Sau cả một tuần nghỉ lễ mùa thu thảnh thơi sung sướng, nó bắt đầu nửa sau của học kỳ bằng một Workshop thực hành nghệ thuật với sự hướng dẫn của các nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm trong những lĩnh vực khác nhau. Có tổng cộng 4 workshops và không phải mất thời gian đắn đo suy nghĩ nhiều nó đã chọn Serigraphy (hay còn gọi là Screen printing, in lưới) – một thứ dễ thương mà nó chưa bao giờ làm thử.
Thực ra Screen printing cũng nằm trong danh sách những môn học thực hành mà nó được chọn trong chương trình học chính. Nhưng mà nó cho rằng môn này đến lớp sẽ chỉ học nhiều về kĩ thuật in thay vì tập trung vào khả năng tư duy sáng tạo nên nó đã không chọn. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là nó không muốn thử. Và thế là, nó đã có một tuần thử nghiệm kĩ thuật mần mò cùng màu sắc mới mẻ này.
Đúng như nó dự đoán thì workshop này thuần về kĩ thuật. Ý tưởng đã được nghệ sĩ đưa ra ngay từ đầu. Nói là ý tưởng vậy thôi chứ bớt được khoản này là đã bớt được một khối lượng công việc không nhỏ mà bộ não nó phải hứng chịu. Những gì nó phải làm trong workshop này thực sự là nhẹ nhàng hơn nhiều so với khi thực hiện một project độc lập một mình.
Nói chung, ý tưởng cũng khá đơn giản, chủ yếu là để chúng nó được thử nghiệm với hình thức in thủ công này và có thời gian làm nhóm vui vẻ với nhau. Bắt đầu từ việc chụp lại hình ảnh bất kì mà chúng nó tìm thấy được trong trường, sau đó tạo thành họa tiết để in chồng lên nhau bằng 5 màu sơn khác nhau (vàng, đỏ, xanh, đen và trắng). Tác phẩm được tạo thành từ quá trình đó, là một bí ẩn mà đến ngày cuối cùng của workshop chúng nó mới được ngắm nhìn một cách đầy đủ nhất.
À tí thì quên, tác phẩm này có tên là Fac-Simulée. Fac là từ để chỉ trường đại học, còn Simulée thì có nghĩa là mô phỏng. Ý tưởng của tác phẩm tập trung vào việc tái hiện lại chân dung trường đại học từ những dấu vết tí hon mà bình thường chúng ta ít khi để ý dưới dạng họa tiết 2D hòa quyện vào nhau giữa tầng tầng lớp lớp những sắc màu cơ bản nhất.
Ngày đầu tiên, sau khi nghệ sĩ giới thiệu chủ đề của workshop, chúng nó bắt đầu đi chụp ảnh. Ngày hôm đó, nó không được năng động lắm nên quyết định chụp những gì nó nhìn thấy trong chính phòng học này. Nó chụp vết màu loang trong bồn rửa dụng cụ, cái bóng đèn, rồi tác phẩm ai đó lỡ bỏ quên, cả toà nhà đối diện nhìn từ chiếc cửa sổ cao quá đầu nó và hình thù ngốc nghếch kẻ nào đó tiện tay vẽ bậy lên bàn v.v… Cũng đã lâu nó không học trong căn phòng này và dường như vết tích của những kẻ đột nhập đã tăng lên không ít.
Sau khi chụp ảnh xong xuôi, chúng nó phải chọn ra một bức ưng nhất để làm bản in. Nó chọn mãi mới rút bớt được thành 3 bức và cuối cùng với sự giúp đỡ của chú nghệ sĩ chọn ra được một bức (như hình dưới đây). Chọn được ảnh rồi thì chúng nó sẽ dùng photoshop để biến chúng thành những bức ảnh đen trắng tạo thành từ nhiều chấm nhỏ hoặc đường kẻ sọc màu đen.
Lúc trước, khi nó chưa được thử nghiệm với thể loại in ấn này, mà chỉ mới được nhìn qua một số bản in của các nghệ sĩ nổi tiếng như Andy Wahol chẳng hạn, nó cứ tưởng từ một bức ảnh màu người ta đơn giản là biến nó thành đen trắng rồi sau đó có thể dùng làm mẫu in ngay và luôn. Nhưng thực ra lại không phải vậy, một bức ảnh đen trắng thông thường được tạo ra từ các sắc độ của màu ghi. Còn một mẫu in thì chỉ được có đen và trắng. Sắc độ của bản in phụ thuộc vào mật độ phân bổ của các chấm nhỏ hoặc đường kẻ màu đen. Tại vì với mỗi lần in, chúng ta chỉ in được một sắc độ màu duy nhất, nên không thể in chỗ này đậm chỗ kia nhạt theo ý mình được, phần trắng là phần mực bị ngăn lại trên lớp lưới, còn phần đen là phần mực được lọt qua và thấm vào trang giấy.

Ngoài ra thì trong lúc chúng nó chụp và chỉnh ảnh, chú họa sĩ còn chia nhóm, dẫn vào phòng thực hành screen printing để giới thiệu về các bước tạo nên bản in từ A đến Z. Nhưng dù đã cố gắng vừa nghe vừa cố gắng tưởng tượng thì nó vẫn cảm thấy mình chưa thể nào hình dung ra một cách rõ nét từng công đoạn của phương pháp in thủ công này. Cũng đúng thôi, vì cứ phải làm thực tế thì mới biết được.

Đến buổi chiều, bọn nó bắt đầu chuẩn bị khuôn in và mọi sự thú vị bắt đầu từ đây. Chúng nó phủ lên hai mặt của khuôn in một lớp keo phản quang. Lúc thực hiện phải chú ý áp sát vào tấm lưới. Gạt một lần để mực bám vào tấm lưới, xong chúng nó còn phải gạt thêm lần hai, lấy bớt mực ra, để lớp keo không bị quá dày. Dụng cụ “gạt keo” không được quá lớn so với khuôn, vì như vậy hai bên sẽ bị kênh lên và mực dễ bị tràn ra quá nhiều. Xong xuôi đâu vào đấy thì cất vào ngăn sấy đợi khô.


Đến ngày hôm sau thì việc đầu tiên chúng nó phải làm đó là chọn ra 10 họa tiết ưng nhất để mang đi in lên giấy trong suốt, khổ A3. Cái này tiếng pháp gọi là typon, tiếng việt có lẽ là phim (giống như phim máy ảnh vậy đó). Tấm phim này sau đó sẽ được ép lên khuôn in, đặt trong buồng tối và rọi đèn. Ánh sáng từ đèn sẽ làm phần keo, không bị che bởi mực trên tấm phim, đóng rắn lại. Phần còn lại không bị chiếu sáng sẽ dễ dàng bị rửa trôi đi với nước tạo thành những khoảng trống để mực lọt qua, bám lên giấy tạo thành bản in.
Mọi người biết đấy, lần đầu tiên nào cũng đều khiến người ta cảm thấy hồi hộp mà hào hứng vô cùng. Lúc nhìn thấy mẫu in của mình dần hiện lên trên khuôn in thực sự kì diệu lắm. Đứa nào đứa nấy nâng niu, cẩn thận mang ra ngoài, cầm máy sấy tỉ mẩn di từng góc một cho khô thật khô chờ đến công đoạn tiếp theo.
Ngày thứ 3, tiết mục in ấn bắt đầu. Việc đầu tiên chúng nó phải làm đó là chuẩn bị mực in. Đây là một công đoạn nhàm chán nhưng lại không thể thiếu, nên là không còn sự lựa chọn nào khác, chúng nó đành phải đứng quấy mực cả nửa tiếng đồng hồ chỉ để đảm bảo mực không bị khô hay vón cục, làm ảnh hưởng đến chất lượng bản in. Lúc đầu nó cứ tưởng là in lưới chắc cũng đơn giản thôi nhưng thực tế thì từng công đoạn của kĩ thuật này đều đòi hỏi tính chính xác cao. Ví dụ như khuôn in sau khi rửa xong, phải soi qua ánh sáng, nếu thấy có lỗ hổng nào xuất hiện ngoài ý muốn thì lại phải bôi thêm một lớp “keo cấp cứu” để che lại.

Thêm vào đó, trước khi in, chúng nó phải xác định chính xác vị trí đặt giấy bằng cách dùng tấm phim căn chỉnh sao cho trùng khớp với vị trí của họa tiết cần in trên khuôn, đánh dấu lại rồi mới bắt tay vào in. Mục tiêu là in mỗi họa tiết bằng 5 màu khác nhau; họa tiết này chồng lên họa tiết kia; trên một tờ giấy không được in một họa tiết hai lần để cuối cùng có thể tạo ra nhiều khả năng kết hợp họa tiết nhất có thể.
Chúng nó chia thành nhóm 4 người cùng in một họa tiết. Đầu tiên sẽ in màu vàng. Đơn giản vì màu sáng nhất thì sẽ dễ lau rửa nhất, không sợ bị dây bẩn lên lớp màu sau. Tiếp theo đó là màu đỏ, màu xanh, màu đen và màu trắng sẽ là màu được in cuối cùng để cho bản in không bị tối thui khó nhìn. Tất nhiên là không phải bản in nào cũng cần phải đảm bảo đủ 5 lớp, khi nào chúng nó thấy ok đẹp rồi thì hoàn toàn có thể dừng lại.



Khi in thì chúng nó chỉ cần lấy một lượng mực “vừa đủ” (thực ra thừa thì vẫn hơn là thiếu), gạt qua một hai lần để mực bám đều trên khuôn; sau đó ép lên giấy, gạt một lần dứt khoát và thế là bản in ra lò. Nhưng mà gạt một lần dứt khoát chẳng dễ tí nào. Có những lúc chúng nó tự làm một mình không được nên phải dùng hai người bốn tay để kéo mực. Bản in lúc thì hơi mờ, lúc thì tràn lan tung tóe.
Những lúc như vậy, trong đầu chúng nó chỉ toàn thắc mắc sao mà nhìn chú nghệ sĩ làm thì nhẹ nhàng đơn giản, đến lượt mình tự làm thì lại lộ rõ sự nghiệp dư, vụng về đến thế. In 10 tờ, hỏng đến 3-4 tờ. Còn những bản in nào chuẩn chỉnh hoàn hảo thì sau đó sẽ được đặc cách nằm phơi mình trên giá sắt. Mà thực ra với nhiều lớp in thì một số lỗi lầm be bé có thể được che bớt hoặc vô tình tạo ra những hiệu ứng ảo diệu khôn lường nên không phải tờ nào hỏng theo quy tắc về kĩ thuật cũng đều bị vứt đi. Đây có lẽ cũng là điểm đặc biệt của in lưới. Tất nhiên là trong sáng tạo nghệ thuật thôi, còn in lưới theo mẫu của khách hàng (như áp phích quảng cáo chẳng hạn) thì tuyệt đối không được phép sai sót đâu nhé.

Chúng nó cứ tiếp tục công việc in ấn đều đặn như cỗ máy này đến hết ngày thứ 4 và cuối cùng tạo ra được 173 bản in khác nhau. Nó không nghĩ là chúng nó đã làm được nhiều đến thế. Dự tính lúc ban đầu là sẽ làm khoảng 60 bản. Con số thực tế cũng ấn tượng phải không?
Đến ngày cuối cùng thì chúng nó dành ra để sắp xếp, trưng bày thành phẩm. Và có lẽ vì đây là công đoạn cuối cùng nên các thanh niên đột nhiên trở nên thiếu chỉn chu đến lạ, không chịu tính toán đo đạc cẩn thận, làm cho tác phẩm treo lên lệch hết về một bên, trông đến kì cục. Đã thế lại còn không chịu treo lại, rồi cho là “không nghiêm trọng lắm đâu, kệ đi!”. Quá là buồn luôn.

Nó giả vờ bao biện là vì ngày cuối vậy thôi chứ đúng ra thì dù là việc gì, một khi đã làm thì phải làm cẩn thận, tính toán trước, sai thì chỉnh, đừng lười. Mặc dù chỉ là việc nhỏ thôi nhưng trình bày tác phẩm cũng phải chỉn chu thì tác phẩm mới được thưởng thức với đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, bỏ qua khúc cuối thì tổng kết lại, chú nghệ sĩ vui, mọi người vui và chúng nó làm ra được nhiều bản in đẹp, thế là workshop cũng đã thành công rồi. Còn đây là những bản in sau khi được dán lên tường trong chính phòng thực hành của chúng nó.






