng của người biểu diễn, thời gian là điều không thể dự đoán trước. Không ai biết được sau khi cột tóc vào nhau Marina Abramovic và Ulay có thể ngồi cùng nhau bao lâu cho đến khi họ kiệt sức sau 17 tiếng đồng hồ (Relation in time, 1976). Sự không thể dự đoán trước đó cũng đến từ việc người nghệ sĩ không muốn biến thời gian vô tình trở thành giới hạn cho chính tác phẩm của mình. Mariana Abramovic và Ulay từng thực hiện một tác phẩm với độ dài kỉ lục. Họ mất ba tháng để đi từ hai đầu của Vạn Lý Trường Thành và gặp nhau ở giữa – để ghi lại cuộc chia ly cuối cùng của mình và nhìn lại chặng đường mà họ đã đi cùng nhau (The Lovers Walk on the Great Wall, 1988).

Đó là định nghĩa và đặc điểm của Nghệ thuật trình diễn, vậy còn lịch sử phát triển thì sao?
Nghệ thuật trình diễn xuất hiện như thế nào?
Có hai luồng ý kiến về sự ra đời của Nghệ thuật trình diễn. Có người cho rằng nghệ thuật trình diễn bắt nguồn từ những buổi biểu diễn của phong trào nghệ thuật vị lai (Futurism) và Dada khoảng đầu thế kỉ 20. Một số khác lại cho rằng sự khởi đầu của hình thức nghệ thuật này liên quan đến sự phản kháng chính trị và văn hóa xã hội của các phong trào sinh viên, nữ quyền, hòa bình, đồng tính v.v… vào những năm 1960 và 1970.
Nó thì nghiêng về ý kiến đầu hơn, vì dẫu sao thì thuật ngữ “performance” cũng đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1914 bởi RoseLee Goldberg để chỉ một số tác phẩm Vị lai ở Ý. Và đồng thời, vào khoảng thời gian đó cũng diễn ra nhiều buổi biểu diễn trực tiếp của các nghệ sĩ thuộc phong trào Dada. Phong trào Bauhaus ở Đức, thành lập năm 1919, cũng từng tổ chức workshop để khám phá mối quan hệ giữa không gian, âm thanh và ánh sáng. Tác phẩm “action – painting” của Jackson Pollock được giới thiệu đến công chúng vào năm 1948 cũng đưa đến cái nhìn mới về hội họa, nhấn mạnh vào việc hành động chính là khía cạnh cốt yếu tạo nên tác phẩm.

Black Mountain College được thành lập và duy trì ở Mĩ khoảng 20 năm trước khi Performance chính thức ra đời, nhằm kết hợp sân khấu với nghệ thuật thị giác. Đây cũng là nơi xuất hiện phong trào “Happening”, gồm những sự kiện ngẫu hứng, nhằm kêu gọi sự tham gia của công chúng. Phong trào này được mở đầu bằng Untitled Event do John Cage và Merce Cunningham tổ chức và sau đó là 18 Happenings in 6 Parts của Allan Kaprow. Tất cả những điều này mặc dù vào thời điểm đó chưa chính thức được gọi tên nhưng đều có thể coi là tiền thân của Nghệ thuật trình diễn.

Cho đến khoảng cuối những năm 1950 thì Yves Klein bắt đầu chính thức phát triển nghệ thuật trình diễn ở Pháp, cùng với Piero Manzoni ở Ý, Joseph Beuys, Nam June Paik và Wolf Vostell ở Đức. Đến năm 1970, Performance Art trở thành một thuật ngữ toàn cầu và định nghĩa của nó cũng cụ thể hơn một chút. “Nghệ thuật trình diễn” có nghĩa là nó trực tiếp, và đó là nghệ thuật, không phải là sân khấu. Nghệ thuật biểu diễn có nghĩa là nghệ thuật không thể mua, bán hoặc giao dịch như một loại hàng hóa. Những năm 1970 cũng chứng kiến thời kì hoàng kim của Body Art (một nhánh của Nghệ thuật trình diễn) và Feminism (khi nữ nghệ sĩ cảm thấy nghệ thuật trình diễn là một phương tiện phù hợp giúp nhấn mạnh vào những đặc tính của người phụ nữ để phát triển phong trào nữ quyền).
Một số tác phẩm Nghệ thuật trình diễn tiêu biểu


Nghệ thuật biểu diễn không chỉ giới hạn ở Châu Âu và Mỹ. Xu hướng nghệ thuật này đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản vì cách thức mà tâm lí người Nhật trải nghiệm về khái niệm thời gian và không gian. Ở Nhật Bản, nghệ thuật trình diễn được biết đến có nguồn gốc từ những hoạt động được tổ chức bởi nhóm Gutai.

Yamazaki, Shiraga, Shimamoto, Murakami, Kanayama, Motonaga
Tanaka, Ukita

Vậy đó, thế là nó đã giới thiệu sơ sơ với mọi người về Nghệ thuật trình diễn. Để cảm nhận một cách trực tiếp hơn thì mọi người có thể thử tìm thêm một số video quay lại các tác phẩm trên youtube chẳng hạn. Nó nghĩ mọi người sẽ cảm thấy hứng thú với loại hình nghệ thuật này ngay thôi.
Ban đầu khi mới tiếp xúc với Performance, nó từng cảm thấy rằng “nghệ thuật trình diễn ư, sao mà khó thế”. Nó cũng từng cho rằng nó sẽ chẳng bao giờ thử sức với loại hình nghệ thuật này. Vì với nó nghệ thuật trình diễn không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà đôi khi còn là sự táo bạo và cả sự kiên trì, khả năng cảm nhận về dòng chảy không gian và thời gian. Một người tham gia vào tác phẩm trình diễn cũng cần có một sự tự tin và can đảm nhất định để đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến.
Nhưng cuối cùng thì nó vẫn cứ thử. Vì nó nhận ra rằng nghệ thuật trình diễn nhìn theo một cách nào đấy cũng rất gần gũi với cuộc sống thường nhật. Giống như khi bạn sống có mục đích, bạn lên kế hoạch để thực hiện điều mà mình mong muốn, dù lớn hay nhỏ. Trong quá trình thực hiện đó sẽ có nhiều sự việc diễn ra, có thể tốt hoặc xấu. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đi cùng với chúng là những trải nghiệm có một không hai. Việc mà chúng ta cần làm đó chính là giữ vững niềm tin và kiên trì đi từng bước một, xuôi theo dòng chảy của cuộc sống và để mọi thứ diễn ra theo cách của nó. Thay vì chỉ tập trung vào sự đau khổ đến từ những gì không hay, thì chúng ta có thể đổi vai, trở thành người quan sát để nhìn ra những bài học ý nghĩa và cần thiết cho hành trình của chính mình. Vậy nên hãy thật cởi mở đón nhận vô hạn những khả năng có thể xảy đến, và một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy thật bất ngờ về những điều mà mình có được.
Không chỉ có vậy, nghệ thuật trình diễn đôi khi lại giống như một ô cửa sổ nhỏ để chúng ta quan sát lẫn nhau, hướng ánh nhìn của chúng ta đến từng hành động , cử chỉ, thậm chí là hơi thở và ánh mắt. Điều đặc biệt là, những gì chúng ta thấy có thể không phải là tất cả, cũng như chẳng ai có thể hiểu thấu mọi điều bao giờ, nhưng những điều chính ta nhìn thấy đó đều rất thật. Bởi chúng không phải là những câu chuyện của quá khứ bị biến dạng theo thời gian và qua lời kể chủ quan của con người, cũng không phải là những ảo ảnh chưa tới của tương lai. Chúng nằm trọn vẹn trong khoảnh khắc của hiện tại. Và ngay tại khoảnh khắc mà chúng ta quan sát được đó, một sợi dây vô hình được tạo thành, chúng ta cảm nhận được một điều gì đó thực sự đang ở rất gần, một điều gì đó phản chiếu lại chính con người chúng ta từ sâu bên trong.
Trả lời