Mặc dù đặc biệt thích mùa đông nhưng thú thực thì thời tiết lạnh buốt không phải điều kiện tuyệt vời để động não cho lắm. Tuy vậy, vì sắp tới việc nọ dồn việc kia, nếu không tập lại thói quen viết mầm thì có lẽ nó sẽ tiếp tục bỏ không mảnh đất vốn đã ít được chăm sóc này mất. Và như thế thì sẽ bị rầy la ca thán. Hơn nữa, dạo này mọi sự quanh nó đang thay đổi tương đối, không quá nhanh cũng không quá chậm, nếu không viết lại thì sau này không có gì để nhớ về. Vì lẽ đó bài viết này nó để dành cho việc minh chứng về tầm quan trọng của văn bản không chỉ trong cuộc sống mà cả nghệ thuật, một thứ mà các cô giáo mỹ thuật hồi nó còn bé không cho phép xuất hiện trong các tác phẩm của học sinh.

Câu chuyện bắt đầu.
Hôm bữa nó về nhà cũ dọn dẹp để sửa sang, chuẩn bị không gian cho một số dự định sắp tới, và vô tình khai quật được quá nhiều hiện vật không biết ở đâu ra. Mọi ý niệm về sự lưu giữ này gần như đã bị xóa hoàn toàn khỏi kí ức của nó, chỉ có những con chữ là hiện lên rõ mồn một trên những trang giấy có phần ố vàng.
Nó tìm thấy một cuốn sổ “fancy note của chung” với những dòng ghi chú về điểm khác biệt giữa nó và một đứa giống nó, bên trong còn có ngôn ngữ chữ viết biến thể của riêng hai đứa và những đoạn cảm xúc rời rạc mỗi ngày, có phần “quá đà” vì chả mấy khi được tự do sáng tác mà không bị chấm điểm.
Quả thật, ngày bé nó học văn rất tệ. Và cô em gái nó cũng không khá hơn là bao.
Giữa những sách vở vứt xó lâu năm ấy, nó tìm thấy một điểm sáng vô cùng đáng yêu sáng tác bởi cái kẻ vừa được nhắc đến, với chủ đề “Hãy tưởng tượng ngày về thăm trường cũ đầy xúc động của 20 năm sau”. Bài văn là những hình dung ngây thơ của hắn về một tương lai xa vời, ấy vậy mà lại có một số dự đoán chính xác không ngờ, một số khác thì vô thưởng vô phạt nhưng tình cảm chân thành. Ví dụ như ý tưởng về nước Đức của hắn, bằng cách nào đó lại trở thành thực tại sau 7 năm, mặc dù chưa từng một ai nhen nhóm điều này vào đầu cô bé lớp 9. Ngược lại, hình tượng giả tưởng có phần tâng bốc về cô giáo và các bạn của 20 năm sau, tính đến thời điểm hiện tại lại chưa thấy có tia sáng nào xuất hiện. Nó tự hỏi có phải vì thế mà bài văn bay bổng này của con bé nhận điểm trung bình.
Không dừng ở đó, nó còn tìm thấy rất nhiều cuốn vở mà nó viết dang dở được ông nội lấp đầy bằng những dòng soạn bài giải toán trước buổi dạy kèm chúng nó từ hơn chục năm trước. Cả đám chị em họ chúng nó thích các môn tự nhiên cũng là nhờ ông cả. Nó còn nhớ ông thường dạy với tộc độ rất nhanh không thua gì những lúc ông đi bộ. Một buổi chiều ông nhồi cho chúng nó học hết một hai chương toán là chuyện hết sức bình thường. Và tất nhiên để có được những buổi học năng suất như vậy là những buổi chiều ông ngồi đung đưa trên võng, tay cẩm đủ loại dách vở giấy nháp viết nhoay nhoáy. Những dòng chữ trên giấy cũng vì thế mà trông rất dứt khoát, nghiêng đều tăm tắp về một phía như cũng muốn lao nhanh theo dòng tư duy của chính ông. Giờ nó đọc lại những bài toán đó chắc chắn là chẳng còn hiểu tẹo nào nhưng những nét chữ ấy đem đến cho nó thật nhiều điều khác hơn.
Hành trình khai quật này khiến nó suy nghĩ và để tâm nhiều hơn vào ngôn từ và những gì mà chúng truyền tải. Đôi khi là cảm xúc, suy tư, là một cá tính riêng biệt, khi khác là sự sáng tạo và dụng tâm, là hiện tại, quá khứ và tương lai. Có quá nhiều thứ có thể trôi chảy và biến chuyển qua từ ngữ và câu chữ, vượt qua không gian, thời gian và mọi ranh giới. Sự kết nối cũng từ đó mà sinh ra, đồng thời tạo ra vô vàn ý nghĩa bất ngờ mới, khác đi so với mục đích ban đầu. Nghệ thuật thì đâu đó cũng như vậy. Và nó bắt đầu tự hỏi:
Người ta bắt đầu mang Chữ viết đặt vào tác phẩm từ bao giờ?
Nếu nó nhớ không nhầm, từ những gì nó đã từng thấy qua thì khoảng thời gian xa xôi nhất khi mà chữ viết và hình ảnh xuất hiện cùng nhau, đó là trên những bức vẽ của người Ai Cập cổ. Khi ấy, chữ viết giống như những hình vẽ tí hon, được sắp xếp theo quy luật nào đó mà nó chẳng thể nào hiểu nổi, mặc cho những dáng hình đấy được tạo nên từ những đối tượng tương đối gần gũi. Nhờ vậy mà nó đã nhanh chóng học lỏm được một vài kí tự điển hình. Nhưng khái quát lại thì nó chỉ biết rằng những kí tự ấy mang ý nghĩa linh thiêng, và cho chúng ta những hiểu biết về nền văn hóa cổ đại của không chỉ Ai Cập mà là cả loài người, về cách họ tạo ra chữ viết, sinh hoạt, hình thành hệ thống xã hội, tín ngưỡng thờ cúng,v.v… Nói cách khác, đối với thể hệ chúng ta khi nhìn lại, chữ viết chính là mình chứng rõ ràng nhất của lịch sử.

Để xác nhận lại xem bức vẽ của người Ai Cập có phải là sự kết hợp đầu tiên của chữ và hình hay không thì nó đã lục lọi và tìm hiểu thêm. Và hóa ra đúng là như vậy thật. Chữ viết đã xuất hiện từ lâu cùng với hình ảnh trong các tác phẩm nghệ thuật qua nhiều thời kì, bắt đầu từ Ai Câp, Lưỡng Hà và La Mã Cổ Đại. Một số bằng chứng rõ nét vẫn còn được lưu giữ đến tận bây giờ như Phiến đá Rosetta, Bộ luật Hammurabi và hệ thống chữ khắc trên các di tích lịch sử. Viết đến đây thì nó nhớ đến những bia tiến sĩ trong Văn Miếu, đó cũng là một ví dụ gần gũi với chúng ta hơn cả.
Bây giờ thì quay trở lại với giai đoạn mà nó quan tâm hơn, từ thế kỉ 19 đến nay, giai đoạn của các phong trào nghệ thuật hiện đại và đương đại, mối quan hệ giữa chữ viết và hình ảnh dường như chặt chẽ hơn, không còn chỉ là đứng cạnh nhau nữa mà trong một số trường hợp, chúng kết hợp với nhau, cùng nhau tạo ra một cánh cửa rộng mở giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới qua các nền văn hóa khác nhau:
Các bức tranh Lập thể của Georges Braque hay Pablo Picasso

Một thời gian sau, khi Lập thể tổng hợp được khởi xướng, văn bản cũng xuất hiện khá phổ biến dưới hình thức cắt dán giấy báo, và lần này, tự chúng đã là một trong những đối tượng cụ thể của tác phẩm.
Hay các tác phẩm biếm họa thuộc phong trào Pop Art của Roy Lichtenstein lấy cảm hứng từ truyện tranh.
Và nghệ thuật khái niệm của Joseph Kosuth với những chiếc ghế quen thuộc mà nó đã nhắc đến nhiều lần,v.v… Đó là một số ví dụ phổ biến mà nó có thể nhanh chóng kể tên, và trong từng trường hợp, chữ viết lại đóng những vai trò khác nhau, cũng có đôi khi là tổng hợp của tất cả.
Vậy những vai trò ấy là gì?
Chữ viết cũng là một dạng hình ảnh
Chữ viết là những hình ảnh được tạo nên từ nét, chỉ có điều chúng có quy luật riêng. Điều này có lẽ không có gì quá bất ngờ bởi chúng ta tiếp nhận thông tin từ chữ viết thông qua thị giác, đôi khi là xúc giác. Kể cả khi chúng ta không thể đọc được và không hiểu nội dung truyền tải là gì, chúng ta cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp của những nét chữ ấy.
Điều này khiến nó nhớ ra một phát hiện của mấy ngày trước. Chị bạn nó mua một chiếc áo khoác ở chợ đồ cũ và trên đó có một dòng chữ tiếng Hàn. Tất nhiên chúng nó không hề hiểu dòng chữ đó viết gì, tuy nhiên từ những dòng chữ ấy chúng nó có thể biết được nguồn gốc của chiếc áo, chưa kể phông chữ được sử dụng trông khá cứng cáp và khỏe khoắn phù hợp với kiểu dáng của chiếc áo, khiến chúng nó tưởng tượng đến hình ảnh mọi người đi bộ lên núi tập thể dục buổi sáng. Và hóa ra, chiếc áo đó đúng là đồng phục của câu lạc bộ thể thao thuộc một phường ở Seoul. Vậy là ngoài việc truyền đạt thông tin, chữ viết cũng giống như hình ảnh có vai trò không nhỏ trong việc tạo ra một ấn tượng, cảm giác nhờ thiết kế mà chúng được ấn định.
Điều này có lẽ còn được thể hiện rõ ràng hơn cả bởi những nét chữ viết tay. Từ những chuyển động, nhịp điệu mà chúng lưu lại chúng ta thậm chí có thể tưởng tượng ra hình ảnh tác giả đang đứng hay ngồi, cầm bút ra sao, tốc độ viết lức nhanh lúc chậm như thế nào, giống như những gì nó nhớ về khi đọc những quyển vở soạn bài của ông vậy. Ấn tượng mà hình ảnh của chữ viết đem lại cho ta thường dựa trên những trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày có liên quan.


Và đôi khi sắp xếp bố cục trên trang giấy cũng là một yếu tố cần được lưu ý.

Chữ viết là phương tiện giao tiếp
Và tất nhiên, chữ viết vẫn cần được sử dụng đúng với sứ mệnh như khi chúng mới được tạo ra: để truyền tải thông tin, ý tưởng. Nghệ thuật rõ ràng cũng không phải ngoại lệ. Lúc này, chữ viết và hình ảnh đứng cạnh nhau và mở ra một ý nghĩa mới cho tác phẩm. Đối với những trường hợp như vậy, chữ viết và hình ảnh sẽ tương tác với nhau, đôi khi là bổ trợ, đôi khi lại đối nghịch với nhau, cùng nhau tạo nên một cảm giác, một lối suy nghĩ khác đi. Đến đây mọi người có thể tưởng tượng tới một đoạn phim với phần lời thoại miễn chê nhưng phần phụ đề lại là những suy nghĩ thật sự ẩn giấu đằng sau. Và mọi người biết đấy, có thể không cố ý nhưng chúng ta đôi khi diễn đạt vừa đúng với những điều mình nghĩ và đôi khi thì ngược lại, cũng đôi khi sự im lặng lại ẩn chứa cuộc đối thoại sâu sắc nhất.

Kiệt tác này của Chủ nghĩa siêu thực tạo ra một nghịch lý tách chúng ta ra khỏi quan niệm thông thường rằng đối tượng luôn tương ứng với từ ngữ và hình ảnh.

Đó là cách mà chữ viết – hình ảnh tương tác với nhau, và khẳng định những giá trị riêng đối với tác phẩm. Nhưng vẫn còn một cách khác để khẳng định giá trị một cách rõ rệt hơn.
Đố mọi người biết là gì?
Chính là khi chúng ta để cho chúng đứng một mình. Thiếu đi một trong hai yếu tố đó, hiệu quả thị giác đem lại sẽ khiến chúng ta nhận ra bản thân đã quen với sự đầy đủ đó ra sao. Nghe có vẻ giống một lời đe dọa. Nhưng thực ra mỗi thứ được tạo ra đều có sẵn trong mình một giá trị, một mục đích tồn tại nào đó. Không phải sao?

Chữ viết là một ẩn dụ
Tuy nhiên, không phải lúc nào chữ viết, văn bản cũng cần phải gắn liền với hình ảnh, vì tự thân chúng đã là một dạng hình ảnh. Và kể cả khi bản thân chúng đã là một dạng hình ảnh trọn vẹn thì không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng quá để tâm đến việc thiết kế nét chữ đẹp xấu ra sao. Lúc này, ý tưởng phía sau mới thực là thứ quyết định tất cả, tạo nên nhiều sắc thái mỉa mai, ẩn dụ, và tâm trạng khác nhau. Tác phẩm dưới đây là một ví dụ.
Thông qua những ví dụ mà nó đã kể ra ở trên, mọi người có thể thấy rằng chữ viết, văn bản trong các tác phẩm thường được các nghệ sĩ vận dụng bằng cách kết hợp nhiều vai trò khác nhau. Người nghệ sĩ khi đặt chữ viết vào trong tác phẩm của mình cần phải quan tâm đến tất cả, từ cách mà chúng hiện lên hoặc mất đi, thông tin sẽ được phát đi như thế nào cùng với những ẩn dụ về góc nhìn, cảm xúc hay ý tưởng phía sau là gì. Tất cả những thứ đó kết hợp cùng nhau tạo nên một tác phẩm xuyên suốt và hoàn chỉnh.
Cuối cùng, tặng mọi người một vài tác phẩm của học sinh nó, không chỉ có chữ viết mà còn thứ ngôn ngữ kí hiệu tự sáng tác của riêng mình. Cô nhìn vào đọc thử không hiểu gì luôn.
Mong là sau khi đọc xong bài viết này mọi người có thể tự tạo ra cho mình một tác phẩm nào đó, có thể ở trong chính quyển nhật kí quen thuộc của mọi người chẳng hạn.
Cảm ơn chị Hạnh rất nhiềuuuu vì các bài blog nhé ✨🥰 chị hãy viết nhiều vào nha em thích đọc lắm ấy :))) thật sự giúp em rất nhìu luôn hehehe
ThíchThích